Ông Nguyễn Xuân Thông – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cho biết: Tính đến thời điểm nay, chỉ còn một hộ với diện tích hơn 300 m2 chưa nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Thời gian tới, đối với hộ còn lại là Phạm Văn Thắng (Hương) khu 3 Trung thị trấn Yên Lạc với diện tích 324 m2, cơ quan chức năng của huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động đến để hộ trên nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, san gạt tiếp. Sau thời gian tuyên truyền, nếu vẫn cố tình không nhận với những lý do không có căn cứ giải quyết, buộc huyện sẽ phải cưỡng chế giải phóng mặt theo quy định của pháp luật.
Đối với 3 hộ hôm nay huyện Yên Lạc buộc phải giải phóng mặt bằng là: Hộ ông, bà Nguyễn Thị Nhàn (Trình) diện tích 528m2; Đại Đinh Anh- Nguyễn Quốc Vinh diện tích 437,6m2, 152,2m2; Lê Tam Hiệp (Thái) diện tích 568m2, 240m2, 152m2. Số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng của các hộ trên được gửi vào Kho bạc Nhà nước theo quy định.
Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương có diện tích thu hồi là 33,3ha của 485 hộ, trong đó có 14,07 ha thuộc địa phận thị trấn Yên Lạc và 19,3ha thuộc địa phận xã Nguyệt Đức được chủ đầu tư san nền, xây dựng hạ tầng. Đến nay, Yên Lạc đã thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng cho hơn 484 hộ với diện tích 33 ha, chiếm 99% diện tích của dự án. Chỉ còn hơn 300m2 của 1 hộ ở thị trấn Yên Lạc chưa chấp nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.
Tính đến thời điểm này, Chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương án đã hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết, mời gọi nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương đang ưu tiên, khuyến khích đầu tư các lĩnh vực, ngành nghề cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất chế biến gỗ, mộc dân dụng, phế liệu; điện tử, cơ khí chế tạo và các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương ra đời sẽ góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường ở các làng nghề ơ Yên Lạc, tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào trong cụm công nghiệp, đưa các cơ sở sản xuất ở các khu dân cư vào cụm công nghiệp sản xuất tập trung, tách rời khu dân cư, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và các hộ dân phát triển sản xuất kinh doanh. Cụm công nghiệp này góp phần giải quyết việc làm, phân công lại lao động, chuyển một bộ phận sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; duy trì, phát huy làng nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.