Không nhịn nổi cười nhớ lại chặng cuối hành quân đến Tây nguyên. Đi đêm nhưng lúc này trời đã sáng để nhìn rõ những bước đi lò dò như bà đẻ, tất xỏ trong dép cao su, cứ thằng đi sau nhìn thằng đi trước mà cười. Đất bazan trơn thôi rồi.
Đấy là may có Voi ké là tôi đấy. Được một anh thương binh trên đường ra Bắc truyền cho kinh nghiệm: đi tất chống trơn trượt. Chứ không tưởng phải bò mà đi.
Đoàn tân binh chúng tôi, tự hào chi viện cho chiến trường Miền Nam đã đi 2 tháng 11 ngày. Tại trạm phía nam Kong tum, được nghỉ 2 ngày. Thế mới có cả một ngày gặp gỡ các anh lái xe, các chị Thanh niên xung phong sửa đường, các anh thương binh nặng trên đường ra Bắc... câu chuyện luôn là sự đổi thay của miền Bắc XHCN và bao kinh nghiệm chiến trường truyền lại cho chúng tôi. Đêm mai là đích đến: Đắc lắc.
Hôm sau trạm giao liên vui nhộn hẳn lên khi một trung đội TNXP ra tăng cường cho tuyến ngoài do bom Mĩ ác liệt quá. Nhìn các chị đã mấy năm trên Trường sơn mắc tăng võng "nhà nghề" mà thán phục. Tuổi 20 mắt môi xám ngắt, tóc ngắn cũn vàng hoe mà hồn nhiên rộn rã góc rừng.
Qua ngày nghỉ nên chúng tôi đều tươm tất sach sẽ, may thế. Đang nằm khoèo trong võng ngáy o o mà các anh bật dậy hết. Nằm gọn lỏn trong võng ôm cái kèn Acmonica, tôi nhìn thằng Bình đổ chút nước trong bi đông ra vuốt tóc mà phát ghét. Nó lôi tôi dậy đệm kèn cho nó hát "cô gái mở đường". Cả đại đội dậy hết vây quanh buổi văn nghệ bất ngờ này. Chị B trưởng cất giọng đáp lại bằng bài "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân", giọng xứ Nghệ sao mà xao xuyến thế. Anh thủ trưởng Trạm sau khi há cả mồm nghe thì như sực tỉnh, xin lỗi dừng lại vì lí do bí mật. Nuối tiếc.
Không sao, giao lưu trò chuyện. Cánh võng là bàn ghế tiếp khách luôn, chao ôi tình cảm tôi chẳng dám nhìn nữa.
Chị B trưởng chắc thấy cái mặt tôi non choẹt buồn thiu nên lại ngồi cùng võng với tôi. Nghe giới thiệu tuổi 22 mà tôi giật mình, 4 năm chiến trường, thương chị quá vẻ già giặn ấy. Biết tôi là út, như hiểu nỗi lòng chị quàng tay vai tôi vỗ vỗ. Một tình cảm ấm áp không tả khiến tôi gục đầu vào vai chị, cứ thế nước mắt rơi. Bao đêm hành quân nặng trĩu vai, chân đi chỉ còn là quán tính, ngực nghẹn nỗi nhớ mẹ... tủi thân nữa, tôi thút thít trên vai chị.
"Khi nào thấy quả bom tròn xoe từ cánh máy bay lao xuống, thì chạy cho nhanh mới thoát khỏi cái lưỡi tử thần của nó. Còn thấy quả bom dài dài thì khinh nó đi, cứ ngồi tại chỗ mà thổi kèn. Nghe tiếng pháo ục uỵch kệ nó, tiếng nổ đầu nòng đấy. Nghe véo véo thì coi khinh, còn xẹt xẹt thì nằm càng thấp càng tốt. Quả pháo nổ xong thì lăn ngay vào chỗ nông choèn của nó, nó khoét hầm cho mình đấy, sẽ không có quả thứ hai rơi vào chỗ đó đâu..."
Đó là những lời dỗ dành mà chắc chỉ có ở chiến trường. Bao nhiêu nỗi niềm tan đi trong vòng tay thân thương như của người chị quê nhà.
Chị lấy trong ba lô đưa tôi 2 bánh lương khô 702, loại này chỉ dùng cho cán bộ vì ngoài công việc ban ngày ra đêm về còn phải vắt tay lên trán lo cho trận đánh ngày mai, mà tôi không thể từ chối. Chia tay các chị sau bữa cơm chiều, cùng lên đường. Hướng chúng tôi đi là tiếng pháo ùng oàng nơi mặt trận mà lòng tôi hướng về nơi chị đến, thằng OV10 vè vè rình mò thả bom phá đường, chỉ biết cầu mong những trái bom "mãi dài" khi rơi xuống các chị.
Tây nguyên đón chúng tôi bằng mùa mưa. Trận mưa đầu mùa trút xuống những con ngầm dòng suối nhanh chóng sống lại. Nửa đầu đoàn quân vẫn đi qua lòng suối cạn khô, nửa cuối chúng tôi đã phải túm ba lô vào ni lông bơi qua dòng chảy xiết. Qua suối là ngã oành oạch, mới nhớ lời dặn đi tất vào cho dép đỡ trơn và đoàn quân mệt lả vẫn phải nhìn nhau khúc khích cười.
Trời đã sáng rõ, cánh rừng phẳng đến lạ lùng. Phong lan nhiều lắm, treo dưới tán cây săng lẻ, treo trên vách đá khoe sắc. Đàn chim bé xíu đủ màu sặc sỡ, nhảy nhót cùng hoa thật vui mắt. Chim Cao sơn. Tôi chả quan tâm, mệt lắm rồi, nhưng chợt thoáng ý nghĩ nếu bọn con gái lớp tôi mà ở đây chắc chúng nó sẽ bắt trèo lên lấy những chùm phong lan cho chúng nó. Tự nhiên nhớ chúng nó vô cùng.
Rừng bạt ngàn nhưng trơ trụi lá do chất khai quang của Mĩ, chúng tôi phải mắc võng chênh vênh trên sườn núi. Nghe thủ trưởng nói quãng đường đi qua là hơn ngàn cây số mà chẳng biết nghĩ sao, khi giao quân xong các anh cán bộ khung lại quay về cho đợt huấn luyện mới.
Ục, véo véo... không còn anh nào trên võng. Tôi thì vừa có được bài học của người chị gái, nên vẫn nằm dài, và tôi đã đúng. Mội tiếng oàng rất xa. Từ nơi binh trạm 5 chúng tôi nghỉ đã cảm nhận được sự ác liệt của mặt trận rất gần.
Thủ trưởng Bộ tư lệnh B3 đón chúng tôi. Vẫn là câu hỏi miền Bắc thay đổi ra sao, các anh trong rừng lâu lắm rồi. Cảm phục những gương mặt cương nghị, sạm đen, tái ngắt sốt rét.
Chia tay cán bộ huấn luyện. Thủ trưởng ôm tôi vào lòng nghẹn ngào dặn đủ điều. Cậu liên lạc mang đổi lại cho tôi khẩu AK CCCP và đem khẩu AK Tiệp ra Bắc, nó nhẹ để tôi đỡ chút nặng đường dài chứ hay hóc đạn. Lưu luyến nhìn mãi đến khi bóng các anh khuất sau cây rừng.
Thủ trưởng mới dõng dạc đọc danh sách chia quân mà tôi cảm giác chia về trường học mới, sách vở là vũ khí bom đạn cùng kĩ năng chiến đấu. Chưa tưởng tượng ra được nhưng trong tôi các anh chính là thần tượng thật gần.
Trung đội tôi về đoàn "Đồng bằng". Không phải ở đồng bằng, đó là tên có từ ngày chống Pháp, được Bộ Quốc phòng gọi là " quả đấm thép". Truyền thống thật tự hào.
Cả đoàn tân binh của chúng tôi mà như muối bỏ bể trên chiến trường rộng lớn. Ba thằng chúng tôi cùng về 1 tiểu đoàn là trường hợp rất hiếm. Mỗi thằng một đại đội. Chính trị viên đại đội của tôi, Nguyễn Minh Tác quê lụa, anh giới thiệu thế. Trung đội trưởng của tôi là anh Thanh. Và thế là tôi có hai người anh trên Tây nguyên.
Đại đội đóng quân rải rác ven con khe nhỏ, không tập trung để tránh bom rải thảm sẽ hi sinh tất cả. Lán lồ ô nửa chìm nửa nổi, mái cũng kết bằng thân cây lồ ô, cứ 1 ngửa 1 úp rất đẹp, hầm thông với lán, để nhanh xuống khi có bom.
Mùa mưa nên sẵn nước. Các anh đắp khe rồi lắp ống lồ ô tắm thật thú vị.
Tiếng là trung đội mà cả tôi là 15 người. Bữa cơm đón tân binh là chiến lợi phẩm hôm đánh đồn Tầm. Biết có tân binh sắp vào các anh dành tiếp, có giò, gà hộp, bò khô. Riêng tôi còn được gô cơm gạo sấy trắng và thơm phức. Làm tôi cứ tưởng... còn từ bữa tối là măng lồ ô với mắm kem.
Mười ba người anh tôi nằm lại trong rừng mãi tuổi 20. Đoàn tân binh của tôi cũng chẳng nhiều anh về. Nhưng kỉ niệm về Trường Sơn thì luôn đẹp. Thì ra mùa mưa lính Tây nguyên phải đi tất mới đi được trong rừng.
Vọng tiếng cười "bà đẻ".
Theo Chuyện làng quê