Vượt sông bằng sức mạnh ...
Trở lại với diễn biến chiến trường K những ngày đầu năm 1979: Sau khi tuyến phòng thủ Mặt trận đường 7 của quân Polpot ở phía Đông thị xã Kampong Chàm bị phá vỡ, tàn quân Khmer Đỏ buộc phải rút lui.
Lũ đầu sỏ của tập đoàn Polpot biết rằng nếu để Quân đoàn 3 và các lực lượng khác của Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục phát triển tiến công, không sớm thì muộn con đường số 6 - con đường rút chạy của chúng về hướng biên giới Thái Lan - sẽ bị cắt đứt.
Vì vậy, để giữ lại con đường tháo lui, Polpot đã chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Khmer Đỏ là Son Sen tập trung lực lượng về hướng thị xã Kampong Chàm, gấp rút lập phòng tuyến để chặn đứng cuộc tiến công của ta ở đây.
Ngay trong ngày 04/01/1979, Son Sen và Bộ Tổng Tham mưu của hắn đã đưa 2.000 quân cùng nhiều vũ khí, súng đạn đến bờ tây sông Mekong, ở thị xã Kampong Chàm để lập tuyến phòng thủ mới.
Lực lượng địch phòng ngự khu vực thị xã Kampong Chàm lúc này có Sư đoàn 520, thêm 2.000 quân tăng cường, và tàn quân địch ở các nơi khác chạy về. Quân Khmer Đỏ còn bắt thêm 700 người dân, trang bị vũ khí để gia tăng quân số.
Thị xã Kampong Chàm lúc này trở thành một cứ điểm quân sự lớn của địch. Để ngăn chặn cuộc tiến công vượt sông của ta, quân Khmer Đỏ đã tung ra một lực lượng, liên tục theo dõi giám sát mặt sông.
Phòng tuyến của địch được xây dựng khá vững chắc, kéo dài tới 20km dọc theo suốt bờ sông phía tây thị xã Kampong Chàm, với hơn 500 ụ súng, công sự, hỏa điểm.
Các hỏa điểm được bố trí các loại vũ khí tương đối mạnh như súng ĐKZ, súng cối 60mm, súng máy 12,7mm, súng đại liên, B40, B41, M79 …
Phía sau các ụ súng, công sự, và hỏa điểm, là tuyến hào dài chạy dọc theo bờ sông. Dưới mép sông chúng gài mìn và lựu đạn.
Phía sau phòng tuyến, tại các ngã ba, ngã tư, địch có cả xe tăng và xe bọc thép chốt chặn.
Với lực lượng đông, hỏa lực mạnh, có công sự vững chắc, lại được ngăn cách bởi một con sông rộng tới hơn 1km, Son Sen và các cấp chỉ huy quân Khmer Đỏ tin tưởng rằng chúng sẽ chặn đứng được cuộc tiến công của ta.
Với lực lượng địch phòng thủ đông như vậy, lại phải vượt sông, bên tấn công phải sử dụng binh lực tối thiểu là 3 sư đoàn.
Nhưng trên thế thắng như chẻ tre của Quân tình nguyện Việt Nam trên Chiến trường K, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã giao cho Sư đoàn bộ binh 320 (được tăng cường binh khí kĩ thuật) thực hiện vượt sông bằng sức mạnh.
Trong lúc này, trên các hướng tấn công khác của toàn mặt trận, Quân tình nguyện Việt Nam cũng thu được nhiều kết quả: Các mũi tiến công của Quân đoàn 4 và Quân khu 7 đã phá vỡ các phòng tuyến của địch. Những mũi tên đỏ trên bản đồ chỉ huy đều đang nhích dần về hướng Phnom Penh.
Nhưng nếu như Quân đoàn 3 không thể thọc về sào huyệt của chế độ Polpot, khép chặt vòng vây, thì sẽ chừa ra một hướng rút chạy cho tập đoàn Polpot. Trách nhiệm này đè nặng lên vai Sư đoàn 320.
Vì vậy, trận vượt sông đánh chiếm thị xã Kampong Chàm có ý nghĩa chiến lược, quyết định toàn bộ hướng phát triển của mặt trận: Nếu Sư đoàn bộ binh 320 không thành công thì toàn bộ đội hình của Quân đoàn 3 không có cách nào tiến về giải phóng Phnom Penh.
Hiểu rõ tầm quan trọng của trận đánh, Quân đoàn 3 đã tập trung một khối lượng hỏa lực và phương tiện kĩ thuật tăng cường cho Sư đoàn 320 hoàn thành nhiệm vụ:
Ngoài hỏa lực có trong biên chế, Sư đoàn được Quân đoàn tăng cường 6 khẩu pháo 155mm, 4 khẩu pháo 105mm, 4 khẩu pháo cao xạ 57mm, 4 khẩu pháo cao xạ 37mm, 4 xe tăng T-54, 6 xe tăng lội nước PT-76.
Bảo đảm vượt sông cho Sư đoàn 320 là Lữ đoàn công binh 249 - đơn vị dự bị chiến lược của Bộ Quốc phòng. Đích thân đồng chí Lê Minh - Tham mưu trưởng Quân đoàn trực tiếp cùng ban chỉ huy Sư đoàn 320 chỉ huy trận đánh.
Về phía Sư đoàn bộ binh 320, ngay sau khi thực hiện xong giai đoạn 1 của chiến dịch A88, đồng chí Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến đã giao Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48 đánh chiếm ngay bến phà phía Đông Kampong Chàm để tạo thế, chuẩn bị vượt sông.
Suốt từ ngày 01 đến ngày 04/01/1979, địch liên tiếp dùng pháo binh bắn phá, và xua quân tấn công nhằm tiêu diệt Tiểu đoàn 1, chiếm lại bến phà, "xóa bàn đạp" của quân ta.
Trong tình thế bị áp đảo về quân số, hỏa lực địch cày nát các công sự, hầm hố, nhưng các chiến sĩ của Tiểu đoàn 1 vẫn kiên cường chiến đấu, đánh lui tất cả các đợt phản kích của địch , giữ vững được trận địa.
Trưa ngày 4/1/1979, Tư lệnh Quân đoàn 3 Kim Tuấn chính thức giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 320: Nhanh chóng tổ chức vượt sông Mekong, giải phóng thị xã Kampong Chàm, mở đường cho lực lượng Sư đoàn 10 tiến về giải phóng thủ đô Phnom Penh.
Ban đầu, thời gian tấn công Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 giao cho Sư đoàn 320 là "ngay trong đêm ngày 04 rạng ngày 05/01/1979, Sư đoàn phải tổ chức vượt sông".
Tuy nhiên, để chuẩn bị cho một trận đánh cấp sư đoàn trên một địa hình khó khăn, phải vượt con sông rộng đến hơn 1km, có quân địch phòng ngự khá mạnh, thì thời gian chuẩn bị chỉ có một đêm là quá ngắn.
Vì vậy, đến 20 giờ đêm ngày 04/01/1979, thời gian vượt sông tấn công được thay đổi, chuyển sang đêm ngày 05 rạng ngày 06/01/1979.
Thời gian lúc này chính là lực lượng. Tận dụng từng phút, từng giây, suốt chiều ngày 04 và cả ngày 05/01/1979, toàn Sư đoàn khẩn trương bắt tay vào làm công tác chuẩn bị.
Ngay trong đêm ngày 04/01, lợi dụng ánh sáng đèn dù của địch, các đồng chí Tham mưu trưởng Quân đoàn Lê Minh, Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 Vũ Cối, cùng cán bộ tác chiến, công binh, trinh sát của Sư đoàn, của Trung đoàn 64, và Lữ đoàn công binh 249 đã ra tận bờ sông Mekong khảo sát, nghiên cứu địa hình, tình hình địch.
Sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng, Sư đoàn 320 quyết định sử dụng hai phương án vượt sông:
Phương án thứ nhất: Dùng một lực lượng bí mật vượt sông đánh chiếm bàn đạp, sau khi lực lượng này chiếm được bàn đạp thì nhanh chóng đưa lực lượng tiếp theo vượt sông.
Phương án thứ hai: Nếu phương án thứ nhất không thực hiện được thì tổ chức vượt sông bằng sức mạnh.
Lực lượng chủ yếu vượt sông sẽ là Trung đoàn bộ binh 64, chia làm hai tuyến vượt:
Tuyến vượt chủ yếu do Tiểu đoàn 7 đảm nhiệm, tại bến phà chính ở thị xã Kampong Chàm.
Tuyến vượt thứ hai do Tiểu đoàn 9 đảm nhiệm ở khu vực thượng lưu, cách bến vượt của Tiểu đoàn 7 chừng 2km. Tuyến vượt này nhằm phân tán lực lượng địch, hỗ trợ cho tuyến vượt chính của Tiểu đoàn 7.
Đồng chí Tham mưu phó Trung đoàn 64 Khuất Duy Hoan đi trực tiếp chỉ đạo mũi tấn công vượt sông. Có thể nói, đây là một trận đánh cảm tử để mở đường cho đồng đội tiến lên của Sư đoàn 320.
Trong đêm ngày 05/01/1979, bất chấp hỏa lực của địch ở bên kia sông bắn sang liên tục, các đơn vị của ta vẫn bí mật tiến ra bờ sông triển khai đội hình tấn công.
Công binh đưa các xuồng máy xuống mép sông. Xe tăng, các loại pháo mặt đất 105mm, pháo cao xạ 57mm, 37mm cũng được đưa ra tận bờ sông, lập trận địa, sẵn sàng nhả đạn.
4h30 ngày 06/01/1979, dù trời còn tối, nhưng lợi dụng ánh đèn pháo sáng của địch, đồng chí Khuất Duy Hoan tổ chức thực hiện phương án vượt sông bí mật.
4 chiếc xuồng máy của Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, mỗi chiếc chở theo một trung đội bộ binh, cùng bộ phận hỏa lực của tiểu đoàn nổ máy rất nhẹ để âm thầm qua sông.
Tuy nhiên ra gần đến giữa sông thì quân ta bị địch phát hiện, chúng dùng hỏa lực bắn rất dữ dội vào đội hình. Chiếc xuồng máy đi đầu trúng đạn, gần chục chiến sĩ thương vong.
Bộ đội ta không hề hoảng loạn, vừa đánh trả địch, vừa cấp cứu thương binh, vừa cởi áo, quần bịt lỗ thủng, ngăn nước không cho chảy vào.
Nhận thấy yếu tố bí mật không còn nữa, Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến quyết định cho các xuồng máy của Đại đội 9 quay về bờ, đồng thời báo cáo Quân đoàn đề nghị chuyển sang phương án hai: Vượt sông bằng sức mạnh!
Đồng chí Phó Tư lệnh Quân đoàn Nguyễn Quốc Thước (được giao theo dõi, chỉ đạo trận đánh) nhất trí cao với đề xuất của Sư đoàn 320.
... mở toang cánh cửa vào Phnom Penh!
5h45 ngày 06/01/1979, Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến phát lệnh khai hỏa: Các trận địa hỏa lực của ta từ bờ đông sông Mekong đồng loạt nã những quả đạn chính xác vào quân địch ở bên kia sông.
Ngay cả pháo phòng không 37mm và 57mm cũng được lệnh hạ nòng bắn thẳng sang bờ bên kia. Những chiếc xe tăng T-54 như những con "cua thép", lầm lũi tiến ra sát mép nước, đĩnh đạc dùng pháo tăng 100mm bắn vào công sự địch ở bờ sông.
Đứng tại chỗ bắn nên những chiếc T-54 khai hỏa rất chuẩn xác, cứ mỗi phát bắn là một hỏa điểm của quân Khmer Đỏ tắt lịm.
•
•
Có thể nói hiếm có trận đánh vượt sông nào của ta lại tập trung được mật độ hỏa lực lớn như vậy. Màn hỏa lực phủ đầu của ta đã gây tổn thất lớn cho địch: Nhiều trận địa pháo của chúng bị phá hủy, nhiều ụ súng, hỏa điểm bị xóa sổ, các công sự, hầm hào bị tổn thất …
Phía trong thị xã, một kho đạn lớn của địch phát nổ kinh hoàng, một kho xăng cũng bốc cháy, khói đen trùm lên một vùng rộng lớn.
Cả khúc sông vang rền tiếng nổ đinh tai, nhức óc của các cỡ đạn pháo cối. Toàn bộ tuyến phòng thủ của địch chìm trong mịt mù khói lửa. Ba chiếc sà lan của chúng đỗ dưới sông cũng trúng đạn bốc cháy dữ dội.
Đúng 6h30, đạn khói được bắn sang bờ tây để tạo ra một màn "sương" mờ che mắt quân thù. Nhân lúc bọn Khmer Đỏ còn chưa kịp hoàn hồn, quân ta bắt đầu vượt sông Mekong lần thứ hai.
Thay thế cho Đại đội 9, Đại đội 3 của Tiểu đoàn 7 đảm nhiệm lần qua sông này. Đồng chí Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 7 Nguyễn Văn Điều và Đại đội trưởng Đại đội 3 Nguyễn Đức Thại chỉ huy bộ đội đi trên 4 xuồng máy, mở hết tốc lực, dàn đội hình rẽ sóng sông Mekong, thẳng hướng thị xã Kampong Chàm.
Một chiếc xuồng máy vừa chạy được chừng 100m thì chết máy, loay hoay mãi không khắc phục được, bộ đội ta phải dùng tay bơi quay lại vào bờ. Ba chiếc còn lại như những mũi tên xuyên dưới làn đạn địch nhằm thẳng bên kia sông tiến tới.
Càng tiến gần bờ sông phía tây, quân ta càng vấp phải sự chống trả quyết liệt của địch. Hỏa lực ĐKZ, súng cối 60mm, súng máy 12,7mm, súng đại liên của địch từ trên bờ bắn như vãi trấu vào ba chiếc xuồng máy của ta. Cả Sở chỉ huy Sư đoàn và Trung đoàn 64 nín thở, dán mắt vào các ống nhòm theo dõi ba chiếc xuồng máy của đại đội 3.
Chiếc xuồng thứ hai tiến cách bờ chừng 100m thì một chiến sỹ trúng đạn hi sinh, Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Điều cũng bị thương. Nhưng bất chấp hiểm nguy, các xuồng máy của đại đội 3 vẫn dũng mãnh lao thẳng vào bờ.
Khi gần tới bờ, xuồng của đại đội trưởng Thại bị địch bắn thủng, bản thân đồng chí cũng bị thương. Binh nhất Vũ Mạnh Tuấn phải cởi áo để bịt lỗ thủng trên thuyền.
Như vậy là khi chưa đến bờ thì cả hai cán bộ chỉ huy bộ phận vượt sông đầu tiên đều đã bị thương, nhưng các chiến sĩ ta không có ai nao núng, mà chỉ càng thêm quyết tâm trả thù cho đồng đội.
Xuồng máy đã vào gần bờ, vừa tầm các loại hỏa lực của bộ binh ta. Các chiến sĩ đại đội 3 tập trung bắn dữ dội vào quân địch ở vị trí đổ bộ.
Một toán địch định nhảy xuống khe đá sát mép sông, giá súng máy 12,7mm để bắn vào quân ta, nhưng chưa kịp khai hỏa thì đã bị hỏa lực trên xuồng máy của ta tiêu diệt.
Xuồng vừa vào sát bờ, các chiến sỹ đại đội 3 đã ào ạt nhảy xuống mép nước, dùng AK, B40, B41 nhằm thẳng các ụ súng của địch để khai hỏa. Bị đánh mạnh, bọn địch hoảng hốt tháo chạy, không kịp mang theo vũ khí.
Đại đội trưởng Đại đội 3 Nguyễn Đức Thại lấy ngay một khẩu ĐKZ bị địch bỏ lại, quay nòng súng nhằm thẳng lũ Khmer Đỏ đang rút lui, bắn liền 5 quả đạn, diệt gần chục tên.
Chớp thời cơ hỏa điểm địch bị diệt, từ phía bờ sông, Trung đội trưởng Nguyễn Ngọc Phương dẫn trung đội vượt lên, đánh sâu vào phía trong.
Một khẩu đại liên địch đặt sau cây thốt nốt bất ngờ bắn dữ dội vào đội hình trung đội do Phương chỉ huy, làm hai chiến sỹ ngã gục. Đội hình quân ta bị ùn lên, không phát triển tiếp được.
Quyết tiêu diệt hỏa điểm của địch, đồng chí Nguyễn Đình Phùng dùng súng RPD bắn thu hút địch, để Đinh Xuân Khoa mang khẩu B40 bò lên tấn công. Mặc dù đã bị thương, nhưng Khoa vẫn bình tĩnh khai hỏa chính xác, khóa mõm khẩu đại liên địch, mở đường cho trung đội tiếp tục tiến lên.
Ở hướng nam, mặc dù bị thương, Tiểu đoàn phó Điều vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội đánh bật quân địch ở các công sự, chiếm được một số ụ súng. Sau 30 phút chiến đấu, các chiến sỹ đại đội 3 đã chiếm được một khu vực chạy dài 300 m ở bãi đổ bộ.
Sở Chỉ huy tiếp tục mệnh lệnh: Đại đội 3 phải kiên quyết giữ vững bàn đạp, chờ quân ta từ bên kia sông sang tăng cường.
Việc ba chiếc xuồng máy chở các chiến sỹ Đại đội 3 đổ bộ thành công, chiếm được bàn đạp bên kia sông đã làm nức lòng cả Trung đoàn. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Kiều Bảo nhanh chóng tổ chức đưa nốt Đại đội 1 và Đại đội 2 qua sông.
6 chiếc xe tăng lội nước PT-76 của Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 215 phối thuộc cho Sư đoàn cũng lao ầm ầm xuống nước, vừa bơi vừa bắn chi viện cho bộ binh của Tiểu đoàn 7. Các trận địa hỏa lực của ta ở bờ đông lúc này cũng được lệnh chuyển làn bắn sâu vào phía trong.
8h10, toàn bộ đội hình Tiểu đoàn 7 và một số đơn vị tăng cường đã qua được sông. Đơn vị tổ chức đánh chiếm tiếp các mục tiêu phía trong thị xã. Các Tiểu đoàn 8 và 9 của Trung đoàn 64 cũng nhanh chóng được các xuồng máy ào ạt đưa qua sông.
Cảnh tượng vượt sông của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn bộ binh 320 thật hùng tráng, không kém gì các bộ phim chiến tranh! Tiếp sau bộ binh, công binh đưa xe tăng, xe vận tải, cùng nhiều loại hỏa lực ùn ùn kéo qua sông Mekong, tiến vào thị xã.
Tiểu đoàn 8 sau khi vượt sông đã thọc sâu, chia cắt địch thành hai mảng ở phía bắc và phía nam thị xã Kampong Chàm.
Cả ba tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 64 đã cùng xe tăng, xe bọc thép đã nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu còn lại, dồn địch vào các ngõ cụt và mở rộng địa bàn ra các khu vực xung quanh.
10 giờ ngày 06/01/1979, chỉ sau hơn 4 giờ vượt sông tiến công bằng sức mạnh, với sự yểm hộ của hỏa lực pháo binh, công binh, và tăng - thiết giáp, Trung đoàn 64 đã hoàn toàn làm chủ thị xã Kampong Chàm.
Như vậy là trận đánh vượt sông Mekong của Sư đoàn bộ binh 320, Quân đoàn 3 đã kết thúc thắng lợi. Đây là một trận vượt sông thuộc hàng lớn nhất, và mẫu mực bậc nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, thể hiện lòng quả cảm, tinh thần hi sinh, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của người lính quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K.
Nhờ có chiến công này, Sư đoàn bộ binh 10 và các lực lượng tăng cường đã nhanh chóng qua sông, đánh thẳng vào Thủ đô Phnom Penh, cùng các đơn vị bạn đập tan chế độ diệt chủng Polpot, giải phóng cho nhân dân Campuchia!
Trái tim người lính