Cái bụng Mị rừng rực như bếp lò lúc đượm lửa. Cả tuần nay, chiều nào đi nương về Mị cũng dừng lại dưới lũng lấy lá thơm về gội đầu. Chợ tình cả năm mới có một đêm. Mị đã thêu xong những mũi kim cuối cùng cho chiếc áo mới từ hai tháng trước. Mị cười, sợi lanh như chùng lại…
Bên ngoài, tiếng ngáy của chồng Mị vẫn đều đều nặng nề. Mị gặp lại Giàng A Páo trong một buổi chiều muộn tháng năm. Khi Páo về lại bản sau nhiều năm cái chân quên lối. Tối ấy Mị đang gùi quẩy tấu ngô lên dốc khi ánh trăng mùng bảy nhờ nhờ như sương. Bỗng thấy nhẹ hẫng đằng sau:
- Mị à! Đi tối mà gùi nặng thế? Không sợ vấp ngã à? Đưa tôi giúp cho.
- Páo! Là Páo à? Nhiều năm thế rồi cái chân mày vẫn nhớ đường về bản à?
- Không cần đâu! Tôi gùi được mà! Tôi quen rồi, qua một con dốc nữa là về nhà thôi!
Mị bước phăm phăm, bắp chân quấn xà cạp như muốn bung ra, nhức nhối…
- Ba mươi năm mà cái chân Páo còn nhớ đường về bản à?
- Nhớ chứ! Nhớ cả ngày Mị mười lăm tuổi.
Páo đã lẽo đẽo theo bao nhiêu phiên chợ. Con mắt đã nhìn nhau, cái bụng đã ưng nhau. Nhà Páo nhiều dê lắm, hàng ngày Páo đuổi lũ dê lên núi ăn cỏ. Một buổi chợ phiên, Mị mặc áo mới. Mị rủ Páo đi cùng, vì sợ lũ dê đói Páo đã không đi. Mị bị thằng Sáng A Sềnh, nhà trên tận Xín Mần bắt về làm vợ. Mị ngồi xuống, mấy thằng nữa kéo tay, Mị lăn ra, đứa bạn gái đi cùng buông tay Mị, cái áo mới thấm nước mắt. Sáng A Sềnh nhấc Mị lên ngựa, một thằng ngồi sau giữ Mị. Sau ba đêm bị nhốt trong buồng Mị thành vợ thằng Sềnh. Mị trách Páo vì thương đàn dê hơn mình mà không thành chồng vợ. Páo thì trách Mị vì chê Páo nghèo mà về làm vợ người ta. Cái bụng không nghĩ tốt về nhau, tự dưng cái chân thành mỏi thôi…
- Mị à! Thằng chồng có tốt không?
- Chồng tôi có tên đấy! Nó tên là Sáng A Sềnh!
Ông Pó bà mế đã có lần nhờ người sang hỏi Mị cho Páo.
- Cái hạt giống bên này còn non quá, về bên ấy phải chăm bón nhiều! Cái đất bên ấy nhiều đá quá! Hạt giống non thế không nảy mầm được! Không dám chia cho bên ấy đâu!
Pó, mế từ chối lời ông mối chưa được một mùa trăng thì Mị lấy chồng… Mị khóc nấc lên, tiếng khóc vỡ ra, như bao ngô khô bị rạch một đường… Sau đó Páo đi vào tận Đắk Lắk cùng mười một nhà nữa. Cái giấy của người ở xa về dán ở cửa ủy ban còn mạnh hơn cái Lá bùa dán trước cửa nhà thầy cúng.
Páo đi nương về, chống cuốc, đọc cái giấy ấy bằng thời gian người leo hai con dốc, đọc một lần, mà đi mãi đến bây giờ mới nhớ bản mà quay về. Nghe Páo nói, xa bằng nhiều lần đi từ nhà xuống chợ phiên, xa hơn nhiều cuộn lanh hàng đêm Mị vẫn se… Đêm hai mươi bảy tháng ba mình gặp nhau nhé! Anh sẽ tìm em.
- Cái miệng mày biết nói ngọt từ bao giờ thế? Đi xa thế có được không? cái chân có mỏi không?
Mị bối rối, quẩy tấu như bị ai kéo lại, nặng trĩu… Mị đi như chạy, tiếng thở quặn lên trong tối hun hút gió. Ngôi nhà của Mị nằm trên cao, già nua, cũ kỹ và nhỏ nhoi, lớp đất trình tường có chỗ đã mỏng đi. Bếp lửa râm rỉ cháy quanh năm, máng dẫn nước từ trên vách đá xuống chảy đầy miệng ang, tràn cả ra ngoài, hòn đá kê chân mang phủ một lớp rêu nâu xỉn.
- Về muộn thế à? Ăn thôi! Cái bụng tôi đói rồi.
Sáng A Sềnh nhắc đến lần thứ hai mà Mị vẫn im lặng. Mị đang nghĩ đến Páo. Páo hiền như con nai, mà hay cười, cái cười như ánh nắng lúc sớm. Páo xuống chợ khi thì mua dao, lúc mua muối, mua dầu cho mế. Mị xuống chợ khi thì bán rượu, lúc mua chỉ thêu, có khi bán một bó lá chuối, cũng đi. Đi để được nhìn thấy nhau thôi…
Páo cưỡi con ngựa tía. Chân dài, ngực thon, ức nở, bờm mượt như nhung. Páo rạp người, ôm bờm con ngựa mà lao trên dốc đá chênh vênh. Khiến những đứa gái mê tít.. Mị mặc áo mới, Mị thấy mình đẹp, mà có lẽ Mị đẹp thật, Mị đứng đâu là bóng áo chàm của những thằng trai đứng đó. Những ánh mắt ấy đi qua, còn quay lại nhìn Mị. Páo chỉ biết chăn dê, Páo không có cục tiền dắt trong cạp quần, kệ! Mị cứ thích. Con trai mà tiếng khèn nhẹ như gió ấy, cái cười như nắng ấy. Đứa gái nào lấy nó thì làm vợ chung với những đứa gái khác thôi!
Ấy là người già nói thế!
Kệ! Mị cứ thích! Thì biết làm sao?
Mị đã để Páo vừa nắm tay vừa hát:
Em đồ xôi, hạt xôi thêm dẻo
Em nướng ớt, ớt thơm mùi đĩa chéo
Em động vào, khung cửi nở thành hoa
Em ném tấm, hoá đàn gà
Em vung chày, hoá ra gạo trắng
Em động cỏ, cỏ chết nắng
Em vuốt lúa, bụi lúa ra bông
Sáng vòng bạc, khéo cả ôm chồng.
Những câu hát ấy đã bỏ Mị đi ba mươi năm…
Đưa tay hứng dòng nước từ khe núi theo máng vầu chảy về. Mị ngửa mặt, tận hưởng cảm giác hồn nhiên thời con gái. Mặc kệ những giọt li ti quấn quýt quanh mặt, hai cánh tay, mơn man cả khuôn ngực căng tràn, nhưng nhức. Khuôn ngực mà từ khi Sáng A Sềnh làm thầy cúng thì không động vào nữa. Từ sau buổi gặp Páo, Mị chọn những bắp ngô mum múp, tẽ đầy mấy quẩy tấu, phơi già, Mị lên rừng lấy lá Mi về ủ men. Nấu rượu để mang xuống chợ Khâu vai bán trong ngày hai mươi bảy tháng ba. Nghĩ tới lúc gặp Páo, mặt Mị nóng như thứ rượu ngô vừa đưa qua mũi đã say. Kim thêu đi vài đường đã nhầm, đâm cả ngón tay.
Những ngày lên nương dốc, đá răm nhoi nhói gót chân, sáng Mị gùi nắng lên nương, tối Mị gùi trăng về bản. Nhưng chỗ nào Mị cũng thấy bóng Páo như một sự bù đắp dịu dàng… Sáng ngày hai mươi bảy. Mị dậy sớm. Cho can rượu ngô vào quẩy tấu. Dưới đáy là một bộ áo mới thêu, còn thơm mùi vải.
- Tối không về chứ? Ông chồng Mị ngẩng lên. Ánh mắt chứa sự bao dung…
- Xuống chợ đi, ông chồng à! Sáng A Sềnh lắc đầu.
Những năm trước còn đi mà! Mỗi lần Sáng A Sềnh đi chợ tình, Mị thường dậy sớm, chuẩn bị mèn mén và rượu cho chồng mang theo, đủ ăn đến ngày hôm sau. Mị chưa bao giờ hỏi người mà hàng năm chồng mình gặp là ai. Sáng A Sềnh sáng nay cũng dậy sớm, không phải đi chợ cùng Mị mà đưa cho vợ một ít tiền, nói không cần mang rượu đi bán nữa. Mị nhìn chồng, biết ơn. Chồng Mị đẩy nhẹ quẩy tấu.
- Đi đi! Tôi sang nhà ông chú, bên ấy bà thím cũng đi chợ rồi.
- Mị à! Đi chậm thôi nhé! Có ngã thì thằng Giàng Páo không theo về mà chăm cái chân đau đâu!
Mị cười, ánh lửa làm má Mị đỏ lên rờ rỡ. Ngọn đuốc soi rõ từng viên đá răm. Tiếng gà gáy thật gần, tiếng gáy chưa tròn, Mị đoán là một chú trống choai, cặp cánh ngắn cũn cỡn, cái cổ trụi, đỏ au, đôi chân vập vạp, ngốc nghếch, cái mào nhu nhú. Đi một lúc thì tiếng gà báo sáng rộn lên. Đến chợ, trời đã sáng rõ. Mị đặt quẩy tấu xuống. Đi chợ tình, mang rượu để uống với nhau. Uống không phải để say, chỉ để dám nói ra cái điều mình nghĩ. Uống rồi quên trả tiền cũng được, uống mà trong túi chỉ có vài đồng, mang trả nhau cũng được.
Chẳng biết chợ tình có từ bao giờ. Chỉ nghe người già kể: Chàng Ba và nàng Út yêu nhau. Chàng Ba là người Nùng, nàng Út là con tộc trưởng Mường. Họ yêu nhau, nhưng vì mâu thuẫn giữa hai dòng tộc, nên bị ngăn cấm. Họ chia tay vào ngày hai mươi bảy tháng ba. Về sau ngày này được chọn là ngày họp chợ tình. Một ngày đêm duy nhất trong năm. Để những người lúc trẻ yêu nhau, nhưng vì lý do nào đó mà không thành vợ thành chồng. Đến ngày này hàng năm đến tìm lại bạn tình ngày xưa. Kể cho nhau nghe về cuộc sống, về gia cảnh, động viên nhau sống tốt. Không bao giờ nói xấu bạn đời của mình. Vợ hay chồng đều có bạn tình và sự tôn trọng nhau tuyệt đối. Những thân mật quá giới hạn đều làm nửa kia thấy bị xúc phạm và những năm sau sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa.
Từng tốp người, quần áo rực rỡ đủ màu. Người Tày hát sli, người H Mông múa khèn, người Nùng, người Thái hát then. Nắng hắt xuống biển người rực rỡ. Bao nhiêu con ngựa buộc vào gốc cây, Mị không đếm được. Mị chưa thấy Páo. Chiều chậm chạp đổ xuống từng vạt núi vàng sậm. Những cánh rừng mướt óng phía xa. Mị vẫn chưa thấy Páo. Gió trườn lên triền núi, từng cơn quấn theo mùi khói bếp, những căn nhà bàng bạc đang bị bóng tối nuốt chầm chậm.
Mị vẫn chờ Páo. Mị dựa lưng vào gốc sa mộc. Nước mắt rơi vào ngực áo mới. Từng cặp líu ríu đi ngang trước mặt, bỏ lại mùi ngai ngái của núi, của cây của vạt áo chàm thơm.. Đuốc đã hết dầu, đôi chân mỏi, phải ngủ lại gốc sa mộc này thôi. Lời người đàn ông như mũi tên rời nỏ. Bắn ra rồi biết tìm ở đâu?
- Mị à!
Páo ào đến, là Páo! Như cơn gió, như bếp lửa rừng rực lúc đượm củi. Mị bối rối, má ửng lên, nóng ran Mị chờ Páo đã lâu lắm! Như cây cỏ non bị lửa táp rồi. Cái giận sắp lấy đi hết cái thương rồi! Nhưng nhìn nụ cười như nắng tỏa buổi sáng. Cái giận lại chốn đâu mất, tay Mị như thừa ra. Cả hai cùng im lặng, nhìn vào khoảng tối đang chậm chạp đổ xuống. Páo ôm lấy bờ vai đang khẽ rung lên của Mị. Páo vẫn thế, bối rối và cuống quýt khi Mị khóc. Dưới gốc sa mộc, tóc Mị toả mùi dịu nhẹ. Vòng tay Páo siết chặt Mị hơn, chặt đến nỗi Mị thấy mặt mình áp sát vào khuôn ngực vâm vấp. Gió im lặng, Mị nghe cả tiếng trống ngực Páo đang gấp gáp như trống đánh qua bức tường trình dày cộp nhà Mị. Páo đưa bàn tay gầy có những vết chai sạn của Mị lên mặt, nhắm mắt lại, ngửa cổ, cố gắng nuốt cái xót xa vào tận đáy lòng. Cả hai cùng im lặng, cho đến khi Mị ngồi xuống, dựa lưng vào gốc sa mộc. Ngực Mị cũng thình thịch như trống đánh trong chăn, các mạch máu căng nhức như muốn vỡ ra. Mị cũng muốn nó vỡ ra để bớt cảm giác khó thở.
Trước mặt Mị là Páo. Người mà Mị yêu thương.. Nhưng cảm giác lúc này, khác xa với những khao khát mà Mị cho là xấu xa. Cảm giác mà Mị chưa gặp bao giờ. Vui như khi tra xong một nương ngô rộng à? Không phải! Hay vui như vừa thêu xong một cái áo mới? Cũng không phải. Kệ! Mị không biết nói thế nào đâu! Mị lặng im nghe Páo kể về người vợ hết mực yêu thương Páo. Mị cũng kể tốt về Sáng A Sềnh. Mị không kể từ khi Sềnh làm thầy Cúng thì không thương Mị nhiều nữa. Páo siết chặt Mị hơn. Tay Páo chạm vào nút áo ngang hông Mị. Páo muốn gì à? Tiếng gió không át được tiếng thở hào hển khẽ rung lên trong khuôn ngực vạm vỡ dưới lớp áo còn thơm mùi chàm. Mị nấc lên, mặc kệ tiếng khóc vỡ ra
- Páo sai rồi! Páo xin lỗi… Páo lại cuống quýt…
- Páo đừng để Mị coi Páo như con thú hoang, đừng như viên đá trắng ngả màu nâu, đừng như hòn cuội cuối dòng…
Sáng. Páo đã đi, Páo sợ Mị lại khóc. Páo đi khi Mị còn say ngủ, Páo cẩn thận đắp chiếc áo chàm mới ngang chân Mị. Sang năm, ngày này Páo sẽ trở lại. Lời người Mông như dao chém cột nhà. Mị ngồi dựa lưng vào quẩy tấu. Dưới chân đám cỏ bị đè suốt đêm đang vươn dậy. Mị men theo con dốc với cái đầu nhẹ tênh. Mặt trời hắt ánh nắng đầu tiên trên con đường về với Sáng A Sềnh, mảnh như sợi lanh, đất hai bên đường mịn màng, tơi xốp, cỏ dưới lũng bắt đầu mơn mởn lũ dê kêu be be chạy tung tăng, làm vỡ những giọt sương mập ú…
Chuyện Làng quê