Cũng như bao thanh niên ở một làng quê nghèo miền Tây, Hà Tĩnh, Nguyễn Đình Thu vừa tốt nghiệp lớp 7/10, tuổi đời chưa đầy 18, anh đã xung phong hòa vào dòng người ra mặt trận với niềm tin tất thắng. Đơn vị của Thu bước vào huấn luyện nghiệp vụ: Sử dụng bản đồ địa bàn; kỹ thuật dò gỡ các loại mìn; kỹ thuật vượt rào kẽm gai; hàng rào điện tử; kỹ năng trinh sát nắm địch trong vùng căn cứ và địa hình hành quân dã ngoại…Sau này, khi nhớ về những ngày ấy, Thu càng cảm phục các thế hệ đi trước đã làm nên một kỳ tích là mở ra “con đường huyền thoại”.
Sau gần bốn tháng rèn luyện miệt mài, nghiêm túc tại Trung tâm huấn luyện tân binh, những chiến sĩ trẻ mang dòng máu quê hương Xô - Viết bắt đầu làm quen với cuộc sống của lính trinh sát mà đồng đội nói vui là binh chủng “khua sương, đá mìn”, đi trước về sau. Cuộc sống kham khổ, thiếu thốn dẫn đến sốt rét, đau ốm nhưng tinh thần đồng đội và ý chí chiến đấu đã gắn kết mọi người, tạo nên sức mạnh và niềm lạc quan trước hòn tên, mũi đạn của quân thù. Anh bước vào trận mạcvớimuôn vàn thử thách, hiểm nguy giữa đại ngàn Trường Sơn chưa một dấu chân người. Nào là muỗi rừng, vắt núi, thú dữ, bệnh tật, sốt rét, kẻ thù rình rập…
Suốt mấy tháng hành quân, băng rừng, vượt suối, đơn vị của Thu đã đến mặt trận đường 9 - Khe Sanh đúng vào những ngày mùa mưa lịch sử. Nước trên con sông Sê Pôn cuồn cuộn chảy như thác dữ...Mưa tầm tã suốt ngày đêm, nước dồn từ vùng cao xuống các khe suối tràn qua hai bên bờ tạo thành những hồ nước mênh mông. Cỏ cây đua nhau trổ lá, xanh tươi um tùm, rậm rạp, cỏ ba cạnh, cỏ tranh, cỏ lau…mọc cao lút đầu. Rừng một màu đen sì, tối om. Tận mắt chứng kiến cảnh tượng này, Thu sực nhớ đến câu thơ của Nhà thơ Tố Hữu:“Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa trắng xóa trắng trời Trị Thiên…”. Mấy ngày, sau khi ổn định lán trại, Thu đ
ược biên chế vào một đơn vị Trinh sát thuộc Sư đoàn 308. Nhiệm vụ của Thu và các chiến sĩ mới tỏa đi các hướng trinh sát nắm tình hình địch, phối thuộc với trinh sát Trung đoàn Bộ binh tham gia đánh quân Ngụy lấn chiếm ra vùng giải phóng. của đơn vị Thu hầu hết không mặc áo mưa, vì khó vận động trong rừng, cũng không có áo mưa nào chịu nổi do vướng vào những cành cây khô, móc gai suốt dọc đường đi. Cả ngày hành quân, áo quần tự ướt, tự khô, lắm lúc nắng lên thấy thân mình bốc ra những mùi hôi khó chịu. Khổ nhất là lúc vượt suối, người bơi giỏi hơn, bơi sang bờ bên kia căng dây võng đưa cho người không biết bơi sang trước. Đồ đạc cho vào túi nilon, buộc chặt như quả bóng rồi hai người kéo dây, hai người vừa bơi vừa đẩy. Nếu vô tình rơi vũ khí xuống suối là một tai họa khủng khiếp, bằng bất cứ giá nào cũng phải lặn tìm cho được dù mất thời gian.Mọi người thường nói: “Nắng tốt dưa, mưa tốt lính”, nhưng thực tế không phải như vậy, mưa vẫn phải đi tuần, mai phục, chốt đường. Đi tuần không khổ bằng đi phục hoặc chốt đường, suốt ngày nằm im chờ giặc đến. Rừng mùa mưa chỗ nào cũng có muỗi.Muỗi dày đặcnhư đàn ong vỡ tổ,vo ve suốt cả ngày. Những con muỗi rừng to lớn, nhanh nhẹn và đói ăn cứ lao thẳng vào chỗ quần, áo rách bị hở da thịt mà hút máu. Lính vừa đập vừa gãi không dám đốt lửa xông khói đuổi muỗi, sợ địch phát hiện. Con Bọ ve cũng rất nhiều, những con Bọ ve chỉ nhỉnh hơn hạt tấm, chúng bí mật bò vào cơ thể tìm những khe nách, khe mông để trú ngụ cả tuần mà không hề biết. Khi phát hiện ra cũng đã muộn vì vết thương do Bọ ve cắn để lại cơn ngứa dai dẳng đến vài tháng. Tiểu đội của Thu đi trinh sát, lội suối triền miên nên những đôi giày rách lúc nào cũng sũng nước, ướt nhoèn nhoẹt, khiến cho bàn chân đỏ mọng gần như tuột hết phần da, đêm nằm vừa ngứa vừa xót, chỉ dám lấy bàn tay xoa nhẹ, lâu ngày vết xước hòa trộn với mồ hôi và nước mưa, tạo nên một mảng nhiễm trùng rất sâu, cũng nhờ anh Nguyễn Văn Việt, Trạm trưởng Quân y cho lọ thuốc tím rửa mất một tuần vết thương mới đỡ. Gian khổ là vậy, nhưng mùa mưa nơi đây cung cấp cho đơn vị nguồn rau măng phong phú. Từ tháng 3 đến tháng 9, măng le, măng lồ ô là nguồn thực phẩm chủ yếu ngoài các loại rau chiến sĩ trồng được.Mùa mưa cũng là mùa đơn vị của Thu củng cố hào giao thông và cuốc đất tăng gia. Dưới đất ẩm sản sinh ra một loài côn trùng nhỏ bé mà lính gọi là con Mò. Phải tinh mắt mới nhìn thấy, khi lật đất lên chúng bay ra từng đàn, bám đầy vào hai ống chân mà đốt. Loài này cũng gây ra những trận sốt rét quái dị. Nhiều Y tá nghi ngờ cho rằng lính ốm tư tưởng, trốn tránh công việc cấp trên giao phó. Sau này anh Việt, Trạm trưởng Quâny cũng phát hiện ra và tìm được cách chữa trị rất đơn giản. Mùa mưa cũng là mùa địch hay tập kích vào doanh trại, nửa đêm đang say giấc nồng, đột nhiên chúng tới tấp bắn vào đơn vị. Lính tráng chạy sấp mặt ra hào giao thông, nước ngang thắt lưng, ngâm mình trong nước chờ mãi đến sáng, quần áo ướt như chuột lột.
Tháng 4-1968, đơn vị của Thu được lệnh trinh sát tập đoàn cứ điểm Tà Cơn, chuẩn bị mở màn chiến dịch.Sân bay Tà Cơn là cụm cứ điểm quân sự rộng khoảng 10 nghìn mét vuông. Khu vực này được quân Mỹ dùng làm nơi cất, hạ cách của các loại máy bay lên thẳng, máy bay vận tải, phản lực chiến đấu.Sân bay Tà Cơn là một mắt xích quan trọng trong phòng tuyến Khe Sanh của Mỹ…Trong khu vực sân bay có trụ sở chỉ huy, đài quan sát, đài liên lạc cùng hệ thống công sự phòng ngự đặc biệt. Bảo vệ bên ngoài là một hàng rào dây kẽm gai bùng nhùng và những bãi mìn xen kẽ dải “cây nhiệt đới” dày đặc. Lần đầu tiên Kham thấy loại cây kỳ lạ này, bèn ghé vào tai Thu hỏi nhỏ:
- Đây là loại vũ khí gì hả anh?
- Nó là “cây nhiệt đới” - Thiết bị thu tiếng động báo cho máy bay đến ném bom - Thu vỗ vào vai Kham giải thích.
Nói xong Thu quay sang bảo hai chiến sĩ xử lý bằng cách buộc túm các râu ăng-ten lại. Ðể cho chắc ăn, Thu còn quấn trên các đầu ăng-ten bằng vải lót xé ra, chỉ sau nửa giờ tiểu đội tìm được 6 “cây nhiệt đới” trước lúc xe hàng đầu tiên lên tới đỉnh dốc nơi tiểu đội anh chốt bảo vệ. Ðúng như dự đoán, đến ngày thứ năm, khi tiếng gà rừng vừa cất lên báo hiệu buổi sáng, quân địch theo tín hiệu từ "cây nhiệt đới" cho máy bay OV-10 vè vè lượn đi, lượn lại, cứ xoáy tròn khu vực của đơn vị, không thấy động tĩnh gì nó phóng mấy quả đạn khói rồi chuồn thẳng. Chỉ 10 phút sau, hai biên đội gồm 2 chiếc F4 và 2 chiếc F.105 lao đến gầm rít, lượn một vòng rồi bổ nhào trút bom phá, bom bi, bom lân tinh, chúng dốc vào một khoảng rừng sát trọng điểm làm cho cây cối đổ ngổn ngang, cháy đen nham nhở, lẫn với đất đỏ xới lên. Cá suối chết trắng, trôi dạt xuống cuối nguồn, Thu cùng với anh em vớt về chế biến thức ăn, cộng với rượu cần, xôi đỗ dân bản Vân Kiều đem đến tổ chức bữa ăn liên hoan mừng chiến công, tạo niềm vui phấn khởi trong đơn vị.
Trời gần trưa, ánh nắng xuyên qua những tán cây xòe ra như nan quạt, Thu quay lại nhắc mọi người bí mật, nghỉ giải lao, cắt cử chiến sĩ cảnh giới các hướng. Cầm mấy chục con cá trên tay, mọi người đưa mắt nhìn nhau. Lính tráng chỉ biết mổ ruột cá cho vào nồi kho mặn là xong. Bỗng có tiếng nói như mật rót vào chai:
- Việc đó để em làm thiết đãi đơn vị món cá suối, ăn ngon rồi nhớ mãi.
- Ừ, Kham làm đi, bọn tớ tin tưởng tay nghề của cậu đấy - Thu nói thêm vào.
Anh Kham, người dân tộc Mường quê ở Bá Thước, Thanh Hóa nhận nấu nướng. Vừa nói, Kham vừa làm thoan thoắt, chẳng mấy chốc từng xâu cá tươi roi rói được bày ra thơm phức. Anh Kham là người làm món cá suối nướng rất bài bản, trong ba lô anh luôn có đầy đủ gia vị của người dân tộc. Anh tẩm ướp gia vị rồi để trên lớp củi than hồng.Trong lúc chờ cá chín, anh pha chế nước chấm thơm lừng. Một tiếng sau, Kham đưa từng xâu cá chia cho anh em. Quả thật, đó là bữa cá suối nướng ngon nhất mà đơn vị được thưởng thức. Nước chấm rất đặc biệt, đủ độ gia vị, thêm nắm ớt cay chỉ thiên mọi người nước mắtchảy giàn giụa. Vừa ăn vừa ngắm nước suối trong vắt, đàn cá quẫy đuôi tung tăng thì còn gì thú vị bằng. Người lính bước vào trận mạc với cái chết cận kề, nhưng có ai sướng hơn trong những giây phút lãng mạn này.Trạm trưởng Quân y Nguyễn Văn Việt với vẻ mặt tươi cười nói:
- Các anh ơi! Trận đánh này ta chơi đẹp quá, trận sau ta thắng to hơn. Cá nhiều là do máy bay Mỹ cung cấp đấy.
Trong phút giây yên lặng, bỗng nhiên Thu ngước đôi mắt đăm chiêu nhìn ra phía xa xa, nơi những cánh rừng già bị bom đào hất lên tung tóe.Trông cảnh tượng thật thảm thương. Sau chiến thắng ở Tà Cơn, nắm được ý định của địch đang cho lính thủy quân lục chiến tháo chạy theo đường 9 về Đông Hà, Quảng Trị, đơn vị của Thu được lệnh tăng cường thêm một chốt đóng ở Làng Khoai, nơi có đường 9 độc đạo chạy qua từ Khe Sanh về Đông Hà. Đơn vị của Thu đã lợi dụng đêm tối, phối hợp với các lực lượng pháo binh, bộ binh Sư đoàn 304 tập trung các loại hỏa lực ĐKZ; 12,7 mm; đại liên; trung liên bắn tới tấp vào Sở chỉ huy, trận địa pháo, các lô cốt, ụ súng trên chiến hào tiền duyên của địch…Sau hơn một giờ quân địch đã bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Từ tháng 2 đến tháng 7-1968, có nghĩa là sau 170 ngày đêm chiến đấu liên tục vô cùng anh dũng và quyết liệt, mặt trận Khe Sanh đã giành chiến thắng oanh liệt, đập tan ý đồ chiến lược ngông cuồng và ngoan cố của đế quốc Mỹ tại chiến trường Bắc Quảng Trị.Chiến thắng Khe Sanh cùng với cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, góp phần quan trọng buộc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc và ngồi vào vòng đàm phán Paris, khởi đầu một quá trình thất bại về chiến lược đối với chiến tranh tại Việt Nam.Trong niềm vui chiến thắng đó, Thu bắt nhịp để các chiến sĩ cùng nhau bài hát “Tiếng đàn Ta Lư” của nhạc sĩ Huy Thục:“Bộ đội giải phóng ơi/ Anh thắng trận miền Tây Khe Sanh/ Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy/ Đồi Đông Chi xác Mỹ chất đầy/ Tên lính thủy đánh bộ Mỹ kia/ Nó bị bắt trên rừng/ Bộ đội giải phóng ơi/ Các anh đánh hay hung…hú…”.Các chiến sĩ vừa vỗ tay vừa hát làm cho không khí đơn vị “ nóng lên”: -Anh Thu hát đi anh Thu ơi, bài gì mà về Quảng trị ấy…
Một chiến sĩ như nhớ ra a đúng rồi bài: “Tiếng hát trên đường quê hương” của nhạc sĩ Huy Thục đó…
Lưỡng lự một lúc, Thu cất lên tiếng hát giọng ồm ồm nhưng rất đỗi tự hào: “ Ai đã đến miền quê em Quảng trị Thừa thiên/Qua đường Chín huyện Do Linh lắng nghe giọng hò/Vượt qua bao nhiêu gian khổ,/Máu đã đổ trên đòng quê hương/Dù đạn bom vẫn thấy tự do bước đi nhịp nhàng/ Theo nhịp bước đường em đi dồn dập tiền phương/ Xuyên rừng núi ngày đêm đi tiếp lương tải đạn /Vượt qua bao nhiêu gian khổ /Máu đã đổ trên đường quê hương /Dù đạn bom vẫn thấy tự do bước đi nhịp nhàng /Anh giải phóng quân miền Nam quê hương ta ơi…”.
Sau buổi liên hoan văn nghệ ấy, đơn vị của Thu rút về hậu cứ vừa làm nhiệm vụ trinh sát nắm địa bàn vừa tăng gia sản xuất, nhờ đó lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội tương đối dồi dào. Có lần, Thu dẫn tiểu đội đi qua một con suối nhỏ, nước trong vắt, dưới đáy từng đàn cá quẫy đuôi trắng xóa. Hai bên bờ suối là một rừng mây đan kín chằng chịt không thể vượt nổi, nên cả tiểu đội cứ lội dọc theo dòng suối. Thu đi đầu thả mắt quan sát hai bên bờ, rừng cây tĩnh mịch không có dấu hiệu của địch. Thấy cá quẫy nhiều vô kể, thế là cả tiểu đội lao xuống bắt. Anh Đề là một thanh niên trai tráng khỏe mạnh, chân tay vạm vỡ, vốn dân chài lưới ven sông La, nên chuyện bắt cá khi có nước cũng không khó khăn gì. Anh bắt cá rất giỏi. Một lát sau, đang mò trong một hốc cây bỗng Đề rú lên, nhảy chồm vào bờ, mặt tái nhợt, cắt không ra máu, miệng ú ớ chỉ vào lùm cây mấp mé mặt nước:
- Ôi! Rắn hổ mang chúa… sợ quá!
Đúng con rắn hổ mang chúa to lắm, nó ngóc đầu lên, cái lưỡi chẻ đôi đen ngòm thò ra, thụt vào, làn da sần sùi như vỏ cây, nặng khoảng hơn 2 cân. Đây là lần đầu tiên mọi người nhìn thấy con rắn hổ mang chúa. Thu là người thông thạo, biết cách dụ con rắn hổ mang bò đi chỗ khác, cả tiểu đội được phen hú vía.
Cuối năm 1972, do có nhiều thành tích trong chiến đấu, Thu được Bộ Chỉ huy mặt trận cử ra Hà Nội đào tạo cán bộ Sĩ quan Chính trị ở Học viện trung-cao cấp. Học xong, Thu được điều động về Quân khu 4 công tác. Sau đó, anh được tăng cường vào mặt trận đường 9 - Nam Lào cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Khi vừa mới đặt chân đến bờ sông Sê Pôn, Thu bồi hồi nhớ về câu hát của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới:“Em ở bên này Tây Trường Sơn/ Anh ở bên này Đông Trường Sơn/ Luôn gửi cho nhau khúc hát tâm tình/Tình Việt- Lào anh em/ Tình Việt- Lào anh em... mãi mãi không bao giờ phai…”. Dòng sông Sê Pôn đã ôm trọn mối tình hữu nghị của hai dân tộc Chăm Pa và Tiên Rồng rồi chảy ngược về phía mặt trời lặn qua đất nước Triệu Voi. Con sông mà cả hai bờ uống chung dòng nước, hai bên “nghe chung tiếng gà gáy sáng”. Hàng chục năm qua, những bản làng nép mình hai bên bờ sông dưới làn khói bếp đầm ấm, lẫn trong tiếng chày giã gạo cứ nhịp nhàng, khoan thai…Bà con dân tộc Vân Kiều ví dòng sông Sê Pôn như một dải lụa trời. Những đêm trăng, sông Sê Pôn càng trở nên thơ mộng. Chàng trai Vân Kiều có giọng hát nỉ non như mật ngọt làm xiêu lòng cô gái Lào bên kia sông. Chàng bày tỏ da diết:“Bóng em lấp lánh như sao mới mọc/ Dáng em long lanh như vầng trăng đêm mười sáu/ Ta đi tìm em…Em ơi!...”. Người con gái Lào đáp lại bằng lời ca dịu dàng: “Em ở chòi bên này chưa ngủ đợi anh/ Em biết thương ai bây giờ ngoài anh…”.
Và có lẻ hình ảnh êm đềm đẹp đẽ nhất vẫn đọng lại trong anh, đó là những đêm hội trên đất nước bạn Lào…Vào ngày hội, các chàng trai, cô gái say sưa cùng xòe tay múa hát Hoa đẹp Chăm Pa… Những bông hoa trắng muốt, tỏa hương thơm ngào ngạt khắp núi rừng…Nhiều đôi trai gái của hai nước qua những đêm hội đã thành vợ thành chồng…
Về chiều, mây trên đỉnh Trường Sơn và những làn khói lam chiều, lẫn trong sương sớm mỗi lúc một dày hơn ôm chặt lấy núi rừng… ngồi trên chiếc võng mắc giữa đại ngàn Trường Sơn, Nguyễn Đình Thu say sưa ngắm nhìn những làn mây ấy và anh cứ ngỡ như mình cũng bồng bềnh trong đó…Anh bỗng thấy mình và đồng đội như đang soi xuống dòng sông Sê Pôn cuồn cuộn chảy ra biển cả mênh mông.