Vào dịp giỗ, tết, hoặc ở quê có việc, cha tôi lại chuẩn bị quà để về quê, tôi bé nhất, nên thường được ông cho đi cùng. Về quê thời bao cấp cũng phải có kế hoạch, vì xếp hàng mua vé tàu rất đông. Biết cha tôi về quê, mẹ tôi phải bới tung tủ quần áo để lựa ra những bộ quần áo cũ, đã chật của chúng tôi, đóng vào bao tải mang về quê cho. Còn cha tôi thì kiểu gì cũng phải mua vài chục gói bánh kẹo, một vài chai rượu hương chanh, hương cam, hương cà phê để biếu những người có vai vế trong họ làm quà. Người quê thật lạ, họ luôn tự hào "rượu nút lá chuối" là ngon và tinh khiết nhất. Nhưng mỗi lần cha tôi mang rượu Hà Nội về thì cất đi để giành, thi thoảng mới đem ra nhâm nhi vài ly nhỏ tấm tắc khen ngon! Kẹo bánh cũng vậy, cái cảm giác đến nhà nào đó, cho một gói bánh, gói kẹo nó mới "đẳng cấp" làm sao. Trẻ con khi nhìn thấy bánh kẹo thì sáng mắt lên, chúng vồ lấy, chạy vụt đi ra một chỗ vắng để thưởng thức.
Hưng Lộc Phát Land:
Kể cũng lạ, thời trước làm gì có điện thoại di động, có tin tức gì muốn báo cho nhau, thì viết một lá thư, gấp gáp thì đánh điện, chiếc điện thoại là xa xỉ đối với mọi gia đình, nhất là ở nông thôn. Nhưng không hiểu sao, khi tàu vừa tới ga xép, xuống ga, đã có mấy người họ hàng đi xe đạp chờ sẵn ở đó để đón, đèo bố con tôi về nhà. Họ phải đi từ tờ mờ sáng để đón bố con tôi. Trên đường về làng, bố con tôi như những "nguyên thủ quốc gia". Ai gặp cùng chào, cũng hỏi. Người quen đã đành, người không quen biết cũng đánh tiếng:
- Người Hà Nội về chơi à, sướng thế!
"Người Hà Nội" thời đó đúng là có sự khác biệt với người nhà quê. Ngoài sự khác biết về giọng nói, cách ăn mặc… thì khuôn mặt cũng có cái khác hay sao mà người nhà quê nào, thoạt nhìn cũng biết anh em tôi từ Hà Nội về? Có lẽ, cũng vì sự chào đón "người Hà Nội" một cách nồng nhiệt như thế, mà bản thân tôi rất thích về quê cùng cha tôi. Sau này, tôi mới hiểu, đó là bản chất quý người của những người bà con đối với cha. Còn chuyện nhận ra anh em chúng tôi từ Hà Nội về là do dân cư thời đó thưa vắng, người trong xã còn biết nhau.
…
Thời gian thấm thoắt trôi đi đã vài ba thập kỷ, cha tôi đã mất. Mẹ tôi thì vẫn còn, nhưng tuổi đã cao. Mỗi khi chúng tôi về quê để thắp hương tổ tiên, mẹ tôi không quên dặn:
- Nhà có quần áo cũ thì mang về… Nhớ mua ít bánh kẹo mang theo để làm quà biếu cho người này, người kia…
Nghe mẹ nói mà chúng tôi phì cười vì sự "hồn nhiên" của bà.
**
Về quê bây giờ đã khác xưa với thời tôi còn bé. Anh em chúng tôi đã hoà lẫn với những người dân bản địa nơi đây. Nhịp sống nông thôn đã nhộn nhịp, ồn ã, tấp nập chẳng thua kém thành phố là mấy. Nhiều nhà biệt thự mọc lên rất đẹp, rất nhiều nhà có ô tô riêng; đó là các gia đình làm ăn buôn bán hoặc có con đi nước ngoài. Các cửa hàng, cửa hiệu, quán xá mọc hai bên đường nhựa vào làng rất đông đúc. Đủ cả, nào là quán bia, karaoke, nhà thuốc, quần áo thời trang, cà phê… chả thiếu thứ gì.
Các cô gái ở quê bây giờ da trắng nõn nà, son phấn, đầu uốn kiểu cách. Thanh niên thì nhuộm tóc xanh đỏ khá nhiều... Nếu đem quần áo cũ về cho họ bây giờ, có lẽ, là sự thiếu tôn trọng? Còn bánh kẹo ư, tôi cũng đã mang mấy gọi bánh kẹo để thắp hương cho tổ tiên, lấy lộc về làm quà, nhưng trẻ con thì rất thờ ơ. Còn người lớn thì đùn đẩy: "Thôi, tôi không nhận đâu, cái này giờ ăn vào tiểu đường chứ ích lợi gì, cầm về mà đem biếu người khác…!"
Sự thay đổi của một làng quê qua những câu chuyện vụn vặt ấy không biết nên vui, hay buồn. Có lẽ là lên vui thì hơn. Bởi lẽ, sự thay đổi này báo hiệu một đời sống mới của nông thôn. Cuộc sống kinh tế đã khấm khá hơn nhiều. Những vật chất trước kia mang về quê biếu, họ quý, nay thì không còn giá trị gì nhiều.
Một người họ hàng gần nói thật với tôi:
- Sau chú đừng mua bánh kẹo, hoa quả mang về làm gì cho nặng. Mang nhiều tiền về, ở đây cái gì chả có!
Một câu nói gây đôi chút chạnh lòng, nhưng đúng thật. Nông thôn bây giờ đã khác xưa nhiều lắm.
Theo Chuyện quê