Pháo ném
Ngày Chủ nhật, mấy đứa hẹn chờ nhau ở thềm nhà thờ Hàng Bột. Đứa nào đến cũng đều thủ theo con dao, có đứa mang theo cả cái cuốc mòn vẹt cụt cả cán.
Đáng ra chúng nó chờ nhảy tàu điện đi nhờ tới Giám nhưng đứa nào cũng sốt ruột nên rủ nhau đi bộ. Cả bọn đi đến tận cái miếu thờ ở cuối Quốc Tử Giám mới thấy tàu điện đang leng keng từ phía vườn hoa Giám đuổi theo.
Băng qua quảng trường Ba Đình, đến đầu đường Cổ Ngư cả bọn rẽ phải, men theo bờ hồ Trúc Bạch đến chỗ doi đất vươn ra lòng hồ. Tại đấy có những ụ đất rất to để làm nơi cho lính Pháp từ trong Thành ra tập bắn.
Nơi đấy về sau là trận địa pháo phòng không rồi thành nhà khách Trúc Bach và nhà hàng Nam Long bây giờ.
Cả lũ lao vào khoét đất tìm đầu đạn vẫn găm trong đấy. Có cái ngắn có cái dài nhưng có cả những đầu đạn đum đum dài thườn thượt.
Những đầu đạn rỉ sét được mang mài trong đất, chỉ một lúc là sáng bóng. Lại mang nó ra mài tiếp ở nền gạch đến khi cái đầu nhọn của viên đạn bị cụt, hở thông với phần đuôi thì mới lấy đinh để ngoáy cho cái đầu đạn sạch bóng cả trong lẫn ngoài.
Chúng tôi làm pháo ném.
Buộc thêm cái lông gà bên cạnh, chọn que diêm có cục thuốc tròn xoe ở đầu nhét vào viên đạn, kéo dần que diêm đến khi có cảm giác khực nhẹ của phần thuốc diêm chạm đáy thì dừng. Lấy thêm que diêm nữa, gạt phần thuốc diêm vào miệng pháo rồi xé tiếp một mảnh giấy đánh lửa bên cạnh bao diêm nhét trùm lên, ấn chặt xuống đáy là xong công đoạn nhồi thuốc.
Kim hỏa là cái đinh to vừa với lòng viên đạn được mài phẳng đầu nhọn. Càng phẳng càng tốt vì như thế sẽ áp được cả tiết diện đầu đinh lên khối thuốc diêm lèn chặt phía dưới.
Đầu pháo ném có đoạn dây cao su buộc chiếc đinh gắn chặt với đầu đạn để khi tung lên cao đinh không bị rơi ra.
Thềm nhà thờ Hàng Bột hoặc vỉa hè trước nhà hộ sinh bà Quế ở đầu Phan Văn Trị là chỗ ném pháo sướng nhất. Thằng nào ném kém thì khi pháo rơi cũng chỉ xuống khoảng sân gạch rộng lớn phía dưới, đen lắm mới có thằng ném rơi vào chỗ mạch gạch hở trơ đất thì pháo bị xịt.
Pháo ném đầu đạn đum đum nổ to nhất nhưng tốn diêm, gấp đôi so với các loại đầu đạn thường.
Mỗi khi thấy cả bọn đang lăm lăm những chiếc pháo tự tạo chực ném thì ai cũng phải tránh xa lũ này.
Từ trên trời rơi xuống cái đầu đạn cùng cái đinh to buộc theo, lại nổ tóe lửa thì chẳng ai dại mà dây với đám trẻ hiếu động này.
Đến nay nhớ lại những trò nghịch ngợm thủa xưa, mình vẫn không nhớ nó thuộc những năm nào của Hà Nội?
Đánh khăng
Có đứa hô “Chạy đi chúng mày ơi”, thế là đám trẻ vứt hết đồ chơi chạy tán loạn vào ngõ Văn Hương gần đấy. Riêng đám chơi khăng còn chạy tít vào hồ Đỗ Lợi đến khi người nhà vào tìm mới chịu ra.
Lúc đánh khăng trên vỉa hè, con khăng văng làm ngã một ông đang đi xe đạp. Người không sao nhưng cái áo bị rách ở khuỷu tay nên mấy bà hàng phố phải góp tiền để đền.
Hồi đấy vỉa hè trước nhà tôi ở Hàng Bột rộng lắm. Từ cửa ra đường dài hơn chục mét nên bọn trẻ đều rủ nhau ra đấy chơi. Nhóm chơi bi, đánh đáo hoặc ô ăn quan. Riêng bọn tôi chơi đánh khăng.
Nó đơn giản lắm.
Có khúc gỗ tròn cầm vừa tay dài khoảng 40 cm gọi là cái và khúc gỗ nhỏ và ngắn hơn, khoảng 15 cm, gọi là con. Cái và con có khi đẽo từ củi, có khi chặt từ một cành cây.
Khoét một lỗ dài dưới đất để đặt con nằm ngang lỗ rồi dùng cái hất đi thật xa. Lỗ này được gọi là lò, do chính cái gậy xoi đất để làm.
Chơi món này rất tiện, hai đứa cũng được mà nhiều đứa cũng chẳng sao.
Đánh khăng có nhiều nấc.
Đầu tiên là Cầy. Đặt con khăng nằm ngang miệng lò, lấy cái khăng hất đi thật xa, càng xa càng tốt. Nếu đứa nào bắt được, đứa đấy lại được quyền cầm cái đánh khăng thay đứa vừa bị thua.
Sang nấc hai là Mắm. Đứa chơi chỉ được cầm cả cái lẫn con bằng một tay, tung con lên rồi dùng cái đánh ra xa. Cái này khó nên nhiều đứa bị đánh hụt vào không khí.
Nấc cuối cùng, cảnh giới cao nhất của cuộc chơi là Gà. Con khăng được đặt bập bênh ở thành lỗ. Đứa chơi dùng đầu cái đánh nhẹ cho con bật lên rồi đánh tiếp khi con khăng đang xoay tròn trên không. Nếu đánh trúng thì cũng không biết con khăng sẽ bay đi đâu vì không đứa nào đủ trình để tính toán cho cái đánh giữa thân con. Lắm đứa vì cố cứu, nhoài người hết cỡ để đánh nên ngã dập mồm.
Ở mỗi lượt chơi đều có đứa ghi điểm. Nếu không ai bắt được con khăng thì đứa ghi điểm sẽ dùng cái khăng đo từ lò đến chỗ con khăng rơi. Cả bọn cùng theo để đếm và thỉnh thoảng nhắc trọng tài phải áp cái khăng xuống sát mặt đất mới được trở đầu để đo tiếp. Không cảnh giác, nó thông đồng với thằng đánh mà quay nhanh cái khi không thèm chạm đất thì ai mà lại được với bọn nó.
Đứa cản phải bắt được con khăng trên không mới được tính là thắng. Nếu con khăng chạm đất nảy lên mới bắt được thì luật cho người bắt được nhảy ba bước về hướng lò. Nhảy đến đâu được tính là lần chạm của con khăng ở đấy. Nếu ba bước nhảy vượt qua vạch ngang dài cách khoảng 2 mét trước lò thì coi như người đánh chưa vượt qua vạch.
Cái trò này đòi hỏi phải bản lĩnh, tinh mắt và nhanh tay. Có những đứa cả đời không qua nổi vòng Mắm của môn đánh khăng. Cố hết sức bọn nó cũng chỉ qua được lần Khấc đầu tiên để chọn đứa đi trước. Khấc là dùng cái để tâng con khăng nhiều lần. Đứa nào khấc nhiều lần đứa ấy đi trước. Có lần cả bọn chỉ thi Khấc với nhau. Có những đứa cực mả, không thèm khấc theo chiều con nằm ngang mà dựng đứng con khăng lên để khấc. Thậm chí nó còn đỡ con đong đưa trên cái như làm xiếc.
Thắng trận đánh khăng, được bọn cùng chơi cõng mình trên lưng, cảm giác ấy chắc cũng tương tự như cảm giác của Napoleon khi ca khúc khải hoàn!
Chơi bi
Riêng về chơi bi thì phải khẳng định luôn, nó không những là trò chơi dân gian mà nó còn là của dân trên khắp thế gian. Từ 3000 năm trước công nguyên, trong đồ tùy táng cho trẻ con Ai Cập người ta đã thấy có những viên bi làm bằng đá và đất nung. Trong lễ hội Satumalia thời La-mã cổ đại, chơi bi ( với tên gọi là “nuts”) là trò chơi được nhiều người ưa thích nhất.
Ngày nay tại Mỹ, hàng năm họ vẫn tổ chức Giải vô địch quốc gia môn bắn bi. Họ đặt 13 viên bi theo hình chữ thập giữa vòng tròn. Đứng từ vạch của mình bắn sang vạch đối phương, ai có bi gần vạch hơn người đấy được quyền bắn trước. Bi được bắn từ ngoài vòng tròn, đẩy được bi ở trong ra ngoài mà bi cái vẫn trong vòng tròn thì ăn viên bi đấy và được tiếp tục bắn. Nếu trượt thì bị mất lượt và người sau được quyền bắn cả bi cái của đối phương nếu vẫn ở trong vòng tròn. Ai ăn nhiều bi là người đó thắng.
Ở châu Âu lại hay khoét hai lỗ cách nhau khoảng 6m. Người chơi bắn tọt vào lỗ của đối phương thì giành quyền đi trước, bắn ba viên bi xếp hình tam giác ở lỗ đối diện. Cứ bắn trúng là ăn.
Ở Đông Á họ lại khoét 5 lỗ. 4 lỗ hình vuông cách nhau 1,5m và một lỗ ở chính giữa. Từ lỗ ở góc hình vuông, người chơi bắn bi dừng ở lỗ giữa, rồi bắn vào lỗ ở góc theo chiều tay phải. Nếu bi dừng đúng lỗ, lại bắn tiếp vào lỗ trung tâm, rồi lại từ lỗ trung tâm sang lỗ kế tiếp. Trọn một chu trình đó mới được bắn bi của người khác đang mắc kẹt trên mặt đất do chưa dừng đúng lỗ. Bi của ai bị bắn, người đấy bị loại.
Việt Nam mình phong phú hơn nhiều về hình thức chơi bi. Mỗi vùng miền lại có một số biến thể khác nhau nhưng có hai cách chính để chơi :
Bi lỗ : Dồn bi của mọi người chơi vào cái lỗ nông đường kính khoảng 20-30 cm. Cũng chọn người đi đầu bằng cách bắn đến vạch. Người thắng dùng bi cái bắn mạnh vào bi trong lỗ. Bi bị văng ra cùng với bi cái thì người chơi được quyền đi tiếp đến khi bi cái của mình bị mắc kẹt trong lỗ thì mất lượt. Để lấy bi cái về, người chơi phải mất từ 1 đến 2 viên bi thế vào theo giao ước lúc đầu trận. cứ thế đánh đến khi trong lỗ hết sạch bi và số bi ăn được, của ai thuộc về người đó.
Bi hào : Vẽ hai vạch song song cách nhau khoảng 2 m. Một vạch giới hạn điểm bắn bi và một vạch đích được vẽ thêm một hình chữ nhật khoảng 20 x 10 cm gọi là tương. Bắn bi cho lăn vào tương, ai gần vạch đích hơn được xếp trên trong lượt bắn bi. Lúc đó những người chơi góp một số bi bằng nhau vào tương để bắn. Bắn được viên nào ăn luôn viên đó và nếu bi cái vẫn ở trong tương lại được thưởng gấp đôi. Cũng kiểu bắn trúng là ăn nên có nơi không cần kẻ vạch làm tương. Họ vẽ một hình bất kỳ rồi góp bi đặt vào trong đấy. Sau khi oản tù tì là lúc các người chơi ngắm nghía để chọn mục tiêu và hướng bắn.
Con gái hay chơi bi gẩy (hoặc khía-đùng). Góp bi của cả bọn rồi tãi đều trên đất, oản tù tì chọn đứa chơi đầu.
Khi chơi phải dùng ngón tay khía khoảng trống giữa hai viên bi. Chạm tay là mất lượt. Khía xong, dùng ngón tay gẩy cho hai viên bi chạm nhau là đùng (tức được ăn).
Chơi bi gẩy không nhất thiết phải là bi tròn. Hạt nhãn, sỏi tròn hoặc những viên đá nhỏ cũng đều được sử dụng trong trò chơi này.
Bi thủy tinh gọi là bi ve, trong suốt và nở múi màu trong lòng bi rất đẹp. Số bi này còn lại từ thời Pháp chứ công nghệ Việt Nam thời bấy giờ chưa sản xuất được.
Cũng có bi sành là những hòn đất viên tròn đem nung. Loại này người chơi không thích vì nó nhẹ. Bắn khẽ đã nảy tưng tưng.
Nhà tôi ở Hàng Bột có đường tàu điện chạy qua. Đá đường tàu được chúng tôi ghè đẽo rồi mài cho tương đối. Sau đấy kiếm vỏ ốc nhồi, mài thủng lỗ rồi đưa bi vào xoay. Luôn có chậu nước bên cạnh để thỉnh thoảng nhúng cả ốc cả đá vào cho dễ xoay. Mỗi viên bi phải tốn đến hàng chục vỏ ốc mới xoay tròn xong. Nếu cầu kỳ chọn loại đá đen thì còn tốn nhiều công hơn nữa. Cũng có đứa lấy hai cái lọ Penecilin để mài. Cũng được nhưng hơi lâu.
Tiếc cho lứa bọn tôi hồi đấy không biết Mỹ có giải bắn bi. Nếu đi thi chắc có đứa sẽ lĩnh giải vì nó bắn rất mả. Xỉa phát nào cũng trúng. Thậm chí khi ốt tô để bắn, nó vẫn ăn bi như không.
Chuyện làng quê