Từ đó đến nay đã 40 năm, tôi chưa trở lại Cao Bằng lần nào. Thác Bản Giốc, hang Pắc Bó và cả thành phố Cao Bằng, tôi chỉ biết qua thông tin đại chúng và qua lời kể của những bạn bè, đồng đội. Tôi luôn mong có cơ hội được đến thăm lại Cao Bằng và cơ hội đó đã đến.
Tôi đang ở miền Tây Nam bộ thì nhận được tin nhắn của Vũ An Ninh “K15 sẽ tổ chức chuyến đi Cao Bằng từ 5 đến 7 tháng 4, Nguyễn Văn Nọi có tham dự không?”. Tôi nhận lời ngay, mặc dù đến 2 tháng 4 tôi mới bay từ TP. HCM ra Hà Nội; chỉ có 2 ngày phục hồi sức khỏe và chuẩn bị cho chuyến đi.
Chuyến đi Cao Bằng lần này của K15 Vật lý, đại học tổng hợp Hà Nội có 25 người tham gia. Trong đoàn có 5 người không thuộc K15 Vật lý là nhạc sỹ Quý Lăng, K15 Toán; ba anh: Huỳnh Ngọc Nhân, Hoàng Công Ninh, Nguyễn Năng Định học đại học ở Liên Xô cũ mà chúng tôi hay gọi vui là ba anh Baku và tôi học K16 Vật lý. Những thành viên còn lại của đoàn là các anh chị đã từng học lớp K15 Vật lý và người thân của họ. Tôi và nhạc sỹ Quý Lăng thích tham gia các tua ‘du lịch’ do lớp K15 tổ chức bời vì Ban liên lạc của lớp K15 rất nhiệt tình, chu đáo, điều hành rất có nghề.
Các anh chị của lớp K15 Vật lý đa số là tuổi Rồng, Rắn nên khá tài năng, hoạt bát, hòa đồng và đoàn kết. Các chuyến đi thường có chủ điểm rõ ràng, thú vị, vui và không lãng phí. Chuyến đi Cao Bằng lần này của K15 xuất phát từ lời mời tha thiết của anh Phạm Viết Thịnh, học K15 Vật lý nhưng đã 49 năm mất liên lạc với lớp. Anh Thịnh sau khi ra trường, 1975 đã về Cao Bằng dạy học và công tác ở đó cho đến khi về hưu. Anh Thịnh đã từng làm Hiệu phó trường Giáo dục thường xuyên của tỉnh Cao Bằng, sau đó về dạy cấp 3 (Trung học phổ thông) tại TP. Cao Bằng. Gia đình anh hiện đang sống ở TP. Cao Bằng nên rất mong đón các bạn K15 và các thành viên trong đoàn đến thăm. Lý do anh Thịnh mất liên lạc với lớp K15 ngoài khoảng cách địa lý còn có một lý do khác. Anh Thịnh bị tác động của cối quân bành trướng Trung Quốc bắn năm 1979 làm thủng màng nhĩ nên thính lực giảm nhiều. Anh ít nghe điện thoại, không dùng phây búc mà chỉ nhắn tin trên điện thoại khi cần. Cách đây vài tuần, anh Thịnh về Quảng Ninh và gặp anh Sơn, thương binh cùng lớp K15 Vật lý. Qua anh Sơn anh Thịnh đã kết nối được với lớp qua tin nhắn zalo. Các thành viên của lớp K15 đều xúc động khi tìm được người bạn cùng lớp sau 49 năm, có anh sau 52 năm, còn anh Thịnh thì ngập tràn trong hạnh phúc – thật như trong mơ, và chuyến đi Cao Bằng đã được mọi thống nhất chương trình rất nhanh.
Cũng giống như nhiều chuyến hành hương khác của cựu sinh viên trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Chuyến đi Cao Bằng của K15 xuất phát từ cổng trường đại học Khoa học tự nhiên lúc 6:30, ngày 5 tháng 4. Chuyến xe 29 chỗ sẽ đi qua điểm đón thứ hai tại đường Phạm Văn Đồng, trước trụ sở Bộ Công an rồi đi thẳng Cao Bằng. Tôi thuộc nhóm đón xe ở điểm đón Phạm Văn Đồng, và có mặt tại điểm đón lúc 6:40. Nhóm đón xe ở điểm đón Phạm Văn Đồng có 11 người và đa phần đã quen biết nhau nên truyện trò khá rôm rả. Anh Hoàng Công Ninh khoe tôi chai Beluga, loại 1 lít, anh mang theo để mời mọi người. Anh Ninh là cử nhân vật lý tại Baku, từng kinh doanh nhiều năm ở Liên bang Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ nên rất sành và hay có thực phẩm đồ uống của Nga. Anh Ninh lại là cây hài với rất nhiều chuyện cười thú vị nên có anh đi cùng thì quãng đường luôn ngắn lại đối với chúng tôi.
Vỉa hè ở điểm đón Phạm Văn Đồng khá rộng nên 11 chúng tôi có thể đứng trò chuyện thoải mái nên mặc dù xe đến chậm vì tắc đường cũng đỡ sốt ruột. Một phụ nữ đi xe máy, phía trước chị có một con chó khá đẹp trong một chiếc giỏ, hai chân trước chú chó bám vào tay lái xe. Chiếc xe quẹo lên vỉa hè chỗ nhóm chúng tôi đang đứng, người phụ nữ hô to:
- Cho em đi nhờ với - có vẻ ra lệnh nhiều hơn xin đường. Chúng tôi vội dẹp sang hai bên nhường vỉa hè cho chiếc xe máy đi qua, bỗng nhiên nghe tiếng Phó Giáo sư Nguyễn Tiến Tài lên tiếng:
- Mọi người tránh ra cho chó đi! - Chúng tôi ngơ ngác và chờ cơn “tam bành” từ người phụ nữ, mấy chị đi cùng thì nhắc nhở anh Tài:
- Anh nói vậy để nghe họ chửi à?
- Chửi là chửi thế nào? Mấy bà này còn yêu chó hơn người ấy chứ - quả nhiên, người phụ nữ đi xe chở chó không hề “quạu” mà còn quay mặt lại cười rất tươi với với chúng tôi. Phó giáo sư Nguyễn Tiến Tài quả thật là Tài.
Chúng tôi lên xe, nhập đoàn chậm hơn 45 phút so với dự kiến. Tôi ngồi ghế sau với nhạc sỹ Quý Lăng và thầy giáo Phạm Văn Chính. Anh Chính quê ở Vĩnh Yên, nghe đâu anh đã từng là thầy của mấy lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc vừa bị bắt vì tham nhũng (rất có thể chỉ là chuyện vui của mấy anh bạn học). Tranh luận về thơ và nhạc của thầy Chính và nhạc sỹ Quý Lăng bắt đầu, thầy Chính chém trước:
- Thơ là mẹ của nhạc
- Thơ sao là mẹ của nhạc được? Nhạc không lời đâu cần thơ? – nhạc sỹ chém lại. Cuộc tranh luận được minh họa bằng bài thơ “Hà Nội – Phố” của nhà thơ Phan Vũ và bài hát phổ thơ nổi tiếng “Em ơi! Hà Nội phố” của nhạc sỹ Phú Quang. Nhạc sỹ Quý Lăng hình như đã lùi một bước, khi anh tâm đắc:
- Câu đầu của bài thơ “Hà Nội – Phố” của Phan Vũ đã là một cái tứ hay cho một bản nhạc “Em ơi! Hà Nội phố”; khổ thơ đầu của bài thơ đã đủ cho Phú Quang làm nên một bài hát hay – Thầy Chính mở bài thơ “Hà Nội – Phố” trên mạng và đọc những dòng chữ nhỏ trên điện thoại. Vì không mang kính nên thầy Chính cứ phải soi chữ và đọc chậm. Tuy nhiên, có lẽ vì cả đời làm thầy nên bài thơ được thầy đọc rất sinh động. Tôi ngạc nhiên vì bài thơ “Hà Nội – Phố” của Phan Vũ đã làm trái tim tôi rung động đến vậy. Nếu tôi nói bài thơ “Hà Nội – Phố” của Phan Vũ hay hơn bài hát “Em ơi! Hà Nội phố” của nhạc sỹ Phú Quang chắc sẽ bị đa số bạn đọc phản đối, thậm chí sẽ bị các phan của nhạc sỹ thóa mạ không chừng. Các bài hát về Hà Nội của Phú Quang đều rất hay và còn hay hơn đối với người Hà Nội, trong dó có bài hát “Em ơi! Hà Nội Phố. Nhưng tôi phải thật lòng mà nói, sau khi bạn đọc bài thơ “Hà Nội – Phố” của nhà thơ Phan Vũ thì bạn sẽ cảm thấy hình như bài hát “Em ơi! Hà Nội phố” sẽ hay hơn nếu nhạc sỹ Phú Quang chọn thêm các khổ thơ hay trong bài thơ để phổ nhạc.
"...
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em rì rào hạt nhỏ,
Cơn mưa chợt đến trong chùm lá
Vòm trên cao chuông hồi đổ,
Nhà thờ Cửa Bắc,
Tan chiều lễ
Kinh cầu còn mãi ngân nga...
Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa.
Trên hè phố
Gã Trương Chi ôm ghi ta.
Ngước lên cửa sổ,
Có một ngày...
Trống không ô cửa.
Tiếng hát Trương Chi.
Ngợi số nhà...
Ta con em chuyến tàu khuya
Về muộn
Vào ga... Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em rì rào hạt nhỏ,
Cơn mưa chợt đến trong chùm lá
Vòm trên cao chuông hồi đổ,
Nhà thờ Cửa Bắc,
Tan chiều lễ
Kinh cầu còn mãi ngân nga...
Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa.
Trên hè phố
Gã Trương Chi ôm ghi ta.
Ngước lên cửa sổ,
Có một ngày...
Trống không ô cửa.
Tiếng hát Trương Chi.
Ngợi số nhà...
Ta con em chuyến tàu khuya
Về muộn
Vào ga..."Nói vậy thôi, bài thơ “Hà Nội – phố” của Phan Vũ có 14 khổ với hơn 260 câu thơ chắc sẽ làm khó cho mọi nhạc sỹ muốn phổ nhạc cho cả bài thơ – tôi là kẻ ngoại đạo nên mạo muội viết vậy, rất xin lỗi mọi người. Cuộc tranh luận thơ và nhạc được kết bởi cử nhân vật lý lý thuyết, Hải Dù:
- Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc – tạm dịch “trong thơ có họa, trong thơ có nhạc”. Thật ra con người khi sinh ra đã nghe nhạc, âm thanh cuộc sống trước khi biết nói?
Xe đến thành phố Cao Bằng khoảng hơn ba giờ chiều, trưởng ban liên lạc thông báo mọi người nhận phòng rồi đến sáu giờ chiều xuống xe để đến thăm gia đình anh Phạm Viết Thịnh và ăn tối cùng gia đình anh. Nhưng rồi giờ xuất phát được đẩy sớm lên ba mươi phút, chắc vì anh Thịnh cũng mong được sớm gặp bạn bè. Anh Thịnh đón xe từ đầu phố và liên tục giơ tay vẫy chào mọi người trên xe nhưng hình như chẳng ai trên xe nhận ra anh, đã năm mươi năm rồi còn gì. Khi xe bắt đầu dừng lại, mấy anh chị k15 trên xe mới chỉ một ông lão khá đậm người đang vẫy chào mọi người;
- Thằng Thịnh đây rồi, sao nó khác ngày xưa vậy? – ai mà chẳng khác chính mình cách đây 50 năm nhỉ? Xe dừng hẳn và mọi người lần lượt xuống xe để bắt tay anh Thịnh, tôi thấy anh như run lên khi bắt tay và xướng tên từng người bạn học. Anh nhìn mặt và đọc đúng tên khoảng tám lăm phần trăm các bạn học ở K15, những ai anh không kịp nhớ tên thì anh nói:
- Chờ một chút cho trí nhớ tao hồi phục đã, 50 năm xa nhau rồi còn gì – Tôi và ba anh Baku xuống sau cùng vì chúng tôi đâu có biết anh Thịnh. Tôi xuống xe và đến chào anh Thịnh, tôi bắt tay anh và định giới thiệu thì nghe anh nói:
- Mày là thằng Nọi, K16 phải không? – tôi giật bắn mình, và không chỉ có tôi mà mấy anh chị K15 đứng bên anh cũng giật mình khi nghe anh xướng tên tôi.
- Sao anh lại biết và nhớ tên em nhỉ? Em đâu có biết anh? – Tôi hỏi lại anh Thịnh trong ngỡ ngàng và nghĩ chắc anh đọc và thấy tôi trên các trang phây nên nói đại, mặc dù có nói đại thì anh cũng đáng nể.
- Tao nhớ cái dái tai của mày – Trời ạ! Thật vậy sao? Tôi còn không biết cái dái tai tôi hình thù ra sao mà anh Thịnh nó nhận ra tôi vì nhớ cái dái tai. Tôi đưa tay lên sờ dái tai mình, đầy nghi hoặc. Mấy anh chị K15 cũng ngắm nhìn tai tôi để tìm đặc điểm nhận dạng, nhưng đều không thấy đặc điểm gì khác biệt. Tôi muốn hỏi anh Thịnh cho ra nhẽ nhưng vì còn phải nhường anh cho các anh chị K15 nên mãi cuối buổi gặp tôi mới hỏi được anh:
- Anh nói thật cho em biết là tại sao anh biết em và nhớ tên em? Anh em mình đã từng gặp nhau à? – K15 và K16 Vật lý có ở cùng làng vài tháng trong thời kỳ sơ tán năm 1972, tuy nhiên tôi chỉ biết anh Minh già, anh Văn và vài chị của K15, còn anh Thịnh không hề có tên và hình ảnh trong trí nhớ của tôi.
- Mày có nhớ ngày chúng mày nhập ngũ, chúng mày ngồi trên xe còn bọn tao đưa tiễn ở nghĩa trang làng Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Hà Bắc (Bắc Giang) – Anh Thịnh hỏi tôi.
- Em nhớ chứ, bọn em ngồi trên thùng xe tải. Các bạn nữ và vài anh vẫy tay tạm biệt. Vũ Đức Thành lớp anh chỉ hôn gió trên tay với mấy bạn nữ mà sung sướng cho đến khi hy sinh vì các bạn nữ hình như chấp nhận nụ hôn gió ấy.
- Tao đã nói với mày là cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và lành lặn trở về - tôi á khẩu vì không nhớ lời anh Thịnh nói khi nào, nói với tôi hay nói với mấy đưa bạn cùng lớp với anh ấy đã nhập ngũ cùng tôi và có hai anh Nguyễn Đức Thắng và Vũ Đức Thành đã nằm lại ở chiến trường. Cám ơn anh nhiều lắm anh Phạm Viết Thịnh vì sau 52 năm anh vẫn còn nhận ra thằng em học sau anh một khóa và nói đúng tên nó – Nọi.
Có lẽ tôi và các anh chị trong đoàn K15 Vật lý mở rộng chưa từng được tham dự một buổi tiệc gặp mặt trang trọng, ấm cúng, nhiều cảm xúc đến vậy - buổi tiệc gia đình anh Thịnh chào đón bạn bè lên Cao Bằng thăm gia đình anh, tối hôm mồng năm tháng tư năm 2024. Vợ chồng anh Thịnh đã thuê hẳn một phòng riêng đủ lớn để đặt tiệc đón đoàn trong một nhà hàng sang trọng ở Cao Bằng. Các món ăn là các đặc sản ở Cao Bằng như cá suối chiên, măng ngọt hấp thịt băm, chân giò hầm hạt dẻ, vịt quay Cao Bằng, xôi tam sắc…nhưng hơn hết là hai em trai của anh Thịnh, tuổi ngoài 60; ba cô em gái của chị Hoa, vợ anh Thịnh; con trai và con dâu của anh Thịnh đều được điều đến để tiếp đoàn. Các thành viên trong gia đình anh Thịnh thay nhau đi các mâm để nâng ly chào khách, tất cả đều thân thiện thật lòng như đang tiếp đón người thân. Anh Thịnh nói:
- Thật may! Hôm nay trời mát tao mới nghe được chúng mày nói, dù phải nói to. Nếu trời nắng lên là tao không nghe rõ mà phải nhờ vợ phiên dịch, tao chỉ dùng tin nhắn điện thoại hay zalo chứ không thể nói chuyện điện thoại – Tôi nhìn thấy trong mắt anh niềm vui gặp lại bạn bè và niềm hạnh phúc là bạn bè luôn nhớ và tìm đến với mình khi có thể. Tôi biết tối nay anh không ngủ, mà ngủ sao được khi giấc mơ đã trở thành hiện thực. Tôi hy vọng dụng cụ trợ thính và y học hiện đại sẽ giúp anh giao tiếp với bạn bè dễ dàng hơn, không gì là không thể. Tôi thấy cả niềm vui và hạnh phúc trong mắt chị Hoa, trong mắt con trai và con dâu của anh chị.
Có lẽ chuyến “Du lịch” Cao Bằng với tôi và với cả đoàn K15 Vật lý mở rộng kết thúc sau chuyến thăm và giao lưu với gia đình anh Phạm Viết Thịnh cũng là đủ cho một chuyến đi bởi cảm xúc đong đầy.
Hà Nội, 8/4/2024
N.V.N.