Tôi khi bé vẫn nghe bố kể chuyện có nhà nghèo, khách đến chơi không có tiền đi chợ, bèn đãi khách món dồi tiết trâu luộc.
Tôi mới thắc mắc: Tại sao nghèo mà có tiền mua tiết trâu làm dồi ? Bố tôi cười bảo là, ông ấy chỉ cần dắt con trâu mộng xuống ao một lát rồi lên gỡ Đỉa ra ... luộc.
Ối giời ơi ! Tôi rùng mình khi nghĩ đến những con Đỉa no tròn, bóng nhẫy to như quả chuối mắn lủng lẳng trên mình trâu. Trí tưởng tượng khiên tôi mỗi lần thấy món dồi lợn luộc cứ liên tưởng đến con Đỉa ấy ... Nghĩ mà kinh ...
Con Đỉa không có nọc độc như rắn, không có gai có lông như bọ nẹt sâu róm, cũng chẳng đốt đau như ong, ... nhưng nó làm cho ta cảm thấy sợ. Hễ cứ nghĩ đến lớp da bóng nhẫy, nhớt nhèo hàng gai xanh nổi vân sọc của nó cũng đã sởn ... da gà.
Tôi ra ruộng bắt cua, mẹ tôi đã cẩn thận xát lá vừng vào chân cho Đỉa khỏi bám. Quả thật, mới đầu thì lá vừng gặp nước trơn như bọt xà phòng, bọn Đỉa chịu không bám vào được. Nhưng một lát sau bùn cọ mất lớp nhớt, chúng bâu vào cắn khiến tôi nhảy tưng tưng kêu la ầm ĩ.
Mẹ tôi kéo, con Đỉa thì trơn, dãn ra lại co vào bám chặt chân tôi. Mẹ vớ cái que quấn giẻ có tí vôi mang sẵn, chấm vào nó. Nó cũng không buông. Cuối cùng phải bôi bãi nước miếng vào đầu, nó mới chịu nhả ra.
Ấy là những phút giây khủng khiếp nhất mà tôi cảm nhận về nó, cái con Đỉa quen thuộc của mọi làng quê ... Đỉa con đỏ chon chót bò lổm ngổm trong mai cua. Đỉa bám cọng rau cần. Đỉa chui vào lỗ mũi, vào "súng ống" bọn trẻ tắm sống tắm suối ... Đỉa ngủ thu lu trong cái kem mút làm bằng nước ruộng, pha đường hóa học bán rong khắp đầu làng ngõ xóm. Đỉa đeo tòng teng bụng trâu bò ...
Giờ thì thuốc trừ sâu nhiều quá chẳng còn nhìn thấy chúng đâu nữa. Nghe bảo bọn lái buôn mua hết Đỉa mang sang Khựa bán, chả biết bọn chúng mua làm gì. Làng quê sạch bóng Đỉa, đâm ra lâu rồi không thấy chúng cũng nhơ nhớ ...
Chẳng phải ta chỉ nhớ những kỉ niệm đẹp, mà một phần kí ức còn dành chỗ cho cả những thứ lặt vặt khác của làng quê xưa. Kể cả là những nỗi ... rùng mình.
Chuyện Làng Quê