Kỳ11
An Dương Vương ra lệnh tiếp:
-Đại tướng quân Thục Trung lên mặt thành vòng ngoài cùng và điều động tất cả đơn vị xạ thủ bắn và phục vụ 100 nỏ thần lên mặt thành chiến đấu. Bộ binh phải giữ vững thành trì, khi quân Nam Việt bị nỏ thần tiêu diệt kiệt quệ thì phản công ra ngoài truy kích tiêu diệt quân địch.
Thành Cổ Loa suốt ngày ồn ào trong tất bật chuẩn bị chiến đấu. Dân chúng sợ hãi nấp trốn trong nhà, quân đội đi ra đi vào, đi lên đi xuống rầm rập. Đêm trùm xuống và khuya dần, chuyển sang canh ba. Bên ngoài thành Cổ Loa tiếng ầm ầm của ngựa hí quân reo của hàng vạn bộ binh và kỵ binh Nam Việt đang tiến vào bao vây Cổ Loa bốn mặt. Thốt nhiên, trong màn đêm từ phía quân Nam Việt có hàng trăm mũi tên mang mồi lửa bốc cháy bay lên không trung. Quân Âu Lạc trong thành không biết đó là tín hiệu gì nhưng bọn 100 cao thủ của Trọng Thủy nằm bên trong Cổ Loa đã hai năm thì chúng hiểu đó là tín hiệu hành động phối hợp với bộ binh, kỵ binh bên ngoài. Lập tức trên không trung vòng ngoài thành Cổ Loa, 100 bóng đen bịt mặt, tay mang gươm sà xuống các bệ nỏ thần và giết chết nhanh gọn các xạ thủ. Mỗi xạ thủ bị cứa một nhát vào cổ gục xuống chết bên nỏ hoặc gục xuống đất, máu me đầm đìa, kể cả Đại tướng quân Thục Trung cũng bị giết chết trên mặt thành. Bọn Nam Việt sát nhân này còn dùng búa phá tan các nỏ thần uy lực. Các nỏ thần uy lực đầy sức mạnh đã biến thành những đống tre và gỗ mục. Sức mạnh phòng thủ uy lực nhất của Âu Lạc đã bị tiêu diệt nhanh chóng nhờ nội công bên trong. Sau đó, bọn sát thủ đã xuống mặt đất bên trong thành vòng ngoài trà trộn và nhanh chóng tiêu diệt quân Âu Lạc canh cổng. Những cánh cổng thành nặng nề bằng gỗ lim như những bức tường mở toang ra. Những đóm lửa được bắn ra, đó là tín hiệu của 100 tên cao thủ báo cho quân Nam Việt tiến vào. Quân Nam Việt rùng rùng tiến vào đốt các chiến thuyền của Âu Lạc trên sông đào, vượt qua các cây cầu và tiến vào thành Cổ Loa.
An Dương Vương đang theo dõi diễn biến ở lầu cao vòng thành trong cùng. Ông ngạc nhiên quân Nam Việt đã trong tầm tiêu diệt sao nỏ thần không bắn. Đúng khi đó một thám mã về báo:
-Dạ bẩm Thục Vương, toàn bộ các xạ thủ ở 100 bệ phóng nỏ thần đã bị bọn gia nô của Phò mã giết chết, kể cả Đại tướng Thục Trung. 100 nỏ thần cũng đã bị chúng phá tan hoang.
Nỏ thần bị phá, xạ thủ điêu luyện bị giết, sức mạnh to lớn để phòng thủ Cổ Loa không còn. An Dương Vương khi đó thực sự hoảng loạn. Đang khi đó một thám mã lại về cấp báo:
-Da, bẩm Thục Vương, 100 tên cao thủ võ lâm đó đã giết hết lính giữ cổng thành của ta và mở toang cửa, hiện quân Nam Việt đang như nước tràn vào chém giết dân lành. Quân ta chống cự không nổi và hi sinh gần hết.
An Dương Vương bủn rủn chân tay, mắt trợn ngược:
-Ta đã trúng gian kế của Triệu Đà rồi. Than ôi!!!
An Dương Vương nhìn quanh. Trống đồng thúc ngũ liên dồn dập vang vọng khắp Cổ Loa báo hiệu kinh đô nguy biến. Quân Nam Việt đông như kiến cỏ tràn vào bốn mặt thành Đông Tây Nam Bắc vung gươm giáo chém giết quân dân Âu Lạc. Quân Âu Lạc chống cự một cách tuỵệt vọng và gục xuống những vũng máu bên cạnh đồng đội và nhân dân Cổ Loa. Quân và dân Âu Lạc bị chết theo đủ kiểu, kiểu bị cụt đầu, kiểu bị kiếm xuyên qua ngực, kiểu bị chặt đôi người… Thây người lớn và trẻ em chồng chất ngổn ngang. Máu chảy thành suối. Tiếng sắt thép chạm nhau đanh chát và tóe lửa, tiếng reo hò man rợ của quân giết người chiến thắng, tiếng chân chạy rầm rập. Rồi Cổ Loa bốc cháy. Bọn 100 tên gia nô sát thủ đã thuộc hết thành Cổ Loa như trong nhà của chúng, chúng đốt kho quân lương, đốt xưởng đóng chiến thuyền, xưởng gỗ chế tạo nỏ liên châu, đốt kho chứa dầu ép bằng trái cây để làm dầu thắp sáng… Thành Cổ Loa biến thành biển lửa, Cư dân không bị địch giết thì cũng chết cháy và chết vì khói ngạt. Chúng xông vào hoàng cung vơ vét vàng bạc. Cổ Loa ngập chìm trong máu và lửa tang thương.
An Dương Vương như đang trong giấc mộng kinh hoàng chợt tỉnh giấc, nhớ tới hoàng gia và Mỵ Châu, vội chạy đến phòng Công chúa. Mỵ Châu đang ngồi tựa vào tường gào khóc, khiếp sợ. An Dương Vương vào nắm cánh tay Mỵ Châu và nói:
Ta chạy thôi con.
Mỵ Châu trên tay cầm chiếc áo mùa đông lông ngỗng và chạy theo cha. Hai cha con lên ngựa tìm lối thoát ra ngoài thành. Lính ngự lâm khoảng chục người phi ngựa hộ tống nhưng họ đã ngã xuống bởi các mũi tên hoặc mũi giáo của quân Nam Việt. Cũng may khi đó trời đã sáng rõ nên binh lính Nam Việt trông thấy rõ Mỵ Châu. Chúng đã được lệnh của Trọng Thủy nên la lớn truyền cho nhau:
-Không được làm bị thương và giết Thái tử phi!
Nhờ vậy, ngựa của An Dương Vương thoát ra ngoài thành. Ngựa phi nước đại về hướng Nam. An Dương Vương ngoảnh đầu nhìn lại, thành Cổ Loa chìm trong máu lửa chết chóc. Cảnh tượng đó làm chấn động suốt một vùng rộng lớn của đồng bằng sông Hồng. Tiếng vó ngựa, tiếng quân reo, những làng mạc sông ngòi đồng ruộng của Âu Lạc hiện ra và lùi dần về phía sau vó ngựa của hai cha con An Dương Vương. Trên mình ngựa, những chiếc lông ngỗng từ tay công chúa Mỵ Châu rút ra từ chiếc áo của nàng và bay trắng xóa về phía sau trên con đường hai cha con đang chạy trốn. Nàng vẫn đang thực hiện lời hứa của nàng với Trọng Thủy. Lông ngỗng sẽ là dấu hiệu duy nhất để Trọng Thủy tìm lại nàng trong cảnh lọan ly. Nhờ có dấu lông ngỗng, Trọng Thủy và đội quân của hắn vẫn bám đuổi được hai cha con Mỵ Châu sát phía sau. Con ngựa cường tráng đã đưa Thục Vương và Mỵ Châu chạy qua bộ Giao Chỉ, qua bộ Cửu Chân và bắt đầu đến địa đầu của bộ Nhật Nam. Ngựa đã chạy một mạch hai ngày một đêm. Ngựa đã bắt đầu chùn bước, nó đi chậm rải. An Dương Vương nhìn một bên là biển cả mênh mông, một bên là miền đồi núi hoang vu. Tiếng vó ngựa và hò reo của quân giặc vẫn chấn động phía sau. An Dương Vương bất ngờ nhìn lại phía sau. Từ tay Mỵ Châu, đứa con mà An Dương Vương yêu quý nhất hoàng gia, những chùm lông ngỗng trắng xóa rải xuống chỉ đường cho giặc. Bây giờ An Dương Vương đã hiểu vì sao chạy suốt hai ngày đường ròng rã mà giặc vẫn đuổi sát phía sau. An Dương Vương vô cùng tức giận rút gươm ra quát lên như sấm:
-Sao con lại phản lại ta?
Trong ánh sáng chớp lòe của lưỡi gươm đưa ngang cổ, Mỵ Châu chỉ kịp kêu lên thảm thiết:
-Con không phản cha, con…
Tiếng kêu đứt đoạn vì đầu nàng Mỵ Châu đã lìa khỏi cổ, rơi xuống đất. Con ngựa cũng gục xuống cùng với thân mình nàng Mỵ Châu. Hai mắt con ngựa trung thành chảy ra hai dòng nước. Nó cũng ngừng thở. Nó nhìn An Dương Vương như oán trách.
Nước mất, nhà tan, gia đình không biết còn ai sống sót. Đứa con gái mà ông yêu thương nhất lại bị chính lưỡi gươm của ông giết chết một cách oan nghiệt. An Dương Vương không ngờ chỉ có hai ngày mà ông mất hết và chịu đến tận cùng đau khổ bi thương của một kiếp con người. Ông hiểu con gái ông không phản ông mà nó chỉ muốn chỉ đường cho Trọng Thủy tìm được nó để vợ chồng xum họp. Ông quỳ xuống bên thi hài con gái, đầu đã lìa khỏi cổ, máu me đầm đìa. Chỉ có đôi mắt của nàng vẫn mở to trong sáng nhìn lên khoảng trời âm u như không hiểu vì sao một người vợ yêu chồng mà vẫn phải chết thảm thương. An Dương Vương vuốt mắt nàng và khóc:
-Con ơi, con không phản cha mà tội là ở cha. Nhà tan nước mất và cả cái chết của con là do cha. Cha đã đem con gã bán cho loài ngoại bang lang sói, đã quá tin vào tình thông gia, tình hữu hảo của hai nước, đã rước lang sói vào nhà, đã đặt việc nhà lên trên việc nước, đã không nghe lời can gián của những trung thần như Cao Lỗ, lại còn bức hại họ. Cha đã có tội với con, với muôn dân Âu Lạc, với những bậc trung thần, với Tổ tiên, với xã tắc, với các vua Hùng.
An Dương Vương định chôn cất cho Mỵ Châu nhưng vó ngựa của quân Nam Việt đã đến rất gần. An Dương Vương đứng dậy vuốt mắt cho con, vuốt mắt cho con ngựa trung thành rồi ông đi ra biển. Từ nơi bờ biển An Dương Vương nhìn lại đất nước Âu Lạc tươi đẹp lần cuối và ông đi ra xa, xa mãi và mất dần trong sóng biển đại dương mênh mông của biển miền Trung. Vùng mà công chúa Mỵ Châu và An Dương Vương ra đi có tên là Mộ Dạ, Diễn Châu thuộc Bộ Hoài Hoan, miền Trung Âu Lạc.
Trọng Thủy và đám tùy tùng của hắn theo dấu lông ngỗng tìm được đến nơi thì nàng Mỵ Châu đã đầu lìa khỏi cổ, thân mình đẫm máu bên cạnh con ngựa của An Dương Vương chết vì kiệt sức. Trọng Thủy xuống ngựa ôm lấy xác Mỵ Châu và ngất đi. Một canh giờ sau, Trọng Thủy tỉnh lại, nước mắt dàn dụa, miệng lảm nhảm:
-Phụ Vương Triệu Vương lừa dối ta. Nàng đã chết vì ta. Phụ vương được Âu Lạc nhưng ta không còn Mỵ Châu. Phụ vương lừa dối ta.
Rồi Trọng Thủy ra lệnh khâm liệm Mỵ Châu và đưa về mai táng ở Cổ Loa. Vài hôm sau khi mai táng cho Mỵ Châu, Trọng Thủy nhảy xuống giếng ở Cổ Loa tự vẫn. Chính trị và chiến tranh thật là tàn bạo, kể cả con cái kẻ đầu sỏ gây chiến cũng trở thành nạn nhân thảm khốc.
Sau khi Cổ Loa thất thủ, Âu Lạc bị sáp nhập vào Nam Việt. Triệu Đà chia Âu Lạc thành hai quận: Giao Chỉ và Cửu Chân, cử quan Thái thú đến cai trị. Năm 111 trước công nguyên, triều đình Phiên Ngung và Nam Việt bị nhà Hán xâm chiếm. Âu Lạc bị nhà Hán, tiếp đó là các triều đại phong kiến Trung Quốc như Đông Ngô, Tấn, Lương, Tùy, Đường, Nam Hán thống trị, áp bức, bóc lột, đồng hóa hơn 1000 năm. Cho nên Cổ Loa thất thủ năm 179 trước công nguyên là mở đầu một thời kỳ bi thảm lâu dài trong lịch sử của người Lạc Việt và Âu Việt.
(Còn nữa)
CVL