Đây là dịp Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu những giai phẩm báo chí đặc biệt của Việt Nam trong suốt hơn 100 năm qua vào dịp Tết đến xuân về, được coi là di sản báo chí quý giá mà các thế hệ làm báo Việt Nam để lại. Tôi được mời đến dự và trình bày một vấn đề liên quan tới vấn đề “Tiếng Việt trên báo Tết”.
Quả là khó nói thật vì chủ đề “Tiếng Việt trên báo Tết” rộng tới mức cần cả một hệ đề tài mới có thể bao quát được: Tiếng Việt trên báo Tết có gì khác, có gì đặc biệt so với tiếng Việt thông thường (về chủ đề, từ ngữ, cách viết…)? Ban Tổ chức mời tham gia trong thời gian quá ngắn, vậy nên tôi chỉ có đôi lời phát biểu gợi mở cho việc khảo sát, nghiên cứu một nét đặc sắc của tiếng Việt trên báo Tết xưa và nay (và mong có dịp thực hiện trong tương lai).
Nhưng tôi đã nhân cơ hội này gửi tặng và giới thiệu bộ sách (chủ đề Tết cả Việt Nam) do Viện Nghiên cứu Việt Nam học biên soạn và xuất bản (chủ biên: PGS TS Nguyễn Mạnh Hùng). Bộ sách gồm 4 cuốn, cỡ lớn (297x420mm), trên giấy couche 250g/m2, 4 màu, đóng bìa cứng, cả bộ nặng tới 12kg, giá xấp xỉ 2 triệu đồng. Có thể nói bộ sách rất công phu, hoành tráng, maket hiện đại, rất mĩ thuật, gồm nhiều tranh ảnh minh họa 4 màu và bằng 2 ngữ Việt và Anh (Bộ Một: Tết cả Việt Nam, Tết Nguyên Đán; Bộ Hai: Vietnammese’s Grand Festival Tết; Bộ Ba: Bộ sưu tập bìa báo xuân Nam Kỳ; Bộ Bốn: Bộ sưu tập bìa báo xuân Bắc Kỳ, Trung Kỳ).
Đây là một trong những sản phẩm rất độc đáo, rất quý của Viện Nghiên cứu Việt Nam học (thuộc VUSTA) mà Trung tâm Việt Nam học là thành viên tham gia. Sắp tới, sách sẽ được chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội và bạn đọc có nhu cầu có thể liên hệ để mua (chiết khấu 25%).