Hai anh bình luận trên bài viết này đều là hàng xóm của anh Lâm ở Thái Thụy Thái Bình. Họ biết tường tận về anh.
Một người là bạn ĐHKTQS của tôi bảo:
- Tao còn được đi ăn cưới anh ấy. Anh ấy cao, trắng, đẹp trai. Hôm cưới anh mặc bộ 4 túi mầu tím của sỹ quan Hải quân. Trên ve áo là chiếc phù hiệu có mỏ neo sáng chói. Tao mê và thần tượng anh ấy lắm. Chỉ mong đi bộ đội Hải quân như anh Lâm. Dạo còn ở nhà, tao rất mê em gái anh Lâm. Cô ấy xinh nhất làng, da trắng hồng, tóc dài đến thắt lưng. Cô ấy cũng thích tao. Tôi hỏi dồn:
- Thích hay yêu? Bạn tôi bảo:
- Chẳng biết yêu hay thích nữa vì tao không dám ngỏ lời. Tình cảm kiểu như bài thơ " Hương thầm " của Phan Thị Thanh Nhàn ấy. Cái H xinh nhất làng. Cô ấy cũng thích tao. Tao đi bộ đội chẳng kịp ngỏ lời, em tặng tao khăn tay thêu đôi chim. Khi về em đã có chồng.
Còn anh Nguyễn Quang Thanh cho biết:
- Anh Lâm cùng xã với tôi, hồi đi phối thuộc với 125 tôi có đi tầu anh ấy một chuyến nhưng vào đến ngang Khánh Hòa bây giờ bị lộ phải quay ra chưa vào được bến.
Anh nói tiếp:
Ai đã từng đi biển thì mới thấy cảnh say sóng nó đáng sợ như thế nào? Tôi là lính 126 nhưng được đi làm nhiệm vụ với tầu của đoàn 125 mấy chuyến. Tôi nhớ, tổ tôi có anh Cầm bị say sóng, nôn cho đến khi không còn cơm cháo gì nữa thì nôn ra mật xanh, rồi đến mật vàng. Anh em thủy thủ trên tầu đổ sâm cho. Vừa cho hớp sâm vào mồm lại phun ra. Mà thật lạ, say sóng dưới biển đã đành rồi, khi về đất liền còn say mấy ngày nữa. Cái say này mới kinh hơn.
Tôi trả lời anh Quang rằng:
- Lên bờ vẫn say gọi là say sóng đất. Tôi kể ngày đầu đi biển cũng say như anh Tâm. Tôi còn nôn ra giun đũa đằng mồm, có con ra đằng mũi nhưng vẫn phải cố gắng bò, lết trên sàn tầu mà làm việc. Còn sâm thì làm gì có, đó là nước cam đóng chai.
Bạn tôi giúp tôi liên hệ với cháu Thụ con trai anh. Qua các nguồn tin của hai người hàng xóm và của cháu Thụ. Cuộc đời ngắn ngủi của anh dần hiện lên trong tôi.
Anh Lâm sinh năm 1946 tại xã Thụy Lương, Thái Thụy, Thái Bình. Nhập ngũ năm 1965. Khi tôi về con tầu V649 ( tầu 56 cũ ) anh đã là Máy trưởng, thượng sỹ chuyên nghiệp. Anh là cây đa cây đề trong tầu. Khi đó thuyền trưởng, Chính trị viên mới là thiếu úy.
Ở tầu Hải quân mỗi người mỗi nhiệm vụ đều nguy hiểm như nhau song vẫn có thể xếp loại được. Người trên mặt boong thì dễ xơi đạn của máy bay, tầu chiến địch nhất nhưng lại dễ thoát chết nhất vì khi tầu cháy, tầu bị bắn chìm còn nhảy ùm xuống biển. Nếu không bị cá mập xơi, không bị địch bắt sống thì thế nào cũng bơi được vào bờ.
Thợ máy phải làm việc dưới khoang máy thấp hơn mặt nước cả chục m đối với những con tầu to, còn với tầu bé của tôi và anh Lâm thì dưới mặt nước 2 đến 5 m tùy tầu đầy hàng hay không hàng. Trong khoang máy vô cùng ngột ngạt nóng bức. Khoang máy luôn nhớp nháp, hôi sì trơn tuột bởi dầu sống. Đó là dầu điezen chạy máy, dầu nhờn làm mát động cơ. Mùi dầu đã cháy khét lẹt. Sợ nhất là tiếng ồn, tiếng ồn của động cơ nổ ầm ầm. Là tiếng rú của ly hợp khi chuyển số 1, số 2, số 3 và số lùi. Là tiếng đập oàm oạp của sóng vào mạn tầu. Là tiếng chân vịt xé nước. Điều đáng sợ nhất là khi tầu bị pháo địch bắn thủng vỏ nước ào vào rất nhanh. Việc vá tầu, bơm nước ra mà không kịp, thợ máy thường chìm cùng con tầu.
Khi thiết kế tầu biển phải theo nguyên tắc bất di bất dịch là các khoang phải độc lập với nhau. Thiết kế này đảm bảo tầu bị thủng, bị vỡ một khoang cũng không thể chìm được. Khoang máy tầu tôi có cửa thông lên buồng ngủ giúp thủy thủ đi ca trong không gian kín. Tuy vậy khi tầu bị lật, bị trúng đạn thì thợ máy khó mà sống đươc. Vì vậy mỗi khi tầu nhổ neo chở hàng vào Nam, bữa cơm cuối thường trầm, thiếu tiếng nói tiếng cười. Trước kia họ gọi là "Truy điệu sống " còn thời chúng tôi ngày báo động ngày vài lần, chẳng biết đi thật hay đánh lừa địch nên cũng quen đi.
Trước khi tôi về tầu( tháng 10/1972) anh Lâm và tầu C56 đã tham gia Chuyến vận chuyển cho Chiến dịch Mậu Xuân 1968.
4 con tầu ra đi chỉ một tầu C56 mà anh Lâm làm thợ máy trở về. 3 con tầu cùng đi đã bị máy bay tầu chiến Mỹ đánh chìm. Cán bộ chiến sỹ hy sinh gần hết.
Tháng 1 năm 1972, tầu 56 của anh Lâm nhận lệnh lên đường. Hàng hóa đã được bộ phận hậu cần chuẩn bị chu đáo. Mỗi kiện hàng được đóng kín bằng nhiều lớp nilon, để nước không vào được. Súng đạn được phủ một lớp dầu mỡ dày, dù có thấm nước mặn cũng không bị han gỉ.
Chuyến đi hôm đó của tầu 56 do thuyền trưởng Nguyễn Sơn chỉ huy Thuyền phó Đồng Xuân Chế và Văn Đình Nhu. Chính trị viên Đỗ Sạn. Đoàn trưởng Võ Hán cũng tham gia chuyến này.
Ngành thủy thủ mặt boong do anh Nhật làm Thủy thủ trưởng. Các thủy thủ khác là Ba Sang, Hòa đen, Thuận, Mạc, Đăng.
Hàng hải là anh Đỗ Cơ.
Thợ máy có anh Việt máy trưởng. Anh Lê Hữu Lâm máy 1. Nguyễn Văn Với máy 2, Điện công là anh Thanh béo. Bộ phận thông tin có anh Liền báo vụ 1, anh Vụ báo vụ 2.
Trên đường đi, tầu anh vừa lẩn tránh tầu địch, vừa chiến đấu để vào được Cảng Co Công Cam pu chia thắng lợi. Trong đêm tối, trong vòng vây của tầu địch. Các anh đã lập kỷ lục phi thường là chỉ hơn hai chục thủy thủ của tầu và bộ đội của bến, đã đưa gần 70 tấn hàng từ hầm hàng sâu 3, 4 m lên mặt boong rồi thả xuống biển bằng đôi tay.
ngày 8/2/1972 tàu về đến Vịnh Hạ Long. Dù mệt nhưng cán bộ chiến sỹ tập trung rửa tầu, cạo gỉ, sơn lại tầu như mới để về cảng k20 Hải Phòng.
Sau chuyến đi đó tầu được tặng huân chương chiến công. Bản thân anh Lâm được tặng thưởng huân chương chiến công.
Ngày 27/1/1973 Hiệp định Pa ri về Việt Nam được ký kết. Tầu V649 của chúng tôi vào tiếp quản cảng Cửa Việt.
Năm 2015 tầu C56 mới được truy tặng danh hiệu AHLLVTND.
Anh là người chịu sóng rất giỏi. Gặp sóng cấp 7 cấp 8 trở lên, thợ máy say nằm lả. Anh đứng máy thay anh em. Có chuyến đi anh thức trắng cả đêm làm việc.
Anh Lâm rất quý tôi. Anh hay quàng tay qua vai tôi nói đùa:
- Quân gả chị cho anh đi! Tôi tưởng thật viết thư cho chị tôi đang học ở LX, kể và giới thiệu anh Lâm với chị.
Cuộc đời anh Lâm cũng như các CCB Tầu không số trước 30/4/1975 đều vất vả, lận đận.
Sau ngày thống nhất, trải qua những chuỗi ngày gian khổ, cận kề cái chết. Người lính nào cũng muốn phục viên giải ngũ về với quê hương, với vợ con nhanh nhất. Có lẽ thế mà anh về hưu sớm với cấp bậc thượng
úy chuyên nghiệp.
Năm 1981, vợ anh mất đột ngột do phản vệ thuốc khi tiêm. Anh rất buồn, một mình gà trống nuôi hai đứa con nhỏ với đồng lương hưu ít ỏi. Một thời gian sau Anh lấy vợ hai. Cô thương yêu chăm sóc anh và hai đứa con chồng. Họ có với nhau 1 cô con gái.
Trời không thương người CCB già. Một lần nữa người vợ thứ hai lại bỏ anh, bỏ con ra đi do mắc bệnh hiểm nghèo vào năm 2000. Anh buồn lắm, đổ bệnh rồi mất năm 2004.
Nhờ phúc của tổ tông, nhờ bố mẹ phù hộ. Con trai anh học rất giỏi, là niềm tự hào của anh. Cháu thi đỗ vào trường ĐH.KTQS. Năm 1997 cháu được cử đi học tại Học viện Hải quânXanhpetebuar Liên Xô cũ. Về nước cháu nối nghiệp bố, về làm việc ở BTL Hải quân.
Một thời gian sau cháu được cử đi nghiên cứu sinh ở trường cũ, giành học vị Tiến sỹ.
Con trai anh trưởng thành từng bước vững vàng. Cháu là thượng tá, trưởng một phòng của viện Kỹ Thuật Hải Quân. Con dâu, con rể đều làm việc trong quân đội. Cô út mang gien bố khá xinh đẹp đang kén chồng. Các cháu nội ngoại ngoan học giỏi.
Cầu mong anh thanh thản nơi chín suối, phù hộ độ trì cho các con, cháu và đồng đội .
Hà Nội, ngày 8 tháng 5 năm 2024.
T.H.Q