link tải gowin99 mới nhất

Chuẩn bị ăn Tết

Đâu khoản ngày rằm tháng chạp là bắt đầu tuốt lá mai, nhà có 3, 4 cây gì đó không nhớ, trồng trong mấy chậu bự chảng, chỉ nhớ là Ba kêu anh em mình ra tuốt lá mai, mà đứa nào cũng làm biếng nên nói hổng phải khen chứ mình là thằng lãnh đủ công việc này, mà thôi khỏi nói rồi, lúc đầu còn siênga bẻ từng lá, một hồi mệt mệt canh lúc Ba không để ý là nắm một chùm lá mà bứt, rụng nụ tấm hết và thế nào cũng bị nghe chửi.

Nhớ có năm nào đó Ba mua cây mai vào ngày 30 tết, nụ và bông đầy, không hiểu sao sáng Mùng một nụ rụng đầy nhà và năm đó Ba làm ăn thất bát, do vậy ba dặn muốn chơi mai là phải trồng và chăm sóc trong năm, không mua cây mai vào cuối năm, sợ rụng bông thì rong cả năm.

mai-tet-1641690686.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Lúc mình còn đi làm có đối tác của cơ quan tặng mình một cây mai, họ bảo mình lên tận Bình Dương để chọn trong vườn mai của họ. Mình làm biếng, bảo họ lấy cây nào cũng được rồi chở xuống cho mình, họ không chịu, bảo mình phải tự chọn vì sợ đưa nhằm cây về bị rụng bông, héo cành thì lại trách họ. Họ bảo mai là phải tự mình chọn, không ai chọn mai (cùng âm với may mắn) cho người khác. Đúng thật.

Tiếp đó là đánh bóng đồ đồng.

Ngày xưa mua dầu đánh bóng (mình nhớ hiệu là Mirror) về anh em tự làm, đâu có mang ra tiệm thuê đánh như bây giờ, mà tự đánh như vậy hình như nó sáng bền hơn thuê đánh bóng.

Đánh bóng bộ lư vời chân đèn, các chân đồng của bộ ghế sa lông, mấy cái vỏ đạn cối bằng đồng to tổ chảng (hình như là pháo 125 ly, mình còn giữ một cái đến bây giờ, dùng làm đồ gạt tàn thuốc, gạt tám năm rồi chưa đầy, ha ha). Tha thuốc đánh bóng vào, lấy nùi giẽ chà sát mạnh tay cho ra ten xanh um, xong mang ra phơi nắng một hồi rồi mới mang vào lấy nùi giẽ khô đánh lại cho sáng bóng.

Bộ đồ ăn trầu của Bà Nội đánh cái gì thì đánh chứ cái cối giả trầu là Bà Nội dứt khoác không cho đánh vì sau khi đánh xong nó có mùi dầu đánh bóng…ăn mất ngon.

Mệt nhất là khâu dọn dẹp sau khi đánh bóng xong, dầu bóng dây ra đầy nền gạch bông, nùi giẽ đánh bóng thì vứt đầy và dĩ nhiên khâu dọn dẹp này là mình bị đì phải làm, đến giờ vẫn còn tức mấy cha ỷ làm anh lớn ăn hiếp em nhỏ.

Một công việc nữa là hái dừa khô để chuẩn bị gói bánh, công việc này thì một mình mình làm, chưa bao giờ thấy các ông anh mình làm vì Bà Nội không vừa ý.

Còn gì nữa, kiếm đâu ra thằng nhỏ ở Sài Gòn mà nhìn trái trên cây là biết lựa trái dừa nào già, dầy cui để hái xuống mà nạo thắng nước cốt dừa.

Nhà có ba cây dừa sai trái, đâu có dám leo, mà ba cũng đâu cho leo, chỉ đứng trên nóc nhà rồi lấy cây có móc sắt mà khèo cho nó rụng. Hái xuống thì bỏ trong gầm giường vài bữa cho nó khô vỏ mới dễ lột.

Lột vỏ dừa, lấy sóng dao đập một phát thật mạnh cho nứt làm hai rồi tách ra lấy nước kho cá kho thịt. Thích nhất là có trái quá già đã bắt đầu mọc mầm (gọi là mộng dừa), cái mộng dừa ăn vừa ngọt, vừa mềm, vừa béo và đương nhiên do mình có công lột dừa nên được đặc quyền phân phối mộng dừa (nếu có) cho mấy đứa em, uy ra phết.

Hồi đó nạo dừa bằng cái bàn nạo, đâu có mang ra chợ thuê máy nạo dừa bao giờ. Cái bàn nạo bằng thép dài dộ 40 phân, một đầu có bàn nạo hình vành khuyên nhô ra mấy cái răng tua tủa xếp tròn chung quanh, nạo không khéo đứt tay như chơi. Ngồi lấy một chân đè lên bàn nạo, dồn sức nặng cơ thể đè lên để giữ bàn nạo rồi lấy hai tay cầm cái gáo dừa mà nạo nghe sột sột. Sau này không nạo nữa mà cái bàn nạo thì dọn tới dọn lui mất tiêu đâu hồi nào không biết nữa.

Nạo dừa để làm nhưn khác với nạo dừa để vắt nước cốt dừa nhen. Nạo dừa để làm nhưn tthì chỉ nạo hết cơm dừa, không nạo đến phần vỏ nâu nâu sát với gáo dừa, để làm nhưn cho nó trắng đẹp. Còn nạo dừa để vắt nước cốt dừa thì phải nạo cho bằng hết cơm dừa kể cả phần sát gáo dừa, quăng cái gáo dừa xuống đất, con chó đến hửi hửi rồi bỏ chạy luôn, vừa chạy vừa chửi : “Còn cái con mẹ gì để ăn”.

Xào nấu để làm nhưn dừa cho bánh ít như thế nào thì mình không biết, còn cái khoản vắt nước cốt dừa thì mình rành. Cho cơm dừa vừa nạo vào thau, chế nước sôi vào, trộn đều và bóp thật mạnh cho ra nước cốt dừa, trời ạ nước nóng thêm phải bóp mạnh nên làm đỏ cả tay, bóp một hồi thì thêm nước ấm vào, bóp thêm lúc nữa thì bắt đầu vắt vào miếng vải mùng để lược xác dừa, vắt lần đầu là nước cốt, sau đó thêm nước ấm vào, bóp thêm một lúc rồi vắt lần 2 là nước dão. Sử dụng nước cốt dừa để xào nấu làm bánh như thế nào thì mình cũng không biết, chì biết Bà Nội chừa ra một phần nước cốt dừa để nấu lấy dầu dừa, chả có khó khăn gì, chỉ cho vào chão bắt lên bếp và đun sôi liên tục, thấy Bà Nội bỏ thêm vào một vài lá trầu, không biết để làm gì chắc là để cho thơm thôi, phải khuấy liền tay khi đun và đó chính là nhiệm vụ của mình. Đun sôi hồi lâu thì nước cốt dừa bắt đầu cô lại, gọi là “bồng con”, đun hồi nữa thì ra dầu dừa.

Khi đã thành dầu dừa rồi thì trong chão còn lại các chất kết tinh vón lại thành từng cục nho nhỏ, mới đầu màu nâu nghệ, quá lửa chút thì bắt đầu sậm màu mà để lâu quá thì cháy đen thui, giờ già rồi mình vẫn chưa biết tên “pha học” của nó là gì, chỉ biết gọi tên dân dã là “Cứt dừa”. Thường thì khi các cục “cứt dừa” này bằt đầu chuyển sang màu nâu nâu thì Bà Nội bắc chão xuống và để nguội, sau khi chắt dầu dừa ra cho vào keo đem cất thì mấy cục “cứt dừa” này đương nhiên mình được hưởng và cũng đương nhiên được quyền phân phối cho các em. Phải nói là mấy cục “cứt dừa” này có vị lạ lùng đặc trưng, bỏ vào miệng ngậm phát trước khi nhai để mà tận hưởng mùi vị vừa thơm, vừa béo. Mấy đứa nhỏ thời @ làm sao được thưởng thức món này. Chả hiểu sao mấy vị làm kẹo dừa xứ Bến Tre không pha trộn một ít “cứt dừa” này vào cục kẹo dừa, đảm bảo kẹo sẽ ngon mê ly.

Nhưng mà chuyện nạo dừa này gần tết mới làm, hãy tạm gác qua bên vì trước đó cần phải làm bột để gói bánh cái đã.

Gạo nếp dĩ nhiên đã được Má lựa mua trước đó thật ngon, có khi từ Long An gởi lên cho Nội. Nếp được ngâm qua đêm cho nở rồi cho vào cối đá xay thành bột, cái việc xay bột nếp này mỏi tay phải biết. Bột nếp sau khi xay xong thì được cho vào bao vải bố trằng tinh sạch sẽ, gọi là “bao bồng bột”. Để bao bồng bột lên cái ghế cây rồi lấy phần trên của cái cối đá cộng thêm mấy cục đá xanh to tổ chảng dằn lên để cho nước trong bao bột chảy ra hết, sáng hôm sau thì bao bột đã ráo nước, mở bao ra ngắt từng cục bột nếp nho nhỏ cở con cờ tướng rồi để lên nia và mang phơi nắng. Sân nhà thì bóng cây che phủ không đủ nắng nên phải phơi trên nóc nhà và nhiệm vụ bắt thang leo lên nóc nhà để phơi bột là nhiệm vụ của ta đây chứ ai. Bột khô cứng rồi thì cho vào bao ny lông mang cất chờ ngày làm bánh ít.

Tới ngày làm bánh, thường thì mình nhớ là 28 hoặc 29 Tết, mang bột ra bỏ vào thau và chế nước sôi còn âm ấm vào để nhồi bột, công việc cần sức khỏe này thì cũng chính là ta đây chứ ai. Bột làm bánh ít nhưn dừa thì chỉ nhồi với nước ấm, bột làm bánh ít nhưng đậu thì phải ngọt nên cho thêm nước đường vào, mình thấy Má đun nước đường bằng đường tán (hay đường thẻ) có cho vào mấy củ gừng nướng sơ đập dập cho thơm. Nhồi bột lúc đầu thì dính đầy tay, nhồi đến khi nào bột không còn dính tay nữa là được.

Nhưn dừa hay nhưn đậu được má và các chị xào nấu theo công thức như thế nào thì mình không biết, nhưng quá trình xào nấu nhưn phải trộn khuấy đều tay thì cũng chính là việc của mình. Khi nhưn chín rồi thì Bà nội, Má và các Chị vo lại thành từng viên lớn hơn trái banh bàn chút đỉnh để chuẩn bị gói bánh. Phần nhưn dừa hay nhưn đậu cháy xém còn dính ở đáy nồi mới là….thần thánh. Lấy muỗng cạo sột sột một hồi rồi vét cho vào ly, đập nước đá vào thì thành ly chè ngon phải nói. Cái của rơi rớt này thì nhiều nên mình cũng chả thèm giành đặc quyền phân phối làm gì, mấy anh em thế nào cũng có mỗi đứa một ly mà nhấm nháp. Đã, đã phải nói lên.

Lá chuối để gói bánh cũng đã được má đặt mua rồi. Đem về rửa cho thật sạch rồi phơi cho ráo nước, xé bỏ cho hết phần sóng lá rồi phân loại lớn nhỏ để gói bánh tét hoặc bánh ít. Lá để gói bánh ít thì sau khi chọn lựa và xếp thành nhiều lớp phải mang ra gianh cho tròn vành để gói bánh cho đẹp, việc gianh rìa lá này cũng lại là mình chứ ai. Mà công việc này chẵng sơ múi được gì cả, ai lại đi giành lá chuối dư để làm gì.

Công đoạn gói bánh thì Bà Nội, Má và các Chị gói, mình chả biết làm gì, xách cái gối cũ mềm ra nằm đó mà xem gói bánh thôi. Bánh gói xong bắt đầu xếp vào nồi để nấu, mình cũng chả có nhiệm vụ gì ngoài việc đi xách nước để chế vào nồi nấu. Nồi nấu bánh được đặt ngoài sân kê trên mấy cục gạch ống để nấu bằng củi. Lão nào viết nhạc bảo đêm ba mươi thức canh nồi bánh để đón giao thừa, mình e là nói láo, bánh nấu chín vào chiều 29 Tết rồi, vớt ra phơi trên giàn cho ráo nước, vỗ lại cho đẹp để 30 tết còn đi biếu láng giềng và dọn dẹp đón Tết chứ, nấu suốt đêm 30 rồi sáng mùng một dọn dẹp à, sai sai sao ấy.

Thích nhứt là công đoạn mang bánh đi biếu hàng xóm làng giềng, việc này thì mình và nhỏ em gái mình tranh nhau mà đi biếu, chả gì, đến biếu hàng xóm láng giềng “Nội con biếu Ông/Bà/Bác/Chú/Thiếm/Cô/Dì ít bánh nhà nấu ăn lấy thảo” thì thế nào cũng được lại quả cho cái phong bao lì xì, thu nhập khấm khá thấy rõ.

Mình nhớ có một năm đó, hình như cỡ 85, 86 thế kỷ trước, mình đang cày ruộng trên đồng Mộc Hóa - Long An thì có thằng nhỏ chạy lon ton theo máy cày, vừa chạy vừa cắn miếng bánh tét tay miệng dính đầy mở bóng lưỡng, dòm ngon ơi là ngon. Dừng xe lại mình nói với nó “Vào lấy cho tao khoanh bánh tét tao cho leo lên mày cày ngồi chơi”. Trời ạ, ngồi máy cày nó sốc phát khiếp, vậy mà mấy đứa nhỏ mê lắm. Thế là thằng nhỏ chạy vào nhà một hồi mang ra cho mình khoanh bánh tét, dĩ nhiên là giữ lời hứa đỡ cho nó lên ngồi máy cày chạy một vòng vọng dí. Khi chạy gần đến bờ hè thì thấy mẹ nó bưng một rỗ bánh tét đi ra, bà nói “Tính mang biếu mấy chú lái máy cày vài đòn ăn cho vui, ai dè thằng nhỏ biếu trước một khoanh rồi”. Mắc cỡ gần chết, cầm bằng bà nói mình dụ con nít, nhưng mà thôi, được bữa ăn bánh tét đã cái miệng.

Nồi thịt kho tàu Má nấu như thế nào mình cũng không rành, chỉ biết bí quyết là phải cho vào một hoặc hai chai nước ngọt (nước cam) hiệu Con cọp hay Phương Toàn thì màu nước mới nâu nâu cánh gián tuyệt đẹp. Mà nhớ nhà mình nấu thịt kho tàu bằng thịt ba rọi, không nấu bằng thịt đùi như bây giờ, lại có thêm cá lóc vào nữa chứ.

Cục thịt hoặc khứa cá được cắt to gấp đôi cườm tay người lớn, sau khi tẩm ướp đầy đủ thì lấy dây cói (loại để dệt chiếu ấy) buộc chặt lại mới đem đi kho, làm vậy thì nồi thịt hâm tới hâm lui cũng không rã mấy cục thịt và khứa cá, gấp lên một cục đã đầy cái dĩa rồi.

Nói nhỏ cho mà nghe nè, lấy cục thịt có nhiều mở, thẻo miếng cá lóc, bỏ vô chén, chan tý nước thịt kho rồi lấy đủa quết nát ra, thêm vào một xíu…..mắm ruốc Bà giáo Thảo, xong quệt vào bánh mì nóng mà quất thì ngon không gì bằng, quên, cho thêm tý ớt tỏi bằm cho cay cay mới đã. Thử đi.

Nhớ Chú Tư của mình, mùng hai Tết cả gia đình chú cùng với gia đình Cô Ba về mừng tuồi Nội và Ba má xong thì ăn cơm trưa cùng gia đình mình. Chú nói “Cục thịt chị Hai (tức má mình) kho lấy đủa đụng vào nó run run đến chiều chưa dứt”, ý nói là cục thịt kho mềm rục, bỏ vô miệng múc một phát là béo ngậy, mặn ngọt vừa đủ, không cần phải nhai mà chỉ ngậm để tận hưởng mùi vị. Năm nào cũng vậy, mùng hai là chú đưa cả gia đình về nhà mình từ sáng sớm. Sau khi Ba và Bà Nội mình mất thì Chú buồn hay sao mà mùng hai tết Chú về trễ hơn và lại có mùi rượu trước rồi, vừa bước vào cửa là đã ôm lấy má mình mà hát “Nếu em không về chắc chị buồn lắm”. Bây giờ thì cả má mình và cả Chú thím tư cùng nhau đã về gặp Bà Nội với Ba ở cõi trên rồi.

Bây giờ nói đến dưa giá. Nội làm dưa giá trong cái diệm (giống như cái thau nhưng sâu đáy hơn và làm bằng sành tráng men da lươn). Giá rửa sạch và loại bỏ hết các vỏ đậu, hẹ lặt thật kỹ, gừng gọt sạch thái chỉ, cho vào diệm, công thức pha nước ngâm dưa giá như thế nào mình cũng không biết. Sau khi cho vào diệm hết thì Nội lấy lá chuối rửa sạch úp lên mặt diệm, lấy mấy thanh tre chẻ gài vào cho chặt rồi phủ vải mùng lên trên. Suốt mấy ngày Tết chì duy nhất có mình Nội là được đụng vào diệm dưa giá, muốn ăn thì Nội gấp ra cho, tuyệt không ai được phép đụng vào. Bởi vậy mà cọng dưa giá dòn tan, không hề nhũn mềm, ăn đến hết rồi mà nước ngâm trong diệm không hề bị đục hay lên váng trắng. Dưa giá vớt ra ngâm vào trong nước thịt kho tàu cùng với ít ớt bầm, trộn cho thấm,  xong g6áp cho vào chén kèm thêm miếng thịt kho, và một bụm cơm mà nhai thì ôi thôi, nhức hết cả….nách.

Lại nói cái món ớt bầm các chị làm để ăn với thịt kho hoặc củ cải ngâm mặn, công phu lắm nha. Ớt phải là ớt sừng trâu cho độ cay vừa phải thôi nhưng mà phải có đệm thêm một số ớt hiểm để tăng tthêm độ cay. Tất cả đều được cắt dọc thân trái để lấy bỏ hết hột. Sau đó đem bằm cùng với tỏi cho nhuyển mới bỏ vô hủ thủy tinh rồi chế nước vào ngâm. Bằm ớt thì phải đeo găng tay vào để không bị ớt văng vào nóng tay, cẩn thận coi chừng văng vô mắt nữa. Nước ngâm ớt được pha chế như thế nào thì đi mà hỏi các bà Chị của mình, mình không biết.

Mệt rồi, nghỉ, vài bữa nữa kể tiếp chuyện làm, bánh ngọt, chuyện đốt pháo và lì xì, vui lắm.

Theo Chuyện quê