Thần tích, thần phả, ngọc phả… là loại hình văn bản ghi về lai lịch, công trạng của các vị thần được thờ tại các đình, đền, miếu, nghè của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Thần tích được các triều đại quân chủ Việt Nam dùng làm căn cứ để bao phong và ban mỹ tự cho bách thần. Trước đây khi nói về Thần tích, giới nghiên cứu thường cho rằngloại hình văn bản này lưu trữ tại Bộ Lễ triều Lê nhưng kỳ thực là được lưu trữ tại từ đường họ Tô ở xã Bằng Đăng, hay còn gọi là Bằng Đắng, thuộc huyện Bạch Hạc, nay là thôn Bình Trù, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
1. Nguồn gốc Thần tích ở từ đường họ Tô
Nguồn gốc thần tích lưu trữ tại từ đường họ Tô liên quan đến nhà khoa bảng là Tô Thế Huy. Theo các tài liệu Đăng khoa lục, ông là người xã Bằng Đăng, huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đới. Ban đầu ông đỗ thi Hương, được bổ chức Huấn đạo ở phủ Tam Đới. Năm 32 tuổi, ông tiếp tục thi Hội, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697) đời vua Lê Hy Tông. Bia Đề danh Tiến sĩ ghi về khoa thi này hiện đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội cho biết khoa thi Hội năm đó cả nước có 3.000 Hương cống tham dự, triều đình lấy đỗ 10 Tiến sĩ, trong đó có Tô Thế Huy xếp ở hạng Đệ tam giáp.
Sau khi đỗ Tiến sĩ, vào năm 1720, ông được trao chức Tả thị lang, tước Hầu. Năm sau, 1721, ông được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) lo việc tuế cống. Trong chuyến đi sứ năm đó, vua nhà Thanh vì cảm phục tài năng của ông đã tặng ông một đôi câu đối:
北 袞 追 思 當 正 在
南 人 罕 見 御 書 香
Bắc cổn truy tư đương chính tại;
Nam nhân hãn kiến ngự thư hương.
Nghĩa là:
Áo cổn vua phương Bắc ban tặng ở nơi này;
Người nước Nam hiếm ai tài giỏi như ông.
Khi về nước, ông lại được vua Lê Hy Tông ban tặng đôi câu đối:
揆 席 十 三 年 輔 德 沃 心 高 得 悦
使 輅 千 萬 里 重 朝 安 社 弼 如 遼
Quỹ tịch thập tam niên, phụ đức, ốc tâm cao đắc duyệt;
Sứ lộ thiên vạn lý, trọng triều, an xã bật như liêu.
Nghĩa là:
Mưu sự mười ba năm, giúp điều đức độ, tấm lòng nhuần nhuyễn luôn hưởng niềm vui;
Đi sứ ngàn vạn dặm, triều đình được trọng, xã tắc yên vui thêm vững lâu dài.
Mấy năm sau, vào năm 1725, ông bị giáng chức từ Tả thị lang Bộ Công xuống Hữu thị lang Bộ Công. Đến năm 1729, ông được thăng chức Bồi tụng Lễ bộ Hữu thị lang. Năm 1732, nhân trong nước xảy ra nhiều biến cố, các quan đại thần ỷ vào việc vua Lê Duy Phường đang chịu tang, có nhiều nết xấu, bày chuyện phế bỏ vua. Ông bị coi là “bề tôi giảng dạy vua mà dựa dẫm, phụ họa, không biết giúp vua về đạo đức”, lại bị giáng chức và điều đi làm Thừa chính sứ ở vùng An Quảng.
Khoảng niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740), sau những thăng trầm trên đường hoạn lộ, Tô Thế Huy được điều về kinh giữ chức Tả thị lang ở Bộ Lễ, tước Cảo Quận công. Trong khoảng thời gian này, Bộ Lễ là nơi có chức năng quản lý hồ sơ bách thần, nên khả năng ông đã được tiếp xúc với hồ sơ thần tích do các làng xã kê khai gửi về triều ở giai đoạn đó, bởi trước đó vào năm 1715, dưới triều vua Lê Dụ Tông (1705-1719), triều đình đã tiến hành một đợt kê khai thần tích từ các làng xã dùng làm căn cứ cho việc bao phong bách thần.
Do được tiếp xúc như vậy, ông có “nguồn vốn” là các bản sao thần tích của các làng xã gửi về triều thời bấy giờ, hoặc đơn giản là các mẫu kê khai thần tích để sau này khi về trí sĩ, ông có lập một ngôi đền mang tên “Bách thần” tại quê nhà, tức xã Bằng Đăng, huyện Bạch Hạc, lấy làm nơi lưu trữ Thần tích.
Tư liệu làng xã cho biết, sau khi ngôi đền “Bách thần” của Tô Thế Huy ở địa phương bị nghĩa quân của Nguyễn Danh Phương, tức Quận Hẻo cướp phá vào quãng thời gian giữa thế kỷ XVIII, con cháu họ Tô mới thu gom Thần tích còn sót lại cất trữ trong từ đường dòng họ, lưu giữ qua nhiều năm.
Đến đầu thế kỷ XIX, dưới thời vua Gia Long (1802-1819), nhà nước liên tục yêu cầu các làng xã kê khai thần tích dùng làm căn cứ để bao phong bách thần đã thôi thúc nhiều địa phương tự tìm thần tích. Đến đầu thời vua Minh Mệnh (1820 -1840), nơi đây bắt đầu cung cấp thần tích cho các làng xã. Ban đầu chỉ gồm những địa phương xung quanh vùng Bạch Hạc, như Sơn Tây (bao gồm tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay), Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên… đến sao thần tích, rồi tiếng lành đồn xa, làng nọ báo làng kia, khiến nhiều xã ở tỉnh xa, như Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa… cũng về đây sao Thần tích. Hiện chúng tôi đã xác định được địa phương sớm nhất đến sao Thần tích tại từ đường họ Tô là xã Thụy Trang, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, với bản Nam Việt Hùng triều Tạo Vương công thần Thượng đẳng Thiện Hộ đại vương cổ lục 南 越 雄 朝 造 王 功 神 上 等 善 護 大 王 古 錄, vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) .
Đến thời Tự Đức (1848-1883), việc sao thần tích tại từ đường họ Tô diễn ra sôi nổi. Vào thời kỳ này, khắp các địa phương ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều về đây xin gặp dòng họ, đặt vấn đề tìm kiếm, sao chép thần tích cho làng. Có xã như Khai Thái, huyện Phú Xuyên (nay thuộc huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) khi về đây sao Thần tích đã cho biết thông tin: “ dòng họ Tô còn mang Thần tích đến nhà ở tại Cửa Nam của thành Hà Nội giao lại cho dân các nơi mang về thờ” . Người trong họ Tô cũng đưa thần tích về khắp các tỉnh, chủ yếu là vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi nào có nhu cầu sẽ cho sao chép. Do vậy, đương thời người dân mới có câu ca: “ Xứ Đông Ba Chẽ thuốc tiên/ Xứ Đoài Bằng Đắng có thêm bách thần” là nói về nơi lưu trữ thần tích của dòng họ Tô ở xã Bằng Đắng.
Đến năm 1937, theo xác nhận của Lý trưởng làng Bình Trù (tức nay là thôn Bình Trù), vào thời điểm đó dòng họ Tô đã chuyển thần tích lên Đền Hùng (nay là Đền Thượng, thuộc khu di tích Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ), giúp người dân các nơi đến đây tiếp tục sao thần tích.
2. Nhận diện văn bản
Thần tích của dòng họ Tô cung cấp cho các làng xã, kể cả giai đoạn chuyển lên Đền Hùng để về sau, vào đầu thế kỷ XX, Học viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) sưu tầm nguồn tư liệu này tại các làng xã ở nước ta đưa về lưu trữ tại Hà Nội, nay do Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN) quản lý, hiện lên đến 1861 văn bản . Khi tiếp xúc với số lượng văn bản này, chúng tôi thấy mỗi bản thần tích đều được biên soạn bằng chữ Hán, viết trên giấy dó, với độ dài mỗi bản trên dưới khoảng chục trang. Bố cục của một bản Thần tích gồm năm phần:
Phần thứ nhất: ghi tiêu đề của thần tích, cho biết thông tin vị thần sống ở thời nào, nơi lưu trữ thần tích và thứ hạng của thần. Phần này viết bằng hai cỡ chữ: cỡ chữ to là tiêu đề của văn bản; cỡ chữ nhỏ (lưỡng cước) chỉ nơi lưu trữ và thứ hạng của thần.
Phần thứ hai là mở đầu của thần tích, nói về 18 đời vua Hùng, đại loại được dùng bằng một đoạn văn xuôi, trần thuật: “ Xưa nước Việt ta dựng cơ đồ chốn phương nam, bậc thánh tổ gây dựng cơ đồ, ngài dạo ngắm hình thế non sông tìm nơi thuận tiện, mới lập kinh đô ở Hoan Châu là nơi thắng địa, dựng miếu điện ở Nghĩa Lĩnh có hình thế vững vàng. Cha truyền con nối, trải hơn hai nghìn năm, đều lấy Hùng Vương làm tôn hiệu…”.
Sau đoạn này bắt đầu nói về thời đại mà thần sinh ra, với lý lịch bố mẹ, quê quán, họ tên, nghề nghiệp và đức hạnh. Phần này nói về hoàn cảnh đất nước bị loạn ly, hoặc do thiên tai dẫn đến cha mẹ của thần phải định cư ở một nơi khác. Tại đây, nhờ đối nhân xử thế có hậu, cha mẹ thần được báo đáp, ứng với điềm bắt được hổ, báo sẽ sinh con trai (nam thần – dương thần); ứng với điềm trao hoa tặng quả sẽ sinh con gái (nữ thần – âm thần)... Từ đó mang thai trong 12 tháng, thậm chí đến ba năm ba tháng mười ngày, như bà Âu Cơ trong ngọc phả đền Hùng. Lúc sinh có ánh hào quang xán lạn, hương thơm tỏa ngào ngạt trong phòng…
Phần ba kể về cuộc đời của thần, lúc nhỏ nếu là nam thần, thường có thân thể dị kỳ, học một biết mười, tài kiêm văn võ, thi một lần đỗ đầu. Nếu là nữ thần, sắc đẹp khiến trăng thẹn, hoa sầu, chỉ thích hương hoa, không ăn thịt cá, tài năng siêu phàm. Khi lâm trận đánh đâu thắng đó, sau trở về làng dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, chữa bệnh cứu người…
Phần bốn nói về thần hóa với nhiều chi tiết ly kỳ, như thần bị quân địch chém đứt đầu, thần vẫn phi ngựa, vừa chạy vừa giữ đầu, gặp cụ già mới hỏi người như thế này liệu có sống được chăng, cụ bảo không thì mới ngã ngựa rồi hóa. Hoặc thần không ốm đau, ngồi giữa chính đường, tự dưng thấy dải hào quang từ trời giáng xuống, rồi thăng thiên giữa ban ngày. Hoặc cũng có khi thắng trận trở về, bị đắm thuyền, mặc dù lúc đó trời quang, mây tạnh…Hay đơn giản chỉ gồm một bài thơ Tứ tuyệt: “Sinh ra làm tướng hóa làm thần/ Hà tất khư khư tại thế gian/ Gấp chóng trở về nơi triều chính/ Cùng nhau nhàn tản hội quân dân”, cho dù ở thời thần hóa, chưa chắc thể thơ này đã ra đời!
Phần năm ghi lạc khoản, đề ngày tháng năm biên soạn thần tích, với sự liên danh của hai tác giả Nguyễn Bính và Nguyễn Hiền. Về Nguyễn Bính, theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện chỉ biết ông là người sống thời Lê, thuộc giai đoạn cuối thế kỷ XVI, lúc đó nhà Lê đang cố thủ ở Thanh Hoa (Thanh Hóa) chống lại sự tiếm ngôi của nhà Mạc ở phía Bắc. Ông giữ chức Đông các đại học sĩ, vâng mệnh triều đình biên soạn Thần tích vào niên hiệu Hồng Phúc (1572-1573). Về Nguyễn Hiền, cũng theo nghiên cứu của chúng tôi, ông là Tô Thế Huy, người xã Bằng Đắng, huyện Bạch Hạc, nói đến phần trên .
3. Đặc điểm văn bản
Loại hình thần tích lưu trữ tại từ đường dòng họ Tô, xuất hiện dưới triều Nguyễn, mà chủ yếu là từ thời Minh Mệnh trở về sau, cho dù mỗi văn bản ở đây đều ghi hai dòng niên đại Hồng Phúc và Vĩnh Hựu, vốn là những niên hiệu của vua Lê Anh Tông (1557-1573) và vua Lê Ý Tông (1735-1740). Tuy nhiên, khi khảo sát văn bản, chúng tôi nhận thấy:
+ Chữ húy ở thời Nguyễn
Đó là các chữ Chủng (種) (tên húy của vua Gia Long); chữ Tông (宗) (tên húy của vua Thiệu Trị); chữ Hoa (華) (tên húy của bà Hồ Thị Hoa – mẹ vua Thiệu Trị); chữ Thời (時) (cũng là tên húy của vua Tự Đức)... Những chữ nêu trên được viết bớt nét, hoặc đảo bộ. TS. Mai Ngọc Hồng cũng ghi nhận: “Trong các bản Thần tích Thái Bình đã khảo sát các chữ húy thời Nguyễn, như các chữ Chủng, chữ Tông, chữ Hoa, chữ Nhậm, chữ Thì hoặc Thời” .
Trong khi các chữ húy thời Lê Trung Hưng, như chữ Bang (邦) - tên húy của vua Lê Anh Tông (1557-1573); chữ Đàm (潭) – Tên húy của vua Lê Thế Tông (1573-1600); chữ Tân (新) - tên húy của vua Lê Kính Tông (1600-1619); chữ Đề (題) – chưa rõ tên húy của vị nào…, đều không viết kiêng húy. Cũng cần nói thêm: Trong thiên Nghệ văn chí 藝 文 誌, sách Đại Việt thông sử 大 越 通 史 của Lê Quý Đôn (1726-1784) và thiên Văn tịch chí 文 籍 誌, sách Lịch triều hiến chương loại chí歷 朝 憲 章 類 誌 của Phan Huy Chú (1782-1840), cả hai ông đều không nhắc đến thư tịch thần tích. Như thế có thể khẳng định: Loại thần tích ghi Nguyễn Bính soạn vào niên hiệu Hồng Phúc (1572-1573), Nguyễn Hiền sao vào niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740) lưu trữ tại từ đường họ Tô chỉ ra đời ở thời Nguyễn, từ sau niên hiệu Minh Mệnh trở về sau.
+ Hiện tượng lược dòng lạc khoản
Do Thần tích lưu trữ tại dòng họ Tô được biên soạn theo khuôn khổ thống nhất, gồm năm phần, nhờ vậy có thể giúp ta nhận ra nhiều bản bị lược dòng lạc khoản. Chẳng hạn, cùng một văn bản Thần tích với nội dung như nhau, viết về sự tích ngài Thiền sư Nguyễn Minh Không ở thời Lý của 2 xã Điềm Xá và Ngô Đồng, huyện Gia Viễn, có tiêu đề Lý triều Nguyễn Minh Không thiền sư ngọc phả lục 李 朝 阮 明 空 禪 師 玉 譜 錄 nhưng lạc khoản tại Thần tích của xã Điềm Xá có nguyên dòng lạc khoản: Hồng phúc nguyên niên mạnh thu nguyệt cốc nhật 洪 福 元 年 孟 秋 月 穀 日: Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn 翰 林 院 東 閣 大 學 士 阮 炳奉 撰; Hoàng triều Vĩnh Hựu nhị niên quý đông nguyệt cát nhật 皇 朝 永 佑 二 年 季 冬 月 吉 日; Quản giám bách thần, Tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh, thần Nguyễn Hiền tái tuân chính bản phụng sao 管 監 百 神 知 殿 雄 嶺 少 卿 臣 阮 賢再 遵 正 本 奉 抄.
Cả dòng lạc khoản trên đây hoàn toàn không có trong văn bản Thần tích của xã Ngô Đồng .
+ Hiện tượng ghi vượt khung niên hiệu
Văn bản Hán Nôm ghi vượt khung niên hiệu vua diễn ra chủ yếu là ở văn bản Thần tích ghi Nguyễn Bính soạn, Nguyễn Hiền sao.
Đối với niên hiệu Hồng Phúc: đây là niên hiệu thứ bà và là niên hiệu cuối cùng của vua Lê Anh Tông (1557-1573). Niên hiệu này chỉ tồn tại trong 11 tháng, tính từ tháng giêng đến tháng 11 của năm Nhâm Thân. Đến tháng 11 của năm đó xảy ra việc Lê Cập Đệ định sát hại Trịnh Tùng nhưng không thành. Vua Lê Anh Tông phải chạy về Nghệ An và ở lại đó.
Tháng giêng năm Quý Dậu (1573) là niên hiệu Gia Thái nguyên niên của vua Lê Thế Tông (1573-1600). Nhưng trên văn bản thần tích của xã Thường An, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, ghi là Hồng Phúc 3 . Hoặc như thần tích của xã Vĩnh Quang, huyện Thanh Quan, tỉnh Thái Bình, ghi là Hồng Phúc 6 .
Đối với niên hiệu Vĩnh Hựu: đây là niên hiệu duy nhất của vua Lê Ý Tông (1735-1740). Niên hiệu này vua Lê Ý Tông lên ngôi vào đầu tháng 5 năm Ất Mão (1735), kết thúc cũng vào tháng 5 của năm 1740, chỉ tồn tại trong 6 năm. Sau đó là niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) của vua Lê Hiển Tông.
Tuy nhiên, thần tích của xã Phú Động, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ ghi năn Vĩnh Hựu thứ 7 ; Thần tích của xã Quảng Phúc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình ghi năm Vĩnh Hựu thứ 8 ; Thần tích xã Đồng Mỹ, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định ghi năm Vĩnh Hựu thứ 9 ; Thần tích xã Thiết Úng, huyện Đông Ngàn, ghi năm Vĩnh Hựu thứ 10 . Thậm chí có nơi ghi đến năm Vĩnh Hựu thứ 13, như Thần tích của xã Yên Mỹ, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây .
4. Nội dung văn bản
Chúng tôi chưa có điều kiện thống kê đầy đủ nội dung số thần tích lưu trữ tại từ đường họ Tô hiện đang lưu trữ tại VNCHN nhưng về cơ bản có thể khẳng định đây là những văn bản viết về những vị thần có công trong các cuộc chống ngoại xâm của dân tộc. Những vị thần này được phân theo triều đại, như thời Hùng Vương gắn với cuộc chiến tranh Hùng – Thục; thời Trưng Nữ vương gắn với cuộc chiến đánh đuổi quân nhà Hán; thời Lý gắn với cuộc chiến đánh quân Tống; thời Trần gắn với cuộc chiến đánh quân Nguyên – Mông…
Để thấy điều này, có thể nêu ví dụ tại đình thôn Dương Cốc, tổng Lưỡng Quán, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên (nay là thôn Dương Cốc, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) thờ ba vị nữ thần ở thời Trưng Nữ vương. Nội dung của Thần tích được tóm tắt như sau: “Vào thời Quang Võ nhà Hán, khi nước ta bị nội thuộc vào phương bắc, bấy giờ có Tô Định nhà Hán làm quan Thái thú Giao Châu. Tô Định là kẻ tham tàn, độc ác, thi hành chính sự hà khắc, khiến người dân trong nước chịu cảnh lầm than, cơ cực. Đúng lúc đó, tại vùng Tức Mặc, thuộc đất Thiên Trường có ông họ Quách, tên húy là Hành, lấy bà họ Đinh, tên húy là Tuấn, sinh hạ 5 người con trai nhưng chưa có con gái. Nhân một lần du ngoạn cầu tự ở chùa Thiên Quang, bà họ Đinh mang thai, sinh một bọc được 3 người con gái, mặt như hoa đào, da như phấn trắng, đều xinh đẹp, nết na, mới đặt tên cho người thứ nhất là Từ Nương, người thứ hai là Thuận Nương, người thứ ba là Trinh Nương. Cả ba người đều am hiểu văn chương, thông thạo võ nghệ, khiến cả vùng đều biết tài năng của ba nàng. Đương thời, do loạn lạc, ba nàng cải trang thành nam giới đến cư trú ở phường Vân Thủy, huyện Bạch Hạc. Bấy giờ Trưng Trắc khởi binh tiễu trừ Tô Định, thấy ba nàng là người văn võ kiêm toàn liền chiêu tập để hợp tác đánh giặc. Ba nàng được Trưng Trắc và Trưng Nhị giao nhiệm vụ truyển chọn nhân tài trong nước, chủ yếu là vùng Bạch Hạc, Yên Lạc, Yên Lãng, Lập Thạch, Thạch Thất, Mỹ Lương, Từ Liêm…, cũng như ở các châu, động khác trong cả nước, được hơn 6 vạn người. Tất cả họp mặt tại cửa sông Hát Môn huyện Phúc Thọ, rồi cho quân tiến thẳng vào thành Tô Định, đánh một trận lớn, phá tan quân Tô Định. Với công lao như vậy, Từ Nương được Trưng Vương phong là Đô Thống chế công chúa; Thuận Nương được phong là Khoan Khoáng công chúa; Trinh Nương được phong là Trinh Tú công chúa. Ba năm sau, nhà Hán sai Mã Viện và Lưu Long mang 30 vạn quân sang đánh Trưng Vương để báo thù, ba nàng lại cùng quân sĩ của Trưng Vương chống trả quân địch ở thành Lạng Sơn, nhưng do thế quân giặc hùng mạnh, ba nàng cùng Trưng Vương phải rút về bảo vệ vùng Cấm Khê và hy sinh tại đó. Khi ba nàng đã hóa, do có linh ứng hiển hiện, vì vậy trải các triều vua đều gia phong mỹ tự, cho phép dân trang Miên Cốc (tên cũ của thôn Dương Cốc hiện nay) thờ cúng lâu dài” .
5. Kết luận
Từ đường họ Tô ở xã Bằng Đắng, huyện Bạch Hạc là nơi lưu trữ và cung cấp thần tích cho các làng xã người Việt trong suốt thời gian dài hàng thế kỷ diễn ra dưới triều Nguyễn. Đây là điều rất đặc biệt ở Việt Nam mà huyện Vĩnh Tường của tỉnh Vĩnh Phúc có vinh dự này. Nhờ vậy mà từ triều vua Minh Mệnh cho đến các triều vua đời Nguyễn về sau có căn cứ để đăng trật bách thần. Sau này khi đất nước đổi mới (1986), thần tích tại các làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục được các cơ quan chuyên môn như Bộ gowin99
– Thể thao và Du lịch cũng như Sở gowin99
– Thể thao và Du lịch các tỉnh dùng làm tiêu chí xét xếp hạng di tích cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố. Ngoài nội dung ghi võ công của các vị anh hùng dân tộc, thần tích của dòng hộ Tô còn phản ánh phong tục, tập quán, lối sống tốt đẹp của dân tộc qua hằng nghìn năm lịch sử, góp phần làm phong phú cho bản sắc gowin99
của đất nước.
N.H.M
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại Việt sử ký toàn thư (1993), tập 1, Nxb. Khoa học gowin99 , Hà Nội.
2. Trần Văn Giáp (1962), Lược truyện các tác gia Việt Nam, Nxb. Khoa học gowin99 , Hà Nội.
3. Nguyễn Duy Hinh (1996), Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam, Nxb. Khoa học gowin99 , Hà Nội.
4. Mai Hồng Ngọc (1995), Nghiên cứu và đánh giá văn bản Thần tích địa phương Thái Bình, Luận án PTS, ký hiệu LA.00083.
5. Nguyễn Hữu Mùi, (1995), “Những khía cạnh văn bản liên quan đến mảng thư tịch Thần tích”, Tạp chí Hán Nôm,số 1, tr.30-33.
6. Nguyễn Hữu Mùi (1995) “Về kho gia thư Thần tích của Nguyễn Hiền ở xã Bằng Đắng, huyện Bạch Hạc”, Thông báo Hán Nôm học 1995, Nxb. Khoa học gowin99 , Hà Nội.
7. Nguyễn Hữu Mùi (1998), Tác giả Nguyễn Bính, Nguyễn Hiền và quá trình tàng trữ, sao lục Thần tích ở thời Nguyễn, Luận văn Thạc sĩ khoa học ngữ văn, ký hiệu LA.00093, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Vĩnh Phúc: Có một nơi lưu giữ Thần tích trên địa bàn huyện Vĩnh Tường - Họ Tô ở xã Cao Đại
06:14 30/11/2022
Sau đây là tham luận của TS. Nguyễn Hữu Mùi - Nguyên phó Viện trưởng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Hán Nôm “Có một nơi lưu giữ Thần tích trên địa bàn huyện Vĩnh Tường: họ Tô ở xã Cao Đại” tổ chức ngày 22/08/2022, nhân kỷ niệm “ 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)”.