Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương có tổng diện tích thu hồi đất là 33,3 ha đối với 485 hộ. Trong đó, có 14,07 ha thuộc địa phận thị trấn Yên Lạc và 19,3 ha thuộc xã Nguyệt Đức của huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Huyện Yên Lạc đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 478 hộ với diện tích 33ha, chiếm gần 100 % diện tích của dự án. Hiện, còn một số hộ dân ở thị trấn Yên Lạc đang đi làm ăn xa, qua liên lạc bằng điện thoại và thư tín, họ đã đồng ý với phương án bồi thường, GPMB và sẽ sớm về nhận khi điều kiện thích hợp nhất.
Là dự án Nhà nước thu hồi đất, đền bù, GPMB và đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1081/QĐ - UBND ngày 7/4/2017; được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại Văn bản số 1567/TTg – NN ngày 9/11/2018 và đã có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2018, 2019, 2020, 2021 của UBND huyện Yên Lạc.
Ngày 3/8/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định giao đất đợt 1 cho đơn vị với diện tích hơn 118.600 m2 theo Quyết định số 1926/QĐ-UBND. Tiếp đến ngày 18/5/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định số 1229/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương. Theo đó, tổng diện tích quy hoạch cụm công nghiệp sẽ tăng thêm 2.982m2 sau điều chỉnh. Ngày 25/11/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định 3216/QĐ-UBND về việc điều chỉnh quyết định giao đất đợt 1 theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 18/5/2021 với tổng diện tích được điều chỉnh là 120.494,2m2. Ngày 7/12/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ra Quyết định số 3347/QĐ-UBND giao đất đợt 2 cho chủ đầu tư với tổng diện tích 176.209,7m2.
Gần đây nhất là ngày 4/1/2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 03/QĐ-UBND về việc đính chính nội dung Quyết định số 3347/QĐ-UBND ngày 7/12/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc giao đất (đợt 2) cho Công ty Cổ phẩn Kehin thuê đất để thực hiện dự án Xây dựng – kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương tại thị trấn Yên Lạc và xã Nguyệt Đức với diện tích 176.209,7m2; hình thức cho thuê thuộc diện Nhà nước cho thuê trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê; thời gian thuê đất đến ngày 7/4/2066 (49 năm kể từ ngày Quyết định thành lập Cụm công nghiệp theo QĐ số 1081/QĐ-UBND ngày 7/4/2017).
Tính đến thời điểm hiện nay, chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao 296.704m2 để thực hiện việc đầu tư xây dựng hạ tầng theo đúng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt đối với phần diện tích đất được Nhà nước giao, cho thuê. Chủ đầu tư đã đóng đầy đủ tiền thuế thu đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Theo Luật sư Vũ Trường Hùng (ảnh trên) – Giám đốc Công ty Luật An Bình, với những cơ sở pháp lý đầy đủ, áp dụng vào Điều 20, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp thì quyền của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được phép:
Vận động, tiếp nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp trên cơ sở quy hoạch chi tiết và ngành nghề sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Huy động vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật; Đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho bãi, văn phòng để cho doanh nghiệp thuê hoặc bán và kinh doanh các dịch vụ công cộng, tiện ích khác trong cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật; Cho thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung; xác định giá cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung, giá cho thuê hoặc bán nhà xưởng, kho bãi, văn phòng và giá các loại dịch vụ công cộng, tiện ích khác, Trường hợp cụm công nghiệp do Ban quản lý cụm công nghiệp cấp huyện hoặc Trung tâm phát triển cụm công nghiệp cấp huyện hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì việc quyết định cho thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giá cho thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giá cho thuê hoặc bán nhà xưởng, kho bãi, văn phòng và giá các loại dịch vụ công cộng, tiện ích khác do Sở Công Thương báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định; Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc xử lý đối với các dự án đầu tư trong cụm công nghiệp vi phạm pháp luật, đã ngừng hoạt động hoặc không thực hiện sau 12 tháng và hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này và của pháp luật liên quan.
Hiện Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương đang ưu tiên, khuyến khích đầu tư các lĩnh vực, ngành nghề cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất chế biến gỗ, mộc dân dụng, phế liệu; điện tử, cơ khí chế tạo và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh vai trò thiết yếu là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương đóng vai trò tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào trong cụm công nghiệp, đưa các cơ sở sản xuất ở các khu dân cư vào cụm công nghiệp sản xuất tập trung, tách rời khu dân cư, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và các hộ dân phát triển sản xuất kinh doanh. Cụm công nghiệp này góp phần giải quyết việc làm, phân công lại lao động, chuyển một bộ phận sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; duy trì, phát huy làng nghề truyền thống góp phần phát triển kinh tế của địa phương.