Mà thiệt tình là từ lúc có một gia đình nhỏ về tá túc ở Long Xuyên từ năm 1985 đến ngày hôm nay, khi có con từ một đứa rồi đến bốn đứa ở một xứ sở xa lạ tứ cố vô thân. Đồng lương làm cán bộ cấp xã thì đâu có bao nhiêu nên mỗi ngày phải đi chợ lo toan đủ thứ, phải tính toán làm cách nào để cho tụi nhỏ ăn đủ trong một tháng với đồng lương ít ỏi của mình. Đi chợ riết rồi quen mặt, người bán người mua quen mặt nhau nên mua bán không cần phải trả giá và hết tiền cứ ghi sổ vô tư (mẹ tụi nhỏ ít khi chịu đi chợ lắm)
Sống lâu nên lão làng, mỗi buổi sáng muốn làm món gì mua ở đâu với giá bao nhiêu tiền mình đều tính sẵn trong đầu. Chợ nào bán món gì, đắt hay rẻ đều biết hết là vậy. Từ đầu thập niên 80 ở các chợ đã có bán đầu con tôm với giá rẻ rề, mua như cho vì con tôm xuất khẩu ra nước ngoài (hay nước Nhật) họ chỉ ăn cái mình còn tôm mà không ăn cái đầu? Vậy là Bầu tui gặp chỗ nào bán đầu tôm là hốt đem về cho tụi nhỏ. Ở Long Xuyên không có món cá hấp cho phe bình dân như ở Sài Gòn nhưng cá biển thì đầy chợ, muốn mua cá rẻ thì chịu khó đi mua buổi chiều. Lúc đó người bán cũng mỏi mệt, cá thì bắt đầu ươn vì vậy họ muốn bán đổ bán tháo cho lẹ để về nhà với gia đình. Cuối thập niên 80 thì ở Long xuyên đã bắt đầu có hàng thủy sản đông lạnh xuất khẩu, những phế phẩm của con cá Ba sa như đầu cá, xương cá, kỳ cá, lườn cá da cá đâu có ai thèm ăn. Người ta bán làm phế phẩm nuôi cá hay cho gia súc ăn hoặc làm phân để trồng cây. Con mực đưa từ biển về cũng vậy, hai cái vè mực, trứng mực cũng đâu ai ăn? Mỗi buổi sáng anh Tư Chiến (nhà thơ Phù Sa) chở mấy thùng phế phẩm mua từ nhà máy đông lạnh về xay cho bầy cá đang nuôi dưới hầm. Anh nói nhỏ:
- Chú mày chịu khó lựa một mớ đem về cho tụi nhỏ ăn, toàn là đồ bén lẫn trong đó.
Mà đúng là đồ bén thiệt. Lẫn lộn trong đám bầy nhầy đó nào là bao tử cá, vè mực trứng mực, những miếng thịt phi lê cá bị trầy xước được công nhân quăng đại vô thùng rác. Dĩ nhiên là Tía tụi nhỏ đâu hé răng cho tụi nó biết xuất xứ của những món ngon này từ đâu ra?
Từ từ hàng đông lạnh được đưa ra nước ngoài, xuất sang châu Âu, châu Mỹ và cả Trung Quốc... nên nhiều công ty Đông lạnh ra đời, công nhân ngày càng nhiều nên phế phẩm được bạn hàng tranh nhau mua hết rồi bán lại cho những người đi bán dạo. Đầu cá, xương cá thời điểm đó chỉ 2 ngàn một ký nhưng rất ít người chịu mua trừ mấy anh nhậu. Bầu tôi thấy rẻ nên cứ vài hôm là mua xương cá kỳ cá về cho đám con ăn. Lúc đầu chỉ biết kho nên tụi nhỏ nuốt không vô, từ từ học được cách muối sả ớt chiên giòn nên tụi nhỏ thích và hết ngán. Cứ một bữa xương cá Ba sa chiên, một bữa cá biển kho cà, kho khóm riết nên khi tới giờ cơm khỏi nhìn mâm cơm tụi nhỏ cũng biết hôm nay không Biển (cá biển) thì Sa (cá ba sa).Từ đó có danh Biển sa ra đời là vậy.
Lúc ở trên Sài Gòn thì Bầu tôi cũng đi chợ mỗi ngày, phát hiện ra ở chợ Rạch Ông (Q8) có một chỗ bán gân bò giá rẻ rề chỉ 50 ngàn một ký nên hôm nào cũng ghé mua 200 gram về nấu canh, sẵn làm thay món nhậu với đám bạn già ở xóm. Ai ăn cũng khen ngon món nhậu ngon mà rẻ này của chú Sáu (là kêu theo mẹ tụi nhỏ). Một hôm như thường lệ cô chủ bán gân bò nói:
- Hôm nay con còn nửa ký chú lấy hết giùm con nhé.
Bầu lắc đầu trả lời:
- Thôi cô bán 200 gram thôi nhiều quá ăn đâu có hết.
Cô ấy cười cười rồi nói:
- Con ki của chú lâu lớn vậy?
Hỏi người ta mới biết gân bò của cô ta bán cho người ta mua về cho mấy con ki nó ăn. Từ đó Bầu tui bỏ luôn món gân bò.
Khi tụi nhỏ lớn lên, đứa lập gia đình, đứa làm ăn xa, Tía nó thì ở một mình cũng phải tự nấu cơm, tự chăm chút cho bữa ăn cho mình hàng ngày. Sợ tụi nhỏ lo cho Tía nó ở quê sống một mình không biết ăn uống ra sao nên mới nghĩ ra cách mỗi buổi sáng sau khi nấu cơm xong bày ra mâm chụp hình rồi đăng lên Facebook Hy vọng là mấy đứa con sẽ xem và an tâm hơn sức khoẻ của tía nó và biết đâu có đứa nào thèm cơm Tía nấu mà dìa ăn với Tía chăng? Nhưng con xem thì ít mà bạn bè thân quen ngày nào cũng trông mâm cơm của mình vì vậy mà dù bận cách mấy cũng ráng bày mâm cơm ra chụp hình đăng lên rồi đem cất (Trừ những hôm đi xa như đám tiệc hay về quê gì đó mình không đăng, mâm cơm Bầu đăng lên các bạn cứ an tâm là mình tự nấu và không hề chôm hình trên mạng nhé)
Cũng có người hỏi sao thấy mình nấu ăn ngon, mua đồ rẻ nhưng thực đơn chỉ toàn thịt và cá vậy? Mình cũng thú thật là mình kén ăn lắm. Rắn, rùa, lươn, lịch, chuột, ếch, cá trê, chó, mèo, thỏ... Là những thứ Bầu không dám ăn. Thịt gà, thịt Bò, Hải sản... cũng ít ăn vì sợ bệnh Gout. Thịt vịt thì dân đàn ca đi đám cưới nhiều nhưng đám nào cũng đãi ăn toàn cháo vịt nên cũng ngán tràn bản họng đâu dám mua ăn (lâu lâu thèm thì chỉ thích món vịt nấu chao) thế nên mâm cơm hàng ngày của Bầu chỉ còn cá và thịt là vậy đó các bạn.
Các thứ phế phẩm ngày xưa cho không ai ăn bây giờ khó mua lắm rồi. Vè mực, trứng mực bây giờ là mồi nhậu có bao nhiêu dân nhậu gom hết, thịt cá tra vụn bây giờ gom hết làm cá viên (không còn cá Ba sa nên lấy cá tra thế vô) da cá tra là món xuất khẩu, bao tử cá là đồ bỏ đi ngày xưa bây giờ bằng giá thịt heo mà cũng đâu phải mua là có đâu? Nhiều lúc dọn mâm cơm ra rồi chợt nghĩ không biết bây giờ mấy đứa nhỏ có đứa nào thèm cơm Tía nấu và đứa nào còn nhớ đến hai chữ "Biển Sa"?
Chuyện Quê