link tải gowin99 mới nhất

Chiến đấu trong lòng đất

du-kich-cu-chi-1654170655.jfif
Nữ du kích Củ chi

 

          Trên 200km đường hầm trong lòng đất, mang chiều sâu thăm thẳm của lòng căm thù, ý chí kiên cường, bất khuất và khát vọng độc lập, tự do của vùng "đất thép", địa đạo Củ Chi đã khắc vào lòng đất một kỳ tích của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nói đến địa đạo Củ Chi - thành phố Hồ Chí Minh, là nói đến địa danh bất khuất, kiên trung của người dân và mảnh đất nơi đây. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân Củ Chi, một lòng, một dạ theo Đảng, bám đất, giữ làng, sáng tạo trong chiến đấu và lập nên những trang huyền thoại kỳ vĩ của thế kỷ XX - với hệ thống đường hầm dọc ngang trong lòng đất.

Trong một chuyến công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi và mấy anh bạn đồng nghiệp được Nguyễn Thanh Hùng dẫn về quê ở Củ Chi chơi thăm nhà. Sau khi miền Nam giải phóng, Hùng là lính nghĩa vị được đơn vị cử ra Hà Nội học 3 năm cùng khóa với chúng tôi.Vốn là người đam mê về di tích lịch sử, tôi và mấy anh bạn rất háo hức dậy từ sáng sớm. Chúng tôi quyết định đi trên 2 chiếc xe máy Hon đa 67- màu đen để được tận mắt nhìn phong cảnh miền Nam. Ngày đó, đường sá không đông người như bây giờ. Thú thật, lần đầu tiên tôi được cơ quan cử vào Sài Gòn nên nhìn cái gì cũng lạ lẫm. Đến giờ trưa, gặp gỡ chúng tôi mấy anh em từ Bắc Kỳ vào, má của Hùng vui vẻ, phấn khởi ôm chầm từng người và tấm tắc khen:

- Các con của má còn trẻ lắm.

Má đã chuẩn bị sẵn mấy quả dừa mời chúng tôi. Giữa lúc đang khát nước, lại đi xe máy mệt mỏi, tôi ôm trái dừa uống ừng ực:

- Trời ! Giống dừa ở đây sao mà thơm và ngọt đến thế - Tôi nói với Hùng.

Ngồi một lúc cho đỡ mồ hôi, chốc chốc má quay chiếc quạt Điện cơ về phía chúng tôi rồi tâm sự :

- Má sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, năm nay dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng vẫn nhớ như in tên đất, tên làng, tên những hầm địa đạo ẩn khuất trong lòng đất Củ Chi.

Anh bạn tôi ôm mái mái hoa râm của márồi hỏi về di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Biết các con rất thích tìm hiểu truyền thống mảnh đất này, má vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa say sưa kể:

Những năm kháng chiến, đế quốc Mỹ luôn coi Củ Chi là địa bàn trọng điểm phía Tây Bắc - Sài Gòn nên chúng ra sức đánh phá ác liệt, nhưng chúng không ngờ rằng, những người dân nơi đây đã bền bỉ, mưu trí và dũng cảm đào hầm sâu trong lòng đất để bám làng, tránh sự truy kích của địch, đồng thời tấn công lại kẻ thù.Quân và dân Củ Chi đã hình thành “làng ngầm” trong lòng đất, với hệ thống đường hầm như mạng nhện. Những năm đó, phong trào đào địa đạo ở Củ Chi phát triển rầm rộ, khắp nơi, già trẻ, gái trai nô nức tham gia đào hầm đánh giặc. Riêng với má, đào địa đạo là niềm vinh dự và trách nhiệm, chờ đến ngày giải phóng miền Nam.

Nhìn về phía hàng cau và vườn tre trước sân nhà, lòng má lại trào lên cảm xúc mạnh mẽ, má nói rất hồn nhiên:

Dân trong làng cứ hết đi đấu tranh thì về lại tham gia đào địa đạo. Du kích thì bám vào dân, ban đêm thì đào theo đường, ban ngày đào địa đạo.Chỉ bằng những phương tiện, dụng cụ hết sức thô sơ như lưỡi cuốc, chiếc ki xúc đất đan bằng tre, nhưng với ý chí “một tấc không đi, một li không rời”, quân và dân Củ Chi đã tạo nên những công trình đường ngầm đồ sộ dọc ngang trong lòng đất, nối liền các xã ấp với nhau như một “làng ngầm” kỳ diệu.

Tôi hơi vội vàng một chút cắt ngang câu chuyện và hỏi má:

- Thế đất đào lên nhiều như thế thì chuyển đi đâu cho hết hả má?

Má cười, cho miếng trầu vào miệng rồi bằng cử chỉ như công việc đang diễn ra trước mặt mình:

Mọi người đào ở dưới, việc chuyển tải hàng vạn mét khối đất đem đi dấu ở một nơi khác để giữ bí mật địa đạo là chuyện vô cùng gian khổ, công phu.Đất đào đến đâu được đổ xuống hố bom ngập nước, đắp thành ụ như tổ mối, đổ ra ngoài ruộng, trồng hoa màu lên trên…chỉ một thời gian ngắn là mất dấu vết. Các gia đình ở khu vực “vành đai”, nhà nào cũng đào hầm hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc giữ làng. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi địa đạo là một pháo đài đánh giặc.Hệ thống địa đạo như “thiên la địa vọng” quanh co, khúc khuỷu, lúc lên, lúc xuống, thông suốt từ đầu đến cuối. Bề dày của nóc hầm có thể chịu được xe tăng 50 tấn và tất cả các loại đạn pháo. Trong địa đạo có những nơi hội họp rộng rãi, cấp cứu thương bệnh binh, giếng nước, bếp nấu Hoàng Cầm; tổ chức sinh hoạt văn hoá văn nghệ để làm tăng thêm nhiệt huyết, phục vụ đời sống và tinh thần của quân, dân Củ Chi trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

dia-dao-cu-chi-1654170283.jpg
Du khách tham quan địa đạo Củ Chi

Ông Nguyễn Văn Quyến - chú ruột của Hùng, người đã gắn bó cuộc đời mình với khói lửa địa đạo Củ Chi - khi nghe tin bạn của cháu từ Hà Nội vào đã mang sang cho chúng tôi một đĩa sắn luộc mùi thơm đậm đà quê hương cùng tiếp chuyện với má. Ông nhớ lại:

Thời gian chiến tranh, mọi người sống thoải mái, yêu thương và đùm bọc nhau. Bom nổ, chúng tôi vẫn đào hầm. Có những lần địch đi càn, chúng mang theo cả chó Béc giê, nhưng du kích đãmưu tríđánh trả, bẻ gãy từng đợt tấn công của chúng, sau đó lại xuống hầm cùng nhau ca hát... Kể đến đây, nước mắt ông cứ chảy giàn giụa, cổ họng như bị ứ nghẹn:

- Ba thằng Hùng trong một lần vận chuyển thương binh về hậu cứ bị địch phát hiện, chúng bắn chết dã man…Đêm đến, du kích mới đưa về dấu sau vườn nhà...Tui xin phép mấy chú thắp cho bác nén nhang, cầu mong linh hồn anh siêu thoát nơi chín suối...

Má Hùng còn kể lại cho chúng tôi nghe những ngày tháng chiến đấu gian khổ và ác liệt của quân và dân Củ Chi: Trên mặt đất không ngớt bom đạn cày xới, lửa khói mịt mù… ở trong lòng địa đạo trời tối đen như mực, không gian chật hẹp, đi lại rất khó khăn, phần lớn đi khom hoặc bò.Đường hầm có nơi ẩm ướt và ngột ngạt do thiếu dưỡng khí, ánh sáng (chủ yếu là đèn nến hoặc đèn pin). Mỗi khi có người ngất xỉu, phải đưa ra cửa hầm để hô hấp nhân tạo mới tỉnh lại. Vào mùa mưa, lòng đất lại phát sinh nhiều thứ côn trùng độc hại, nhiều nơi có cả rắn rết nguy hiểm… Đối với phụ nữ, sinh hoạt lại càng khó khăn hơn. Mỗi khi lên xuống qua miệng hầm phải giữ bí mật cho địa đạo. Chỉ một cành cây, cọng cỏ bị gãy, hay dính đất hoặc một chiếc lá bị rách khác thường cũng phải sửa lại để tránh địch phát hiện, tấn công.

Ông Quyến thấy chúng tôi rất chăm chú ngồi nghe, ông vê một điếu thuốc lá nhấp nhấp mấy hơi rồi kể tiếp:

Đánh bao nhiêu trận, những người du kích năm xưa giờ này không nhớ hết. Bom đạn Mỹ dội xuống Củ Chi và đế giày giặc xéo mỗi ngày, đánh trận nhiều hơn ăn cơm thì nhớ trận này, trận nọ làm gì. Suốt cuộc chiến hơn hai mươi năm trời ròng rã, quân và dân Củ Chi đã tiêu diệt hàng chục ngàn tên địch, nhưng tổn thất cũng không phải nhỏ. Máu nhuộm từng đoạn hào, từng khúc địa đạo. Các chiến sĩ du kích già lâu lâu ngồi lại với nhau chia sẻ: “Tuổi của tụi tui, anh em hi sinh hết rồi…”. Có người may mắn sống nhưng cũng đầy thương tích, sờ chỗ nào cũng thấy vết thương.Ông Quyến nói trong nỗi buồn vô hạn: “Căm thù giặc quá mà đánh đến chết mới thôi. Thấy bạn bè ngã xuống thì mình tiến lên. Cứ vài ba ngày thấy thiếu đi một đứa… nhiều hôm tụi nó bơm nước vào địa đạo, mình vui quá nói đùa với anh em lâu ngày được thằng Mỹ tắm cho - Sướng như Tiên”.

Hỏi ra mới biết ở Củ Chi, ai tuổi đời quãng 60 trở lên đều đã từng đào địa đạo, sống trong lòng địa đạo và hầu hết đều tham gia du kích. Họ không chỉ là chứng nhân lịch sử mà còn là những người làm nên lịch sử. Đến Củ Chi là gặp sự bình dị, sự bình dị lấp lánh - lịch sử oai hùng.Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Củ Chi là những mục tiêu trọng điểm đánh phá của kẻ địch, không một nóc nhà nào không bị cháy sém, bầu trời không còn tiếng chim kêu. Đầu năm 1966, khi Mỹ dùng sư đoàn bộ binh số 1 “Anh cả đỏ” thực hiện cuộc hành quân mang tên Crimp, càn quét, đánh phá vùng căn cứ, và tiếp theo, đưa sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” đến lập căn cứ Đồng Dù, liên tiếp mở các cuộc càn quét, đánh phá ác liệt lực lượng cách mạng nơi đây. Nhưng sự tàn ác của kẻ địch không thể khuất phục ý chí chiến đấu của quân và dân Củ Chi trong lòng đất. Bọn chúng đã tìm mọi cách như bơm nước vào địa đạo, dùng xe cơ giới phá địa đạo, gieo cỏ phá địa hình… để vô hiệu hoá “làng ngầm” Củ Chi, nhưng hoàn toàn bị thất bại nặng nề.

Buổi chiều Sài Gòn, chợt mưa rồi chợt nắng, “trời Sài Gòn xanh cao như quyến rủ”, đâu cũng thấy màu xanh. Củ Chi trong mắt chúng tôi sau chiến tranh là một làng quê thanh bình.Giờ đây nhiều nhà máy mọc lên trên những hầm hào, địa đạo ngày xưa. Ông Quyến chỉ toàn nói chuyện vườn cây, ao cá. Má Hùng giới thiệu tất cả tài sản trong nhà rồi nói: “Giải phóng xong, nhìn lại mới thấy mình không có gì ngoài mấy bụi tre với đoạn địa đạo dưới nền nhà. Vậy mà giờ cũng đủ sống. Ba đứa con mạnh khỏe!”.Giờ đây, Củ Chi đã trở thành điểm hẹn truyền thống của mọi thế hệ, là niềm kính phục của bạn bè thế giới. Ngày ngày, tại địa danh “đất thép thành đồng”, Củ Chi khói lửa đón hàng chục đoàn du khách trong và ngoài nước về thăm “Địa đạo” kỳ diệu.

          Như đã sắp đặt từ trước, chúng tôi được Hùng đưa đến khu di tích địa đạo Củ Chi. Đi bên cạnh cô hướng dẫn viên, người nhỏ nhắn, xinh xắn, đầu đội mũ tai bèo, trong trang phục bà ba đen, với giọng miền Nam nhỏ nhẹ, nói với chúng tôi: có nhiều Đoàn du khách đến đây tham quan nhưng cô rất ấn tượng với Đoàn của Ông Willham Cohen, đến từ Chicago (Mỹ). Ông ta nói: “Tôi thật sự ấn tượng về “làng ngầm” địa đạo, khâm phục trước sáng tạo độc đáo của quân và dân Việt Nam, các bạn rất thông minh khi nghĩ ra cách đào các địa đạo này. Tôi rất ngạc nhiên. Ở nước Mỹ, chúng tôi cũng sống dưới lòng đất, nhưng lớn, hiện đại hơn. Ở đây, người dân sống dưới đất là để tránh bom, mọi thứ đều nhỏ và rất tối tăm. Điều đó chứng tỏ khả năng, sức chịu đựng, sự cần cù, thông minh của người dân Việt Nam”.

Đạn bom của kẻ thù không làm quân và dân “đất thép Củ Chi” chùn bước. Những con người nơi đây đã xẻ đất và dựa vào lòng đất để sống và chiến đấu, “lấy gan vàng chọi với sắt thép”; không những đánh tan từng đợt tấn công dữ dội của đế quốc Mỹ, mà còn làm nên kỳ tích trong thế kỷ XX về huyền thoại của cuộc sống, chiến đấu trong lòng đất mẹ thân yêu./.