link tải gowin99 mới nhất

15 năm gặp lại

Vậy là đã 15 năm, tôi rời trường cấp 3. Đây cũng là thời gian mà Thuý Kiều lênh đênh, được Nguyễn Du khắc hoạ bằng thơ lục bát trong Truyện Kiều bất hủ.

A3 – ngôi nhà thứ 2

Năm 2008, tôi rời khỏi Trường Trung học phổ thông Tĩnh Gia III. Đây là một trong những ngôi trường cấp 3 của huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá). Tôi cũng như nhiều bạn học sinh cấp 3 trong giai đoạn này, không điện thoại thông minh, cùng lắm là có điện thoại “cục gạch”. Thời đó, nhà tôi chỉ có điện thoại bàn, không có điện thoại di động.

Khi tôi ốm, lại có bạn điện thoại bàn hỏi thăm, ốm thế nào, khi nào đi học. Những lời động viên không bóng bẩy, nhưng đầy cảm xúc và thật tâm.Tôi thật sự xúc động!

b01-a3-1687876251.jpg

Lớp A3 và các thầy sau 15 năm gặp lại

 

Tôi là học sinh lớp A3, một trong 3 lớp chọn chuyên Toán – Lý – Hoá của trường Tĩnh Gia III (Thanh Hóa). Để vào được lớp này, trước tiên phải đỗ vào lớp 10, sau đó phải trải qua một kỳ thi nâng cao về Toán – Lý – Hoá.

Những bạn không học chuyên khối A thì thường tỏ ra rất nể những bạn học khối A, và có tâm lý ngại gần; bởi họ cho rằng, bạn học khối A giỏi hơn mình, “dân mắt cận đầu to”, “dân khô khan”. Và có những bạn học khối A cũng hay tự coi mình giỏi giang hơn các bạn khác, và chỉ chơi loanh quanh với các bạn học khối A. Tôi thì không vậy. Tôi chơi với các bạn học Văn-Sử- Địa, và các bạn học tự do khác. Vì vậy, tôi có rất nhiều bạn.

Để học tốt khối A, thật sự vất vả. Ngoài chương trình sách giáo khoa, phải học nâng cao, học thêm, học thêm cả buổi tối. Từ nhà tôi lên trường, chắc phải hơn 5 cây số. Có những ngày, tôi phải đạp xe đi đi lại lại 6 lần, vì học chính buổi sáng, học thêm buổi chiều và buổi tối. Tôi phải đi qua cây cầu gỗ yếu ớt. Nhưng tôi không sợ. Năm lớp 11, “dân khối A” dường như đã hoàn thành chương trình Toán – Lý – Hoá luôn lớp 12.

Việc học thêm gây khó chịu cho tôi, làm tôi mất tự do về thời gian. Nên mặc dù đóng tiền học thêm, nhưng tôi không đi học. Tôi tự học ở nhà, và thấy rất tốt. Rồi các buổi học chính, tôi cũng hay nghỉ học.

Có lần, do nghỉ học chính nhiều ngày, các bạn đạp xe đến thăm tôi, nhưng không thấy tôi đâu. Các bạn mang hoa quả rất nhiều. Khi các bạn hỏi mẹ tôi là tôi bị ốm nặng lắm không mà không thấy đi học. Mẹ tôi nói là tôi không ốm, ở nhà đi chơi với mấy đứa nhỏ xóm, rồi cho đứa em gái đang học lớp 7 đi gọi tôi về. Tôi về nhà mà ngại ngùng với các bạn. Và hôm sau, tôi phải đi học. Nhưng sau đó, tôi lại nghỉ học, miễn sao không nghỉ dài ngày.

Năm học lớp 10, tôi chuyên tâm học khối A, nhưng vẫn ham mê văn chương như hồi nhỏ. Đôi lúc, tôi nghĩ mình nên chuyển sang một lớp tự do khác, để có thời gian cho văn chương, nhưng tôi lần khân.

Cuối năm lớp 11,tôi đã quyết định được. Để rồi, vào đầu năm học lớp 12, trong tiết học lý, tôi đi lên nói với thầy Tuấn (thầy dạy lý và là giáo viên chủ nhiệm, thầy còn rất trẻ, đẹp trai, và yêu quý tôi): “Em xin phép thầy được chuyển sang một lớp tự do để học. Xin thầy giúp em. Thầy chuyển em sang lớp nào thì tuỳ thầy”.

Thầy Tuấn tỏ ra buồn vì lúc đó tôi học lý tốt, nhưng thầy vẫn nhận lời sau khi hỏi tôi lý do. Lý do tôi đưa ra là thích tự dovà có nhiều thời gian hơn cho sở thích của bản thân.Mấy ngày sau, thầy Tuấn dẫn tôi sang lớp A10. Sang lớp mới, đúng như ý định của tôi. Tôi không phải vướng bận học thêm, và có thời gian cho văn chương.

Vậy là đã 15 năm tôi rời trường cấp 3. Đây cũng là thời gian mà Thuý Kiều lênh đênh, được Nguyễn Du khắc hoạ bằng thơ lục bát trong Truyện Kiều bất hủ. 15 năm, một quãng thời gian dài, nhiều biến cố xảy ra trong cuộc đời. Tôi cảm ơn tất cả. Cảm ơn mái trường Tĩnh Gia III, cảm ơn các bạn A3 năm đó. Các bạn đã vui vẻ chấp nhận tôi – một người “lạ”, không giống ai, và bị coi là hâm. Và hơn hết, tôi cảm ơn bố mẹ tôi, vì lúc nào cũng tôn trọng suy nghĩ và quyết định của tôi.

Tôi cảm ơn tất cả! Cảm ơn A3 – ngôi nhà thứ 2 của tôi.

15 năm gặp lại

Lớp A3 của tôi, cũng như nhiều lớp cấp 3 khác ở vùng nông thôn vào những năm 2008 trở về trước, là những lớp học, mà sự giản dị trong ăn mặc, sự hồn nhiên trong tâm hồn của học sinh là những thứ dễ nhận ra.

Thế hệ học sinh chúng tôi khác hẳn các thế hệ học sinh sau đó, ít chơi, và rất chăm học. Dường như, trong đầu ai cũng mong ngóng một trường Đại học đã dự định. Việc đỗ Đại học là điều khó “nhằn” lúc bấy giờ. Nên xóm nào có người đỗ Đại học, là cả xã đều biết đến tên. Có gia đình còn tổ chức tiệc linh đình cho con. Đỗ Đại học mà như đỗ Trạng Nguyên thời phong kiến.

15 năm gặp lại, tôi không hề biết các bạn trong lớp đang làm công việc gì, ngoài Tuấn Loe – cậu bạn cùng quê, học từ nhỏ đến cấp 3. Tôi dự định sẽ đi hỏi từng người về gia đình riêng của họ, về công việc của họ. Nhưng khi thấy họ, tôi quên việc hỏi kia. Thấy ai cũng rạng ngời, thấy ai cũng hồi hộp. Và chính tôi cũng vậy.

Tôi thấy mình không nên hỏi gì cả, chỉ cần đứng xa nhìn. Có bạn lại hỏi tôi đôi điều, tôi cũng chỉ cười, và trả lời rất nhanh. Tôi không muốn việc gặp mặt thành buổi “tra khảo”. Hãy là chính mình, hãy là bạn như hồi học cấp 3, còn hồn nhiên vô tư. Tôi không muốn bất kỳ “lớp áo” nào, từ tiền bạc, công danh che mờ đi tình bạn.

Những người thầy mà từ lúc rời xa trường cấp 3, tôi luôn nghĩ tới, thì ngày gặp mặt, tôi thấy mình như lạc vào không gian xưa cũ. Dáng đi, cách cười của thầy với học trò chẳng khác. Nhất là thầy Tuấn chủ nhiệm, đeo chiếc túi đen lúc lắc trước chiếc bụng tròn tròn, và nụ cười mỉm mỉm. Chỉ bấy nhiêu là đủ cho 15 năm xa cách. Tôi không muốn đánh mất khoảnh khắc này; dù rằng, tôi biết, tất cả rồi sẽ thành quá khứ. Sau cuộc gặp này, tất cả lại lao vào cuộc mưu sinh vất vả.

Thật hạnh phúc biết bao, khi những bạn cũ sau nhiều năm xa cách được gặp lại. Những con người đã học cùng nhau, yêu quý nhau không vì một mục đích gì cả. Và dường như, họ muốn trở lại những ngày mới ngồi chung lớp.

15 năm gặp lại, có bạn nói với tôi, lớp A3 tổ chức lần này không hoành tráng lắm. Tôi cười nói, như vậy là được rồi. Quan trọng là được gặp lại nhau, ai cũng mạnh khoẻ bình an. Chúng ta vẫn yêu quý nhau. Và chúng ta đều muốn gặp lại nhau sau những năm tiếp theo. Có bạn đề nghị, một năm tổ chức một lần. Có bạn nói lại lời thầy giáo, cứ một tháng gặp nhau một lần. Rồi rượu bia đâu mà uống. Rồi say quá, vợ đuổi ra khỏi nhà thì sao!

Và dù thời gian tới, tôi có gặp lại các bạn hay không. Hay chúng ta có gặp lại nhau đông đủ hay không, thì khoảng thời gian cấp 3, những giây phút gặp mặt vừa qua vẫn luôn sống trong tim tất cả.

Những kỷ niệm không bao giờ quên:

b02-a3-1687878514.jpg
 
b04-a3-1687878709.jpg
 
b01-a3-1687878930.jpg
 
b02-a3-1687879139.jpg