Kỳ 36.
-Em nhớ bảo trọng.
Hai bóng người xa dần trong bóng đêm. Khuya hai người mới đến trại Cổ Vịt, Chí Linh, Hải Dương, nếu mà đi tiếp, đêm, mật thám sẽ nghi ngờ, vả lại cũng sẽ không có đò qua sông Bạch Đằng vào giờ này. Hai người vào một quán trọ nghỉ, sáng hôm sau, ăn sáng xong lại lên đường. Khắp nơi thôn làng, thị trấn, thị xã đâu đâu cũng dán ảnh Nguyễn Thái Học, lệnh truy nã và số tiền thưởng 5.000 đồng Đông Dương, phong phẩm hàm cho kẻ nào bắt được Chủ tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đường sá khi đó đã đông người đi lại. Hai người qua một chốt của cảnh sát, xuất trình giấy tờ và thẻ căn cước. Một tên cảnh sát nói:
-Chiếc mũ phớt và kính râm làm chúng tôi không nhận rõ mặt, mời hai ngài bỏ mũ và kính ra.
Nguyễn Thái Học bỏ mũ và kính ra. Tên mật thám săm soi rất kỹ và nói:
-Ngoài bộ râu ra còn nhìn ngài hao hao giống Nguyễn Thái Học.
Một tên nói:
-Có khi đó là râu giả. Ngài cho chúng tôi sờ bộ râu được không?
Không cần chờ Nguyễn Thái Học đồng ý, hắn sờ vào và mạnh tay rứt bộ râu ra và kêu lên:
-Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thái Học…
Tiếng kêu của hắn đứt quảng vì bị một viên đạn của Sư Trạch từ sau bắn tới, lại một tên nữa trúng đạn gục xuống. Nguyễn Thái Học cũng rút súng ra. Nhưng từ phía sau, bọn cảnh sát đã bắn vào chân hai người. Hai người bị thương không chạy được, bọn cảnh sát đông vô kể từ bốn phía ập lại. Cuộc đấu súng khiến vài tên cảnh sát gục xuống nhưng chúng quá đông, chỉ vài phút sau Nguyễn Thái Học và Sư Trạch bị bắt. Chúng nhanh chóng khóa tay hai người bằng khóa sắt. Tin bắt được Nguyễn Thái Học làm chấn động Đông Dương. Thực dân Pháp thì mừng rỡ nhưng Việt Nam Quốc Dân Đảng hoàn toàn sụp đổ về tinh thần và tan rã. Đó là ngày 20 tháng 2 năm 1930. Chúng đưa Nguyễn Thái Học và Sư Trạch lên nhà giam Yên Bái. Ngày 28 tháng 3 năm 1930, Hội đồng đề hình xét xử ở Yên Bái, kết án 34 người trong Việt Nam Quốc Dân Đảng tù khổ sai chung thân, 50 người bị lưu đày, 40 người bị tử hình, trong đó có Nguyễn Thái Học. Không lâu sau, Chính phủ Pháp chuyển Nguyễn Thái Học và một số đồng chí về nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Khi nhận được tin dữ Nguyễn Thái Học bị bắt ở ấp Cổ Vịt, Hải Dương, cô Giang bàng hoàng gục xuống. Nếu không có một nghị lực kiên cường của một chiến sĩ cách mạng thì cô đã không còn trụ vững được nữa. Lòng cô đau buồn như xé. Cô hồi ức lại những kỷ niệm của người chồng yêu quý dào dạt chảy về trong tâm tưởng. Cô nhớ lại bố anh Học là cụ Nguyễn Văn Hách, mẹ là bà Nguyễn Thị Quỳnh. Bố mẹ sinh được sáu người con, anh Học là con trai cả, thứ hai là em gái Nguyễn Thị Bình, Thứ ba là Nguyễn Thị Ưu, em trai thứ tư là Nguyễn Văn Nho, thứ năm là em Nguyễn Văn Lâm, cả hai đều là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng và hiện đang bị Pháp truy nã, em út là Nguyễn Thái Nỉ, năm nay mới khoảng 4 đến 5 tuổi mà thôi. Cô Giang nhớ lại những lần anh Học đưa cô về thăm gia đình ở làng Thổ Tang, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, cả nhà đều quý mến con dâu và chị dâu bởi không phải cô chỉ xinh đẹp mà còn do đặc tính của cô là dịu dàng, hiền lành, đảm đang, khéo léo, thông minh và tài năng. Bao giờ về thăm cô cũng mua quà cho thầy mẹ, cho các em, đặc biệt là cho bé Nỉ. Làng anh Học có ngôi đền Thổ Tang cổ kính, đi qua đền rẽ vào con đường nhỏ thì vào được nhà anh. Nhà có một cái lợp gianh, một cái lợp lá cọ. Khi về, cả nhà nhường cho cô và anh Học căn nhà lợp lá cọ, gọn gàng sạch sẽ thoáng mát. Đây cũng là nơi anh Học tiếp khách khứa, bạn bè từ Sơn Tây và Việt Trì về. Cô Giang nhớ lại khi về quê có những đêm không thể quên được ở sân đình làng Thổ Tang. Nghe cô Giang và anh Học về, thanh niên trai gái kéo về đông đúc, có cả lính khố đỏ, lính khố xanh đến để nghe cô Giang và anh Học ngâm thơ. Anh học thì giỏi diễn thuyết. Mọi người đến còn là để nghe anh nói về thời sự, nói về nỗi cực khổ của dân mình, đặc biệt là nông dân ở các làng quê nghèo đói, thất học. Khi về thăm quê, anh em họ hàng đều khen anh và cô thật là một đôi trai tài gái sắc. Lần cuối cùng cô và anh Học về thăm nhà là mùa thu năm 1929.
Cô Giang ứa nước mắt nhìn hai kỷ vật mà Nguyễn Thái Học để lại cho cô: khẩu súng ngắn, một băng đạn để cô tự bảo vệ mình trong khi hoạt động và chiếc đồng hồ quả quýt gắn với sợi dây chuyền vàng nhỏ. Vật kỷ niệm còn đây, sao anh đã vội xa em? Cô Giang ôm mặt nức nở.
* *
*
Hà Nội đêm 16 tháng 6 năm 1930, ánh mặt trời đã tắt, bóng đêm bao trùm thành phố. Cây cối đứng im không một làn gió, nhà cửa, đường phố chìm trong ánh đèn điện vàng khè. Một vài chiếc xe kéo tay chở khách chạy ì ạch. Trong thời buổi loạn ly, người dân lo sợ ít khi ra đường.
Trước cổng nhà tù Hỏa Lò đêm nay đông lính, súng ống lưỡi lê tuốt trần xếp hai hàng bên lối vào nhà tù. Bên đường, một chiếc xe tải bọc lưới sắt chờ sẵn. Tên chỉ huy Arnox tiến vào xà lim án tử hình, mở danh sách và đọc tên từng người. Người đó đứng dậy thì lập tức bị xích hai tay và đưa lên xe bọc lưới sắt. Người đầu tiên là Bùi Tư Toàn, một nông dân tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng, người thứ 13 cũng là người cuối cùng là Nguyễn Thái Học. Nguyễn Thái Học bị hai tên lính xích tay và kèm ra xe. Anh nói to:
-Xin chào các anh ở lại, chúng tôi đi đây, vĩnh biệt.
Tiếng hô của các tù nhân vang động khu Hỏa Lò:
-Chào những anh hùng, vĩnh biệt các anh.
-Đả đảo khủng bố. Đả đảo. Đả đảo.
-Đả đảo thực dân Pháp.
-Đả đảo bọn giết người.
-Việt Nam muôn năm.
-Việt Nam vạn tuế.
Trong đêm vắng, tiếng cửa nhà tù đóng mạnh. Tiếng dùi cui đập vào cửa sắt nhà tù đe dọa. Xe rồ máy chạy vội ra ga Hàng Cỏ. Sau đó chúng đưa 13 người lên một toa xe lửa riêng biệt, không có hành khách. Trên toa đã có sẵn 30 lính lê dương súng đạn đầy mình ngồi chắn hai đầu toa chở 13 người. Ngồi chung với 13 người là hai cố đạo người Pháp tên là Méc lét và Đô nét. Nguyễn Thái Học hỏi hai cố đạo:
-Hai ngài có biết họ đưa chúng tôi đi đâu không?
-Họ đưa các ông lên Yên Bái để tử hình bằng máy chém.
Hà Văn Lạc hỏi:
-Sao chúng không bắn chúng ta ở Hà Nội, lại đem lên tận Yên Bái?
Nguyễn Thái Học đáp:
-Một là chúng sợ dư luận Hà Nội, hai là chúng đe dọa Yên Bái vì Yên Bái là trung tâm của cuộc tổng khởi nghĩa vừa qua. Nhưng không sao, chúng ta hy sinh ở Yên Bái càng làm cho khởi nghĩa Yên Bái mang tính chất anh hùng ca bi tráng. Lịch sử sẽ gọi cuộc tổng khởi nghĩa của chúng ta là Khởi Nghĩa Yên Bái.
Bùi Tư Toàn hỏi:
-Cái máy chém này nó từ đâu mà ra anh Học?
Nguyễn Thái Học đáp:
-Thời Trung đại, bọn phong kiến châu Âu và Pháp rất tàn ác, chúng chế tạo ra 50 cái máy chém để giết hại nhân dân và những người chống lại chúng. Cấu tạo máy chém thường có hai cái khung sắt cao khoảng 3m, trên cao treo lưỡi dao nặng và cực sắc, dưới có bệ kê đầu người, khi tên đao phủ bấm nút thì lưỡi dao lao xuống, đầu người văng xuống và máu phun lên.
Mọi người đều nói:
-Tàn ác quá, chúng xưng là văn minh sao tàn ác như thời trung cổ mọi rợ vậy?
Nguyễn Văn Nhật nói:
-Anh Học cái gì cũng biết, đúng là “Đại Giáo sư”.
Nguyễn Thái Học nói thêm:
-Trước đó, bọn đao phủ Pháp đã giết hại các đồng chí của chúng ta như Đặng Văn Lương, Đặng Văn Tiếp, Nguyễn Thanh Thuyết, Ngô Hải Hoàng bằng máy chém ở Yên Bái.
Đỗ Văn Sứ nói:
-Các anh đi trước chắc là sẽ đón chúng ta long trọng đây.
Mọi người cùng cười vang.
Nguyễn Thái Học hỏi hai cố đạo:
-Hai ngài đi với chúng tôi lên Yên Bái để làm gì?
Méc lét ngập ngừng một lát rồi đáp:
-Chúng tôi đi theo để rửa tội cho các ngài.
Nguyễn Thái Học nói:
-Bọn thực dân Pháp và các ngài nhầm rồi, yêu nước, hy sinh cho sự nghiệp cứu nước, giành độc lập dân tộc thì làm gì có tội. Các ngài về hỏi người Pháp xem yêu nước Pháp thì có tội không?
Hai cố đạo im lặng.
Nửa đêm 16 tháng 6 năm 1930, tàu chở 13 chiến sĩ đến Yên Bái.
Tối hôm đó, tại Hà Nội, cô Giang trực tiếp chứng kiến bọn Pháp đưa Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí lên xe và sau đó lên xe lửa đi Yên Bái. Một giờ sau, cô Giang cải trang thành đàn ông, đem theo một quả tạc đạn, giắt khẩu súng ngắn vào người và đáp chuyến tàu theo sau. 4 giờ sáng ngày 17 tháng 6, cô Giang đã đến gần pháp trường Yên Bái.
5 giờ kém 15, lính pháp đã áp tải 13 chiến sĩ ra khu đất trống, có 400 lính lê dương cầm súng đứng vòng quanh pháp trường. Có khoảng 100 người đến đứng vòng ngoài bọn lính. Cô Giang cải trang thành đàn ông, mắt đeo kính đen, đầu đội mũ phớt đứng dưới một gốc cây to, trông vào pháp trường mà khóc, nước mắt đầm đìa, nhưng cô cố lau đi để nhìn rõ các anh từng người một hiên ngang bước lên máy chém. Hành hình bằng máy chém là hành hình dã man nhất thời kỳ trung cổ. Người bị hành hình bị trói quặt tay ra sau lưng, lên máy chém bị đặt nằm úp sấp, đầu kê vào cái bệ giữa hai khung sắt, tên đao phủ bấm cho dao rơi xuống cực mạnh, cắt đầu đứt văng xa rơi vào cái thùng cách 3 m mà chúng đặt sẵn, máu trong người phun lên cao do bất ngờ bị ngắt dòng tuần hoàn.
(Còn nữa)
CVL