Kỳ 41.
Năm 1621 thám mã về báo:
-Dạ bẩm Bình An Vương, Thái úy Vinh Quốc Công đã đuổi Mạc Kính Khoan chạy lên Cao Bằng.
Tháng 7 năm 1623, Đông Kinh nóng như đổ lửa. Trịnh Tùng bị bệnh nguy kịch nằm trong phủ chúa, căn bệnh kiết lỵ hoành hành làm cho Bình An Vương kiệt sức không nhấc nổi chân tay, liền gọi:
-Bay đâu
-Dạ.
-Gọi thế tử Trịnh Tráng đến đây.
-Dạ.
Trịnh Tráng đến quỳ bên giường:
-Bệnh cha có thuyên giảm phần nào không ạ.
Trịnh Tùng nhìn Trịnh Tráng nói nhỏ:
-Không thuyên giảm mà ngày càng tăng lên. Có lẽ ta sắp đi. Sau khi ta đi con hãy lên ngôi chúa nắm lấy quyền quân sự, dân sự và hành chính. Con là chúa phải lấy giang sơn, xã tắc, bách tính Đại Việt làm trọng. Ta có 19 con trai, trưởng nam là Trịnh Túc, anh con đã mất năm 28 tuổi do bị voi húc, con là thứ hai, sau đó đến Trịnh Xuân và các đệ, tất cả đã được ta phong vương. Một muội là Trịnh Thị Ngọc Trinh, là hoàng hậu của hoàng thượng Lê Thần Tông. Con phải thương yêu giúp đỡ đại lượng với các đệ, muội của mình. Còn nữa, con phải cố gắng tiêu diệt tàn dư của nhà Mạc trên Cao Bằng, đưa giang sơn về một mối, trừ đi mối hiểm họa cho nước nhà, cho Lê-Trịnh. Nhà Minh bên kia biên giới dù đã sang thời kỳ suy tàn, nhưng người lãnh đạo quốc gia phải đề phòng, không để chúng xâm lấn đất đai và xâm lược.
Trịnh Tráng quỳ khóc nhận cố mệnh:
-Con xin vâng và làm theo những lời cha dặn.
Trong vương phủ của mình, khi được tin do thám báo Trịnh Tùng đã di chiếu cho Trịnh Tráng kế vị ngôi chúa, Vạn Quận Công Trịnh Xuân gần như phát điên. Trong cuộc tranh giành ngôi vị, Trịnh Xuân là em nhưng tranh giành rất quyết liệt với Trịnh Tráng. Trước đó, vào năm 1619, Trịnh Xuân đã liên kết với vua Lê Kính Tông ám sát Trịnh Tùng để giành ngôi chúa. Trịnh Xuân cho mai phục để bắn vào Trịnh Tùng trên con đường Bình An Vương đi về phủ. Voi sắp lọt vào trận địa, bỗng nhiên lá cờ bị gió gục đổ, Trịnh Tùng vội cho voi đi trước, còn ngài đi kiệu về sau. Trịnh Xuân bắn người quản tượng và voi chết. An Bình Vương thoát nạn, tra xét thì vua Lê và Trịnh Xuân chủ mưu. Trịnh Tùng đã giết chết vua Lê Kính Tông rồi đưa vua Lê Thần Tông lên thay, nhưng lại tha tội cho Trịnh Xuân vì là con không nỡ xuống tay. Trịnh Xuân vẫn chứng nào tật ấy, liền xông vào phủ chúa, quỳ hành lễ và oán trách Trịnh Tùng. Trịnh Tùng mắng:
-Tài năng thì mày không có, đạo đức thì mày đã phạm tội giết cha. Tài đức như vậy mà đòi cai trị thiên hạ sao. Ta đã tha tội chết cho mày, mày còn định làm loạn sao? Cút ra ngoài…
Trịnh Xuân chạy ra ngoài như điên loạn, luôn miệng kêu:
-Ta là người kế vị…
-Ta mới là người kế vị…
Xuân chạy vào nhà bếp phủ chúa không ai ngăn cản được, rút lửa trong bếp ra và châm vào nhà bếp. Xuân chạy ra và cầm bó củi đó châm đốt khắp nơi trong phủ chúa. Phút chốc gặp khí nóng và gió nồm, cả phủ chúa biến thành một biển lửa. Lầu son gác tía, dinh thự, phủ đường, doanh trại bốc lửa ngùn ngụt thành than đỏ rực. Cả một vùng Đông Bắc hoàng thành chìm trong khói lửa. Tông thất, quan lại phủ chúa Trịnh chạy thoát thân ra ngoài nhìn vương phủ, của cải, vàng bạc chìm trong lửa. Tiếng kêu than vang vọng trời đất. Lính cận vệ vội cáng Trịnh Tùng chạy đến dinh của thân vương Trịnh Đỗ, em ruột Trịnh Tùng ở Hồng Mai. Sợ cháy lan sang Long Phượng Thành, triều thần cho dời xa giá vua Lê Thần Tông và hoàng gia đến Ninh Giang, sau đó về Tây Đô. Trong biến loạn như vậy Trịnh Đỗ có âm mưu cướp ngôi chúa, liền bàn với một gia tướng tâm phúc:
-Trịnh Tùng sắp chết, chỉ cần lừa giết được Trịnh Xuân và Trịnh Tráng thì ngôi chúa thuộc về cành thứ chúng ta. Tướng quân đến phủ Trịnh Xuân nói rằng Trịnh Tùng sắp chết, muốn trao ngôi vị, mời Xuân đến nhận.
Nghe gia tướng của Trịnh Đỗ thông báo, Trịnh Xuân cả mừng vội dẫn tùy tùng đến nhà Trịnh Đỗ, bị đao phủ của Trịnh Đỗ mai phục bắt giam và sau đó chặt chân cho đến chết. Năm đó Trịnh Xuân mới 45 tuổi.
Trịnh Đỗ nói:
-Còn Trịnh Tráng nữa. Nếu giết xong Trịnh Tráng, ta lên ngôi chúa thì ai dám chống đối.
Liền cho tùy tướng đi mời Trịnh Tráng:
-Mời thế tử đến gặp, Bình An Vương sắp không qua khỏi.
Trịnh Tráng định đi, con là Trịnh Tạc nói nói:
-Trịnh Xuân vừa bị lừa đến nhà Trịnh Đỗ và bị giết. Bây giờ cha đến đó mà bị giết thì ngôi chúa sẽ thuộc Trịnh Đỗ.
Trịnh Tráng thôi không đi nữa.
Trịnh Tùng biết mình sắp chết, bảo Trịnh Đỗ cáng đến phủ của Trịnh Tráng để gặp con. Cáng đi đến Thanh Xuân thì Trịnh Tùng tắt thở qua đời, hưởng thọ 74 tuổi. Trịnh Tráng ra đón thi hài Trịnh Tùng, đưa về mai táng tại Sáo Sơn, Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Do tài thao lược mà Trịnh Tùng đã lật đổ nhà Mạc năm 1592, loại bỏ nhà Mạc khỏi vũ đài chính trị, hoàn thành sự nghiệp trung hưng của nhà Lê. Bởi công lao to lớn, Trịnh Tùng được truy phong là Thành Tổ Triết Vương.
Sau lễ tang Trịnh Tùng, Trịnh Tráng sai bọn Lê Bật Tứ, Bùi Sĩ Lâm vào Thanh Hóa đón vua Lê Thần Tông về Đông Kinh, mặt khác sai thu dọn tàn dư của hỏa hoạn và ra lệnh xây dựng phủ chúa mới cho thật nguy nga tráng lệ hơn xưa. Tháng 11 âm lịch năm 1623, Trịnh Tráng tự phong mình là Nguyên soái Tổng Quốc chính Thanh Đô Vương, là chúa thứ ba tính từ thời Trịnh Kiểm.
II
Cho đến năm 1625, Lê-Trịnh đã kiểm soát được đất nước từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và toàn bộ miền Bắc, Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan chỉ còn mảnh đất cuối cùng là Cao Bằng. Nhà Mạc dựa vào địa thế miền núi hiểm trở, xây dựng thành Bản Phủ làm chỗ đứng chân cố thủ chống lại quân Lê -Trịnh.
Thành Bản Phủ thuộc đất Cao Bình, mảnh đất thuộc hai bờ sông Bằng Giang, trung tâm của bồn địa Hòa An. Thành Bản Phủ xưa là kinh đô của nước Nam Cương của Thục Chế, cha của Thục Phán An Dương Vương, vua nước Âu Lạc của người Lạc Việt và Âu Việt. Thành Bản Phủ của nhà Mạc xây hình chữ nhật dài gần 28 Trượng, rộng gần 19 trượng, có hai cửa Đông và Tây, tường thành chình bằng đất sét, bốn bên có hào lũy, có trồng tre gai đày đặc. Thành soi mình xuống dòng Bằng Giang ngày đêm tuôn nước. Trong thành có Hy Cung trên gò Đốn Lân, có Tây Cung, nơi ở của các phi tần, có trường Quốc học ở Bản Thành, có chùa Đà Quân với tiếng chuông vang vọng mỗi buổi hoàng hôn, có địa danh Thiên Thanh dùng để chiêm tinh bói toán, có đàn Nam Giao cho thiên tử cúng tế giao tiếp với trời, có Đào Viên, có vườn Thượng uyển, có nơi nuôi ngựa cho triều đình, có giếng Bó Phủ nước chảy ra Đầm Sen. Kinh Đô Bản Phủ tồn tại từ năm 1594 cho đến năm 1677, trong đó Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Vũ đã tổ chức triều đình hai bên văn võ như thời ở Đông Kinh, đã tổ chức nhiều khoa thi hội lấy học vị Tiến sĩ, trong đó có một nữ Tiến sĩ duy nhất của Đại Việt thời phong kiến là bà Nguyễn Thị Duệ.
Một buổi sáng năm 1625, vua Càn Thống Mạc Kính Cung đang ngồi trong Ly Cung thì có thám mã về báo:
-Dạ, bẩm hoàng thượng, tướng Lê-Trịnh là Trịnh Kiền, con trưởng chúa Trịnh Tráng đem 5 vạn quân đang đánh tới kinh đô Bản Phủ.
Mạc Kính Cung gọi:
-Bay đâu.
-Dạ.
-Tập trung quân để ta ra thành diệt giặc.
-Dạ.
(Còn nữa.)
CVL