Con trai nhà văn Triệu Xuân gọi cho tôi thông báo và nói lại với tôi ý muốn của nhà văn Triệu Xuân là tôi sẽ viết điếu văn cho ông khi ông khi mất.
Tôi gặp nhà văn Triệu Xuân từ khi tôi chưa trở thành hội viên Hội Nhà văn. Ngay từ hồi ông còn rất trẻ, tôi đã nhận thấy sự ấm áp và bao dung của một người anh. Có lần ông nói với tôi: "Có những thứ Thiều viết anh không thích thậm chí muốn tranh luận. Nhưng anh luôn ủng hộ sự dấn thân của em trong sáng tạo. Vì nếu không có điều đó thì chẳng mang lại điều gì đáng nói".
Và suốt từ ngày đó đến nay, ông đối với tôi lúc nào cũng là một người anh chân tình và thẳng thắn. Ông luôn chia sẻ, nhắc nhở và động viên tôi với những gì tôi nói, tôi làm, tôi viết.
Tôi không tin ông sẽ ra đi sớm hơn suy nghĩ của tôi. Bởi ông đã sống trong một tinh thần lạc quan trong những ngày cơn đau hành hạ ông. Thi thoảng ông nhắn tin cho tôi: "Anh đau quá Thiều ơi. Nhưng anh không dùng thuốc giảm đau nữa. Anh đọc sách và viết những gì anh cần viết để chống lại cơn đau".
Giờ ông đã bay về cõi vĩnh hằng. Ông chẳng mang theo thứ gì. Nhưng ông mang theo sự tiếc thương và niềm kính trọng của những người đang sống trong đó có tôi.
Xin cúi đầu vĩnh biệt ông!
Nhà văn Triệu Xuân tên thật là Triệu Xuân Điến, sinh năm 1952 ở An Đức, Ninh Giang, Hải Dương. Ông tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1975 ông sống và làm việc tại TP HCM. Ông ghi dấu ấn trong lòng độc giả qua loạt tác phẩm Trả giá (1988) - đoạt Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Bụi đời (1990), Sóng lừng (1990), Những người mở đất (2005), Cõi mê (2005)... Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1986), Ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn TP HCM... Nhà văn Triệu Xuân qua đời ở tuổi 69 sau thời gian dài chống chọi với ung thư phổi, trưa 26/10. |