Nhưng đằng sau sự ra đời của chiếc bánh là một câu chuyện tình yêu dang dở của một cặp trai tài gái sắc với lứa tuổi đôi mươi!
Chuyện kể rằng:
Có một chàng trai tên là Nguyễn Phú ở xứ Sơn Tây ngày trước đem lòng yêu thương một cô gái con nhà làm bánh đúc ở trong vùng mang tên Hoàng Nhi. Tình yêu của đôi trai gái diễn ra êm đềm cho đến một hôm...
Nguyễn Phú sang nhà Hoàng Nhi đúng dịp nhà Nhi đang cất mẻ bánh đúc để ngày mai ra chợ sớm. Do cặp đôi mải mê tâm sự nên quên đi chăm sóc nồi bánh mà để sống mất hơn một nửa. Do quá giận mà cha Hoàng Nhi đã đánh đuổi Nguyễn Phú và cấm chàng trai qua lại với con gái của mình.
Nguyễn Phú tiếc nồi bánh đúc nên đã đem về, làm thêm nhân mộc nhĩ, thịt nạc, rồi ra vườn lấy lá dong, lá chuối khô gói lại, mang đi luộc. Khi bánh chín, mùi thơm bay ngào ngạt, ăn nóng, nguội đều ngon.
Lại nói về Hoàng Nhi sau khi bị cha cấm cản yêu đương thì sinh bệnh tương tư ngày một héo gầy và mất đi sau đó không lâu. Do thương tiếc người yêu mà Nguyễn Phú cũng không lấy vợ, chỉ đến ngày giỗ của nàng Nguyễn Phú lại làm món bánh này thắp nhang...lâu dần chàng truyền lại cho người dân nơi đây và được đặt tên bánh tẻ Phú Nhi như ghi nhận một tình yêu tươi đẹp.
Ngày nay, bánh tẻ Phú Nhi nổi tiếng không chỉ ở Hà Nội mà còn được nhiều người ở các tỉnh thành biết đến. Mỗi khi đến Phú Nhi, người ta coi đây là thứ quà quê giá trị để mang về biếu, tặng. Chiếc bánh đơn giản nhưng các công đoạn làm vô cùng tỉ mỉ, cẩn thận. Bánh sau khi hoàn thiện được cho vào lò hấp 60 phút, mới mang ra thưởng thức.
Gạo tẻ được chọn làm bánh thường là gạo khang dân loại cũ để không bị dẻo dính rồi mang ngâm nhiều giờ, sau đó xay thành bột nước. Bột nước được tiếp tục ngâm nhiều giờ và chắt nước, lấy phần bột mịn sau đó mới mang quấy thành bột để làm bánh. Nhân thịt và mộc nhĩ cũng phải chọn loại ngon, sạch, thái nhỏ mang xào, nêm nếm gia vị chuẩn để vừa vặn, dậy mùi. Ngoài lá dong, lá chuối khô được dùng để gói bên ngoài cho dậy mùi thơm.
PĐK
Chuyện làng quê