Con người có thể mất đi nhưng những bài thơLưu Trọng Lư viết thuở thanh xuân, vẫn còn đâu đây, lung linh trong tâm tưởng những người yêu thơ ông.
Nhà thơ Lưu Trọng Lư qua đời cách đây đúng 32 năm (10/08/1991) đúng vào độ đầu thu nhưng “Tiếng thơ sầu rụng” hôm nay vẫn còn những âm vang “Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức”. Tập thơ “Tiếng thu” được hé lộ từ năm 1936 nhưng mãi tận tới 3 năm sau mới được xuất bản. Lưu Trọng Lư đã đóng đinh tên mình lên văn đàn thơ mới không cần kể nhiều, chỉ với ba là quá đủ: “Thơ sầu rụng”, “Tiếng thu” hay “Một mùa đông”.
Lưu Trọng Lư đã nói về mình "Phong trào Thơ mới mở đầu là tôi chứ không phải Phan Khôi. Thực ra phải xét cái mới của tình cảm và điệu thức thơ. Lúc này cũng nhiều người viết thơ theo dạng từ khúc. Tôi làm Thơ mới từ năm 1931 đăng trên Phụ nữ tân văn".Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam nhận xét: "Xuân về” bài thơ của Lưu Trọng Lư là 1 trong 3 bài thơ mới đầu tiên có giá trị. Lưu Trọng Lư nổi bật lên ở thời kỳ đầu và ghi lại dấu ấn vĩnh cửu không phai mờ trong phong trào Thơ mới. Bài thơ Tiếng thu mở ra những hình ảnh đẹp mãi mãi khó phai nhòa trong lòng bạn đọc.
Thơ tình của Lưu Trọng Lư đủ cả, đủ nhiều niềm vui, nỗi buồn, tràn trề mong ước và đắng cay thất vọng. Trôi chảy theo dòng thời gian và sống "Qua rồi mùa ân ái - Đàn sếu đã sang sông". Bởi vì thế thơ Lưu Trọng Lư chất ngất nỗi buồn. Ngoài đời cũng như trong thơ, ông luôn thể hiện sự nuối tiếc “Mưa chi mưa mãi/ Buồn hết nửa đời xuân/ Mộng vàng không kịp hái”. Người đọc nhắc đến Lưu thi sĩ là nhớ đến “Tiếng thu” với những câu thơ gợi hình, gợi cảm: “Em không nghe rừng thu/ Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô”. Và có lẽ sau ca khúc “Như có Bác Hồ” thì đây là bài thơ nhiều người biết nhất! Lưu Trọng Lư làm thơ và thở như con nai hồn nhiên và bất tử ấy.
Ngẫm nghĩ cuộc đời ông buồn nhiều hơn vui. Cuộc đời đã vận vào “Tiếng thơ sầu rụng”, nỗi sầu sang trọng một cách đỏng đảnh nhưng đã làm nên “danh giá một đời thơ” lắm người mơ ước được! Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong hồi ký: Tôi yêu thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư từ hồi nào không biết. Tôi chọn một bài thơ tiêu biểu nhất của anh là “Tiếng Thu” để phổ thành ca khúc ngay từ năm 1945. Bài này coi như là một bài hát đầu tay, vì nó mới chỉ là bài ca thứ 5 trong đời tôi.
Phạm Duy trở về thành phố mới có cơ hội phổ bài thơ Vần Thơ Sầu Rụng, bài này có tính chất lãng mạn đặc trưng nhất của thơ Lưu Trọng Lư. Đến giữa năm 1958, Phạm Duy lại đem thơ Lưu Trọng Lư ra phổ nhạc. Ông lấy ra một số câu trong bài thơ lãng mạn bậc nhất lúc bấy giờ để phổ thành ca khúc Hoa Rụng Ven Sông. Còn đâu em ơi?/ Còn đâu ánh trăng vàng/ Còn đâu ánh trăng vàng/ Mơ trên làn tóc rối... Sau đó Phạm Duy lại lấy thơ của Lưu Trọng Lư để phổ nhạctiếp, bài thơ Thú Đau Thương: Đã héo lắm nụ cười trong mộng/ Đã mờ dần hình bóng thân yêu/ Đã lam tím cả cảnh chiều/ Trong hồn lặng đã hiu hiu mộng tàn. Đúng! Hoa lá đẹp cũng như giấc mộng đẹp sẽ tàn. Nhưng có những bài thơ bất tử không tàn ...