Tôi yêu Tuy Hòa, tôi nhớ Phú Yên, tôi yêu những con người nơi đó, luôn chân chất tình người. Tôi sẽ sớm trở lại với Tuy Hòa, với Phú Yên.
Tôi đến TP Tuy Hòa lần đầu vào năm 2009 cùng với ba đồng nghiệp trẻ ngành Vật lý hạt nhân. Chúng tôi có nhiệm vụ đi vào Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận để thực hiện đề tài khoa học cấp Bộ “Điều tra, khảo sát điểm cơ sở công nghiệp phát thải Norm và Tenorm. Đề xuất giải pháp quản lý”. Tuy Hòa chỉ là trạm dừng chân của đoàn chúng tôi trên đường từ Bình Định vào Ninh Thuận. TP Tuy Hòa khi ấy vẫn còn là thành phố mang hình hài thị xã vì mới có quyết định nâng cấp từ thị xã lên thành phố được 4 năm. Đường phố, nhà cửa cũ kỹ đầy bụi đường, ẩm thực đường phố thì rất tệ. Thức ăn ngọt lợ đến mức dù rất đói mà chúng tôi cũng không thể ăn hết xuất cơm quán. gowin99 đường phố hồi đó là phong trào hát Karaoke ở các ngã ba, ngã tư đường vào buổi tối, dưới ánh đèn vàng leo lét. Trong đoàn chúng tôi có anh bạn Nguyễn Tất Thành, 22 tuổi có giọng hát khá hay, đã đóng góp vài bài và được đám đông nhiệt liệt cổ vũ – người Tuy Hòa vô tư đến dễ thương. Kỷ niệm về Tuy Hòa trong lần đầu được đến ở tôi có lẽ chỉ có vậy.
Với Phú Yên thì khi xe chở chúng tôi đi qua đèo Cả đến sang Khánh Hòa, tôi đã choáng ngợp khi được nhìn thấy quang cảnh Vũng Rô, Vũng Rô đẹp đến nghẹt thở trong ánh nắng mai. Cái tên Vũng Rô đã gợi nhớ cho một cựu chiến binh như tôi đến sự kiện Vũng Rô vào tháng 2 năm 1965. Chuyến tàu không số C143 chở 60 tấn vũ khí, khí tài dự kiến cập biển Lộ Diêu, Bình Định nhưng không được nên đã chuyển hướng vào Vũng Rô. Sau khi vũ khí khí tài đã được chuyển gần hết lên bờ thì tàu bị địch phát hiện. Quân Mỹ và lính Việt Nam cộng hòa vây bắt và cố gắng thu giữ hiện vật để phục vụ công tác truyền thông nhưng các chiến sỹ đoàn tàu không số đã tìm cách phá hủy tàu. Do tàu bị lật nghiêng không thể phá tàu từ bên trong nên các anh thủy thủ tàu không số đã phải áp 100kg thuốc nổ sát thành tàu kích nổ. Tàu bị vỡ làm hai và chìm xuống biển Vũng Rô. Tuy nhiên, Mỹ, ngụy cũng thu gom một số tang vật mang về Sài Gòn để triển lãm. Báo chí quốc tế lần đầu tiên biết được đường mòn trên biển, đoàn tàu không số của quân giải phóng miền Nam. Thật ra, trước đó vào ngày 28 tháng 11 năm 1964, chuyến tàu tàu không số đầu tiên, tàu 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và 18 cán bộ, thủy thủ chở 63 tấn khí tài từ Hạ Long, Quảng Ninh đã cập bến và bốc hàng an toàn ở Vũng Rô.
Nghe tin tôi có chuyến vào giảng bài ở Nha Trang từ 18 – 24 tháng 7 năm 2023, anh Nguyễn Ngọc Thái đang sống ở Tuy Hòa mời tôi ghé thăm Tuy Hòa một chuyến. Qua thông tin đại chúng, tôi cũng đã biết thêm Tuy Hòa có những thắng cảnh, địa danh khá nổi tiếng như Gành Đá Đĩa, Tháp Nhạn, nhà thờ Măng Lăng, Mũi Điện – Hải đăng Đại Lãnh, Đầm Ô Loan... Qua phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được xây dựng theo truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một địa danh khác nằm ở phía Bắc Tuy Hòa gần đây cũng thu hút nhiều sự quan tâm của lớp trẻ, đó là Bãi Xép. Do thời gian eo hẹp, tôi dự định thuê một chuyến xe con từ Nha Trang đi thăm Tuy Hòa rồi trở về lại Nha Trang trong ngày. Tôi nhắn tin cho anh Thái thì anh Thái nhắn tin trả lời, khuyên tôi nên dành cho Tuy Hòa một chuyến thăm tối thiểu hai ngày một đêm để anh ấy có thể đưa tôi đi thăm một vài nơi là địa danh du lịch nổi tiếng của Tuy Hòa, Phú Yên. Sau khi cân nhắc và hỏi thêm lễ tân khách sạn ở Nha Trang, tôi và cộng sự đã quyết định hủy bỏ kế hoạch thăm một số nơi ở Nha Trang mà thay vào đó sẽ dành hai ngày cuối để đi thăm Tuy Hòa. Trong vòng 30 phút, tôi đã nhờ lễ tân khách sạn ở Nha Trang đặt mua vé tàu hỏa khứ hồi Nha Trang – Tuy Hòa. Tàu đường sắt thống nhất SE10 chỉ còn vé giường nằm tầng 3 khoang 6 giường, SE11 còn vé giường tầng 1 khoang 4 giường. Thời gian tàu đi từ Nha Trang đến Tuy Hòa chỉ mất 2 giờ 30 phút, tàu đi khởi hành lúc 5 giờ 30 phút sáng, tàu về khởi hành lúc 15 giờ ngày hôm sau rất thuận lợi cho chuyến đi của chúng tôi. Anh Thái được tôi nhắn tin về quyết định sẽ thăm Tuy Hòa hai ngày một đêm liền nhắn tin trả lời “Tuyệt vời!” – người Tuy Hòa hay thật, rất thích bị làm phiền.
Chúng tôi ra ga Nha Trang lúc 5 giờ thì nhận được thông báo tàu đến ga chậm 1 giờ, vậy là mất công dậy sớm, nhưng cũng thật may là chụp được bức ảnh ga Nha Trang gần như trong trí tưởng tượng của tôi. Ga Nha Trang được xây dựng từ năm 1936, đã từng là được đánh giá là nhà ga xe lửa đẹp thứ nhì Đông Dương (chỉ xếp sau ga Đà Lạt). Thật may là cho đến nay nhà ga Nha Trang vẫn giữ được kiến trúc Pháp, khá đẹp và ấn tượng. Khi bước xuống nhà ga Tuy Hòa, tôi cũng nhìn thấy một kiến trúc nhà ga tương tự mà các nhà ga phía Bắc tôi chưa hề thấy. Đó có lẽ là may mắn đầu tiên của tôi cho chuyến trở lại Tuy Hòa, Phú Yên lần này. Cả hai nhà ga khá xưa đó đã làm tôi chợt nhớ đến bài thơ “Những bóng người trên sân ga” của nhà thơ Nguyễn Bính:
….
“Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.
….
Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.”…
Tôi từng đi xe lửa Hà Nội – TP HCM nhiều lần, đã từng xuống các ga Vinh, Nam Định.. nhưng chưa lần nào có người hẹn đón tôi. Lần này mặc dù chỉ đi từ ga Nha Trang ra Ga Tuy Hòa, 117km nhưng lại có người dứt khoát hẹn đón – thật xúc động.
Hơn 9 giờ sáng, tôi và cộng sự ra khỏi cửa ga Tuy Hòa đã thấy anh Nguyễn Ngọc Thái và một phụ nữ với hai xe máy chờ đón bọn tôi. Tàu chậm 1 giờ, và hai anh chị đã chờ chúng tôi từ sáng, cám ơn tấm lòng người Tuy Hòa, cám ơn anh Thái và chị Hồng Loan. Anh Thái và chị Hồng Loan đưa hai chúng tôi về khách sạn để thả hành lý rồi đưa chúng tôi đi ăn sáng. Bữa sáng anh Thái chiêu đãi chúng tôi ở Tuy Hòa là món cháo hàu. Cháo hàu tôi đã được thưởng thức ở Vũng Tàu, Quảng Ninh, TP. HCM, Nha Trang, Đà Nẵng… nhưng thú thật không đâu ngon bằng cháo hàu Tuy Hòa. Cái vị ngọt thanh, tươi ngon đọng lại ở cuống lưỡi làm người ăn không thể dừng tay vét sạch bát cháo và tiếc rẻ không ăn thêm được bát thứ hai, vì quá no. Món ăn phụ là những chiếc bánh đa mỏng, nhỏ bằng cái đĩa con được nướng dòn, chấm nước mắm nhĩ Tuy Hòa (theo tư vẫn của cộng sự tôi) rồi nhẩn nha nhai cũng thật tuyệt vời. Buổi tối hôm đó chúng tôi được mời thưởng thức sashimi cá ngừ và món mắt cá ngừ “thần thánh”, bốn người ăn no chỉ hết 500 nghìn đồng, liệu có nơi nào ăn hải sản vừa ngon vừa rẻ như ở Tuy Hòa? Sáng hôm sau trước khi đưa hai du khách đi tăm Tháp Nhạn, hai chúng tôi được anh Thái, chị Hồng Loan mời thưởng thức món “Bánh hỏi lòng heo”, không đệ nhất cũng là đệ nhị món ngon của Tuy Hòa. Sau ba bữa ăn bình dân ở Tuy Hòa, những ấn tượng cũ về ẩm thực Tuy Hòa trong tôi đã thực sự biến mất. Giờ đây tôi đang sắp xếp một chuyến đi Tuy Hòa, Phú Yên tiếp theo để khám phá những địa danh nổi tiếng của xứ sở “Hoa vàng trên cỏ xanh” mà tôi chưa được đặt chân đến và cũng là để đã thèm về ẩm thực tuyệt ngon của Tuy Hòa, Phú Yên.
Đã nhiều năm tôi không đi phượt bằng xe máy, nhưng lần này ra Tuy Hòa tôi và cộng sự buộc phải ngồi đằng sau xe máy của hai anh chị Thái, Loan đi phượt hơn 50km một chiều. mặc dù tôi đề nghị anh Thái để tôi thuê xe ô tô đi cho an toàn nhưng anh Thái nói chỉ đi xe máy mới thấy hết vẻ đẹp các thắng cảnh ở Tuy Hòa nên chúng tôi đành liều. Thật may, mọi con đường ở TP Tuy Hòa đều được trải thảm nhựa mới tinh, đường quốc lộ 1A cũng vậy. Xe cộ giao thông trên đường không nhiều nên mặc dù xe máy luôn chạy khoảng 60km trên giờ nhưng chúng tôi vẫn thấy ổn mặc dù khi xuống xe tôi thấy hai mông ê ẩm, chỉ có “hai tay lái” vẫn thấy vô tư – rất đáng nể phục.
Địa danh đầu tiên chúng tôi được đến thăm nằm cách Tuy Hòa hơn 50 km về phía Bắc, “Nhất Tự Sơn”, một hòn đảo nhỏ nằm gần bờ. Đường ra đảo khi nước triều lên vào buổi tối sẽ chìm xuống mặt nước biển và sẽ nổi dần lên khi thủy triều rút vào giữa trưa. Lớp trẻ thích sống ảo chắc sẽ thích nơi đây với trời biển mênh mông, luôn xanh ngắt và nhiều nơi “check in” thú vị. Trên đường quay về Tuy Hòa vào buổi chiều, chúng tôi ghé thăm cầu ông Cọp, một cây cầu có chiều rộng hơn 1 mét, bắc qua cửa sông. Cầu được làm bằng tre, gỗ, kết cấu đơn giản, chỉ cho người đi bộ và xe máy đi qua. Do kết cấu không vững chắc nên mỗi mùa lũ quét cầu thường bị cuốn trôi một phần, hết mùa lũ cầu lại được nhân dân trong vùng góp sức dựng lại. Chính vì sự độc đáo đó và phong cảnh xung quanh khá đẹp nên nhiều khách du lịch muốn đến thăm cầu ông Cọp, và tốt nhất là đi bằng xe máy. Chúng tôi đi xe máy qua cầu ông Cọp để đi thăm Gành Đá Đĩa nổi tiếng của Phú Yên. Sự nổi tiếng của Gành Đá Đĩa Phú Yên đủ để tôi không phải giới thiệu thêm, chỉ cần trưng ảnh chụp ở nơi đó để khẳng định. Phú Yên có chính sách rất hay, ai là người Phú Yên thì miễn phí tham quan Gành Đá Đĩa, vé cho khách du lịch là 20 nghìn đồng trên một người.
Buổi tối, anh chị Thái, Loan đưa chúng tôi ra ngắm Tháp Nghinh Phong, một kiến trúc có tính biểu tượng của Tuy Hòa nằm trên khuôn viên quảng trường rộng khoảng 800m2 cạnh biển, ở trung tâm thành phố. Mặc dù Tháp Nghinh Phong nghe nói được kiến trúc sư thiết kế dựa trên ý tưởng sự tích trăm trứng của Lạc Long Quân, Âu Cơ, nhưng Tháp không ấn tượng với tôi lắm. Tôi thấy kiến trúc Tháp Nghinh Phong na ná kiến trúc cổng trời ở nhiều khu du lịch ở Indonesia cũng như ở nước ta, chỉ để phục vụ khách du lịch chụp ảnh.
Buổi sáng hôm sau, chúng tôi đươc đi thăm Tháp Nhạn, ngay gần trung tâm TP Tuy Hòa. Tháp Nhạn là một kiến trúc của người Chăm vào thế kỷ thứ 12 với chiều cao khoảng 24m, nằm trên ngọn núi hướng ra biển Đông. Đỉnh của tháp là một tảng đá nguyên khối hình búp sen, biểu tượng Linga của người Chăm. Tháp Nhạn là một tòa tháp hoàn hảo, được bảo quản tốt của nước ta, nghe nói trước kia chim nhạn thường bay về làm tổ ở tháp nên tháp mới có tên là Tháp Nhạn.
Chỉ có một buổi chiều và một buổi sáng mà tôi và cộng sự đã được anh chị Thái, Hồng Loan đưa rong ruổi hơn 140km thăm bốn thắng cảnh nổi tiếng của Phú Yên, thưởng thức những món ăn ngon khó cưỡng của Tuy Hòa. Khó có một chuyến du lịch nào có hiệu quả cao như vậy, khó có hướng dẫn viên du lịch tình nguyện nào có tâm, bỏ nhiều công sức giống như anh Nguyễn Ngọc Thái và chị Hồng Loan đã dành cho chúng tôi. Buổi chiều hai anh chị đưa xe máy tiễn chúng tôi ra ga Tuy Hòa, tàu lại chậm gần 1 giờ và các anh chị vẫn nán lại chờ chúng tôi lên tàu rồi mới rời sân ga – tình nghĩa hơn cả người thân, rất biết ơn hai anh chị, biết ơn những tấm lòng Tuy Hòa, Phú Yên.
Tôi vẫn chưa được đến thăm Vũng Rô, để viết về vùng đất nổi tiếng ấy; tôi chưa được đến Hải đăng Đại Lãnh để được ngắm vùng biển đẹp như tranh. Tôi chưa được đến Bãi Xép nơi có hoa vàng trên cỏ xanh, tôi chưa được tắm biển ở bãi tắm Tuy Hòa, bãi biển Mỹ Á, bãi biển Long Thủy với nước biển xanh trong vắt quanh năm, cát trắng ngút ngàn. Tôi chưa được đặt chân lên núi Chóp Chài, Đầm Ô Loan, chưa được thăm nhà thờ Mằng Lăng với bao câu chuyện đang chờ tôi.
Tôi yêu Tuy Hòa, tôi nhớ Phú Yên, tôi yêu những con người nơi đó, luôn chân chất tình người. Tôi sẽ sớm trở lại với Tuy Hòa, với Phú Yên.
4/8/2023