Kỳ 63.
Lý Khắc Chính bái phục, cười ha hả:
-Kế hay, kế hay.Tướng quân quả là Chu Du tái thế, giỏi binh pháp và giỏi phân tích thực tiễn chiến trường. Cứ như vậy mà làm.
Lý Trị Thuận cười đáp:
-Không dám, không dám so sánh với tiền nhân.
Rồi hai tướng Nam Hán đem bộ binh tiến vào Hợp Phố vào Lục Châu rồi theo bờ biển tiến vào Hồng Châu. Trong khi đó đạo thủy binh phần lớn cải trang tiến vào sông Bạch Đằng, theo sông Kinh Thầy bí mật đến mai phục ở Kiếp Bạc Lục - Đầu Giang. Một phần nhỏ thủy binh dong cờ đánh trống, phao tin là sẽ đổ bộ vào Hoan châu và đánh ra từ phía Nam.
Lại nói Khúc Thừa Mỹ được tin thám mã báo quân Nam Hán đã vượt biên cương đánh vào Lục Châu, liền cho nổi trống ở thành Đại La triệu tập các tùy tướng vào đại sảnh đường bàn việc đánh giặc. Vừa khi đó một thám mã khác lại vào báo:
-Dạ bẩm Tiết độ sứ chúa công, quân Nam Hán do Lý Khắc Chính chỉ huy đã đánh vào Hồng Châu.
Khúc Thừa Mỹ hỏi:
-Còn đạo thủy binh có tiến vào sông Bạch Đằng không?
-Dạ bẩm, đạo thủy binh dong cờ đánh trống theo biển gần bờ đang tiến vào phía Nam, có tin đồn chúng sẽ đổ bộ đánh vào Hoan Châu.
Tùy tướngTrần Phương nói:
-Thông thường giặc Phương Bắc vào nước ta bao giờ cũng phối hợp bộ binh và thủy binh hỗ trợ cho nhau, Thủy binh bao giờ cũng tiến vào sông Bạch Đằng và vào Lục Đầu Giang để tiến sâu vào nội địa. Nay sao thủy binh của chúng lại đi vào phía nam xa xôi. Thần cho rằng chúng nghi binh để phân tán quân ta, để ta không cứu ứng được cho nhau.
Khúc Thừa Mỹ nói:
-Chúng chia quân để đánh cả Bắc và Nam hình thành thế gọng kìm kẹp quân ta vào giữa để tiêu diệt. May quá, Đại tướng Dương Đình Nghệ và quân Khúc Dương của ông đang trấn trị ở Ái Châu. Nay để cho Dương Đình Nghệ phòng thủ Ái Châu và sẵn sàng chi viện cho mặt trận Hoan Châu thì đường hành quân sẽ rất gần.Tướng quân phải giữ thành Đại La, còn ta sẽ tự cầm quân ra Hồng Châu chặn địch.
Đương Đình Nghệ đang ở Ái Châu, nghe tin Nam Hán sang xâm lược, đang định kéo quân ra Bắc thì thám mã đưa thư của Khúc Thừa Mỹ. Dương Đình Nghệ bóc thư ra đọc. Thư viết: “Thủy binh của địch đang tiến vào và sẽ đánh Ái Châu hoặc Hoan Châu, 5 vạn bộ binh đang tiến vào Hồng Châu. Tướng quân phòng thủ Ái Châu và sẵn sàng đánh địch ở Hoan Châu, ta sẽ chặn đánh địch ở Hồng Châu”. Dương Đình Nghệ còn bán tín bán nghi, cho rằng quân Nam Hán đang chơi trò nghi binh thì có tham mã về báo:
-Bẩm tướng quân, ngoài biển gần rất nhiều chiến thuyền quân Nam Hán đang tiến vào vùng biển Ái Châu.
Tin cuối cùng của thám mã đã làm cho Dương Đình Nghệ không tiến quân ra Bắc mà đành ở lại, không dám khinh suất trong việc bảo vệ hai châu quan trọng của nước nhà.
Còn ở Đại La, ngay ngày hôm đó, Khúc Thừa Mỹ dẫn ba vạn quân Khúc-Dương tiến về Hồng Châu. Chiều hôm đó, quân Việt đã tiến sâu vào vùng Kiếp Bạc - Lục Đầu Giang, quân Việt đã trông thấy quân Nam Hán đông nghìn nghịt với quân phục màu đen, cờ vàng viết chữ Nam Hán màu đen bay phần phật trong nắng chiều. Quân Nam Hán cũng trông thấy quân Việt quân phục màu nâu, cờ vàng viết chữ” KHÚC HẬU CHỦ” màu đen rợp trời bay phấp phới. Lý Khắc Chính chợt trông thấy phía sau quân Việt hai mũi tên có lửa bắn lên trời, tướng giặc biết rằng thủy quân của Lý Trị Thuận đã bổ bộ lên bờ và sẵn sàng đánh phía sau quân Việt. Không chờ dàn trận, Lý Khắc Chính trên ngựa phất cờ trỏ kiếm thét:
-Xông lên, giết!
Quân Hán đông như kiến cỏ xông lên như những làn sóng lao về phía quân Việt. Quân Việt dùng cung tên bắn trả khi quân Nam Hán còn ở xa. Hàng nghìn quân Nam Hán đổ gục bởi trúng tên. Những lớp quân sau tràn tới. Tiếng thanh la, tiếng reo hò, tiếng trống vang động, tiếng vũ khí chạm nhau tóe lửa, khô khốc, đầu rơi máu chảy, thân lính hai bên đổ gục. Thốt nhiên, trận địa quân Việt rối loạn phía sau vì bị quân Nam Hán đánh tập hậu. Quân Việt bị kẹp giữa hai gọng kìm. Tuy nhiên, họ vẫn kiên cường chiến đấu. Đây là một trận giáp lá cà khủng khiếp trong cuộc chiến tranh Việt-Nam Hán. Hai vạn quân Việt anh dũng hy sinh. Khoảng 3 vạn quân Nam Hán cũng bỏ mạng trong trận đánh này. Thây chất thành núi, máu chảy thành sông. Lý Khắc Chính quyết bắt sống Khúc Thừa Mỹ nên ra lệnh không được giết Tiết độ sứ. Các tướng bảo vệ Khúc Thừa Mỹ lần lượt hy sinh mà Tiết độ sứ không thể thoát vòng vây. Cuối cùng, bọn Nam Hán đâm chết con ngựa của Khúc Thừa Mỹ, con ngựa gục xuống, nó chảy những dòng nước mắt nhìn chủ nhân của nó rồi tắt thở. Khúc Thừa Mỹ bị hàng chục mũi giáo, mũi mác ghim chặt quanh khi ông nằm dưới đất. Lý Khắc Chính ra lệnh đỡ Khúc Thừa Mỹ đứng lên, trói ông lại và dẫn ông về bản doanh.
Dương Đình Nghệ đang ở Ái Châu, Ngô Mân già yếu đã về quê ở Đường Lâm, thành Đại La gần như vô chủ và không có quân phòng thủ. Khi Lý Khắc Chính và Lý Trị Thuận tiến về thành thì những kẻ phản bội hèn nhát đã mở cửa thành, đầu hàng giặc. Đó là mùa đông tháng 10 năm 923, thành Đại La mất, Khúc Thừa Mỹ thua trận và bị bắt, bị lưu đày sang Phiên Ngung, kinh đô Nam Hán. Nền tự chủ do họ Khúc xây dựng được 25 năm, trải qua ba đời Tiết độ sứ: Tiên Chủ Khúc Thừa Dụ, Trung Chủ Khúc Hạo, Hậu Chủ Khúc Thừa Mỹ. Lý Khắc Chính, Lý Trị Thuận tuy đánh bại được Khúc Thừa Mỹ, lấy được Đại La nhưng quyền kiểm soát không vượt quá thành này. Còn toàn bộ An Nam các hào trưởng vẫn làm chủ tình hình, cai trị ở các địa phương và bất hợp tác với giặc.
Lại nói Dương Đình Nghệ tuân lệnh Khúc Thừa Mỹ chỉ huy quân phòng thủ Ái Châu và Hoan Châu. Ông cho thám mã đi ra bờ biển phía Nam để dò xét tình hình thủy quân của giặc. Thám mã đi rồi về xin gặp. Dương Đình Nghệ đang ngồi trong hổ trướng. Ông nói:
-Cho vào!
Thám mã vào và nói:
-Bẩm tướng quân, suốt một vùng biển từ Ái Châu đến Hoan Châu không thấy bóng dáng một chiến thuyền nào của giặc. Chúng đã rút ra Bắc hết rồi ạ.
Đương Đình Nghệ đập bàn:
-Ta đã viết thư phúc đáp Tiết độ sứ nói đó là kế nghi binh của giặc, Tiết độ sứ không nghe. Nay tập trung quân đội, nhanh chóng hành quân ra Bắc để cứu Tiết độ sứ!
Vừa lúc đó một thám mã về báo:
-Bẩm tướng quân cấp báo, có tin đưa về Tiết độ sứ đã thua trận, hai vạn quân đã hy sinh trên chiến trường Hồng Châu, Tiết độ sứ bị giặc bắt, giặc đã chiếm thành Đại La.
Đương Đình Nghệ lặng người, một lát sau mới nói với Đinh Công Trứ và Phạm Bạch Hổ:
-Quốc gia lâm nguy rồi, chúng ta phải triển khai quân để chặn giặc tràn vào Ái Châu. Chúng ta không thể để mất Ái Châu và Hoan Châu được.
Đinh Công Trứ nói:
-Tướng quân nói phải lắm, còn Ái Châu và Hoan Châu thì còn có thể khôi phục được giang Sơn. Trận Hồng Châu chưa phải là trận cuối cùng giữa ta với quân Nam Hán.
Dương Đình Nghệ nói:
-Bây giờ tướng quân Đinh Công Trứ vào phòng thủ Hoan Châu.
Đinh Công trứ nói:
-Tuân lệnh chúa công.
Đinh Công Trứ điểm 5000 quân đi rồi. Dương Đình Nghệ cho một tùy tướng đem 5000 quân ra chấn giữ Tam Điệp, còn ông thì chuẩn bị tiếp ứng cho cả hai mặt trận. Nhưng chờ đợi lâu mà không thấy động tĩnh của quân Nam Hán. Thì ra tên Tiết độ sứ mới do vua Nam Hán bổ nhiệm là Lý Tiến và Tư mã Lý Khắc Chính chỉ đóng quân ở Đại La mà không dám tiến quân ra đánh những châu, huyện khác. Dương Đình Nghệ nói với các thuộc hạ:
-Bây giờ thuận đường chúng ta có thể tiến ra đánh giặc lấy lại thành Đại La, báo thù cho Khúc Hậu Chủ, không biết có nên không?
Phạm Bạch Hổ nói:
-Chúa công nên xem xét lại, quân giặc vừa thắng lớn, khí thế đang lên, quân ta vừa thua to, thiệt hại lớn, Khúc Hậu Chủ bị bắt, bị cầm tù, lòng quân dân đang phiêu tán. Quân ta còn ít, tổ chức huấn luyện chưa tốt. Nếu đánh mà không thắng được thì không còn lực lượng và cơ hội để khôi phục lại độc lập. Chi bằng chờ một thời gian để huấn luyện, tổ chức tốt quân Khúc -Dương, chiêu mộ thêm nhiều tướng giỏi. Khi đánh mà chắc thắng thì khi đó tiến công.
Tùy tướng Trương Bằng nói:
-Ái Châu là đất bản bộ, quê hương của chúa công, chúa công hay tạm lui về làng Giàng Dương Xá, chiêu mộ hiền tài dũng sĩ, anh hùng hào kiệt, chiêu mộ thêm lính tráng, thao luyện cho tinh nhuệ, thiện chiến, thứ nữa là chúa công phải kiên quyết giữ vững Ái Châu, Hoan Châu làm hậu phương tính kế lâu dài, thu hút được lòng dân và hào trưởng cả nước thì lấy lại thành Đại La chỉ một sớm một chiều.
Dương Đình Nghệ nói:
-Các tướng nói chính hợp ý ta, thôi thì cho quân Nam Hán ngủ nhờ vài đêm ở Đại La vậy.
Rồi Dương Đình Nghệ đem quân về quê hương của mình là làng Giàng có thành Tư Phố là trấn trị của Ái Châu, có con sông Mã nổi tiếng. Sông này bắt nguồn từ nước Ai Lao (Lào) chảy qua Ái Châu và đổ ra biển Đông. Sông dài 1024 dặm, chảy qua Ái Châu 820 dặm. Phụ lưu của sông Mã là sông Chu cũng bắt nguồn từ Ai Lao, chảy vào Ái Châu và hợp lưu với sông Mã ở Ngã Ba Giàng. Từ Ngã Ba Giàng xuôi xuống là một vùng đất rộng lớn với xóm làng xanh tươi cây cối, tre trúc đẹp tươi bên hữu ngạn sông Mã. Đó chính là làng Giàng, quê hương của Dương Đình Nghệ. Làng Giàng có thành Tư Phố là trấn trị bao đời của phong kiến phương Bắc ở quận Cửu Chân xưa và nay là Ái Châu. Tổ Tiên Dương Đình Nghệ là Dương Thanh, người đã nổi tiếng yêu nước, từng nổi dậy chống lại nhà Đường năm 819-820. Đến đời ông Dương Đình Thiện vốn là hào phú ở Long Vĩ, châu Cổ Pháp, Vũ Ninh. Năm 894 gia đình Dương Đình Nghệ dời về làng Giàng (Thiệu Dương, Thiệu Hóa) Ái Châu. Dương Đình Nghệ sinh ngày 10 tháng 10 năm Giáp Ngọ (874). Như vậy, từ Cổ Pháp Bắc Ninh, năm 10 tuổi Dương Đình Nghệ theo gia đình về định cư ở làng Giàng. Dương Đình Nghệ sớm có lòng yêu nước, thương dân, ngưỡng mộ sự nghiệp của họ Khúc. Ông trở thành bộ tướng tin cậy của Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ. Họ Khúc cũng phải dựa vào Dương Đình Nghệ trong việc đánh chiếm Đại La, trong việc xây dựng củng cố tự chủ độc lập, trong việc xây dựng quân đội Khúc-Dương. Họ Khúc cũng dựa vào Dương Đình Nghệ để vươn thế lực và quản lý Ái Châu, Hoan Châu.
(Còn nữa)
CVL