LTS: Từ ngày 16/8/2021, Tạp chí gowin99 và Phát triển (revcat.net) bắt đầu giới thiệu Bộ tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” của PGS TS Cao văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành từ tập I đến ngày 17/4/2022 là Kỳ 45 - kỳ cuối của Tập V, được đông đảo bạn đọc truy cập, hoan nghênh.
Lẽ ra Tạp chí đăng tải tiếp tập VI nhưng trong thời gian nói trên, tác giả đã viết thêm tập IV (A): “Chuyển giao vương triều và nhà Hậu Trần đánh giặc Minh”, giai đoạn lịch sử này trước cả tập IV (Nội chiến Nam-Bắc triều). Tác phẩm này xuất bản sau cùng, sau cả tập VII, cũng do NXB Hồng Đức ấn hành. Do đó, từ ngày 18/4/2022, Tạp chí sẽ đăng tải tập IV (A) nói trên, sau đó mới đăng tiếp tập VI và những tập tiếp theo cho đến tập cuối.
Vậy kính báo để bạn đọc tiện theo dõi, truy cập trọn bộ gồm 9 tập Bộ tiểu thuyết lịch sử này.
Trân trọng cảm ơn!
Kỳ 1.
CHƯƠNG I
CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU LÝ-TRẦN.
I.
Lúc bấy giờ là tháng 3 năm 1207, Đại Việt dưới thời cai trị của hoàng đế Lý Cao Tông, là thời kỳ nhà Lý đang trên đương suy vi, thời kỳ loạn lạc. Mặt trời đã lên hơn một cây sào phía đông, tỏa ánh nắng trắng nhạt xuống vùng Hồng Châu, xuống những cánh đồng bát ngát đang xanh màu lúa thì con gái của đại hào trưởng Đoàn Thượng. Nắng cũng rải xuống làng mạc xanh tươi màu cây nhãn, tre, mít, vải. Nắng long lanh lọt qua kẽ lá cây rơi xuống những mái gianh, mái ngói của thôn gia. Nắng rải xuống những dòng sông Thái Bình, sông Luộc làm nước xuôi về đông tỏa muôn vàn ánh bạc. Gió nhẹ đưa. Vài con thuyền giang hồ xuôi ngược trên dòng sông. Vài đàn chim đang sải cánh trên trời xanh từ phương Nam bay về quê hương phương Bắc. Dưới ánh mặt trời, khu náo nhiệt nhất vẫn là khu quân doanh và nhà ở của hào trưởng Đoàn Thượng. Những lá cờ vàng trên cao bay phần phật theo gió. Dưới cờ là san sát doanh trại quân của Đoàn Thượng và các tướng họ Đoàn, gươm giáo sáng lòa cắm chung quanh một vùng rộng lớn. Trên các bãi tập, trong sân các doanh trại, các tướng đang luyện tập cho quân sĩ kỹ chiến thuật tác chiến. Trung tâm của vùng Bình Giang, Ninh Giang là khu tổng hành dinh của Đoàn Thượng, nhiều dãy nhà ngói khang trang liền nhau san sát, mái vươn có đầu đao đầu rồng, nom không khác gì những mái cung điện ở Thăng Long. Cột và cửa các nhà đều bằng gỗ lim chạm khắc tinh vi rồng rắn, chim chóc hoa lá khảm ngọc trai sáng bóng. Trong gian đại sảnh người ta thấy có Đoàn Thượng ngồi ở ghế chủ. Ngồi ở bàn ghế kê dọc đối diện nhau có các tướng Đoàn Chú, Đoàn Văn Lôi, Đoàn Cẩm, Vũ Hốt, Đoàn Nguyễn. Họ là những anh hùng, hào kiệt bậc nhất của đất Hồng Châu. Họ đang uống trà, đàm đạo chờ đến giờ tốt khởi binh chống lại các sứ quân, tỏ rõ là một quần hùng trong thiên hạ. Sau một lượt trà, Đoàn Chú đặt chén xuống hỏi Đoàn Thượng:
-Huynh là người lớn tuổi, lại được học hành sâu rộng nhất trong đám hào trưởng. Huynh nói cho bọn đệ nghe từ khi nào mà vương triều Lý lại suy vi, đổ nát như bây giờ. Trong 200 năm nay mà lúc nào cũng như mấy năm vừa qua thì dân chúng chịu được sao?
Đoàn Thượng người phương phi, tai dài, mặt vuông, dáng con nhà võ, uống cạn một ly trà, đặt chén xuống và thong thả nói:
-Nhà Lý từ Lý Thái Tổ đến Lý Cao Tông ngày nay là 7 đời vua nhưng được 4 đời vua đầu là đất nước thịnh trị, dân tình an bình và no ấm, đất nước không loạn ly. Vua đầu tiên là Lý Thái Tổ, tên thật là Lý Công Uẩn, vốn là Điện tiền Chỉ huy sứ trong triều Lê, là con rể của hoàng đế Lê Đại Hành với Hoàng hậu Dương Vân Nga. Vốn có tài đức nên năm 1009, khi Lê Ngọa Triều chết, các đại thần như Đào Cam Mộc, Thiền sư Vạn Hạnh đã đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, lấy đế hiệu là Lý Thái Tổ, là vị vua khai sáng ra vương triều Lý. Ngài ở ngôi được 19 năm (1009-1028), thọ 54 tuổi (974-1028). Lý Thái Tổ có nhiều công lao, trong đó công lớn nhất là dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (1010), mở ra một bước phát triển mới cho đất nước Đại Cồ Việt.
Vị vua thứ hai kế vị Lý Thái Tổ là Lý Thái Tông, tên thật là Lý Phật Mã, sinh năm 1000, cho nên khi lên ngôi đã 28 tuổi, trị vì 26 năm (1028-1054). Lý Thái Tông băng hà năm 1054, hưởng thọ 54 tuổi.
Vị vua thứ ba của Vương triều Lý là Lý Thánh Tông, tên thật là Lý Nhật Tân, sinh năm 1023, lên ngôi lúc 31 tuổi, trị vì được 18 năm (1054-1072), hưởng thọ 49 tuổi (1023-1072). Khi Lý Thánh Tông lên ngôi năm 1054, đã đổi quốc hiệu từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt.
Sau khi Lý Thánh Tông mất thì từ đó các vua Lý về sau lên ngôi vào lúc tuổi còn nhỏ. Con Lý Thánh Tông với hoàng thái hậu Ỷ Lan là Lý Càn Đức lên ngôi lúc 6 tuổi, đế hiệu là Lý Nhân Tông. Lý Nhân Tông sinh năm 1066, lên ngôi năm 1072, tại vị lâu nhất trong các hoàng đế Đại Việt, từ 1072 đến năm 1127, 55 năm, hưởng thọ 61 tuổi. Dù lên ngôi khi còn nhỏ nhưng được những người phò tá nhiếp chính đều là những người giỏi giang, bản thân Lý Nhân Tông cũng chịu khó học hành rèn luyện nên khi lớn lên cũng là vị vua tài giỏi. Những người phò tá Lý Nhân Tông lúc đầu là Dương thái Hậu và Lý Đạo Thành, sau là Ỷ Lan thái hậu và Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt, người đã đánh bại quân xâm lược nhà Tống ngay trên đất Trung Quốc năm 1075 và năm 1076-1077, khi chúng tiến sang xâm lược Đại Việt. Cho nên thời Lý Nhân Tông đất nước vẫn hưng thịnh thanh bình và phát triển.
Sau Lý Nhân Tông là vua Lý Thần Tông, tên thật là Lý Dương Hoán, lên ngôi lúc 11 tuổi, trị vì 11 năm (1127-1138), hưởng thọ 22 tuổi (1116-1138). Thời Lý Thần Tông đã có dấu hiệu triều đình tranh chấp quyền lực. Tuy nhiên Đại Việt và vương triều thời kỳ này vẫn giữ được ổn định.
Nhà Lý bắt đầu suy vi khi vị vua thứ 6 là Lý Anh Tông, tên thật là Lý Thiện Tộ, lên ngôi lúc mới 3 tuổi, tại vị 37 năm (1138-1175), hưởng thọ 39 tuổi (1136-1175).
Tiếp theo Lý Anh Tông là Lý Cao Tông, tên thật là Lý Long Cán, lên ngôi năm 1176, khi mới 3 tuổi, tại vị cho đến nay đã được 33 năm.
Triều Lý, từ Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông là thời kỳ thịnh trị của vương triều và của Đại Cồ Việt và năm 1054 là Đại Việt. Nhiều lý do nhưng trong đó có lý do là các vua kế vị đều lớn tuổi, trưởng thành, chăm học hành tu luyện trở thành những vị vua giỏi giang trong việc trị nước yên dân, hết lòng vì dân vì nước. Như ta đã nói rồi, chỉ có Lý Nhân Tông là lên ngôi lúc mới 6 tuổi nhưng từ nhỏ vua đã say mê học tập, tu dưỡng bản thân, lại được những người tài giỏi như thái hậu Ỷ Lan, Phụ Quốc Thái úy Lý Thường Kiệt phụ chính, rèn dạy kèm cặp nên lớn lên vẫn là một vị minh quân, vẫn duy trì được Đại Việt trong thời kỳ vàng son phát triển, nối được chí vua cha và vua ông.
Đoàn Thượng ngừng lại uống thêm ly nước nóng người gia nhân vừa rót. Đoàn Văn Lôi nhân đó hỏi:
-Vậy từ Lý Thái Tổ đến Lý Nhân Tông, các vị vua ấy đã làm được gì để đất nước cường thịnh phát triển?
Đoàn Thượng uống xong, đặt cốc xuống bàn và nói tiếp:
-Các vị vua đó đã củng cố nội trị mà trước hết là phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng đến nông nghiệp, ngành kinh tế chủ yếu của đất nước. Về cai trị, chú trong xây dựng pháp luật, dựa trên pháp luật mà cai trị, phải chỉ rõ cho bách tính cái gì được phép làm, cái gì không được phép làm, cái gì nhà nước cấm mà vẫn làm là vi phạm pháp luật, sẽ bị nhà nước trừng phạt. Nước ta từ thời lập nước đến trước năm 1042 chưa có luật viết thành văn bản mà chỉ dựa vào tập quán trong dân gian để cai trị, cũng tạo điều kiện cho sự chuyên quyền của cá nhân cai trị. Tới năm 1042, thời vua Lý Thái Tông đã ban hành bộ luật “Hình Thư”, đó là bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta, quy định chặt chẽ bảo vệ nhà vua, cung điện, bảo vệ của công và tài sản của bách tính, bảo vệ sản xuất nông nghiêp như quy định nghiêm cấm việc giết hại trâu bò vì trâu bò là sức kéo của nông nghiệp. Pháp luật cũng đã bảo vệ người nông dân là lực lượng chính của sản xuất nông nghiệp. Kinh tế của nhà Lý là kinh tế điền trang thái ấp, tức là tùy theo tước vị, chức vụ cao thấp mà bọn quý tộc được cấp số ruộng đất rộng hay hẹp tùy theo số hộ nông dân trong điền trang đó nhiều hay ít. Nông dân trong điền trang thái ấp đó phải cày ruộng cho chủ, bị chủ bóc lột. Nhưng Pháp luật nghiêm cấm việc chủ quý tộc biến nông dân thành nô lệ. Quy định như vậy để bảo vệ nông dân là lực lượng chính của sản xuất nông nghiệp, còn để bảo vệ lực lượng quốc phòng, vì con em nông dân là lực lượng chính của quân đội, để hạn chế kìm hãm quyền lực của bọn vương công quý tộc. Các vị vua thời đó đã củng cố cương vực quốc gia, củng cố bộ máy nhà nước cai trị từ trên xuống dưới, vươn tới những vùng biên cương miền núi xa xôi. Nhà Lý dùng chính sách hôn nhân, gả công chúa cho các tù trưởng ở các địa phương, biến họ thành con cháu trong nhà để họ trung thành phục vụ triều đình. Với những tù trưởng không thần phục thì kiên quyết đánh dẹp. Ba vị vua đầu tiên của nhà Lý đã nhiều lần xuất quân đánh tù trưởng các châu Vị Long, Đô Kim, Thường Tân, Bình Nguyên, Đình Nguyên, Yên Nguyên, Văn Hoan, Diễn, Phong, lớn nhất là đàn áp cuộc nổi loạn của người Nùng năm 1038, 1041. Các vua trong giai đoạn này đã phải giải quyết những cuộc xung đột nhỏ ở biên giới với nhà Tống và kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất đai, ngăn chặn sự xâm lấn của phương Bắc. Hiển hách nhất là năm 1075, dưới thời Lý Nhân Tông, phụ Quốc Thái úy Lý Thường Kiệt đã “Tiên phát chế nhân”đem quân vào đất Tống, phá tan những căn cứ quân sự Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu mà nhà Tống chuẩn bị cho cuộc chiến tranh xâm lược vào Đại Việt. Sau đó vào năm 1076-1077, Lý Thường Kiệt đã đánh bại cuộc xâm lược quy mô to lớn trên sông Cầu, khiến nhà Tống khiếp sợ, từ đó không dám xua quân gây hấn nữa.
Các hoàng đế nhà Lý trong thời kỳ này thường đánh lui những cuộc cướp phá của của quân Nam Chiếu ở miền Tây Bắc, của quân Chiêm Thành ở phía Nam. Năm 1069, Lý Thánh Tông cầm quân đánh Chiêm Thành do chúng thường xuyên quấy nhiễu cướp phá. Quân Lý bắt được quốc vương Chiêm Thành là Chế Củ. Chế Củ xin dâng ba châu là Địa Lý, Ma Linh, Bố Chánh để chuộc tội. Lý Thánh Tông lấy ba châu và cho Chế Củ về nước.[1] Lãnh thổ Đại Việt mở rộng về phía nam từ đó. Các vua nhà Lý còn xác lập hệ thống giáo dục trong khoa cử. Nhà Lý vẫn tôn sùng đạo Phật. Dù sao đạo Phật cũng chỉ là tâm linh tôn giáo. Muốn cai trị phải dùng học thuyết chính trị là đạo Nho. Nho là tư tưởng của giai cấp phong kiến, muốn cai trị tốt phải dùng học thuyết Nho Gia. Cho nên ngoài đạo Phật, nhà Lý còn dùng đạo Nho để đào tạo nhân tài cho đất nước. Năm 1070, nhà Lý đã mở trường Đại học đầu tiên ở Thăng Long là Quốc Tử Giám, bên cạnh mở Văn miếu để thờ thánh tổ của đạo Nho. Trong Văn Miếu đặt thờ tượng Khổng Tử, Chu Công và những học trò lỗi lạc của Khổng Tử, bốn mùa cúng tế để mở mang sự học. Từ Thăng Long, trường học Nho đã được mở khắp nơi trong toàn quốc. Không chỉ con em quý tộc mà con em bình dân, nông dân cũng được đào tạo, được thi cử để chọn hiền tài. Năm 1075, khoa thi Nho đầu tiên được tiến hành và người đỗ đầu là Lê Văn Thịnh, sau này làm đến Thái sư, được coi như trạng nguyên đầu tiên của Đại Việt.
(Còn nữa)
CVL
--------------------------
[1]. Ba châu đó ngày nay thuộc huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên hóa, Lệ Thủy Quảng Bình và huyện Bến Hải Quảng Trị.