Câu tục ngữ đọc đầy đủ phải là “Nhà giàu ngày ăn ba bữa, nhà khó (ngày) đỏ lửa ba lần”. Có gì đáng nói ở đây nhỉ?
Ta thấy câu tục ngữ có hai vế, mỗi vế có một đối tượng được nhắc đến. Một bên “nhà giàu”, một bên “nhà nghèo”. Hai bên này đều là “chủ thể biểu trưng” cho một gia đình nhưng lại đối lập nhau về tài sản. Ngày xưa “nhà giàu” được coi là có nhà cao cửa rộng, lắm trâu bò, lắm ruộng nhiều thóc. Nhà nghèo dĩ nhiên không có (hoặc có rất ít) những thứ đó. Bây giờ “chuẩn giàu” và “chuẩn nghèo” có khác. Thói đời, nhà giàu thường lại có nhiều lợi thế và ưu điểm (nước chảy chỗ trũng mà): Nhà giàu trồng lau ra mía, nhà khó trồng củ tía ra củ nâu; Nhà giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn; Nhà giàu bổ cơm bổ cá, nhà khó bổ rau má khoai lang; Nhà giàu đầu heo nọng thịt, nhà khó thì cặp vịt với lông, v.v. Rõ ràng, nhà giàu và nhà nghèo khác hẳn nhau về “đẳng cấp”, bì với nhau sao được? (Thấy anh em cũng muốn theo/ Em sợ anh nghèo anh bán em đi/ Lấy anh em biết ăn gì?/ Lộc sắn thì chát lộc si thì già. – ca dao).
Nhưng trong câu tục ngữ trên (Nhà giàu ngày ăn ba bữa, nhà khó (ngày) đỏ lửa ba lần) thì “đẳng cấp” đó không còn nữa.
Bởi dù có giàu sang đến mấy thì người ta cũng chỉ ăn ba bữa mỗi ngày (ba bữa là cách nói ước lệ, chỉ số lần ăn chính theo lệ thường trong ngày). Và dù có nghèo khó bao nhiêu chăng nữa thì người ta cũng phải tìm cách “đỏ lửa” ba lần, để rồi cũng ăn ba bữa như ai (đỏ lửa: nhóm bếp nấu cơm). Tất nhiên, với nhà giàu thì chất lượng bữa cơm có khác (cao lương mĩ vị, thịt cá tôm cua) còn nhà nghèo thì có khi chỉ cơm với rau muống chan tương (tương cà gia bản). Nhưng cái đó không quan trọng. Thông điệp đáng nói ở đây là “Đã là con người thì giàu nghèo ai cũng có nhu cầu ăn uống như nhau”. Cái lẽ đời xưa nay vốn thế và chính cái lẽ đó kéo chúng ta về sự công bằng muôn thuở. Ai cũng cần phải ăn, phải ngủ, phải sinh nở… như những việc thường nhật trong mái nhà của mình. “Cái ăn” là cái tối thiểu để tồn tại của bất cứ ai trên đời này (Còn quyền hành, tiền bạc, tài trí, công danh, sự nghiệp… lại là câu chuyện khác).
Xa hơn, câu tục ngữ còn có một hàm ý: Trong cuộc sống, chúng ta cần phải biết ứng xử sao cho hợp lẽ công bằng. Biết tôn trọng nhau dù mỗi người có một hoàn cảnh không giống nhau. Đừng cậy giàu mà ta đây lên mặt. Và cũng đừng vì nghèo mà tự ti, tủi phận, hạ mình. Cái quan trọng là phẩm cách và nhân cách mỗi con người. “Hãy thương yêu nhau và sống cho có ích.” (Trần Đăng Khoa)
Cơm ba bữa, áo ba manh
Lẽ đời tôi cũng như anh thôi mà!
---
Đọc thêm những bài biết cùng chủ đề trên Chuyên trang Hội nhập Tạp chí điện tử gowin99 và Phát triển -