Bác sĩ chuyên khoa 1, Trần Văn Thắng – Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt cho biết: Ngày 6 tháng 8 ông N.V.C 47 tuổi được người nhà đưa vào Bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng thở, mất mạch bẹn, cảnh. Qua thăm khám và thông tin người nhà cung cấp “Người bệnh C có tiền sử đột quỵ não 10 năm nay, di chứng nằm bất động tại giường” trong lúc bệnh nhân đang ăn mỳ tôm thì đột ngột bị ho sặc sụa, sau đó khó thở, tím tái toàn thân.
Kiểm soát đường thở của người bệnh, các bác sĩ phát hiện rất nhiều mì tôm trong miệng, đồng thời có một búi mì tôm bít chặt thanh quản. Ngay lập tức, Ê-kip cấp cứu ngay lập tức tiến hành lấy dị vật, tuy nhiên, do mì tôm mềm, dễ đứt nên quá trình xử trí gặp rất nhiều khó khăn. Bác sĩ đã phải sử dụng Guideline của ống nội khí quản luồn sâu và móc được dị vật ra.
Nhân vụ việc trên, Bác sĩ Trần Văn Thắng – Trưởng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện khuyến cáo: “Hóc dị vật đường thở là tai nạn nguy hiểm, nếu không xử trí kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Đối với các đối tượng người bệnh như: người cao tuổi, ý thức không tỉnh táo, người có những rối loạn phản xạ về nuốt… cần hết sức thận trọng trong quá trình ăn uống, tránh ăn những đồ ăn dễ gây sặc, hóc. Trong trường hợp có người bị hóc dị vật, cần ngay lập tức thực hiện cấp cứu đường thở bằng biện pháp Heimlich, lấy dị vật ra khỏi đường thở, đồng thời với đó cần gọi xe cấp cứu 115 để đưa người bệnh đến bệnh viện để được kiểm tra chính xác”.