Lão muốn xây thêm dãy nhà cấp 4, chừng bốn phòng ở, để các con cháu về quê, mỗi nhà có một phòng riêng. Nhưng lão lại tự nhủ: Chẳng phải vạ! Ngày xưa, cụ kỵ, ông bà, con cháu vẫn chung nhau một nhà đấy thôi! Xây làm gì cho tốn tiền? Xây lên, con cháu sau này không thích, nó lại đập đi, có phải dở hơi không? Suy cho cùng, đây là nơi thờ tự, cũng cần giữ cho cảnh quan đẹp đẽ, trầm lắng, tôn nghiêm. Mấy cây Thị ở góc sân, cây Si, cây Đa ngoài cổng, có cả trăm năm tuổi, vẫn lừng lững, uy nghi, chứng kiến thế sự đổi thay. Nhớ ngày, lão một mình, đeo ba lô đi nhập ngũ, trước giải phóng miền Nam. Nay trở về, một vợ, sáu con, bảy cháu nội ngoại. Cả thảy 15 người, phải dùng ba xe con mới chở hết. Lòng lão thật vui. Chả niềm vui gì hơn là đông con, nhiều cháu. Khi còn công tác, vợ chồng lão sinh đứa con trai thứ ba, cả hai cùng bị kỷ luật khiển trách, chậm lên lương một năm. Giờ nghĩ lại, giá đẻ thêm một đứa thứ tư, để chậm lên lương lần nữa cũng quý. Các cụ xưa chả dạy: "một mặt người bằng mười mặt của" là gì!
Mấy đứa cháu về quê thích lắm. Chúng rủ nhau đá bóng ngay tại sân nhà. Đứa lớn thì ngồi câu cá ở bờ ao. Cá chim trắng và cá rô phi rất phàm ăn, lớn rất nhanh. Câu nửa tiếng là bắt lên cả chậu. Trên những cây lộc vừng, cây nhãn, cây sấu, cây roi, cây khế... các chú chim nhảy nhót, chuyền cành, ríu ran trò chuyện. Gió nồm Nam, mang hơi nước của biển cả, làm làn da mát rượi. Không một tiếng động cơ, tiếng còi xe hối hả. Phong cảnh thật yên bình. Từ sâu thẳm trong cõi lòng, lão thấy yêu quê mình đến lạ! Lão luôn dạy con cháu luôn nhớ về quê hương. Tranh thủ về quê ngày lễ, ngày tết hoặc bất cứ lúc nào cho phép. Bởi lão đọc được một câu của nhà văn Nga Ê - Ren - Bua viết khi lão còn rất trẻ:"Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào Đại trường giang Von Ga. Con sông Von Ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê, trở nên lòng yêu Tổ Quốc".
Chuyện làng quê