3 thằng bạn rủ nhau tranh thủ ngày nghỉ làm chén rượu sáng với chút đồ nhắm. Vừa ăn vừa nghe thời sự về Ucraina đang phát trên truyền hình.
Một cô bé bước vào ngồi bàn bên cạnh nói với bác chủ quán:
- Cho cháu bát bún tôm và tắt tivi đi hộ cháu với nhé!
Nghe xong câu nói của cô bé, tôi nhìn sang áng chừng cô chỉ tầm 18-đôi mươi, tay cầm chiếc điện thoại và 2 tờ 20 nghìn.
Cô bé lấy đôi đũa từ ống đũa lau kỹ lưỡng sau đó đặt chiếc điện thoại trước mặt và bắt đầu thao tác để mở chương trình gì đó mà tôi đoán cô đang xem dở trước khi đến quán.
Khi bác chủ quán mang đồ ăn cho cô bé và lấy chiếc điều khiển chắc định tắt tivi theo yêu cầu của bé khách. Tôi lên tiếng với bác chủ quán:
- Sao tự nhiên lại tắt tivi đi? Chúng tôi đang xem chút thời sự.
Và tôi quay sang nói với cô bé bàn bên:
- Lẽ ra cháu có công việc cần tác nghiệp trên điện thoại mà sợ tiếng ồn của tivi làm ảnh hưởng cháu có thể đề nghị với các chú và xin phép để tắt tivi sẽ hay hơn cháu nhỉ!
Nói xong câu đó tôi không hy vọng nhận được một lời nhẹ nhàng từ tụi trẻ bây giờ mà chắc sẽ là một vài câu gắt gỏng...
Nhưng không.
Một tiếng nói nhẹ vừa đủ nghe của một đứa trẻ biết lỗi:
- Cháu xin lỗi các chú. Cháu không để ý các chú đang theo dõi tivi. Các chú cứ tiếp tục xem tiếp ạ. Cháu sẽ giải quyết công việc vào lúc khác.
Cả 3 chúng tôi nhìn nhau và anh bạn quay sang nói với cháu:
- Cháu bận công việc thì tranh thủ giải quyết đi. Mấy vụ thời sự này trưa nay các chú nghe sau cũng không muộn.
Một lời cảm ơn tiếp của cô bé
Cả ba anh em lại tiếp tục nhậu nhưng âm thanh nhỏ hơn để khỏi ảnh hưởng đến cháu.
Và cháu gái lại tiếp tục công việc của mình với một tay gắp bún còn tay kia thao tác trên bàn phím.
P/S: Không phải tất cả những đứa trẻ ngày nay đều kém về môn GDCD các bố, các mẹ nhé! Đây là bài học tôi vừa rút ra.
Chuyện làng quê