Từng làm nhà báo cho các tạp chí của ngành công nghệ thông tin là Tin học & Đời sống và Thế giới Vi tính trong nhiều năm, cá nhân tôi đương nhiên phải gặp gỡ với đội ngũ giảng viên đại học và cao đẳng của chuyên ngành này. Tuy nhiên, theo những điều tra khảo sát chưa toàn diện, kết quả đáng buồn là không tới 20% các giảng viên thực sự là độc giả tương đối thường xuyên của các tạp chí chuyên ngành đó. Lý do cũng thật đơn giản vì khi đặt câu hỏi với họ về những tình hình thời sự của chính chuyên ngành này thì số đông không biết và như vậy thì chắc chắn là họ không đọc.
Đối với ngành công nghệ thông tin, một chuyên ngành mà bản thân những người trong nghề luôn phải cập nhật tri thức mới mà thực trạng còn như vậy thì có lẽ rằng với các chuyên ngành khác thì cũng khó có thể khá khẩm hơn. Xung quanh vấn đề này, trao đổi với một lãnh đạo của Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam thì ý kiến của vị này có thể nói một cách ngắn gọn là nếu không cập nhật các thông tin khoa học chuyên ngành cho chính mình thì đội ngũ giảng viên đại học và cao đẳng mãi chỉ là “thợ dạy”. Nguyên nhân vì các ngành khoa học đều liên tục có sự vận động nội tại và cả liên ngành. Do đó, trong giáo dục nhất là trong cơ chế mà người học phải chi trả học phí thì nhà trường mà trực tiếp là đội ngũ giảng viên phải có trách nhiệm phục vụ “thượng đế” với những kiến thức cập nhật liên tục.
Đương nhiên, đội ngũ giảng viên không chỉ có trách nhiệm cập nhật thông tin, kiến thức từ các tạp chí khoa học chuyên ngành mà còn phải chủ động tham gia các hội thảo khoa học liên quan đến chuyên môn của mình. Thế nhưng, tại một hội thảo mới đây về xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức ở Hà Nội mà ban tổ chức đã thông báo công khai trên mạng và một số báo chí thì điều hết sức đáng tiếc là không hề thấy các giảng viên chuyên ngành quản trị thương hiệu của các đại học ở ngay Hà Nội có mặt để chính thức tham dự trừ đơn vị phối hợp tổ chức là Đại học RMIT Việt Nam do nước Úc đầu tư.
Thôi thì chỉ 20% giảng viên thực sự là bạn đọc của các tạp chí khoa học chuyên ngành cũng là sự hợp lý hết sức khách quan. Bởi lẽ thế giới loài người không chỉ ở Việt Nam đang tồn tại nguyên lý 20 và 80. Tức là chỉ có 20% công việc đem lại hiệu quả tới 80% và ngược lại. Có lẽ, âu cũng là vì kiếm ăn bởi về cơ bản thì số đông các giảng viên cũng chạy theo thu nhập cá nhân và phải căng thời gian ra để dạy không chỉ đủ chỉ tiêu mà thậm chí còn phải vượt chỉ tiêu. Họ không chỉ dạy cho trường của mình mà còn tranh thủ “chạy sô” cho các trường khác để có thêm thu nhập nhiều hơn.
Vậy nhưng với các thế hệ học trò, cũng có thể điểm mặt ra không ít sinh viên rất chủ động đặt mua các tạp chí khoa học chuyên ngành để nắm bắt được các tri thức cập nhật nhất cho mình. Không chỉ có vậy, có cả những sinh viên chủ động làm tình nguyện viên cho các hội thảo khoa học với mục đích chính không phải là kiếm thêm thu nhập mà là để được tiếp thu các kiến thức mới nhất cùng các mối quan hệ tiềm năng với những người đến tham dự các sự kiện đó.
Đương nhiên, dù chưa nhiều nhưng đã có cả những sinh viên dám làm những đề tài tốt nghiệp theo kiểu “xin thầy miễn hỏi” vì hướng đề tài của họ là bám theo tình hình thời sự trong khi các bậc thầy lại chưa cập nhật các kiến thức đó. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề thì sẽ bị hỏi lại là: “Có thầy hướng dẫn chưa?”. Nếu câu trả lời là có rồi thì sẽ phải chờ giáo viên chủ nhiệm và lãnh đạo khoa xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên song thực tế là các bậc thầy đó chưa chắc đã làm điều đó khiến sinh viên buộc phải làm những đề tài cũ trong khuôn khổ có sẵn. Còn nếu như nghe tên thầy hướng dẫn là lãnh đạo cập trên thì rất may là sinh viên sẽ được phép theo đuổi đề tài như mong muốn của mình nhưng thầy hướng dẫn lại không được công nhận tư cách với đủ loại lý do mà coi đó là đề tài tự nghiên cứu của bản thân sinh viên (!).
Cách mạng Công nghiệp 4.0 như lãnh đạo một đại học ở Hải Phòng cho biết là một cuộc cách mạng không ai đợi ai và đương nhiên là trò cũng không đợi thầy. Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo các đại học, cao đẳng cần quan tâm đến thực trạng này và bản thân đội ngũ giảng viên phải nhìn thẳng vào thực trạng của chính mình cho thực tế đáng buồn này. Muốn đạt được kết quả “trò ra trò” thì trước hết “thầy phải ra thầy” chứ không chỉ là “thợ dạy”.