Chúng tôi chỉ có một lựa chọn
Tình trạng quá tải các tầng điều trị của TPHCM làm nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng chậm được tiếp nhận, cấp cứu khiến tập thể lãnh đạo Quận 7 suy nghĩ, trăn trở rất nhiều trước khi quyết định chuyển đổi khu thu dung F0 không triệu chứng thành bệnh viện dã chiến chuyên điều trị, cấp cứu cho các trường hợp dấu hiệu nặng trên địa bàn.
Trong thời gian ngắn, một bệnh viện dã chiến với 290 giường, trong đó có 75 giường cấp cứu, đã được hình thành, với đội ngũ nhân viên y tế, trong đó có 17 bác sĩ từ Bệnh viện đa khoa Quận 7 chuyển sang. Ngay khi đi vào hoạt động, Bệnh viện dã chiến Quận 7 đã cấp cứu kịp thời hàng chục bệnh nhân có triệu chứng nặng, không để nặng thêm. Hàng trăm bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được điều trị ổn định.
“Chúng tôi chỉ có một lựa chọnn là làm sao cứu chữa được càng nhiều người bệnh càng tốt, càng ít phải chuyển tuyến càng tốt”, Bác sĩ Nguyễn Thế Vũ, Phó Giám đốc Bệnh viện Quận 7 chia sẻ.
Để có đủ oxy cho bệnh nhân thở máy, những ngày đầu, các y, bác sĩ vừa làm công tác điều trị, vừa trực tiếp vận chuyển hàng trăm bình oxy. Và trong ngày 5/8, Quận 7 đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp cung cấp bồn oxy lỏng với dung tích 32 m3 phục vụ cho hệ thống oxy tập trung, máy thở dòng cao (HFNC)…
“Theo mô hình điều trị của Thành phố thì cấp quận, huyện chỉ có các khu thu dung F0 không triệu chứng (tầng 1), điều trị bệnh nhân triệu chứng nhẹ (tầng 2). Những bệnh nhân nặng đều phải chuyển lên tầng cao hơn là các bệnh viện của Thành phố, Bộ Y tế. Nhưng các tuyến này đều đang quá tải. Vì vậy, chúng tôi đã triển khai bệnh viện dã chiến Quận 7 khi chưa có một hướng dẫn nào chỉ với một suy nghĩ làm sao cứu chữa kịp thời, không để các bệnh nhân chuyển nặng lên”, Chủ tịch UBND Quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh trao đổi.
Bác sĩ Phan Thế Vũ cho biết yếu tố quan trọng nhất đối với các bệnh viện tầng ba là phải phát hiện sớm những bệnh nhân có triệu chứng trở nặng, can thiệp sớm để hạn chế vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, từ đó hạn chế được số bệnh nhân tử vong, giảm tải được cho các bệnh viện ở tầng bốn, tầng năm.
Hiện nay, Bệnh viện dã chiến Quận 7 đã có thể điều trị cho bệnh nhân nặng phải thở máy ở tầng ba và thậm chí một số trường hợp đã được can thiệp ở mức độ tầng bốn.
Khó khăn nhất của bệnh viện là không có đủ y, bác sĩ điều trị. Trong điều kiện bình thường, Bệnh viện đa khoa Quận 7 chỉ có khoảng 200 giường nhưng ở thời điểm hiện tại nếu tính cả Bệnh viện đa khoa Quận 7 và Bệnh viện dã chiến Quận 7 thì đội ngũ y, bác sĩ đang phải đảm nhận điều trị cho gần 500 bệnh nhân, dù nhiều người chưa có kinh nghiệm điều trị COVID-19.
Bác sĩ Phan Anh Vũ cho biết Đảng uỷ, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã động viên các y, bác sĩ từ những điều nhỏ nhất, đồng thời điều chỉnh lại mô hình hoạt động cho phù hợp với tình hình hiện nay. Tinh thần đoàn kết, hết lòng vì người bệnh là sức mạnh của Bệnh viện Quận 7 hiện nay.
“Chúng tôi nhận thấy tính đúng đắn của việc thành lập Bệnh viện dã chiến Quận 7 và mong muốn sẽ làm tốt hơn nữa. Khi qua một kíp trực, nhìn thấy một nụ cười dù rất nhỏ, khoảnh khắc rất ngắn của các bạn đồng nghiệp, tôi đã cảm thấy được niềm vui cũng như niềm tin và hy vọng vào tương lai”, Bác sĩ Phan Thế Vũ bày tỏ.
Từ những hiệu quả đạt được trong công tác điều trị ở Bệnh viện dã chiến Quận 7, ông Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết Quận đã sẵn sàng phương án mở rộng Bệnh viện thêm khoảng 180 giường cấp cứu trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp.
Những chốt xanh trong vùng dịch
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm chốt tự quản vùng xanh Quận 7. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Vui mừng khi được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm, động viên, ông Trần Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ 13, Khu phố 1, phường Tân Thuận Tây, Quận 7 cho biết chốt giữ vùng xanh được thành lập từ ngày 27/6 để bảo vệ an toàn cho 80 hộ dân trong tổ. Suốt hơn 1 tháng qua, người dân Tổ 13 đã phân công nhau trực gác, kiểm soát.
Ông Trần Văn Hùng cho biết mỗi hộ dân chỉ được đi ra ngoài hai ngày/tuần để mua sắm lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày trừ những trường hợp ốm đau cần cấp cứu. Người lạ tuyệt đối không được đi vào trong. Hàng hóa mang đến đều phải để trước chốt để người dân ra nhận sau khi đã phun khử khuẩn. Nếu phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, thông tin sẽ được chuyển cho tổ y tế cộng đồng ở phường để xử lý ngay.
“Tôi cũng có vợ con, gia đình, hằng ngày tiếp xúc với nhiều người cũng rất sợ bị lây nhiễm nhưng đây là trách nhiệm phải làm”, ông Trần Văn Hùng bày tỏ.
Trò chuyện, động viên người dân tham gia trực chốt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn bà con ủng hộ, tích cực tham gia phong trào bảo vệ vùng xanh an toàn dịch bệnh, từng bước đẩy lùi, khoanh hẹp các vùng đỏ trên địa bàn một cách vững chắc.
Chỗ dựa tin cậy cho người dân
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với các nhân viên y tế tại Trạm Y tế phường Tân Kiểng, Quận 7. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Cùng với hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19, Quận 7 đã thiết lập và vận hành hiệu quả tổ y tế cộng đồng tại tất cả 11 phường, nhằm thăm khám, xử lý kịp thời những trường hợp cần cấp cứu.
Tại phường Tân Kiểng, tổ y tế cộng đồng có sự tham gia của các sinh viên Đại học Y Dược Thái Bình sau khi lực lượng lấy mẫu xét nghiệm được cơ cấu lại bằng cách hướng dẫn người dân tự lấy mẫu. Hằng ngày, Tổ tiếp nhận các cuộc gọi của người dân hoặc trực tiếp đến những địa chỉ cần trợ giúp y tế từ thông tin của mạng lưới “thầy thuốc đồng hành” để thăm khám, hướng dẫn, xử lý các trường hợp cần cấp cứu.
Bác sĩ Trần Việt Hãn, tổ y tế cộng đồng phường Tân Kiểng cho biết, từ ngày 31/7 đến nay Tổ đã thực hiện chuyển cấp cứu 31 ca.
Qua thực tiễn, Bác sĩ Trần Việt Hãn cho biết cần phổ biến, truyền thông đầy đủ hơn nữa để người dân biết được các triệu chứng của COVID-19 sớm nhất. “Tôi mong sẽ có những clip, video hướng dẫn người dân nhận biết những triệu chứng, dấu hiệu về tụt oxy trong máu được phát thường xuyên trên ti vi, sóng phát thanh”, bác sĩ Trần Việt Hãn bày tỏ.
Bạn Bùi Cao Thắng (sinh viên Đại học Y dược Thái Bình) cho biết trung bình một ngày tổ y tế cộng đồng nhận được 60 cuộc gọi của người dân về vấn đề y tế, trong đó có 30 cuộc cần hỗ trợ trực tiếp, 30 cuộc cần tư vấn, hướng dẫn. Ngoài ra còn khoảng 30-40 cuộc gọi liên quan đến các vấn đề khác, trong đó có khoảng 10% liên quan đến việc người dân thiếu lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. “Mặc dù em biết chính quyền Thành phố đã rất cố gắng nhưng mong rằng các chương trình thiện nguyện tiếp tục được tổ chức để đưa nhu yếu phẩm đến thật nhanh cho những người dân, hộ dân đang cần”, bạn Bùi Cao Thắng chia sẻ.
Trước khi vào TPHCM, Thắng và các bạn đã được tập huấn về lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời cũng được trang bị kiến thức cơ bản về điều trị COVID-19, và mỗi tối lại tham gia những buổi tập huấn online từ các bác sĩ tuyến đầu chống dịch.
“Em mong muốn tiếp thu thêm kiến thức thực tế và kinh nghiệm phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh, cũng như phát huy sức trẻ, kiến thức đã học để giúp đỡ người dân vùng dịch”.
Còn bác sĩ Phạm Thị Phú (Bệnh viện Nhân dân 115) cho biết chị được cử đi trực cấp cứu tại Quận 7. Từ ngày 27/7 đến nay chị Phú và đồng nghiệp đã thăm khám cấp cứu 127 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó chuyển viện 27 trường hợp.
“Những trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng, kể cả trong đêm tôi sẽ cùng xe cấp cứu tới ngay. Giữa những ca cấp cứu, chúng tôi thường động viên nhau và khi có lệnh là mặc đồ bảo hộ, lên đường”, bác sĩ Phạm Thị Phú nói.
Trò chuyện với tổ y tế cộng đồng phường Tân Kiểng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần cơ cấu lại hệ thống y tế cộng đồng và kết hợp với hỗ trợ từ xa để giám sát, trợ giúp kịp thời cho người dân vùng dịch, nhất là các trường hợp có triệu chứng diễn biến chuyển nặng rất nhanh. Tổ cũng cần xác định những địa chỉ cụ thể có nguy cơ cao, tiến hành thăm khám thường xuyên hơn để xử trí kịp thời ngay khi có triệu chứng.
Cũng tại Trạm Y tế phường Tân Kiểng, lãnh đạo Quận 7 và một số người dân đầu tiên đã thử tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Mọi người đều thấy không khó như từng nghĩ, thậm chí dễ chịu hơn khi người khác lấy mẫu.