Chuồn chuồn sinh ra trên mặt nước. Hầu hết thời gian sống của loài chuồn chuồn chủ yếu ở dạng ấu trùng. Đây là khoảng thời gian lâu nhất trong vòng đời của chúng. Khi chưa lột xác lên cạn, chúng sống khá lâu dưới nước hàng năm, mãi mới thành chú chuồn chuồn nhỏ xíu, bay lên cạn kiếm ăn. Người ta thường nói “chả ai biết cái tổ con chuồn chuồn” là thế.
Chuồn chuồn kim, chuồn chuồn ớt, chuồn chuồn ngô... là các loại chuồn chuồn quen thuộc. Sống ở nước lâu nhưng khi lên cạn, tuổi thọ của chuồn chuồn rất ngắn, khoảng vài ba tháng. Lũ chuồn chuồn còn có thói quen vừa bay vun vút vừa ngấu nghiến nhai con mồi bắt được. Mặt nước là cái nôi mà chuồn chuồn từ đó sinh ra, lớn lên và gắn bó. Lũ chuồn chuồn cái đến mùa đẻ trứng, thường chao liệng trên cao rồi sà xuống mặt nước, chạm nhẹ cái đuôi vào mặt hồ ao đang lăn tăn gợn sóng. Thời khắc chạm nước và đẻ trứng của chúng rất nhanh. Nếu không quan sát kỹ ta sẽ khó phát hiện ra chú chuồn chuồn nhỏ bé kia đã kịp thời “gửi” những quả trứng nhỏ li ti vào một mặt nước nào đó (thường là hồ ao).
Đây chính là cơ sở để tạo nên cấu trúc ngữ nghĩa của câu thành ngữ này. “Chuồn chuồn đạp nước” vốn dùng để chỉ những người có tác phong làm việc đại khái, qua loa, không chịu làm đến nơi đến chốn cái gì. Làm lấy lệ cốt cho nhanh, kiểu “giả nợ chúa Mường” hay giống như những anh chàng “Ngày thì mải miết rong chơi/ Tối lặn mặt trời mới đổ lúa ra xay” (xay dối xay giá cho xong). Tất nhiên kiểu làm ăn như vậy không ai cổ xúy và khuyến khích cả. Bạn học sinh nào mà lười nhác, mải chơi, học hành lớt phớt, không chịu đào sâu suy nghĩ thì có thể coi là “bạn thân” của các chú chuồn chuồn đạp nước kia đó:
Đừng theo mấy chú chuồn chuồn
Học hành tài tử mà buồn lắm thay...