Bất chợt, là hình ảnh những giọt mồ hôi còn vương trên má đang chảy thành dòng trên khuôn mặt chiến sĩ Đỗ Thị Thùy Linh thuộc Ban Hậu cần Trung đoàn, đã kiệt sức và ngất lịm vì nhiều ngày căng mình phục vụ công tác hậu cần ở khu cách ly.
Chứng kiến và nhớ như in sự việc này, Nhà báo Quang Nam - Báo Vĩnh Phúc kể lại: Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Thị Thùy Linh thuộc Ban Hậu cần Trung đoàn 834, sau một thời gian dài làm việc liên tục dẫn tới kiệt sức, ngất xỉu và ngã xuống ngay nơi mình đang làm việc - bếp ăn của đơn vị, để bảo đảm bữa ăn cho các công dân trong khu cách ly y tế tập trung. Rất may, lực lượng quân y trong đơn vị đã có mặt, can thiệp kịp thời nên sức khỏe Trung úy Linh đã dần hồi phục. Sự việc không chỉ gây xúc động cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung mà còn khiến nhiều người không khỏi xót xa, cảm phục trước những đóng góp thầm lặng và hy sinh to lớn của người chiến sĩ ngay giữa thời bình.
Tổ nuôi quân của đơn vị hiện có 16 chiến sĩ, có nhiệm vụ chuẩn bị bữa ăn cho gần 500 công dân đang thực hiện cách ly y tế tập trung tại đây. Tính trung bình, mỗi chiến sĩ phục vụ cho 26 đến gần 30 người/ngày (Tùy thuộc sự dao động quân số chuyển đến, chuyển đi liên tục do diễn biến phức tạp của dịch bệnh)".
Tận mắt theo dõi công việc và lịch trình hoạt động của các chiến sĩ trong tổ nuôi quân, chúng tôi không khỏi giật mình trước sức làm việc phi thường của họ. Từ ngày 2/5 tới nay, hằng ngày, các chiến sĩ phải thức dậy từ 3h30p để làm các thủ tục cần thiết chuẩn bị cho bữa sáng bắt đầu lúc 6h. Bữa sáng kết thúc cũng là lúc các chiến sĩ tất bật chuẩn bị cho bữa trưa vào 11h. Tiếp đó lại đến bữa chiều lúc 18h. Công việc chỉ kết thúc khoảng 20h và sau đó, các chiến sĩ mới có thời gian nghỉ ngơi, tắm giặt và... ăn tối, mỗi người chỉ được ngủ hơn 5 giờ!.Công việc vất vả nhưng những nụ cười lúc nào cũng thường trực trên khóe mắt mỗi người.
Nhà báo Quang Nam chia sẻ, khi chúng tôi hỏi chuyện, các anh chị luôn vui vẻ trả lời, bên cạnh đó đôi tay, đôi chân của họ vân thoăn thoắt làm việc như được lập trình từ trước như nhặt rau, soạn đũa cho đến múc canh, xới cơm, chia khẩu phần ăn… Gặng hỏi, sao không tranh thủ nghỉ ngơi vài phút trong lúc có khách đến thăm, một chiến sĩ tay vừa xới cơm, nheo mắt đáp: "Thêm giờ còn không kịp huống hồ nói đến chuyện dừng tay, vì vậy, chúng tôi phải tranh thủ tối đa mọi thời gian mới có thể kịp thời cung cấp bữa ăn đảm bảo chất lượng và đúng giờ cho công dân.
Tận mắt chứng kiến sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế kiệt sức vì công việc. Đặc biệt là trường hợp của chiến sĩ Linh ngay tại hiện trường. Trưởng đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - Hoàng Thị Thúy Lan đã cùng lực lượng quân y đưa bệnh nhân vào khu chăm sóc y tế và ân cần hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ vất vả, khó khăn với mọi người; đồng thời, mong muốn Trung úy Linh nói riêng, các cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ đang làm việc tại khu cách ly y tế tập trung nói chung nỗ lực vượt qua khó khăn, chung tay góp sức cùng tỉnh ngăn chặn, đẩy lùi thành công dịch Covid-19.
Về khẩu phần ăn của các các chiến sĩ trong tổ nuôi quân, anh chị em được sử dụng khẩu phần ăn hằng ngày đúng như những công dân đang thực hiện cách ly tại đơn vị. Thời gian tới, với mức hỗ trợ 150.000 đồng/người/ngày làm nhiệm vụ trong các cơ sở cách ly y tế tập trung được tỉnh Vĩnh Phúc thông qua sớm, sẽ giúp các chiến sĩ, nhân viên phục vụ trong khu cách ly một phần nào đó để tiếp tục công hiến cho tổ quốc, cho tỉnh sớm đẩy lùi Covid 19.
Quay trở lại câu chuyện của Trung úy Đỗ Thị Thùy Linh, ngay khi ổn định sức khỏe sau một thời gian điều trị tích cực, Nhà báo Quang Nam giật mình vì tinh thần của chiến sĩ , bởi Linh đã nằng nặc bày tỏ mong muốn được lập tức xuống bếp “chia lửa” với đồng đội vì sợ tổ thiếu người. Chỉ tới lúc nhận được quân lệnh buộc phải tạm thời nghỉ ngơi của chỉ huy, cô mới chịu tuân thủ.
Chiến sĩ Linh chia sẻ, là phụ nữ, chân yếu tay mềm, nên được các chiến sĩ nam trong tổ ưu ái nhường cho nhiều việc nhẹ, nhưng cô thường từ chối và nhận bất cứ việc gì có thể làm được. Việc bị ngất xỉu đột ngột trong lúc làm việc khiến cô rất ân hận vì cho rằng bản thân đã chủ quan và chưa đúng cách trong việc giữ gìn, bảo vệ sức khỏe trong điều kiện thay đổi môi trường làm việc với cường độ cao liên tục. Sau sự việc này, cô sẽ cẩn thận hơn để tránh gây lo lắng cho đồng đội và phiền hà những người xung quanh.