Cơm đúng kiểu truyền thống nấu trong nồi đất đặt trên đầu rau đất sét, đun bằng rơm hay rạ. Khi cơm sôi thì giảm lửa, cạn nước thì dùng lá chuối đậy rồi mới đậy nắp nồi lên trên. Cời tro nóng tạo thành một ổ để đặt nồi vào, tém tro nóng xung quanh và lên cả trên nắp nồi.
Khoảng 30 phút sau cơm chín thì nhẹ tay gạt tro đi, thổi bay tro trên nắp rồi nhấc nồi ra. Cần khéo tay một chút khi mở nắp nồi để miếng lá chuối không lột theo lên, tránh tro rơi vào cơm. Cơm nấu nồi đất theo cách này có cháy cả trên mặt.
Bạn có biết điều này không nhỉ?
Có lẽ không biết nếu bạn dưới 30 tuổi, bởi vì từ ngày có nồi cơm điện, khoảng năm 1990 trở lại đây, thì khái niệm “vùi cơm bếp tro” không còn nữa. Từ trước đó, nấu cơm bằng bếp dầu, bằng bếp than tổ ong, bằng bếp điện thì đương nhiên cũng không thể vùi tro được.
Cơm nấu nồi điện thì ngon rồi, đều, dẻo và không có cháy. Nhưng cái “tác dụng phụ” ít có cháy này chưa chắc đã phải hay bạn nhé.
Ấy là cơm vùi bếp tro thường có cháy, mà cháy lại rất ngon nữa kia. Ăn cơm cháy cũng có cái thú riêng, bởi thế mới sinh ra những quán ăn nấu cơm bằng niêu đất trong lò nướng. Người ta còn làm ra món ăn sẵn từ cơm cháy nữa. Những quán cơm cháy ờ Ninh Bình rất nhiều đấy thôi.
Riêng tôi, vẫn thích ăn cơm cháy nấu bằng niêu đất vùi trong tro nóng.
Nhưng không còn nữa đâu mà mơ. Ngày ấy xa rồi!
Chuyện Làng Quê