KỲ 11
SỰ KIỆN 12: QUÂN CHIÊM THÀNH CƯỚP PHÁ THĂNG LONG CUỐI KỶ XIV.
Cuối thế kỷ XIV Vương triều Trần bắt đầu tha hoá, suy vong. Lý do tha hoá suy vong là các vua cha, vua ông dựa vào dân gian lao dựng nước nên còn biết thương yêu nhân dân, coi dân là gốc của nước, cho nên ra sức chăm lo phát triển kinh tế, khoan thư sức dân. Nhưng đến đời vua cháu, vua chắt, quan cháu, quan chắt sống trong nhung lụa, xa hoa hưởng lạc, coi của cải như bùn đất, coi dân như trâu ngựa. Quyền lực nhà Trần cuối cùng lọt vào tay Hồ Quí Ly. Triều đại chính quyền tha hoá thì đất nước cũng suy yếu, kinh đô cũng chịu nhiều tai họa.
Nửa sau thế kỷ XIV, nhà Trần suy yếu đến mức không bảo vệ đựơc đất nước và kinh thành Thăng Long. Đời Trần Nghệ Tông (1370-1372) trở về sau, liên tục Đại Việt bị quân Chiêm Thành do vua Chế Bồng Nga chỉ huy đánh phá. Nhiều lần kinh thành Thăng Long bị Chế Bồng Nga tấn công chiếm đóng, đốt hết lâu đài, cung điện, khi rút lui chúng cướp hết vàng bạc châu báu, bắt về Chiêm Thành nhiều đàn bà con gái làm nô lệ. Tháng 6 năm 1383 Chế Bồng Nga lại đem quân đánh vào Thăng Long, Thái thượng Hoàng Trần Nghệ Tông phải đem vua Trần Phế Đế chạy về Bắc Ninh. Quân Chiêm chiếm Thăng Long và cướp bóc nửa năm trời mới rút. Chỉ đến năm 1390 trong một trận đánh ở sông Hải Triều (Thái Bình) quân ta dưới sự chỉ huy của Trần Khát Chân bắn chết Chế Bồng Nga thì nạn quân Chiêm tấn công Đại Việt, tấn công kinh thành Thăng Long mới chấm dứt.
(Còn nữa)
CVL