Một cháu bé gái chừng mười hai tuổi chưa kịp bán cho ai đến gần mời tôi mua thêm. Tôi đã mua rồi nên từ chối. Cháu bé vội nài nỉ: "Càng thắp nhiều càng có lộc chú ơi, chú mua giúp cháu năm nghìn thôi, cháu bán cho ba thẻ chứ không phải hai như người khác. Chú mua giúp cháu đi, từ sáng đến giờ cháu chưa mở hàng được đồng nào, mà chú...".
Nhìn khuôn mặt ngây thơ, đôi mắt trong sáng như tiên đồng, với giọng chào hàng trôi chẩy, chèo kéo mà tôi thấy lòng mình như chợt se lại. Tôi rút ví lấy ra 5 nghìn đặt vào lòng bàn tay cháu bé, và bảo là tôi cho để cháu ăn quà. Cháu từ chối bảo rằng cháu chỉ bán hàng chứ không xin tiền. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao, trước phản ứng chối từ không nhận tiền của cháu bé, tôi trở nên lúng túng. Đáng lẽ tôi phải mua cho cháu bé 5 nghìn tiền hương đó, nhưng đằng này tôi lại cất tiền vào ví! Sau này, cứ mỗi lần thoáng nhớ lại khoảnh khắc đó, tôi luôn cảm thấy như mình đã có lỗi với cháu bé bán vàng hương hôm ấy biết chừng nào!
Cuối cùng cháu bé nói với tôi như thể cảm thông và muốn làm cho tôi bớt lúng túng vậy: "Thôi thế này chú ạ, cháu sẽ đi theo và giới thiệu cho chú nghe, lúc nào chú thắp hết hương thì lại mua hương cho cháu nhé". Và thế là cô bé cứ quấn bên tôi trong suốt thời gian tôi đi thăm đền.
" Chú có biết không, trước mặt mình là đền thờ vua Đinh, còn bên kia là đền thờ vua Lê. Ngọn núi phía kia là núi Mã Yên có hình yên ngựa, trèo 265 bậc tới đỉnh núi là lăng của vua Đinh Tiên Hoàng. Đền hai vua được xây trên nền cung điện xưa kia, từ khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long... Trên cổng chính đền thờ vua Đinh có 4 chữ, chú có trông thấy không? Đó là bốn chữ Bắc Môn Toả Thược, nghĩa là khoá cửa Bắc để tránh gió bấc - Nói đến đây, giọng cháu bé bỗng nhỏ hẳn lại, cháu níu tay tôi và cố nghển cổ, kiễng chân như muốn nói thầm, sợ người khác nghe được - Nhưng chú phải hiểu 4 chữ đó còn có ý nghĩa sâu xa hơn là để phòng giặc phương Bắc đấy chú ạ!".
Cháu dẫn tôi vào trong khu đền. Theo con đường lát gạch cổ, qua cổng tam quan là một hồ nước xây thành bao bọc. Cứ thẳng con đường lát gạch là tới khoảng sân rộng, mà cháu giới thiệu là sân rồng và gian chính điện thờ Vua. Cháu lần lượt kể về các hiện vật cổ còn lưu giữ trong đền, đây là sập rồng bằng đá nguyên khối tạc hình rồng và cua cá, toà chính điện xây theo kiểu Tam cung, và toàn khu đền xây theo kiểu Nội công Ngoại quốc…
Vào bên trong đền, cháu trang nghiêm chỉ cho tôi chiếc mũ Bình Thiên của vua Đinh được đặt trên bàn thờ, rồi tượng vua Đinh Tiên Hoàng và các hoàng tử thờ tại hậu cung, cháu còn giải thích thêm, các công chúa con nhà vua không được thờ tượng, mà chỉ có bài vị thờ ở cánh gà hậu cung.
Sau khi giới thiệu những hiện vật trong đền, cháu lại kể cho tôi nghe những chuyện xẩy ra trong triều nhà Đinh sau khi vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, rồi những chuyện tranh chấp, giết hại lẫn nhau trong cung đình những năm sau đó. Trong số những câu chuyện cháu kể, có một chi tiết mà tôi chưa được nghe bao giờ, đó là chuyện Đỗ Thích đã đánh thuốc độc vào lòng lợn tiết canh dâng vua ăn để giết vua, rồi trốn lên nóc cung điện, đến khi khát nước mới thò tay ra hứng nước mưa, thì bị nô tì trong cung phát hiện và bị bắt...
Chẳng biết tự lúc nào tôi đã thật sự bị cuốn hút bởi những sự việc, nhân vật, năm tháng của lịch sử thắm đượm sắc màu huyền thoại do cô bé tí hon kể ra. Và thế là hai chú cháu tôi cứ tách xa dần đoàn khách tham quan đang được một chị hướng dẫn viên giới thiệu lướt qua ở phía trước. Cháu bé dẫn tôi sang thăm đền vua Lê Đại Hành ở bên cạnh, cứ theo cách đó, hai chú cháu cứ mải miết trò chuyện, cho đến đoạn cuối trong điện thờ vua Lê, thì chẳng còn thấy một khách tham quan nào ngoài hai chú cháu.
Trong hậu cung lúc này, nắng chiều lọt qua các lỗ thoáng gần mái, hoà vào ánh sáng của mấy ngọn nến leo lét cháy, tạo nên một không gian mờ ảo, xa vắng, bất chợt gợi cho tôi cảm giác rờn rợn của bầu không khí chém giết trong cung cấm cuối thời hai ông vua vĩ đại này. Tôi vội giục cháu ra khỏi hậu cung, rồi cùng rảo bước đuổi theo đoàn người đã đi xa khu đền cổ.
Trên đường ra bãi xe, tôi không biết nên cảm ơn cháu bé như thế nào cho phải. Tôi lại định biếu cháu tiền thì cháu khăng khăng không nhận. Tôi nghĩ ra cách sẽ mua hết chỗ vàng hương còn lại trong làn của cháu bé mang về nhà thắp dần vậy, nhưng cháu vội can: "Chú đừng có bao giờ mang vàng hương từ đền chùa trở về nhà, như thế là phải tội đấy. Đi cúng đám ma cũng thế, ai không biết mang về là người chết lại theo về nhà ngay".
Tôi thấy ân hận quá, vì mải nghe cháu bé giới thiệu, mà đã không nhớ mua them vàng hương thắp trong đền. Thấy tôi không vui, cháu lại an ủi: "Chú đừng buồn. Lần sau nếu đến đây, chú lại tìm mua hương cho cháu nhé!".
Lần sau, lần sau...! Tôi cố kiềm chế xúc cảm lòng mình, gật đầu cười chia tay cháu bé rồi bước lên xe.
Chiều muộn, mặt trời đã xuống sau rặng núi phía Tây, để rắc lên thung lũng Hoa Lư một thứ ánh sáng như bụi vàng lấp lánh. Cháu bé của tôi đứng giữa bãi cỏ ven đường vẫy vẫy theo xe. Tôi cố nhìn theo cái bóng nhỏ bé xinh xinh đó, cho tới khi thảm cỏ dưới chân cháu mờ dần, cuối cùng chỉ còn là một mảng màu óng ánh như vàng quì rực rỡ. Và giữa vùng hào quang của buổi chiều tà ấy, màu đỏ tấm áo cháu mặc, cứ như một đốm lửa sáng mãi, cho tới khi xe chúng tôi rẽ vào triền núi phía nẻo đường xa.
(Chuyện về một cô bé bán vàng hương ở đền Vua Đinh - Ninh Bình)
Theo Chuyện làng quê