KỲ 16
SỰ KIỆN 17: BẮC BÌNH VƯƠNG NGUYỄN HUỆ RA THĂNG LONG LẬT ĐỔ NHÀ TRỊNH (1786).
Tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ khi đó được Nguyễn Nhạc (Trung ương Hoàng đế) phong là Bắc Bình Vương vượt sông Gianh, tiến ra Thăng Long, lật đổ cơ đồ nhà Trịnh sau gần 200 năm thống trị, lập lại nền thống nhất đất nước sau gần 200 năm chia cắt. Cục diện Đàng Trong-Đàng Ngoài, cục diện vua Lê-chúa Trịnh chấm dứt. Nhà Trịnh chính quyền song hành với nhà Hậu Lê, trải qua 11 đời chúa, cai trị 248 năm. Chúa đầu là Trịnh Kiểm (1545-1570), chúa thứ hai là Trịnh Tùng (1570-1613), còn 9 đời chúa đều sinh ra và trưởng thành ở Thăng Long:
-Trịnh Tráng (1623-1652), ở ngôi chúa 29 năm.
-Trịnh Tạc (1653-1682)-------------------29 năm.
-Trịnh Cán (1682-1709)------------------17 năm.
-Trịnh Cương (1709-1729)---------------20 năm.
-Trịnh Giang (1729-1740)----------------11 năm.
-Trịnh Doanh (1740-1767)----------------27 năm.
-Trinh Sâm (1767-1782)-------------------15 năm.
-Trịnh Tông (1782-1786)-------------------4 năm.
-Trịnh Bồng (1786-1787)------------------1 năm.
Ngai vàng nhà Lê vẫn đuợc duy trì. Thăng Long khi đó được chứng kiến hôn lễ giữa Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ với công chúa Lê Ngọc Hân. Đây có lẽ là cuộc hôn nhân đẹp nhất của kinh thành Thăng Long khi đó. Nhân dân Thăng Long cũng đã chứng kiến Nguyễn Huệ không chỉ là nhà quân sự thiên tài mà còn là người cai trị tài giỏi, vì chỉ trước đó không lâu Thăng Long và Bắc Hà trộm cướp như ong, chỉ một tháng quân Tây Sơn đã đem lại yên bình. Người đô thành cũng được chứng kiến người đứng chủ lễ tang vua Lê Hiển Tông (1740-1786) khi vua qua đời là con rể, tức là Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Tang lễ được cử hành nghiêm trang. Sách Hoàng Lê nhất thống chí chép rằng trong khi tang lễ đang tiến hành, có một viên quan nhếch mép cười, Huệ đã sai lôi ra chém. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã đưa Lê Chiêu Thống lên ngôi với ý muốn của dòng họ Lê. Thăng Long cũng được nhìn thấy cảnh Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc và 1.000 tuỳ tùng lôi thôi lếch thếch như một lũ ăn mày từ kinh đô Qui Nhơn ra Thăng Long để bắt Nguyễn Huệ về Nam, vì vốn dĩ khi Nguyễn Huệ đứng trước sông Gianh, Nguyễn Nhạc đã ra lệnh cho Nguyễn Huệ không được tiến quân ra Bắc. Nhưng với ý chí thống nhất đất nước mạnh mẽ, Nguyễn Huệ đã bất chấp lệnh của Nguyễn Nhạc vẫn tiến quân ra lật đổ nhà Trịnh. Nhạc thấy phải tự ra Bắc bắt Huệ về để khống chế. Nguyễn Nhạc đúng là tiêu biểu bậc nhất cho tính cách một thủ lĩnh nông dân. Sau khi lấy được đất Đàng Trong, ông xưng là Trung ương Hoàng đế (còn gọi là Thái Đức Hoàng Đế) ở Qui Nhơn và chỉ say sưa an nhàn hưởng lạc.
(Còn nữa)
CVL