Kỳ 4.
Pi en ngừng lại uống một hớp rượu vang và nói tiếp:
-Thưa các ngài, vì sao quân Song Yên lại lựa chọn Yên Thế làm căn cứ chính, bên cạnh các căn cứ ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tam Đảo, Phúc Yên? Vì Yên Thế nằm giữa tam giác Bắc Ninh-Thái Nguyên-Lạng Sơn. Yên Thế được chia làm hai khu vực riêng biệt. Thứ nhất là khu vực phía nam Nhã Nam, gọi là Yên Thế Hạ, vùng này có đồng bằng phì nhiêu với những cánh đồng lúa và làng mạc, đông dân cư. Vùng thứ hai là Yên Thế Thượng nhiều rừng rậm bao phủ, đồi núi đất đai gồ ghề, lồi lõm, quân ta hành binh rất khó khăn và dễ bị mai phục. Thân Bá Phức, Lương Văn Nắm, Hoàng Hoa Thám đã xây dựng giữa những núi rừng rậm một loạt những đồn lũy vững chắc. Sào huyệt của quân nổi loạn gồm nhiều đồn lũy rải ra trên 5 km, hệ thống đồn lũy gồm 5 cụm đặt dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh tương đối độc lập tác chiến. Cụm thứ nhất, quan trọng nhất do Đề Nắm chỉ huy. Đề Nắm cũng là người chỉ huy tối cao về quân sự của nghĩa quân Yên Thế. Cụm đồn này xây dựng ở vùng cửa sông Sỏi, một nhánh của thượng nguồn sông Thương. Sông Sỏi đã cắt Yên Thế ra làm đôi. Cụm này bao gồm vài đồn trung tâm và bao gồm cả một làng chiến đấu. Đồn này có hai đồn bảo vệ trước mặt. Để bảo vệ cho đồn trung tâm ở phía tây còn có hệ thống đồn kiên cố. Ngoài ra còn có nhiều đồn nhỏ và các đồn phụ khác bảo vệ 4 mặt cho các đồn trung tâm. Các đồn bảo vệ đồn trung tâm đều do những tướng giỏi về quân sự, giỏi tổ chức chiến đấu như Đề Thám, Đề Truật...chỉ huy. Như vậy, đặc điểm của đồn lũy Yên Thế là có những đồn chính và chung quanh có nhiều đồn phụ để phối hợp tác chiến và bảo vệ nhau. Đặc điểm thứ hai là chung quanh đồn lũy tạo ra những chướng ngại vật gây khó khăn rất lớn cho kẻ muốn tấn công, tận dụng tối đa những chướng ngại vật tự nhiên. Đồn lũy của quân Yên Thế bao giờ cũng khuất trong những núi dựng đứng và trong những khu rừng rậm rất khó trông thấy, khó thâm nhập. Dọc theo chiến lũy là những hào sâu, trên có đặt những khúc gỗ hoặc những bó củi cành để che đạn. Phía ngoài hào là từ hai đến ba hàng rào bằng gỗ có dây xanh leo chằng chịt nhằm che mắt kẻ tấn công. Giữa các hàng rào là những bãi chông nhọn rộng hàng trăm mét. Đặc điểm thứ ba của đồn lũy Yên Thế là những công trình bảo đảm trú ẩn, tránh đạn đại bác có hiệu quả. Cho nên đồn của quân Yên Thế thường xây hình lăng trụ, lũy thường cao 4m, dầy hơn 3,5m. Trên mái lũy đóng cọc tre nghiêng ra phía ngoài. Đồn có tầng hầm sâu dưới đất và những tầng nhô lên với những lỗ châu mai bố trí hai, ba tầng xuyên qua tường lũy. Chung quanh lũy có hào sâu 3m, rộng 4,5m. Hào đào dọc theo chân tường của chiến lũy. Hào có thể có nước, có thể không nhưng đều cắm chông nhọn dầy đặc. Trong chiến đấu, khi ta tấn công bắn đại bác thì quân Yên Thế chui xuống tầng hầm trong lòng đất của đồn tránh đạn. Khi đại bác ngừng tức là lúc quân ta tấn công vào thì quân Yên Thế mới lên ẩn trong chiến lũy, qua những khe hẹp của lỗ châu mai để bắn vào quân ta. Họ chờ quân ta lại rất gần mới bắn, gây thiệt hại lớn cho quân ta trong các trận đánh, gây khó khăn cho quân ta khi càn quét, tấn công. Cho đến khi bao vây tấn công vẫn không biết đồn lũy của Yên Thế ở đâu. Cho nên quân ta ngoài súng ra còn phải mang theo dao, rìu để mở lối đi qua rừng rậm, rất dễ bị mai phục, bị đánh bất ngờ nếu đột nhiên đụng phải một đồn nào đó. Một điều nữa là người dân Yên Thế bề ngoài lễ phép nhưng không bao giờ biết sợ. Quân khởi nghĩa, nhất là các thủ lĩnh đều là những anh hùng hảo hán trong giới võ lâm đã từng bị chúng ta truy lùng, giam cầm vì chúng ta cấm Đại Nam phổ biến võ nghệ. Vì thế, khi về Yên Thế, họ mang theo khí phách anh hùng trượng nghĩa, thề trung thành với minh chủ, coi cái chết là nhẹ nhàng khi biết rằng chết cho đại nghĩa cứu nước. Cho nên, nghĩa quân Yên Thế không biết sợ hãi dù là đại bác. Nghĩa quân Yên Thế còn sử dụng chiến thuật du kích linh hoạt, ngoài đồn lũy họ còn sử dụng xây dựng làng chiến đấu. Họ được dân làng nuôi dưỡng và che chở. Về phía chúng ta, do đường sá rừng núi hiểm trở nên những cuộc hành quân, tiếp viện lương thực khó khăn, cho nên không thể hành quân lâu dài, đánh mà thất bại một đợt là rút lui, lại để cho Yên Thế hồi phục. Đường sá khó khăn cũng không thể đem nhiều pháo lớn vào tập kích. Các ngài phải biết là đồn lũy kiên cố của Yên Thế chỉ có đại bác nã dồn dập mới triệt tiêu được. Đó là tất cả những lý do khiến 7 năm ròng chúng ta không sao dập tắt được Yên Thế.
Thống sứ Bắc Kỳ hỏi:
-Ta đã nhiều lần giao cho đạo Quan binh Bắc Kỳ phải dẹp bằng được Yên Thế. Cho đến nay các ngài đã tiến hành những chiến dịch nào rồi?
-Bẩm ngài Thống sứ, ngày 17 tháng 3 năm 1884, tướng Briere đã chiếm Thái Nguyên và điều một cánh quân về Yên Thế chiếm Tĩnh Đạo, gần Nhã Nam nhưng sau đó lại rút đi phục vụ cho chiến dịch Hưng Hóa. Năm 1885, ba thiếu tá Bec ra bu nhi ô, Pơ phe phơ, Sa xe phơ và trung tá Đuy gen nơ đã cho quân tấn công Phủ Lạng Thương, Bắc Ninh, Lục Nam, giao chiến với nghĩa quân Yên Thế ở Yên Thế Hạ và quân Thanh ở Yên Thế Thượng. Trung tá Đuy gen nơ huy động 300 quân, có pháo binh yểm trợ càn quét khắp vùng Yên Thế, phá hủy căn cứ của nghĩa quân ở Hữu Thượng và ở mỏ Na Lương. Chúng ta đã lập đồn binh ở Tĩnh Đạo, năm 1889 ta xây đồn ở Bố Hạ để bao vây quân Yên Thế. Tháng 10 năm 1889, thiếu tá Đuy mông và Pi cơ đã tấn công nghĩa quân ở Bắc Ninh, bắt được Đốc Văn và đem hành hình. Cũng tháng 10 năm đó, ta còn xây dựng đồn binh ở Bỉ Nội và đánh chiếm Hạ Châu. Ta còn có hệ thống đồn bốt ở Nhã Nam với hỏa lực rất mạnh. Năm 1890, ta tập trung lực lượng tấn công căn cứ mạnh nhất của nghĩa quân là căn cứ Hố Chuối, thuộc xã Phồn Xương, huyện Yên Thế. Gọi là đồn Hố Chuối vì đồn xây trong rừng chuối, là đồn rộng lớn nhất, kiên cố nhất mà Đề Thám cho xây dựng, là nơi ở của nghĩa quân, nơi ở của gia đình Đề Thám, nơi gặp gỡ giữa Đề Thám với các anh hùng đương thời đang chống Pháp. Đồn Hố Chuối xây dựng nửa chìm nửa nổi nhằm hạn chế hỏa lực của quân ta. Thành lũy của đồn là đất nện, có lỗ châu mai. Đồn có 3 cổng chính quay hướng đông, hai cổng phụ hướng nam-bắc có chiến hào chạy thẳng ra rừng rậm. Cả ba cổng, mỗi cổng đều có hai lớp tường bảo vệ phía ngoài. Còn có hệ thống bốt gác. Còn có hai pháo đài phong thủ bắc-nam cách đồn Hố Chuối 100m tạo thế chân vạc hỗ trợ cho nhau. Ngoài ra còn một hệ thống đồn phòng thủ chung quanh như đồn Hoan, đồn Hang So, đồn làng Nứa, đồn làng Vàng. Chung quanh còn có hệ thống làng chiến đấu như làng Dương Sặt, Thế Lộc, Luộc Hạ, Cao Thượng với nhiều chướng ngại vật hiểm trở.
Thống sứ Bắc Kỳ L. Sa va xi ơ có vẻ sốt ruột hỏi:
-Kết quả quân ta tấn công tiêu diệt đồn Hố Chuối như thế nào?
Tướng Pi en uống một hớp rượu và trả lời:
-Thưa ngài Thống sứ, chúng ta đã mở 4 đợt tấn công lớn vào Hố Chuối trong năm 1890 đều thất bại. Cuộc tấn công thứ nhất vào đầu năm không mang lại kết quả. Lần thứ hai vào ngày 6 tháng 11 năm 1890 do tướng Gô đanh chỉ huy đánh vào Cao Thượng không thu được thắng lợi, phải lập đồn binh ở Nhã Nam, gần vị trí của đồn Tĩnh Đạo. Lần thứ ba là vào ngày 9 và 11 tháng 12 năm 1890 do Đại úy Pơ le xi e và thiếu tá Ba rơ chỉ huy tấn công vào Hố Chuối, bị thất bại, nhiều lính của ta bị giết và bị thương. Năm 1890 cũng là năm Đề Thám được các tướng lĩnh bầu làm thủ lĩnh tối cao của Yên Thế thay Thân Bá Phức già yếu. Lần thứ tư, ta mở cuộc tấn công vào ngày 22 tháng 12 năm 1890 do trung tá May ơ chỉ huy, quân ta pháo kích dữ dội vào các đồn, sau đó bộ binh xông lên. Nghĩa quân chờ ta tới rất gần mới nổ súng tiêu diệt khiến quân ta chết nhiều phải tán loạn tháo chạy. Khi chỉ huy thúc lính lê dương xông lên công sự của nghĩa quân thì nghĩa quân vùng lên đánh trả. Ta tổn thất nặng nề phải rút lui. Đề Thám còn dùng loa động viên: "Hỡi những người lính trong quân đội trung nghĩa, trong đội quân bất khuất, trong đội quân tất thắng, hãy dũng cảm diệt nhiều địch, báo đền nợ nước”. Địa hình thiên nhiên hiểm trở và các vật cản do nghĩa quân tạo ra đã hạn chế tầm bắn của ta. Khi áp sát chân đồn thì bị súng trong các lỗ châu mai tiêu diệt. Trong trận này, quân Yên Thế sử dụng chiến thuật đánh trước mặt và ba cánh quân khác theo hào giao thông luồn ra đánh hai bên sườn, đánh sau lưng quân ta. Quân ta không phát hiện được hệ thống giao thông hào này nối với nhau, thông suốt ra suối Gồ phía sau. Hai cánh quân do Thiếu tá Tan và Đại úy Rô be chỉ huy sau 4 giờ tấn công chỉ tiến được 20m. Sau đó phải nhờ pháo binh chi viện. Dứt đợt pháo kích, quân ta tấn công pháo đài bắc, pháo đài nam nhưng ta bị tổn thất nặng. Trung úy Bơ le dơ tử trận, quân ta còn lại chạy ra suối Gồ. Lần 4 này 1 sĩ quan, 4 lính Pháp và 4 lính Việt bị giết, 15 lính Âu và lính Việt bị thương. Bốn lần tấn công do các tướng Gô đanh, Ta na xơ, May ơ, Fo ray chỉ huy với 2.000 quân cùng đại bác mà thất bại, hàng trăm lính phơi xác. Trong khi đó Đề Thám chỉ có 200 tay súng. Cả 4 đợt, nghĩa quân đã giết và làm bị thương hàng trăm lính, loại khỏi vòng chiến đấu 2 đại đội lính Pháp và 2 đại đội thuộc trung đoàn 11 quân khố đỏ. Hố Chuối đã làm cho giới quận sự ở Pháp và ở Đông Dương choáng váng, khâm phục tinh thần chiến đấu của nghĩa quân. Để bao vây căn cứ nghĩa quân, quân ta đã phải xây dựng hệ thống đồn bốt ở Nhã Nam, Luộc Hạ, Bố Hạ. Trong các năm 1890-1891, chiến trận ở Hố Chuối là khốc liệt nhất.
Tướng Pi en đọc xong báo cáo chiến sự năm 1885 đến năm 1891 ở Yên Thế. Y ngồi xuống và uống tiếp một ly rượu. Thống sứ Bắc Kỳ hỏi:
-Có một cái đồn nhỏ ở một nơi hẻo lánh mà huy động 4 đợt tấn công với hơn 2.000 quân trang bị súng trường bắn nhanh hiện đại nhất châu Âu cùng nhiều đại bác mà để cho Đề Thám chỉ 200 tay súng đánh cho thiệt hại nặng nề. Các anh làm ăn kiểu gì vậy?
Thống tướng Pi en vội đứng dậy:
-Thưa ngài Thống sứ, ngoài chiến lũy hiểm ác, khó tấn công còn thêm yếu tố quan trọng nữa là quân khởi nghĩa quá gan dạ, không sợi hãi, sẵn sàng chết cho mục đích của họ là trung nghĩa, là độc lập dân tộc và tự do. Họ còn có chiến thuật tác chiến du kích, lối đánh kỳ diệu, khác với lối đánh tập trung của ta.
(Còn nữa)
CVL