Chỉ sau 10 tháng trở thành Kỷ lục gia Guinness Thế giới, Nguyễn Khắc Hưng khiến NSND Tâm Chính, NSND Vi Hoa, Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Trung tướng Trần Chuyên cùng tất cả khán giả tham dự sự kiện “Guinness World Records Evidence - Minh chứng Kỷ lục gia Guinness Thế giới” ngỡ ngàng khi được tận mắt chứng kiến em phá kỷ lục của chính mình và thiết lập kỷ lục mới.
Thành tích chưa từng có tiền lệ
Ngày 21/6/2023, Nguyễn Khắc Hưng được Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận thành tích đứng thăng bằng trên bóng, đồng thời đội bóng trên đầu và tung hứng 3 bóng trong thời gian lâu nhất (35 phút 9 giây). Ngày 12/4/2024, TS. Phan Quốc Việt đưa ra thử thách cam go hơn, buộc học trò của mình phá vỡ kỷ lục đã được Tổ chức Guinness Thế giới ghi nhận.
Sự kiện “Guinness World Records Evidence – Minh chứng Kỷ lục gia Guinness Thế giới” diễn ra tại Trung Nguyên Legend - Hai Bà Trưng - Hà Nội có sự góp mặt của những khách mời vô cùng đặc biệt. Trong suốt 8 tiếng đồng hồ, Khắc Hưng đã cho khán giả được trải nghiệm cảm giác hồi hộp, lo lắng, lúc nín thở, lúc thót tim. Đúng như kỳ vọng của người thầy “phù thủy”, Khắc Hưng đã xuất sắc vượt qua thành tích của chính mình và thiết lập kỷ lục mới: Thăng bằng trên bóng y tế, đội 1 bóng trên đầu, đồng thời tung 3 bóng trong thời gian 46 phút 54 giây; Thăng bằng trên xe đạp 1 bánh, đội bóng trên đầu, đồng thời tung 3 bóng trong thời gian 33 phút 33 giây. Trên thế giới, hiếm kỷ lục gia nào có thể phá thành tích của mình sau một thời gian ngắn như vậy.
NSND Tâm Chính, Chủ tịch Liên chi Hội Xiếc Việt Nam, là một trong những nhân chứng tại sự kiện. Bà thừa nhận nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp cũng rất khó thực hiện những kỹ năng như Khắc Hưng, chưa kể em lại là một cậu bé tự kỷ nặng. Từ khi biết đến tài năng và hoàn cảnh đặc biệt của Khắc Hưng, NSND Tâm Chính luôn quan tâm, khích lệ và dành nhiều tình cảm cho cậu bé. Bà cũng là người dõi theo từng bước dịch chuyển của Khắc Hưng.
NSND Vi Hoa không thể kìm nén cảm xúc khi nói về Khắc Hưng. Bà cho rằng kỳ tích của em chỉ có thể dùng trái tim để giải mã, đồng thời bày tỏ sự cảm phục dành cho TS. Phan Quốc Việt. “Tôi đã cố gắng để không chảy nước mắt khi xem Khắc Hưng thực hiện những kỹ thuật biểu diễn quá khó. Để có ngày hôm nay, tôi nghĩ cháu vô cùng biết ơn người thầy đã yêu thương mình bằng cả trái tim. Có lẽ cháu cũng cảm nhận được trái tim của thầy khi tập trung vào một việc gì đó. Được thúc đẩy bởi cảm xúc, cháu mới có thể trở nên quyết tâm và máu lửa như vậy. Con người sinh ra vốn là trời cho, và phải chăng vũ trụ đã hợp lực để cháu có một người thầy tuyệt vời, có được vinh quang này để mọi người cùng thưởng thức. Tôi chưa dám hứa, nhưng nếu thực sự có cơ hội, tôi mong mình có thể được đồng hành với cháu trên các sân khấu. Tôi thương cháu như thương con của mình”, NSND Vi Hoa nói.
Đứng từ phương diện thể thao, HLV bộ môn rowing Nguyễn Thế Phong chia sẻ: “Tôi tự hào về Hưng. Ở em có sự quyết tâm và ý chí của một vận động viên thể thao chuyên nghiệp. Nỗ lực của em, tôi cho là quá lớn. Điều em làm được nhiều người cho là bình thường, nhưng với tôi, đó là sự phi thường. Tôi may mắn được biết đến Hưng qua thầy Việt trong khoảng 2 năm trở lại đây. Bên cạnh vai trò người thầy, ông còn như một người cha chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho các con. Đặc biệt, quá trình đồng hành của thầy tạo ra một Khắc Hưng vô cùng ý chí, vô cùng quyết tâm của ngày hôm nay. Một ngày tạo 2 Kỷ lục Guinness Thế giới là điều không tưởng đối với một vận động viên chuyên nghiệp, chứ đừng nói một người khuyết tật như Hưng.”
Câu chuyện phía sau hào quang
Nhờ danh hiệu Kỷ lục gia Guinness Thế giới, cậu bé tự kỷ nặng Nguyễn Khắc Hưng trở thành tâm điểm của báo chí và truyền hình. Đề tài được nhắm đến nhiều nhất chính là câu chuyện cuộc đời em. Mẹ Hưng phải thụ án khi em mới 2 tuổi (chính em đã cứu mẹ thoát khỏi án tử) và bố mất vì tai biến khi em 13 tuổi. Hành trình kỳ diệu của Khắc Hưng bắt đầu từ lúc em được gặp TS. Phan Quốc Việt.
TS. Phan Quốc Việt đam mê lĩnh vực Toán – Lý, nhưng ở tuổi 50, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp trong ngành Dầu khí, ông quyết định từ bỏ tất cả để thực hiện một sứ mệnh quan trọng hơn: giáo dục kỹ năng sống. Ông cũng là một diễn giả nổi tiếng, đào tạo nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ông là gương mặt quen thuộc với vai trò MC hoặc diễn giả trên các kênh truyền hình VTV1, VTV2, VTV3,... Sách ông viết bán được gần 4 triệu bản.
10 năm sau, ở tuổi 60, ông tiếp tục dấn thân vào lĩnh vực thách đố các nhà giáo dục trên thế giới: huấn luyện trẻ tự kỷ nặng. Thời điểm gặp Hưng, TS. Phan Quốc Việt đã rất thành công trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng mềm và giáo dục trẻ tự kỷ - con đường do ông tự khai phá và nghiên cứu. TS. Phan Quốc Việt thương Hưng như cháu ruột. Cuối năm 2019, COVID-19 ập đến, công việc và cuộc sống bị đóng băng hoàn toàn. TS. Phan Quốc Việt quyết định “phá băng” bằng cách dồn toàn bộ thời gian và tâm huyết để đào tạo Hưng trở thành Kỷ lục gia.
Trong căn phòng vỏn vẹn 24m2 tại khu tập thể xuống cấp, thầy trò kiên trì, bền bỉ với những bài tập từ giản đơn đến phức tạp. Đồng hành với 2 thầy trò là đội ngũ trợ lý vô cùng tận tâm. Hiện tại, ở tuổi ngoài 70, TS. Phan Quốc Việt vẫn chưa lĩnh lương hưu, không có hỗ trợ, nhưng ông đang có một Kỷ lục gia Guinness Thế giới. Câu chuyện cổ tích của thầy trò Việt - Hưng là minh chứng cho câu nói: “Khó khăn lớn nhất là vượt qua chính mình”.
“Khắc Hưng trao cho tôi cơ hội thực hành tình yêu vô điều kiện và chấp nhận sự khác biệt. Tôi cũng học được rằng, bất kỳ hành động nào của mình đều có thể truyền tín hiệu đến trẻ tự kỷ: cho dù các cháu nói gì hay làm gì, các cháu vẫn luôn được đón nhận”, TS. Phan Quốc Việt chia sẻ.
Mắc tự kỷ nặng nên Khắc Hưng hiếm khi tương tác với người khác bằng lời nói. Thực tế, trẻ tự kỷ thường không có cảm xúc với người xung quanh, thậm chí tránh mặt người lạ. Nhưng đối với TS. Phan Quốc Việt, Khắc Hưng thường xuyên thể hiện tình cảm bằng cả ánh mắt, lời nói và cử chỉ. Đó là thành công to lớn của người thầy vĩ đại. Bên cạnh chế độ ăn uống và tập luyện đặc biệt, hàng ngày, ông Việt truyền động lực cho Hưng bằng những cái ôm chan chứa yêu thương. Đôi khi, chỉ cần nghe vài câu hiệu lệnh ngắn gọn hoặc liếc thấy ánh nhìn của ông, Hưng hiểu ngay ông muốn truyền đạt điều gì.
Vượt ra khỏi không gian chật hẹp, hành trình diệu kỳ của thầy trò Kỷ lục gia gợi mở giải pháp cho những vấn đề lớn trong đời sống: tự kỷ, người cao tuổi, cải cách giáo dục và đào tạo nhân tài. Trên hết, họ thắp lên ánh sáng cho bất cứ ai đang ấp ủ ước mơ. Từ căn phòng xộc xệch, vài trái bóng tennis cũ, không cần bất cứ nguồn lực tài chính nào đáng kể, chỉ bằng phương pháp đơn giản, vui vẻ, lòng nhiệt huyết và tình yêu thương không giới hạn, ước mơ nào cũng có thể vút bay.
Tính riêng trên lãnh thổ Hoa Kỳ, bệnh tự kỷ gây thiệt hại hàng tỷ đô la mỗi năm. Cụ thể, các nhà nghiên cứu ước tính chi phí hàng năm để hỗ trợ trẻ em và người lớn ở Hoa Kỳ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là từ 236 tỷ USD đến 262 tỷ USD.