Hóa ra, không phải, nó vẫn bị đói. Đói không phải do thiếu cơm, cơm rất nhiều, nhưng là cơm gạo cũ, gần mốc, nếu không có đồ ăn thì không nuốt được.
Thằng Tùng là con lai, bố đã về Mỹ, chả có tin tức gì. Mẹ đã lấy chồng Việt, đẻ ra một lũ em, nên Tùng phải đi bán bánh cam (bánh rán), đỡ cho mẹ, nuôi em.
Lúc đầu chỉ vì thương thằng Tùng mà mua giúp vài cái; nhưng càng ngày càng đói, khay bánh cam trở thành nguồn lương thực chính của 3 thằng. Bữa này nó trả tiền thì bữa sau đến lượt thằng Dư. Nhà thằng Hưng ở tận Thái Bình, trước khi đi, không kịp nhận tiếp tế nên thường xuyên phải ăn ké.
Một hôm, thằng Hưng rất hăng hái:
- Hôm nay để tao !
- Thôi mà ! mắc cỡ chi, có mấy đồng phải để mà phòng thân – thằng Dư nửa đùa, nửa thật.
- Tao có rồi mà ! đây nè!... Thằng Hưng dứ dứ nắm tiền trước mặt.
Thì ra thằng Hưng sợ đến lúc cả ba cùng nhẵn túi, đã bán cái mền (chăn) của mình. Báo hại, hôm đó, nó và thằng Dư lại phải lén mang 2 cái mền ra tiệm may đồ, nhờ thợ chia thành ba. Cũng may, ở miền nam, về đêm, trời chỉ hơi se lạnh.
Phải gần tháng sau, chúng mới biết, bếp ăn tập thể ở xứ này, chủ yếu là cơm, ăn bao nhiêu tùy thích; còn đồ ăn phải tự túc, khi xuống bếp, mọi người mang theo, khi thì con cá, khi thì nắm rau, chả biết họ chuẩn bị sẵn hay xin ở đâu. Những thằng mới đến, lớ ngớ, đành chịu ăn cơm không, rồi đói. Sau này, khi quen với cách ăn của người miền Tây, nạn đói kể như được giải quyết.
Thằng Tùng đã đi Mỹ theo diện con lai, không còn cơ hội ăn bánh cam, hóa ra tiền vẫn còn kha khá, chúng nó bắt đầu hành trình khám phá miền tây.
Buổi đầu tiên, ra chợ Cái Kế, các loại trái cây như cam quýt, xoài, chúng biết cả, ngay như quả roi chúng cũng biết, chỉ khác là trong này, kêu bằng trái mận. Bỗng thằng Hưng rú lên:
- Quả gì thế mày ?
Nó thề là chưa bao giờ thấy, quả gì mà hao hao giống mít nhưng gai lại to và nhọn, vỗ vỗ một cái, đau nhói cả tay. Không dấu được tò mò, nó hỏi chị bán hàng.
- Quả này là quả gì hả chị ?
- Sầu riêng – chị bán hàng trả lời nhưng không hi vọng sẽ bán được.
- Ăn sao, chị ? - Đã từng được ăn sầu riêng nhưng thằng Dư vẫn hỏi khó, không biết nó trêu hay muốn giở trò gì.
- Ai ăn được thì thơm, ngon, nhưng không ăn được thì... thúi lắm – biết ba thằng ngoài bắc mới vô lần đầu, chị nói thật mà như đùa cợt với chúng nó.
Thằng Dư dí mũi vào múi sầu riêng mới bóc, vừa làm bộ nhăn mặt vừa hỏi.
- Em ăn được không ?
- Nếu chịu được nước cống chợ Cái Khế thì cậu hãy ăn. Nhưng trông bộ dạng thế kia, chế (chị) khuyên cậu đừng, kẻo lại ói, mất công – chị bán hàng vừa cười vừa nói.
- Nếu em ăn được thì sao ? vẫn bịt mũi, Dư hỏi.
- Bộ dạng kia mà ăn được, chế mời, không tính tiền – chị bán hàng thách đố.
Rồi chị chọn một quả vừa phải, lấy mũi dao tách nhẹ từng múi. Ba thằng ngồi xuống, lúc đầu thì mùi hơi khó chịu thật, nhưng càng ăn càng ngọt, càng bùi, mấy miếng cuối thì hết hẳn mùi hôi, thậm chí còn thấy... thơm thơm.
- Ăn được thiệt hả, dữ à nghen!... coi bộ thành người miền Tây thứ thiệt rồi – biết là mất không quả sầu riêng cho ba thằng ranh nhưng chị vẫn vui vẻ, còn khen thằng Dư dễ thương.
Trên đường về, trong khi thằng Hưng hớn hở vì không phải trả tiền, thì nó, có vẻ như ân hận bảo: Người ta buôn bán, lời lãi bao nhiêu, bọn mình... tệ thật!.
- Mày đừng lo, dân ở đây họ thế, tốt lắm, vui vẻ lắm; nhất là những người từ xa mới tới, họ quý. Vả lại, cũng là một hình thức quảng cáo mà - Dù không phải dân kinh tế, thằng Dư nói như đúng rồi.
(Còn nữa...)
Theo Trái tim người lính