Có không ít bạn đọc bày tỏ mong muốn hiểu biết thêm về nhân vật bất trung, bất hiếu, tham vọng quyền lực của Kiều Công Tiễn và cái kết bi thảm. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, Tòa soạn tổng hợp, nói rõ thêm về nhân vật này.
Vào năm Tân Mão (931), Dương Đình Nghệ là tướng của Khúc Hạo ở Ái Châu (Thanh Hóa), đã mộ quân và đánh đuổi Lý Khắc Chính và Lý Tiến, chiếm thành Đại La, ông tự xưng làm Tiết độ sứ. Đến năm 937, tức 6 năm sau, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn là một nha tướng giết hại để chiếm lấy địa vị Tiết độ sứ. Nền độc lập của đất Việt mới vừa lập nên đã lại bị đe dọa vì Kiều Công Tiễn đã giao cho cháu là Kiều Công Đại đi cầu cứu Nam Hán xâm lược bảo vệ chức Tiết độ sứ cho hắn.
Kiều Công Tiễn (chữ Hán: 矯公羨 hoặc 皎公羨; 870 - 938) là người Phong Châu (Phú Thọ ngày nay). Nguyên nhân Kiều Công Tiễn phản phúc giết Dương Đình Nghệ là nghĩa phụ (bố nuôi) để đoạt chức Tiết độ sứ (đứng đầu đất nước lúc bấy giờ) có những lý giải khác nhau nhưng trong Chương cuối Tập I tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” của PGS TS Cao Văn Liên phát trên revcat.net (từ kỳ 66 đến kỳ 70) cho rằng do hắn mù quáng, ham muốn quyền lực tuột bậc và được lý giải: Ban đầu, Kiều Công Tiễn xin Dương Đình Nghệ cho làm Thứ sử Phong Châu nhưng Dương Đình Nghệ không cho, lấy cớ quan lại làm quan ở quê nhà, họ hàng vợ con sẽ làm hư hỏng quan, quan chức ban đầu tốt nhưng sau đó theo đà đi dần vào con đường hủ bại. Nhưng Kiều Công Tiễn ôm nhiều tham vọng như tham vọng làm giàu, muốn vơ vét nhiều vàng bạc, muốn nuôi dưỡng lực lượng tay sai để tạo thế đi lên. Kiều Công Tiễn cho rằng có tiền bạc thì sẽ có vũ lực, có vũ lực thì có quyền và khi có quyền thì càng vơ vét được nhiều tiền bạc. Nhưng muốn đạt tham vọng đó phải xa Dương Đình Nghệ, một người cha nuôi nhân nghĩa, chỉ vì bách tính và vì nước. Tính cách này hoàn toàn trái ngược với tính cách của Kiều Công Tiễn, tham lam, ích kỷ và tàn bạo. Kiều Công Tiễn có thể vì quyền và vì tiền sẵn sàng phản bội và chà đạp lên đạo lý. Cho nên Kiều Công Tiễn đã nhiều lần xin Dương Đình Nghệ và cuối cùng Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ đồng ý cho Tiễn về làm Thứ sử Phong Châu.
Sau khi về làm Thứ sử Phong Châu, Kiều Công Tiễn bàn mưu kế giết Dương Đình Nghệ với Kiều Công Thuận, em trai Kiều Công Tiễn; Kiều Công Chuẩn, con trai Kiều Công Tiễn và cháu nội là Kiều Công Hãn (con Kiều Công Chuẩn) và chỉ có một người ngoài là gia tướng Lưu Định. Trong cuôc bàn mưu tính kế đó thì cha con Kiều Công Chuẩn không đồng ý, phản đối cho rằng: Cha và thúc thúc nói sai rồi, chúng ta nghèo khó, tài năng có hạn nên về với Dương Đình Nghệ để lập thân. Thực ra trong 14 năm qua, anh em chúng ta đóng góp cho sự nghiêp của Tiết độ sứ chúa công, cho sự nghiệp đánh giặc cứu nước không đáng kể. Nhưng là vì có mối quan hệ nghĩa tử mà Dương Đình Nghệ vẫn giúp đỡ cất nhắc, bây giờ anh em, cha con chúng ta dù tài không bằng ai cũng đã làm chủ một vùng Phong Châu trù phú, gia đình anh em cha con ta trở nên giàu có nhất nhì thiên hạ. Nay chúng ta giết nghĩa phụ Dương Đình Nghệ là bất hiếu, giết người nâng đỡ mình là bất nghĩa, giết người cầm đầu đất nước là bất trung, giết người chính nghĩa là bất đạo. Bất hiếu, bất trung, bất đạo, bất nghĩa thì giàu sang quyền lực làm gì, cũng không xứng đáng đứng trên cõi đời này nữa. Xin cha và thúc thúc đừng đưa chúng ta vào con đường phản bội.
Gia tướng Lưu Định cũng có quan điểm tương tự như Kiền Công Chuẩn, cúi xin chúa công (Kiều Công Tiễn) từ bỏ tham vọng quyền lực thì họ Kiều chúng ta mới tồn tại được lâu dài liền bị Kiều Công Thuận rút gươm đâm chết Lưu Định tại chỗ. Còn Kiều Công Hãn bất mãn với cách hành xử bất hiếu, bất nghĩa đó đã phi ngựa từ Phong Châu về Ái Châu báo tin cho Ngô Quyền biết kế hoạch của ông nội (Kiều Công Tiễn) triển khai giết Tiết độ sứ Dương Đinh Nghệ.
Như vậy, ngay trong nội bộ gia đình Kiều Công Tiễn cũng mâu thuẫn trong việc giết Dương Đình Nghệ nhưng Kiều Công Tiễn cùng với em trai Kiều Công Thuận vẫn quyết tâm thực hiện để đoạt chức Tiết độ sứ.
Sau khi giết nghĩa phụ Dương Đình Nghệ thì vào một sáng mùa xuân năm 938, tại đại sảnh đường trong thành Đại La, Kiều Công Tiễn đang ngồi trên ghế Tiết độ sứ, dáng vẻ lo lắng, khuôn mặt nham hiểm đã gầy càng gầy hơn, càng tăng sự gian manh tàn ác hơn. Ban đầu do tham lam, say mê quyền lực, Kiều Công Tiễn nghĩ rằng cứ giết được Dương Đình Nghệ, ngồi lên ghế Tiết độ sứ, có quyền hành thì có tất cả, mọi người đều phải khuất phục. Nhưng sự đời không đơn giản như vậy, nhất là trong lĩnh vực quyền lực chính trị. Cái tiếng tăm không mấy tốt đẹp, gian tham, tàn bạo khi còn cai trị ở Phong Châu của Kiều Công Tiễn đã lan truyền khắp nước. Nhưng sau khi về Đại La giết Dương Đình Nghệ là nghĩa phụ, ân nhân của Kiều Công Tiễn, đoạt chức Tiết độ sứ thì sự xấu xa, đê tiện, phản trắc của Tiễn không thể che đậy được nữa. Hắn mới hiểu ra trong chính trị quyền lực, kẻ xấu xa về nhân phẩm, tha hóa về đạo đức, kém tài năng mà ngồi ở ngôi cao thì thật không sung sướng gì và cực kỳ nguy hiểm, như cưỡi trên lưng hổ, như ngồi trên núi lửa, có thể bị “hổ ăn thịt” và bị thiêu cháy bất cứ lúc nào. Gần một năm, Kiều công Tiễn đã cho tay chân của mình đi đến tất cả các châu nhằm thuyết phục, mua chuộc kết giao bè phái với các Thứ sử, với các anh hùng hào kiệt, với các hào trưởng. Nhưng tất cả người của Kiều Công Tiễn đều bị từ chối không tiếp, hoặc bị đuổi đi, các thư từ công văn bị trả lại kèm theo những bức thư thóa mạ của họ. Đại lược là họ không bao giờ ủng hộ cho một kẻ bất hiếu, bất trung, vô đạo, tham lam ích kỷ tàn bạo, chỉ biết vinh thân phì gia, không biết bách tính và đất nước. Họ đều báo cho Kiều Công Tiễn biết rằng hắn phải bị trừng phạt, phải đền tội ác. Bây giờ hắn mới biết rằng bách tính Việt là ghê gớm chứ không như hắn hiểu lầm chỉ là lớp người nghèo khổ cam chịu khuất phục để những bậc vương, tướng gian manh như hắn muốn làm gì cũng được. Vì thế, suốt gần một năm, quyền lực của Kiều Công Tiễn không vượt quá thành Đại La.
Nhận được tin từ Kiều Công Hãn và thám mã về báo Kiều Công Tiễn đã giết Dương Đình Nghệ, đoạt chức Tiết Độ sứ, Thứ sử Ái Châu Ngô Quyền đã họp các tướng lĩnh để bàn kế diệt trừ Kiều Công Tiễn, chuẩn bị lực lượng chặn đứng âm mưu xâm lược của Nam Hán mà Kiều Công Tiễn đã cầu cứu chúng.
Tại Đại La, Kiều Công Tiễn nhận được thư của Ngô Quyền do Kiều Công Hãn chuyển tới, liền mở thư đọc. Thư viết: “Gửi ngươi, Kiều Công Tiễn. Nhà người về tài cán không có gì, về chữ nghĩa biết vài chữ bẻ đôi. Vậy mà Dương Tiết độ sứ thương yêu, nhận làm nghĩa tử, coi như con cái trong nhà, ưu ái cho ngồi vào ghế Thứ sử Phong Châu, vinh thân phì gia. Tại Ái Châu, ta đã được nghe bách tính Phong Châu kêu ca ai oán tên Thứ sử tham lam, tàn bạo, vơ vét, cướp bóc, giết hại những người vô tội. Nay lòng tham không cùng, lại giết hại cả nghĩa phụ của mình, lấy oán báo ơn, bất trung, bất hiếu, bất nghĩa, vô đạo, trời không dung, đất không tha. Nhưng nay ta chưa tính toán chuyện đó với ngươi. Trước mắt, ngươi phải trả lại thi hài của Dương tiết độ sứ để ta đem về Ái Châu tổ chức tang lễ, ngươi còn được một chút gọi là hiếu thì hãy làm theo điều này. Nếu ngươi từ chối, 3 vạn quân sẽ tấn công thành Đại La ngay, ngươi sẽ không có đất mà chôn. Thứ sử Ái Châu Ngô Quyền”.
Trước sức ép vây thành Đại La, Kiều Công Tiễn đã phải trả lại thi hài Dương Đình Nghệ theo tối hậu thư của Ngô Quyền đưa về Ái Châu tổ chức tang lễ trọng thể. Về Dương Xá dự tang và đưa Dương Đình Nghệ về nơi yên nghỉ cuối cùng có đông đủ hầu hết các Thứ sử các châu của An Nam, các hào trưởng, các anh hùng hào kiệt, các tướng lĩnh, bạn bè thân hữu của Ngô Quyền, của Dương Tam Kha, 3000 nghĩa tử. Sau tang lễ, các anh hùng hào kiệt, các tướng lĩnh, Thứ sử các châu, các hào trưởng, 3000 nghĩa tử ngỏ lời sẽ cùng Ngô Quyền tiến đánh Đại La sau 100 ngày, bắt tên bất hiếu, bất trung, bất nghĩa, tên phản bội Kiều Công Tiễn, rửa hận cho nước nhà, cho bách tính, báo thù cho Dương Đình Nghệ.
Khi biết tin Kiều Công Tiễn sai sứ cầu cứu Nam Hán, đất nước đang bước vào thời kỳ nguy nan, thù trong giặc ngoài, bên trong là thế lực nội phản của Kiều Công Tiễn, bên ngoài là hàng vạn quân giặc sắp tiến vào xâm lược. Nếu để hai thế lực này hợp nhất được với nhau thì vận mệnh đất nước như nghìn cân treo sợi tóc. Ngô Quyền đã viết “Cáo Thị” và công văn gửi đi tất cả các Thứ sử và bách tính các châu, kêu gọi họ về Ái Châu ứng nghĩa để chuẩn bị chống giặc. Tình thế hiện nay rất khẩn cấp, quân Nam Hán chỉ nay mai là kéo vào, vì vậy, phải tiêu diệt Kiều Công Tiễn, chiếm thành Đại La trước khi quân Nam Hán đến, làm mất chỗ dựa bên trong của chúng. Cho nên, phải cử một đạo quân tiến đánh Đại La trước khi quân Nam Hán đến, cũng trước cả khi các anh hùng hào kiệt về đây đầy đủ.
Trước tình thế khẩn trương, Ngô Quyền giao cho Dương Tam Kha làm Tổng chỉ huy, Đỗ Cảnh Thạc làm Phó cùng các tướng Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn, Phạm Bạch Hổ đem 3000 võ sĩ (như đặc công ngày nay), 3 vạn quân tiến đánh Đại La, xuất phát ngay. Hạ được thành Đại La càng sớm càng tốt. Quân số lực lượng như vậy là rất mạnh. Chúc huynh Dương Tam Kha và các tướng quân thắng lợi. Còn việc tổ chức đánh quân Nam Hán, ta chờ hai hôm nữa khi các anh hùng hào kiệt đến sẽ bàn sau. Dương Tam Kha và các tướng đứng dậy chắp tay: Xin đa tạ chúa công, chúng tôi nhất định đem tin thắng lợi trở về.
Do có nội ứng, thành Đại La sớm bị thất thủ, Dương Tam Kha là người kết liễu cuộc đời Kiều Công Tiễn. Trước thời khắc xử trảm, Dương Tam Kha đã trỏ gươm vào mặt Kiều Công Tiễn trên giường ngủ quát: Thằng phản bội, mày đã ăn nát bát nát nồi nhà tao ở Dương Xá, mày bất tài nhưng cha ta đã cho mày quyền cao chức trọng ở Phong Châu, vinh hoa phú quý, mày không đền ơn lại còn giết hại nghĩa phụ của mình. Con chó được nuôi còn biết ơn trung thành với chủ, mày không bằng loài cầm thú, lại còn cầu viện Nam Hán, bán rẻ giang sơn cho lũ giặc ngoài. Còn Kiều Công Thuận thoát chết khi thành Đại La bị hạ, bỏ trốn về ẩn náu ở Hồi Hồ (Phú Thọ)
Sau khi diệt tên phản phúc, phản quốc Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền đã mời các tướng lĩnh, hào kiệt về hội tụ ở đại sảnh phủ đường Tư Phố (Ái Châu) để họp bàn lo việc cứu nước trước họa xâm lược của Nam Hán. Việc đánh giặc là việc khó khăn trọng đại và phải có Thống soái chỉ huy thống nhất. Nay xin các quý vị cử ra một Chủ soái để điều hành chỉ huy ba quân đưa sự nghiệp chúng ta tới thắng lợi, đánh tan quân Nam Hán, cứu nước, cứu nhà. Tướng Đinh Công Trứ thay mặt những người dự họp nêu ý kiến, để thống nhất chỉ huy, xin đề đạt Thứ sử Ái Châu Ngô Quyền là thống soái chỉ huy ba quân. Ý kiến của Đinh Công Trứ được hơn chục vị tướng quân có mặt tại đại sảnh đường đồng thanh: Ngô Thứ sử là chủ soái. Ngô Quyền đa tạ các tướng quân đã tín nhiệm. Vậy mạt tướng xin tuân lệnh, triển khai ngay kế hoạch điều động quân đội lên các mặt trận chống giặc Nam Hán.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền chỉ huy đập tan quân Nam Hán, đánh dấu đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Năm 939, Ngô Quyền xưng Ngô Vương, đóng đô ở Cổ Loa. Thủy chiến Bạch Đằng Giang thắng lợi đã kết thúc hơn 1.000 năm đô hộ của phong kiến Trung Quốc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài cho đất nước của những người Việt phương Nam.
Nhìn lại lịch sử dân tộc, Kiều Công Tiễn và những kẻ tham vọng quyền lực, ham sống sợ chết, cam tâm bán nước như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống đều có kết cục bi thảm.
Danh sỹ bắc hà
10:46 25/10/2021
Bây giờ những kẻ tham tiền làm tay dài cho giặc Tàu như bọn người ở cục cảnh sát biển nên cho chúng vêg vơi Diêm Vương để hương kiêp khuyến tặc
Vũ Kim Hải
09:09 25/10/2021
Rất hay. Ôn cố nhi tri tân. Ôn chuyện xưa để răn người đời sau. Chỉ đề nghị biên tập lại đôi chỗ, có lời Ngô Quyền, nên cho vào ngoặc kép hoặc sau hai chấm. Cảm ơn tác giả bài viết và tòa soạn báo