link tải gowin99 mới nhất

Chị tôi

Mấy tháng nay, hết Chỉ thị 15, 16 lại 16+. Thăm hỏi người thân, chỉ thông qua điện thoại. Bữa nọ, thấy tin nhắn của chị tôi: Nhà chị bị dương tính cả rồi, em ơi.
242733909-4555807067795510-2138917517597265206-n-1633148990.jpg
Ảnh minh họa

Đọc mà rụng rời chân tay. Các cháu nó còn trẻ lại nhanh nhẹn, không lo lắm. Sợ nhất là anh chị, tuổi cao lại có bệnh nền. Kiếm cớ đi khám bệnh để “thông chốt” và tiếp tế cho chị được một lần. Từ khi lên 16+, đành bó tay. Vào mạng tải hết các hướng dẫn xử lý khi mắc Covid19, gửi cho chị. Thế mà, vẫn đứng ngồi không yên; đành mở máy, viết vài dòng về chị, với mục đích duy nhất là cho... đỡ sốt ruột.

Chị sinh năm Kỷ Sửu, người ta bảo con gái tuổi trâu là khổ lắm; chẳng biết thực hư thế nào, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn thấy có nhiều chỗ đúng và không ít chỗ sai. Khi chị mới khoảng 14 – 15 tuổi, lúc ấy nhà tôi nghèo lắm (5 anh em cùng đi học, một mình mẹ lo cho 5 cái “tàu há mồm”, lại còn tiền học, tiền sách vở, tiền quần áo; như thế, không nghèo mới lạ). Tôi mới khoảng 6 – 7 tuổi mà sao vẫn nhớ như in 3 gam màu của những “nồi cơm” khi ấy. Bữa nào độn ngô thì cả nồi vàng rực; bữa nào độn khoai, vì không muốn (hay không thể) cạo vỏ nên có màu nâu. Chả hiểu sao khi nhìn những hạt cơm bám vào miếng khoai sắt khúc tôi cứ liên tưởng đến mấy con hàu bám vào những cục đá chắn sóng khi thủy triều rút xuống. Bữa nào hết ngô, hết khoai, phải độn chuối xanh thì ôi thôi cả nồi nhuộm một màu xám xịt, nhựa chuối không chỉ làm cho miếng chuối thâm đen mà vài hạt cơm bám vào nó cũng không thể giữ được màu trắng. Những bữa cơm như thế, bao giờ tôi cũng thấy chị ngồi trước, mà ngồi ở đầu nồi. Anh cả nhắc: Chờ mẹ vào mới được ăn. Nhưng thực ra chị đâu có ăn mà lựa những hạt cơm trên từng miếng chuối, miếng khoai thành một bát lưng lưng mà chị gọi là “cơm nguyên” cho thằng em út; chị bảo, ăn đi kẻo lại còi xương không lớn được. Mãi sau này tôi mới biết, tuổi có nguy cơ còi xương nhất chính là lúc con gái dậy thì mà không được ăn đủ chất. Cứ như thế, cho đến một hôm, chị vẫn ngồi đầu nồi nhưng không còn lựa “cơm nguyên” cho tôi nữa bởi có hạt nào đâu mà lựa, mọi người cứ cắm cúi ăn, chẳng ai nói câu nào, không gian như chùng hẳn xuống, lâu lâu chị nhìn tôi, hình như chị muốn nói với tôi hay muốn gắp cho tôi một miếng gì đó; nhưng biết nói gì khi tôi còn quá nhỏ; gắp gì khi trên mâm chỉ duy nhất đĩa muối vừng. Mãi rồi chị cũng nói được một câu nhưng không phải với tôi mà là với mẹ: Từ mai cho con thôi học để đi làm. Như người phải bỏng, mẹ tôi giãy nảy lên: Con đừng nghĩ quẩn, đói cũng phải cố mà học, nếu muốn thoát khỏi kiếp nghèo. Lần đầu tiên tôi thấy chị cãi mẹ: Có mẹ nghĩ quẩn thì có, cứ thế này làm sao con học được, không chừng cả 5 đứa học hành đều dở dang vì đói thôi mẹ ạ. Câu nói như một gáo nước lạnh dội vào giấc mơ đang cháy bỏng của mẹ. Nhưng cũng chính câu nói ấy đã kéo mẹ về với thực tại. Tôi thấy mẹ bần thần vừa như suy nghĩ miên man vừa như có gì trong ruột làm mẹ sót lắm (cho đến bây giờ khi đã ngoài 60 tuổi tôi vẫn không quên hình ảnh mẹ khi đó). Mãi một lúc lâu sau mẹ mới buông một câu vừa như thở dài, vừa như thất vọng lại vừa như quả quyết: Thôi thì tùy con. Ngay hôm sau, chị trở thành lao động chính trong nhà, mặc dù lúc đó, chị chưa 17 tuổi. Chiến tranh leo thang ngày càng ác liệt. Công việc của thanh niên nông thôn càng được chất chồng thêm. Những hôm sương muối, trời càng lạnh, càng phải dậy sớm để chăm sóc bèo dâu của tổ thanh niên, mặc cho cái lạnh cắt da cắt thịt. Bảy giờ lại tất tả chạy về cho kịp kẻng ra đồng của hợp tác. Nam giới ra chiến trường cả, mọi công việc nặng nhọc dồn lên đôi vai phụ nữ. Thôi thì cày, cấy, gánh phân, tát nước, nhổ mạ. Đặc biệt là những buổi phun thuốc trừ sâu; lúc đó, DDT, 666, vofatoc… không những chưa bị cấm mà còn được khuyến khích sử dụng (viết đến đây, tôi cứ thấy lạnh cả sống lưng và gật mình khi lâu lâu lại thấy có người mắc bệnh ung thư). Buổi tối, cơm nước xong, cây súng trên vai, chị lại tham gia trực chiến, dạo này Mỹ đánh về đêm nhiều, có hôm báo động cả đêm.

Một điều đáng nói là dù công việc đồng áng, công việc thanh niên và dân quân du kích của chị kín cả ngày nhưng mấy đứa em chúng tôi (nhất là tôi - đứa em út) vẫn được hay “bị” chị quan tâm nhiều lắm; cái “bị” đáng nhớ nhất là bị chị bắt đi tắm; chả là trời mùa đông lại xẩm tối chị mới về. Lôi em ra góc sân, vừa xối, vừa cọ, tay chị cọ kể thì cũng đau thật, lại gió lạnh nữa; thế nên, tôi hết sức la hét, vùng vẫy cứ như đang đánh vật với chị. Bù lại, những hôm không phải phiên trực chiến, tôi như được lạc vào trong thế giới chuyện cổ tích, mới học hết lớp bảy mà sao kho chuyện cổ tích của chị đối với tôi như vô cùng vô tận. Hấp dẫn nhất vẫn là những chuyện Tấm cám, Cây khế, Aladin và cây đèn thần, Alibaba và 40 tên cướp… tôi nghe biết bao nhiêu lần, thậm chí thuộc cả cốt chuyện mà vẫn thích nghe chị kể. Anh cả rồi anh ba học hết phổ thông lần lượt ra chiến trường. Chuyện lo ngày hai bữa ăn không còn là quá sức. Sự ham học trong chị như được dịp trỗi dậy, thế là chị đi học. Trường trung cấp điện ở mãi tận Thái Nguyên. Chỉ những ai đi học xa nhà trong thời gian này mới thấu hiểu được thế nào là đói và rét. Không đứt bữa, nhưng cái đói cứ triền miên tháng này qua tháng khác làm cho con người ta tưởng chừng như không còn điều ước gì hơn ngoài 1 bữa ăn no. Nhất là về mùa đông, càng đói lại càng rét, càng rét lại càng đói; cứ thế, kéo dài suốt ba năm. Cũng may, chị không phải thi lại môn nào. Ra trường, chị được phân công vào một cơ quan ngành điện của Hà Nội. Đối với bọn trẻ con nông thôn chúng tôi, thế là oách lắm. Nhưng thực ra, đồng lương trung cấp lúc đó, tôi nhớ không lầm là ba mươi tám đồng. Với ba mươi tám đồng, chả hiểu chị xoay sở thế nào mà hàng tháng chúng tôi vẫn được chị cho quà. Quà của chị lạ lắm, không phải là bánh kẹo, quần áo như người ta, mà thường là mấy bìa đậu phụ hoặc chai nước mắm sáu hào rưỡi. Vài tháng lại có một món đặc biệt hơn đó là một xấp những tờ giấy một mặt hoặc tờ hóa đơn loại thải chị cóp nhặt để chúng tôi làm giấy nháp. Gọi là giấy loại thải nhưng so với tập vở chúng tôi học lúc đó nó tốt hơn nhiều. Mấy đứa bạn cùng lớp có mơ cũng cũng chẳng bao giờ được viết trên những tờ giấy trắng như thế. Thật tình, tôi trân trọng lắm, bằng chứng là cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn giữ một tập khoảng 100 trang, lâu lâu đem ra khoe. Chị bảo: Hâm! nhưng đọc trong mắt chị tôi vẫn thấy niềm vui pha chút tự hào. Còn một món quà nữa, nhưng cả năm mới có một lần và năm nào cũng có. Khoảng trưa ba mươi tết chị về (hồi đó, chiều ba mươi mới được nghỉ tết) mang theo một bó gồm sáu bông thược dược đủ màu và bốn cành violet lá xanh, hoa tím cắm thành một lọ hoa. Tôi không lý giải được do chị đã về hay do trong nhà có lọ hoa tươi mà không khí tết lúc đó mới thực sự bừng lên.

Mấy năm sau, mặc dù đã lấy chồng, sinh con nhưng chị vẫn thi đậu vào trường đại học Kinh tế, mừng thì mừng thật nhưng vẫn cứ lo lo vì công việc của chị cứ chất chồng lên mãi, chẳng biết có kham nổi không. Anh rể mặc dù rất thương chị nhưng do ở tập thể lâu năm nên dù cố gắng cũng chả giúp được là bao. Cũng may, trời cho chị có sức khỏe (thực ra là trời cho chị nghị lực và nghị lực không cho phép chị ốm). Các cháu thật sự chăm ngoan nên mọi việc đều hanh thông cả. Đến nay, hai cháu đã thành đạt và yên bề gia thất. Hai con trai, hai con dâu đều công tác ở những công ty lớn của nhà nước. Anh chị đã nghỉ hưu, công việc chính hằng ngày là tham gia các hội già ở địa phương và chơi với cháu nội. Ngày xưa, những lúc vất vả như thế, tuyệt, không thấy chị than câu nào. Vậy mà bây giờ, lâu lâu chị than: Trông cháu cũng vất vả lắm cậu ạ. Than thì than vậy nhưng vẫn không thể dấu nổi niềm tự hào trong câu nói và sự mãn nguyện trong ánh mắt. Vâng, ở tuổi chị không nhiều người được như thế đâu.

Khi tôi viết những dòng này, anh chị đã được xác định âm tính với Covid 19, cách ly đủ 14 ngày và đương nhiên có cả “thẻ xanh” để chuẩn bị tham gia các câu lạc bộ của phường. Tất nhiên, lên cả kế hoạch trông cháu để sang tháng 10, hết giãn cách chúng nó được đi làm. Cầu mong cho anh chị thật nhiều sức khỏe. Tôi chợt nhớ lại câu mở đầu bài viết này, thì ra, tuổi con trâu chưa hẳn đã là khổ. Có đức, mặc sức mà ăn, trời chẳng phụ công ai bao giờ. 

 

Theo Chuyện Làng quê