Kỳ 26
Canh giờ sau, thái giám Đỗ Khuyển quỳ hành lễ:
-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.
-Miễn lễ.
-Dạ, tạ ơn Hoàng thượng.
-Ta vừa nghe thám mã kinh thành về báo nhà quan Nhiếp chính Lê Ngân thờ tà đạo, lên đồng bóng, không biết có ý định gì. Khanh dẫn 50 võ sĩ tới nhà lục soát, đem chứng cớ bất chính tà đạo về đây.
-Dạ, thần tuân chỉ.
Lại nói tại phủ, quan Nhiếp chính Lê Ngân đang ngồi uống trà, có gia nhân vào báo:
-Dạ, bẩm quan Nhiếp chính, có quan Thái giám Đỗ Khuyển đem 50 võ sĩ đến truyền chỉ.
Lê Ngân hốt hoảng:
-Lạ nhỉ, truyền chỉ sao lại đem võ sĩ?
Liền vội mặc triều phục ra ngoài cửa nghênh đón. Đỗ Khuyển nói:
-Quan Nhiếp chính Lê Ngân nghe chỉ.
Lê Ngân vội quỳ. Đỗ Khuyển mở tấm lụa vàng ra đọc:
-“Phụng thiên thừa vận Hoàng đế chiếu viết: Nay nghe nói trong nhà quan Nhiếp chính Lê Ngân thờ tà đạo và nuôi đồng cốt không rõ có ý định gì. Nay lệnh cho Thái giám Đỗ Khuyển và 50 võ sĩ được quyền lục soát. Khâm thử, niên hiệu Thiệu Bình năm thứ 5, 1438”.
-Thần tuân chỉ.
Lê Ngân là võ tướng can trường nhưng nay đỡ chiếu chỉ hai tay run run, hoảng hốt, đúng là sức đã già, tấm thân mình đồng da sắt nhũn ra theo thời gian. Đỗ Khuyển ra lệnh cho 50 võ sĩ:
-Lục soát cho kỹ thu những thứ tà đạo.
-Tuân lệnh.
Bọn võ sĩ lục soát khắp phủ, chủ yếu là gian thờ phụng, thu được tượng vàng phật bà Quan Âm, một vài tượng vàng ma quái có khắc tên Lê Nhật Lệ (con gái Lê Ngân, Huệ Phi của vua Lê Thái Tông) cùng tên Lê Nguyên Long (húy của Lê Thái Tông) có ghi niên hiệu Thiệu Bình, bắt một đồng cốt, một thầy bói toán. Hôm sau Lê Ngân vào triều, bỏ mũ tạ tội. Lê Thái Tông hỏi:
-Sao khanh lại đúc tượng ma quái và khắc tên trẫm và của Huệ Phi?
-Dạ bẩm Hoàng thượng, thần đi bói thì thấy bói nói chỗ đất ở nhà thần có nhiều ma quái, oan hồn thì phải thờ Phật. Vả lại người đàn bà vợ của Lê Sát mà Hoàng thượng ban cho thần làm thiếp rất thù ghét thần, thần phải thờ phật để đề phòng tai họa.
-Sao nhà ngươi đúc tượng ma quái lại khắc tên của trẫm và của Huệ phi vào? Định hại chết trẫm chăng, ngươi đã biết tội chưa?
Lê Ngân thự sự hoảng loạn:
-Thần làm vậy là mong Huệ phi con gái thần được Hoàng thượng yêu quí hơn các cung phi khác. Mong sinh cháu trai và được Hoàng thượng phong làm Thái tử chứ thần không có ý gì khác. Mong Hoàng thượng nể tình là khai quốc công thần, có công giúp Lê Thái Tổ chống Minh trong 10 năm, công phò tá Hoàng thượng 5 năm mà nhẹ tội cho thần. Thần xin về quê được sống những ngày tàn còn lại. Xin Hoàng thượng nghĩ lại cho.
Lê Thái Tông nói:
-Nhà ngươi là đại thần giữ quyền Nhiếp chính, không thờ đạo Nho là tư tưởng chính thống của triều đình lại đi thờ ma quái. Nhưng cái tội đáng chết của nhà ngươi là khắc tên húy và niên hiệu của trẫm vào tượng ma quái và ngày ngày cho đồng cốt reo tên. Nay ban cho nhà ngươi được chết toàn thây, về nhà uống độc mà tự xử đi, giáng Huệ Phi xuống làm Tư dung. Mụ đồng Nguyễn Thị bị đày đi châu xa, phạt đánh 20 trượng. Thầy bói kiêm phù thủy Trần Văn Phương bị đồ làm lính, nuôi voi trong quân đội, phạt đánh 50 trượng. Bãi triều.
Tan chầu, Lê Ngân thất thểu đi ra và lên xe đi về phủ, Cả chiều không ăn cơm, chỉ ngồi uống nước. Ông gọi con trai lớn là Lê Nho Tông mới 17 tuổi, em của Tư dung Lê Nhật Lệ. Ông nói với con trai:
-Cha đã lỡ phạm sai lầm lớn với nhà vua, ngày mai triều đình đến tịch thu tài sản ruộng đất, con hãy gọi gia nhân và nữ tỳ đến cho họ mỗi người 10 lạng bạc cho họ về quê quán sinh sống. Con cũng chuẩn bị hành trang và một số tiền về quê nội ở Lam Sơn Lôi Dương Thanh Hóa mà sống. Con nhớ sống tốt, đừng phạm sai lầm như cha.
Lê Nho Tông quỳ khóc:
-Con xin vâng lời cha dạy bảo.
Rồi chàng bảo một gia nhân:
-Ngươi đi gọi viên tổng quản đến đây.
-Dạ, thiếu chủ.
Một lát sau, viên tổng quản khoảng 50 tuổi đến. Lê Nho Tông nói:
-Nhà ta gặp nạn lớn, ngày mai triều đình sẽ đến tịch thu nhà cửa tài sản, ông hãy chia cho mỗi gia nhân, mỗi thị tì 10 lạng bạc bảo họ về quê mà sinh sống.
Canh giờ sau tất cả gia nhân, tì nữ đến kêu khóc, họ quỳ xuống và nói với Lê Ngân:
-Chúng tôi xin ở lại chết cùng chủ nhân. Hu!Hu!Hu!!!
Lê Ngân nói:
-Các người còn trẻ chết theo ta thì có ích gì, có cứu được ta đâu, các ngươi còn cha mẹ gia đình đang chờ đợi, cầm bạc và đi đi, gia đình anh em các ngươi đang đợi.
Quản gia nói:
-Hay là chúng tôi ở lại chiều mai xong việc chúng tôi mới đi.
-Không được, chúng sẽ khám và lấy hết, các ngươi còn đồng nào mà về quê, đi đi...
Mọi người lại quỳ khóc và nói:
-Đa tạ, vĩnh biệt chủ nhân, vĩnh biệt công tử. Hu!Hu!Hu!...
Họ vừa nhận tiền, vừa khóc và ra đi.
Còn lại quản gia, Lê Ngân nói:
-Ông cũng nhận tiền và đi về đi, để đến mai là không kịp đâu.
Người quản gia đáp:
-Tôi phải ở lại cùng công tử lo hậu sự cho chủ nhân vì ngày mai họ sẽ giết chủ nhân rồi.
Lê Nho Tông nói:
-Ông chờ đến ngày mai họ đến họ sẽ lấy hết, ông về quê tay trắng, sống thế nào được. Thế này nha, ông cầm cho ông 10 lạng, cầm hộ tôi 10 lạng, xong việc tôi gặp ông lại để lấy tiền về Lam Sơn. Ông đi trước đi, vì ông mà vì cả tôi nữa.
Lê Ngân nói:
-Nho Tông nói đúng đấy, ông cầm tiền đi đi kẻo về quê hai bàn tay trắng quá khổ.
Người quản gia quỳ xuống và khóc nói:
-Đa tạ, đa tạ chủ nhân, cáo biệt chủ nhân. Tôi sẽ nhớ chủ nhân suốt đời và đốt hương thờ phụng người. Tạm biệt công tử, hẹn gặp lại. Hu!Hu! Hu!...
Người quản gia nhận tiền, đem cả tiền cho Lê Nho Tông, nói quê quán cho công tử biết mà sau tìm đến và khóc mà cáo biệt.
Xong mọi việc, tối hôm đó phủ quan Nhiếp chính vắng tanh. Lê Ngân ngồi hồi tưởng lại chặng đường 10 năm gian khổ cùng Lê Thái Tổ khởi nghĩa đánh giặc Minh.
Lê Ngân sinh ở xã Đầm Di, huyện Lôi Dương (Thọ Xuân) Thanh Hóa. Năm 1418 ông theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh. Ngày 9 tháng Giêng năm Mậu Tuất 1418, tại Lạc Thủy, Lê Ngân cùng Lê Thạch, Đinh Bồ, Lê Lý làm tiên phong đánh cuộc bao vây càn quét của 20 vạn quân Minh do Mã Kỳ chỉ huy, tiêu diệt 3.000 tên giặc, thu hàng nghìn quân trang vũ khí.
(Còn nữa)
CVL