Có người bảo, bánh tét là nói trại của bánh tết, vào thời tranh nhau với chúa Trịnh, chúa Nguyễn đã muốn có bản sắc riêng cho vùng đất mình cai quản nên cho biến tấu cái bánh chưng thành bánh tét. Vì vậy bánh tét chỉ xuất hiện ở miền Trung và Nam.
Do bánh tròn và dài, đơn vị đo của bánh tét là "đòn" chứ không phải là cái. Tập tục là 23 đưa ông táo nên miền Nam ít củi lửa vào các ngày mùng 1, 2, 3 chắc do rước ông Táo ngày 30 nên để ông nghỉ xả hơi vài hôm. Bánh tét và nồi thịt kho hột vịt là cứu cánh bao tử trong mấy ngày tết. Bánh có hai loại nhân, có người ăn chay thì dùng nhân chuối, còn dân đánh tứ sắc thì thích nhân đậu xanh với cục mỡ ăn mà phát ngán. Dân nhậu như mình tết gầy xòng lai rai, cỡ một đòn bánh tét là làm được lít đế hơn à nha. Quên nữa, ăn bánh tét phải có đĩa củ kiệu, tôm khô là ngon đến nỗi ngất trên cành quất.
Mấy cô gái về làm dâu miền Tây, đến tết mà không biết cách cắt khoanh bánh tét bằng sợi chỉ là bị quở đó. Ông bà ta quanh năm chuyện đồng áng, đến tết chọn loại nếp, đậu ngon nhất để làm ra đòn bánh tét. Lá gói thì có sẵn sau vườn, người lau lá, người giã gạo không khí đầm ấm mùa xuân làm cho lòng người dịu lại. Năm nay đại dịch xảy ra nhả nhả khốn khó, nhưng không vì sự khó mà quên mất tổ tiên, ông bà, bởi cây muốn lớn phải có gốc rễ. Những truyền thống được duy trì mấy ngàn năm xây nên tính cách con người Việt, giàu lòng yêu thương, mạnh mẽ trước khó khăn.
Xuân về, một mùa xuân Nhâm Dần với bao hy vọng một năm mới “An khang - Thịnh vượng”. Tết ta là tết ông, bà. Tết thầy cô và tết gia đình sum họp. Ngày mà những anh chị đi làm xa, khi về đến ngưỡng cửa đã nghe mùi thơm của nồi thịt kho, ôm chặt con vào lòng. Cha mẹ thì nói “thằng hai ra sau rửa mặt rồi lên ngồi nghỉ” bỗng thấy lòng ấm lại.
Chuyện Làng quê