Dàn nhạc giao hưởng Lễ hội Việt - Nhật lưu diễn tại “Xứ sở hoa anh đào” với chủ đề “Tình hữu nghị”, “Cầu siêu” và “Hy vọng” hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và tưởng nhớ các nạn nhân thiên tai.
Nhân duyên
Hướng tới lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản (1973 - 2023), Dàn nhạc Lễ hội Việt - Nhật được thành lập với sự quy tụ của hơn 60 nghệ sĩ xuất sắc đến từ hai quốc gia, một nửa đến từ Việt Nam, một nửa đến từ Nhật Bản. Chia sẻ tại buổi họp báo diễn ra tại Hà Nội, bà Matsuda Ayuko, nghệ sĩ piano, giám đốc điều hành chương trình nghệ thuật cho biết: “Khi đang nung nấu ý tưởng về chương trình hoà nhạc nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, tôi tình cờ gặp được một người hiểu rõ lịch sử gắn kết giữa hai nước. Người ấy kể cho tôi câu chuyện vào năm 752, khi đó Phật Triết - một tăng lữ Việt Nam sang Nhật Bản, đã cúng dường bằng múa và âm nhạc trong nghi lễ khai quang cho mối lương duyên trong quan hệ giữa hai nước Việt - Nhật, những cuộc giao thương với Việt Nam tiếp tục diễn ra trong hàng nghìn năm. Điều đó đã thôi thúc tôi lên kế hoạch thành lập một dàn nhạc Lễ hội Việt - Nhật”.
Dàn nhạc sẽ lưu diễn tại 6 tỉnh, thành phố tại Nhật Bản, bao gồm: Gunma, Tokyo, Iwate, Fukushima, Miyagi và Nara.
Nhạc trưởng người Việt chỉ huy dàn nhạc Quốc tế
Theo thông tin từ Ban tổ chức, chương trình có sự góp mặt bởi các nghệ sĩ kỳ cựu đến từ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB), Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (VNAM), Dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới,… Tại đây, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh sẽ trực tiếp chỉ huy dàn nhạc Quốc tế.
Chia sẻ về quá trình làm việc, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cho biết: “Đây là một cơ hội tuyệt vời, một chương trình không chỉ có nhạc giao hưởng, nhạc cổ điển mà còn có cả nhạc dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảm thấy có những áp lực khi làm việc cùng các nghệ sĩ người Nhật. Họ vốn nổi tiếng với sự tỉ mỉ, cầu kỳ, và cách chơi âm nhạc của họ cũng vậy. Âm nhạc không chỉ hay, phiêu với cái phiêu của người nghệ sĩ mà còn phải đúng, đúng với các quy ước chung về ngôn ngữ và thuật ngữ âm nhạc.”
Việt Nam với các quốc gia nói chung và Việt Nam với Nhật Bản nói riêng đều có lịch sử về giao lưu kinh tế, chính trị, văn hoá. Với âm nhạc thì còn đặc biệt hơn hẳn, bởi âm nhạc là thứ ngôn ngữ hết sức diệu kỳ, dù bất cứ ai, dù ở bất cứ nơi đâu, dù là chưa hiểu tiếng nói, chữ viết của một vùng miền nào đó nhưng thông qua âm nhạc, chúng ta đã thực sự cảm mến nhau rồi! Có rất nhiều điều để bạn bè quốc tế biết đến âm nhạc Việt Nam như: “Bèo dạt mây trôi”, “Lý cây đa”, “Lý cây bông”,… và nếu như còn có nhiều điều hay hơn thế để “phô” ra, thì hẳn một chương trình nghệ thuật thế này là nơi rất phù hợp? Có lẽ trước giờ, hầu hết văn hoá của ta ảnh hưởng bởi văn hoá Nhật Bản, nhưng văn hoá của ta ảnh hưởng sang nước bạn Nhật lại không được nhiều. “Rất mong thông qua những dịp như thế này để người Nhật thấy được cái hay, cái đẹp, cái tinh tế của âm nhạc Việt. Và mình cũng có thể tự tin ngẩng cao đầu: nhạc Việt Nam không thua kém nhạc Nhật!” - nhạc trưởng Đồng Quang Vinh nhấn mạnh thêm.
Âm nhạc của sự “Hữu nghị”, “Cầu siêu” và “Hy vọng”
Không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà âm nhạc mang lại cho đời sống con người, tuy nhiên, sử dụng âm nhạc một cách phù hợp cũng nói lên được văn hoá thưởng nhạc và sự tinh tế trong tâm hồn. Ta không thể mở một bản nhạc buồn trong sự kiện, lễ hội, hay cũng không thể mở một bản nhạc sôi động trong thời khắc thiêng liêng, tưởng niệm. Bởi vậy, ngôn ngữ âm nhạc cũng được bày tỏ hết sức rõ ràng thông qua giọng trưởng (major) và giọng thứ (minor). Trong khi điệu thức trưởng tập trung làm nổi bật màu sắc tươi sáng, tinh thần lạc quan, vui vẻ thì điệu thức thứ lại hướng đến những nỗi buồn, tính tự sự hay cả niềm u uất, da diết. Chia sẻ về ý tưởng lựa chọn các tác phẩm trình diễn trong chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Tình hữu nghị”, “Cầu siêu” và “Hy vọng”, ban tổ chức tiết lộ: “Piano Concerto No.1”- F.Chopin và Bản giao hưởng định mệnh “Symphony No.5” - L.Beethoven sẽ là các tác phẩm điểm nhấn.
Chắc hẳn những ai yêu thích âm nhạc đều biết F.Chopin là một nhạc sĩ tiêu biểu của thời kỳ lãng mạn. Ông là cha cha đẻ của các bản ballad, romance, valse hay mazurka rất nổi tiếng. Concerto số 1 được biểu diễn tại buổi hoà nhạc viết ở giọng mi thứ (e-minor) gồm 3 phần chính: Maestoso (nghiêm trang), Romance (lãng mạn) và Rondo. Phần II: Romance thể hiện hết sức phong phú tinh thần của một nhà lãng mạn vĩ đại Chopin. Đó là âm nhạc nhẹ nhàng, ngập tràn những kỷ niệm hạnh phúc khi tác giả sống tại quê hương. Trong khi đó, phần III: Rondo giai điệu chủ đề được nhắc lại nhiều lần nhưng lại chứa đựng rất nhiều sự phức tạp trong âm nhạc cũng như kỹ thuật biểu diễn. Điều này cho thấy tâm trạng khắc khoải, nỗi nhớ quê hương diễn ra liên tục trong trái tim Chopin; là sự lo lắng không thôi về tình trạng hỗn loạn tại Ba Lan quê hương ông lúc bấy giờ. “Piano Concerto No.1” cũng là tác phẩm cuối cùng Chopin sáng tác tại quê nhà, để sau này ông vẫn mãi trăn trở rằng: “Khi tôi chết, hãy đưa trái tim tôi trở về Ba Lan”. Nội dung của tác phẩm hoàn toàn trùng khớp với tinh thần mà chương trình mong muốn đem lại: những trái tim xuất phát từ yêu thương, dù trải qua những giông tố cuộc đời, hay ngay cả khi chết đi, trái tim ấy vẫn mong muốn được trở về nơi nó đã bắt đầu - nơi an yên, vĩnh lạc; đó là thông điệp yêu nước, là nỗi buồn, nỗi nhớ người thân, là sự gửi gắm nhưng tràn đầy hy vọng, buồn thương nhưng lại không hề bi quan.
Âm nhạc đưa mỗi chúng ta đến với nhau như một cái duyên. Ngày hôm nay, tôi gặp bạn là một cái duyên. Người Việt Nam và người Nhật Bản gặp được nhau trong chương trình giao lưu văn hoá nghệ thuật, đó cũng là cái duyên. “Bản giao hưởng định mệnh” của Beethoven là chất gắn kết giữa mối lương duyên đó. Được viết ở cung đô thứ với câu mở đầu mang tính cao trào, mạch lạc, tác phẩm như đem lại cho người nghe sự đánh thức bằng những tiếng gõ cửa. “Symphony No.5 là bản giao hưởng tuyệt diệu, trong một cao trào cứ được đẩy lên cao mãi, cao mãi và đẩy thính giả rơi vào thế giới tâm linh của sự vô tận mới thật mãnh liệt!” - lời nhận định của tác giả Hoffman trong một bài luận mang tên “Nhạc không lời của Beethoven”. Tác phẩm mở đầu có sự sự căng thẳng nhưng đến cuối lại kết thúc bằng giai điệu rất sáng, những đoạn ở giữa thì cảm xúc lên xuống, trầm bổng xen kẽ. Điều này cũng giống như diễn biến của một mối quan hệ: ta không hiểu lý do bắt đầu, cả giai đoạn đồng hành cũng có lúc vui, lúc buồn, lúc yêu, lúc giận, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn yêu thương nhau, vẫn hướng về nhau, về cái đích tươi sáng.
Tác phẩm cuối cùng được trình diễn trong buổi hoà nhạc còn có sự tham dự của các bạn học sinh - đại diện cho lớp trẻ, là sự gửi gắm vào tương lai nhằm mang lại thông điệp hết sức vĩ đại cho chương trình.
Nơi đất động nay đã tĩnh?
Bà Matsuda Ayuko, giám đốc dự án chia sẻ: tính đến nay đã 12 năm trôi qua kể từ khi xảy thảm hoạ động đất, sóng thần tại Đông Bắc, Nhật Bản. Trong Đạo Phật, đây là cột mốc của 13 hồi kỵ đối với người đã khuất. Theo văn hoá truyền thống của người Nhật, 13 hồi kỵ là giỗ lần thứ 13, đếm theo năm sẽ là năm thứ 12. Người Nhật chỉ tổ chức giỗ đầu, giỗ thứ ba, thứ sáu và thứ mười ba; tức là đám tang (3 hồi kỵ), 6 năm sau ngày mất (7 hồi kỵ), 12 năm sau ngày mất (13 hồi kỵ). Sau khi kết thúc 13 hồi kỵ, linh hồn của người mất sẽ hoà vào vũ trụ và chuyển tiếp sang một giai đoạn và thể thức hoàn toàn mới.
Bởi vậy, ban tổ chức mong muốn thông qua âm nhạc, các linh hồn của những nạn nhân xấu số sẽ sớm được siêu thoát và trở về với nơi cực lạc. Đêm diễn được coi là hoạt động cầu siêu, tưởng nhớ những người đã mất vì thảm hoạ thiên tai, sóng thần, đồng thời mang đến hy vọng cho người dân nơi đây, từ những mất mát, đau thương sẽ có một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Ban tổ chức cũng sẽ dành tựng 100 vé mời cho người nhà các nạn nhân, cũng như các gia đình người Việt Nam sinh sống tại khu vực này.
Đặc biệt, chuyến lưu diễn của dàn nhạc Lễ hội Việt - Nhật sẽ dừng chân tại Đại Phật Điện của chùa Đông Đại Tự (Todaiji) - ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất thế giới tại tỉnh Nara, nơi những cuộc giao thương với Việt Nam đã diễn ra trong hàng nghìn năm.
Toàn bộ nội dung chương trình nghệ thuật hay địa điểm được lựa chọn tổ chức đều hướng tới ý nghĩa sâu xa và tinh thần vĩ đại, nỗi niềm, tâm huyết của đội ngũ sản xuất chương trình.
Chương trình hoà nhạc lưu diễn tại Nhật Bản dự kiến diễn ra từ ngày 2 đến ngày 10 tháng 10 năm 2023.