Nhưng trong thực tế, đã có những trận đánh “phạm quy” lại trở thành bài học kinh nghiệm quý báu đối với người chỉ hủy để dành chiến thắng trên chiến trường. Đó là trận đánh mở màn Chiến dịch xuân hè năm 1972, của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 (Mặt trận B5) lúc 10 giờ 40 phút ngày 30 tháng 3 năm 1972, tại Điểm cao 322 và Điểm cao 288 tiêu diệt Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 56 Ngụy. Trong trận đánh này, khi thời cơ đến Tiểu đoàn 3 buộc phải nổ súng trước giờ G 50 phút và bị coi là“phạm quy”, nhưng lại được đồng chí Thiếu tướng Lê Trọng Tấn - Tư lệnh mặt trận B5 lúc đó biểu dương và khen ngợi”.
TUỔI THƠ LÀM LŨ
Tôi là đứa trẻ mồ côi mẹ từ rất sớm. Mẹ tôi ra đi vào một ngày trời trở rét Nàng Bân khi em tôi mới tròn ba tháng tuổi. Hôm ấy trời đã sáng lâu rồi mà mẹ tôi vẫn nằm im trên chiếc chõng tre đặt ở trong buồng. Tôi đến bên giường nắm tay lay mẹ dậy. Thấy vậy, cha tôi liền chạy đến nói với tôi và rưng rưng nước mắt:
Con ơi, mẹ đã chết rồi!
Tôi òa khóc. Vừa khóc tôi vừa chạy đến bên giường ôm lấy mẹ mà gào thét trong sự đau đớn tột cùng. Tôi còn nhớ hôm ấy là ngày 29 tháng 03 năm 1959, dấu mốc buồn đánh dấu cuộc đời tôi bắt đầu mồ côi mẹ. Mẹ tôi mất đi để lại cho cha tôi một mình nuôi bốn đứa con thơ trong túp lều dột nát ở xóm Bồng Châu, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Để giúp cha tôi nuôi chúng tôi khôn lớn, chị gái mẹ tôi (ở quê tôi thường gọi là Dì) đã đưa em tôi và người anh thứ hai về ở với Dì tại huyện Diễn Châu. Còn tôi và người anh cả thì ở với cha tôi ở huyện Nghĩa Đàn. Cũng từ đó bốn anh em tôi bắt đầu ly tán sống xa nhau.
Gà trống nuôi con trong cảnh đói nghèo, thương hoàn cảnh của cha con tôi, ông Lục Văn Cưởng, người dân tộc Thanh ở xóm Sú đã nhận cha tôi làm con nuôi và đón cha con tôi về ở với gia đình. Từ đó cha con tôi sống trong sự cưu mang đùm bọc của đồng bào dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ. Những năm đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, cha tôi làm giáo viên dạy bình dân học vụ để xóa mù cho nhân dân địa phương. Vì thế cha tôi thường được mọi người gọi bằng cái tên “Thầy Nga” trìu mến. Vì còn nhỏ nên đêm đêm tôi phải theo cha đến lớp học xóa mù mà học sinh có rất nhiều độ tuổi khác nhau. Đã bao đêm chiếc bàn dạy học của cha đưa tôi vào giấc ngủ:
“.Đêm về khuya tuổi thơ cơn buồn ngủ / Thiên đường của con là chiếc bàn cha đặt giáo án giảng bài…” (Cha tôi - Thơ Nguyễn Văn Á).
Mười lăm tuổi, thân hình gầy đen như que củi nhưng anh đầu của tôi đã phải đi làm thuê ở thị trấn Thái Hòa cách nhà 15 cây số. Tháng 8 năm 1964, khi vừa tròn 20 tuổi, anh tôi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ rồi đi B và chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Sau 7 năm trời đi B bặt vô âm tín, cuối năm 1971, anh tôi đột ngột trở về với thương tật đầy người và tấm thẻ thương binh hạng 2/4. Sau này tôi mới biết vào cái ngày anh đầu của tôi là Nguyễn Văn Hà ở huyện Nghĩa Đàn lên đường nhập ngũ, thì ở huyện Diễn Châu, người anh thứ hai của tôi là Nguyễn Văn Châu cũng lên đường đi bộ đội rồi hy sinh tại công trường “Thép Bến Thủy” ở thành phố Vinh, Nghệ An ngày 10 tháng 08 năm 1968.
TIẾNG GỌI TRƯỜNG SƠN
“Trường Sơn ơi trên đường ta qua không một dấu chân người/ Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác/ Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát/ Ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi”…Cảm ơn người nhạc sĩ tài hoa đã viết ra những ca từ chan chứa niềm lạc quan cách mạng của người lính Cụ Hồ trong những năm cả nước “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Ngày ấy, được cầm súng lên đường đánh Mỹ luôn là niềm ao ước của tôi. Vì thế, tháng 7 năm 1971, nhân có đợt tuyển quân của huyện, tôi cùng đám bạn bè đã háo hức lên đường khám nghĩa vụ quân sự. Tôi rất vui khi biết sức khỏe của mình đạt loại A đủ điều kiện lên đường nhập ngũ. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Tuy sức khoẻ loại A nhưng tôi thuộc diện không phải đi bộ đội vì đã có một người anh đang ở chiến trường B và một anh là liệt sĩ. Những ngày ấy tôi ngồi đứng không yên, tôi đã 2 lần viết đơn tình nguyện đi bộ đội gửi chính quyền địa phương nhưng không được chấp nhận. Tôi tiếp tục viết đơn lần thứ ba, rồi cầm đơn đến gặp ông Ngô Ngoạt, Bí thư Đảng ủy xã nằng nặc xin đi cho bằng được. Cuối cùng sự kiên trì của tôi cũng được chấp nhận.
Ngày 15 tháng 8 năm 1971, tại địa điểm giao quân ở bến xe thị trấn Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, có một phóng viên báo Nghệ An đã đến chụp ảnh và phỏng vấn tôi. Mấy ngày sau đó, trên trang nhất báo Nghệ An xuất hiện tấm ảnh của tôi và bài viết “Người ba lần viết đơn đi bộ đội”. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên cái dáng thất thần của cha tôi trong ngày tôi nhập ngũ. Ông lặng lẽ nhìn tôi với hai hàng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt già nua và hốc hác. Tôi ngoảnh mặt quay đi không dám nhìn vào khuôn mặt của cha vì chợt thấy lòng mình chùng xuống. Phút yếu lòng xuất hiện như muốn giữ tôi ở lại với cha tôi, với quê hương nơi từng chôn rau cắt rốn của mình. Ngày lên đường quê tôi đang vào mùa nước lũ con sông Hiếu đục ngầu cuộn đỏ phù sa. Những hạt mưa quất vào mặt rát rạt, cái lạnh làm cho tôi buồn đến thấu xương:
“Thái Hòa ơi ngày em tiễn anh đi/ Mưa dúng dắng níu chân người ở lại/ Biết là chẳng gần nhau được mãi/ Mà giọt buồn lặng níu bờ my”…(Ngày anh đi trong mưa - Thơ Nguyễn Văn Á).
Đêm cuối cùng trước lúc chia tay, Chi đoàn thanh niên nơi tôi sinh hoạt đã tổ chức liên hoan văn nghệ và tặng quà lưu niệm cho sáu anh em chúng tôi ở sân kho hợp tác. Chúng tôi nhận được rất nhiều quà mà phần lớn là sổ tay, bút máy, khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng…những thứ rất cần cho sinh hoạt cá nhân của người chiến sĩ. Trong tất cả các món quà tôi được tặng trong đêm ấy, có một món quà tôi luôn luôn mang nó bên người kể cả khi đi vào trận đánh. Đó là chiếc khăn mùi soa thêu đôi chim bồ câu đang bay trong bầu trời khát vọng kèm theo dòng chữ “Ký ước Minh Huyền”. Chỉ cần đọc những dòng chữ ấy, hẳn các bạn cũng hiểu người con gái tặng tôi chiếc khăn tay muốn nói điều gì. Tôi mang nó bên mình bằng một niềm tin mãnh liệt vào ngày đoàn tụ. Để có món quà em tặng cho tôi. Chúng tôi đã trải qua những tháng ngày yêu nhau có buồn vui lẫn lộn. Mối tình đầu để lại cho tôi nhiều kỉ niệm xen lẫn khổ đau, một vết thương lòng mà thời gian dù là vô tận cũng chẳng thể nào băng bó cho lành.
Tôi được biên chế vào Đại đội 44, Tiểu đoàn 22 huấn luyện quân đi B của Quân khu 4 đóng quân ở xóm Khe Kẽm, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An cách nhà gần 30 cây số. Tại đây, tôi bắt đầu làm quen với nếp sống khoa học “giờ nào việc ấy” của một người lính trong môi trường quân đội. Chúng tôi huấn luyện xạ kích tập bắn súng từ bài 1 đến bài 3, vừa tập chiến thuật lăn, lê, bò, toài, đào công sự dưới làn hỏa lực địch…Vừa tập hành quân mang vác nặng với chiếc ba lô xếp đầy gạch trên vai để rèn luyện sức dẻo dai trên quãng đường hàng chục ki lô mét rồi nâng dần từ thấp lên cao. Không thể nói hết chúng tôi đã vất vả thế nào trong những ngày huấn luyện tân binh với phương châm “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.
Sau ba tháng huấn luyện tân binh, cuối tháng 11 năm 1971, chúng tôi nhận lệnh đi B và được bổ sung vào Đại đội 21 (nay là Đại đội 16), Trung đoàn 27 (Mặt trận B5) đóng quân ở Đội 4, Nông trường Quyết Thắng, Tây Bắc huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, khi đơn vị đang gấp rút chuẩn bị cho Chiến dịch xuân hè năm 1972.
LẬP CÔNG TỪ LẦN ĐẦU RA TRẬN.
Đêm 29 tháng 03 năm 1972, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và Chính trị viên Trần Xuân Gừng, Tiểu đoàn 3 và Đại đội 17 Súng cối 82 ly, Đại đội 21 (nay là Đại đội 16) Súng máy Cao xạ 12,7 ly của Trung đoàn 27 (Mặt trận B5), đã chiếm lĩnh xong trận địa phục kích tại điểm cao 322 và điểm cao 288.
Đúng 7 giờ ngày 30 tháng 03 năm 1972, năm chiếc xe tăng của địch ở quận lỵ Cam Lộ bất ngờ bắn pháo vào trận địa phục kích của Đại đội 2. Ngay sau đó hai chiếc máy bay trực thăng vũ trang H34 (mà chúng tôi thường gọi là máy bay cá lẹp) cũng xuất hiện và bắn pháo khói vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 3 làm cho hai chiến sĩ bị thương. Trước tình huống đó, có người nhận định trận địa phục kích của ta đã bị lộ, đề nghị tiểu đoàn cho ĐKZ và Đại liên nổ súng. Nhưng bằng kinh nghiệm của một người chỉ huy dạn dày trận mạc, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu vẫn bình tĩnh kiểm tra xem xét tình hình rồi rút ra kết luận: “Địch chỉ bắn dọn đường và thăm dò, trận địa phục kích vẫn chưa bị lộ”.
Đúng như phán đoán của ta, vào lúc 9 giờ ta phát hiện có khoảng một tiểu đoàn địch đang hành quân từ phía Cam Lộ lên điểm cao 105 đầu đội hình còn cách trận địa phục kích của Đại đội 1 ở Nam điểm cao 322 khoảng 200m thì dừng lại nghỉ ngơi. Cùng lúc ấy trinh sát Tiểu đoàn 3 cũng phát hiện có một tốp dân gồm cả người già và phụ nữ tay cầm dao đang đi qua trận địa phục kích của Đại đội 1. Tình huống thật bất ngờ, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu lệnh cho Đại đội 1 tuyệt đối giữ bí mật để cho tốp dân tiếp tục vượt qua điểm cao 322. Khi đoàn người đã vượt qua yên ngựa nối điểm cao 322 với điểm cao 288, Chính trị viên Trần Xuân Gừng chỉ huy bộ đội hình thành thế bao vây tiếp cận với dân. Khi bộ đội ta bất ngờ xuất hiện, ban đầu có không ít người đân đã hoang mang lo sợ. Nhưng khi nghe ta giải thích về chính sách khoan hồng của quân giải phóng, họ mới yên tâm và cho biết: Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 56 đang hành quân lên thay thế cho Tiểu đoàn 3 đang phòng thủ ở điểm cao 544 (Phu Lơ) và Đồi Tròn. Chúng bắt dân đi trước để thăm dò, nếu phát hiện thấy Việt Cộng thì chạy về báo sẽ được trọng thưởng.
Khi thấy tốp dân đi tiền trạm đã vượt qua yên ngựa của điểm cao 322 mà vẫn không có động tĩnh gì, tiểu đoàn địch tiếp tục hành quân. Lúc này là 10 giờ 40 phút, còn 50 phút nữa mới đến giờ G, giờ nổ súng tiến công địch trên toàn mặt trận. Làm sao đây? Địch hành quân hết sức chủ quan, một phần đội hình hành quân của địch đã lọt vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 3 từ Nam điểm cao 322 đến Bắc điểm cao 288. Nếu không nhanh chóng tiêu diệt lực lượng này thì chỉ nửa tiếng đồng hồ nữa thôi, Tiểu đoàn 2 sẽ hợp quân với Tiểu đoàn 3 tại điểm cao 544 và Đồi Tròn. Đến lúc ấy, chẳng những thời cơ tiêu diệt địch của Tiểu đoàn 3 sẽ qua đi, mà Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 làm nhiệm vụ tiêu diệt địch ở điểm cao 544 và Đồi Tròn cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thế rồi ở giây phút cần quyết đoán của một người chỉ huy, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu vừa điện thoại báo cáo Trung đoàn trưởng Phạm Minh Tâm và Chỉnh ủy Võ Hiển, vừa phát lệnh nổ súng tiêu diệt địch trước giờ G.
Sau loạt mình định hướng của Đại đội 1 hất bọt địch đổ rạp xuống bên đường, 8 khẩu cối 82 ly của Tiểu đoàn 3 và đại đội 17 bắn đồn dập vào đội hình quân địch đang lội qua sông Cam Lộ và quân địch ở bờ Nam sông Cam Lộ. Đại đội 1 của Tiểu đoàn 3 ở điểm cao 322 lập tức chia thành ba mũi tiến công, mũi thứ nhất do Trung đội trưởng Trung đội 1 chỉ huy đánh thẳng từ điểm cao 322 xuống quân địch ở chân điểm cao 322. Mũi thứ hai do Trung đội trưởng Trung đội 2 chỉ huy cơ động sang phái Tây Nam điểm cao 288 đánh thốc vào bên sườn quân địch. Mũi thứ ba phối hợp với Đại đội 2 vận động tiêu diệt địch ở bờ sông Cam Lộ. Bị tấn công bất ngờ từ ba hướng, bọn địch còn sống sót cố co cụm ở bờ Bắc sông Cam Lộ và phía Nam điểm cao 288 để chống trả ta chờ lực lượng phía sau lên tăng viện. Khẩu 12,7 của tôi và Đại đội 21 sau khi hạ thấp nòng súng bắn vào bọn địch đang hành quân trên đường tăng ở điểm cao 322 và tiêu diệt được 3 tên địch, đã được lệnh chuyển hướng bắn vào đội hình địch bên bờ Nam và trên sông Cam Lộ. Ngay lập tức tôi rê nòng súng về phía mục tiêu bóp cò nhiều điểm xạ dài. Những viên đạn vạch đường rời nòng súng cắm phập vào mục tiêu bên bờ sông Cam Lộ làm cho đội hình địch càng thêm rối loạn. Từ điểm cao 288, điểm cao 322 những khẩu cối 82 ly trong tầm bắn quan sát trực tiếp đã thi nhau thả đạn chính xác vào mục tiêu bộ binh lộ ở bờ Nam sông Cam Lộ vừa ngăn chặn không cho địch ở bờ Bắc sông Cam Lộ liều lĩnh vượt sông rút chạy về quận Cam Lộ, đồng thời hỗ trợ cho các chiến sĩ bộ binh Tiểu đoàn 3 xuất kích tiêu diệt chỉ huy Tiểu đoàn 2 và lực lượng địch co cụm ở Nam điểm cao 288, Nam điểm cao 322 và bờ Bắc sông Cam Lộ.
Sau tiếng kèn đồng phát lệnh xung phong của đồng chí Lê Văn Dần, liên lạc Tiểu đoàn 3, các chiến sĩ bộ binh Tiểu đoàn 3 đồng loạt hô xung phong thoát ly công sự tiêu diệt địch. Trong lúc Tiểu đoàn 3 đang xuất kích đánh địch từ hướng Đông, hướng Tây và hướng Bắc điểm cao 322, điểm cao 288 hất địch xuống dòng sông Cam Lộ để súng cối 82 ly và súng máy 12,7 ly của ta tiêu diệt. Thì một chiếc máy bay L19 - đây là loại máy bay trinh sát thường bắn pháo khói chỉ điểm mục tiêu cho không quân hoặc pháo binh đánh phá từ phá từ hướng Nam bay đến. Nó nghiêng cánh lượn một vòng xung quanh điểm cao 322 và điểm cao 288 để quan sát mục tiêu. Nhưng hình như tên phi công chưa phát hiện được ranh giới an toàn giữa bộ binh địch với lực lượng ta để bắn pháo khói chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh bắn phá. Nên nó thay đổi đường bay và hạ thấp độ cao bay dọc theo con đường tăng từ phía điểm cao 544 về hướng Cam Lộ. Chỉ chờ có thế, khi cả chiếc máy bay đã lọt vào vòng ngắm nhìn thấy rõ cả đầu tên phi công trong buồng lái, tôi lập tức bóp cò. Khẩu 12,7 ly trong tay tôi rung lên tuôn 5 viên đạn vạch đường vào chiếc máy bay, một bó đuốc thắp lên từ thân chiếc L-19 cùng với tiếng hò reo của các chiến sĩ bộ binh: Trúng rồi, cháy rồi!
Tôi ngừng bắn thở phào nhẹ nhõm xen lẫn niềm vui chợt trào dâng khó tả trong lòng. Bất chợt tôi nghĩ đến cha tôi. Tôi nghĩ đến cái dáng thất thần và giọt nước mắt của cha tiễn tôi ngày ra trận. Tôi lẩm bẩm trong mồm, cha ơi! Thằng Á của cha vừa mới lập công đầu cha có vui không?
Lúc ấy là 11 giờ 30 ngày 30 tháng 03 năm 1972, chiếc máy bay L19 bốc cháy cũng là lúc giờ G nổ súng của toàn mặt trận Quảng trị bắt đầu. Bầu trời Quảng Trị rền vang tiếng nổ của hỏa lực pháo binh ta bắn phá căn cứ địch. Trong thế thượng phong của người làm chủ trận đánh, Tiểu đoàn 3 và các đơn vị phối thuộc đã tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 56 Ngụy ở điểm cao 322, điểm cao 288 và bờ sông Cam Lộ trong trận đánh mở màn chiến dịch Trị - Thiên mùa xuân năm 1972. Trận đánh này đồng chí Nguyễn Việt Mão của Đại đội 1, Tiểu đoàn 3 đã lập công xuất sắc bắt sống 12 tên tù binh trong đó có cả tên Thiếu tá Hà Thúc Mẫn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 56 Ngụy. Riêng tôi cũng lập chiến công tiêu diệt được ba tên địch bộ binh và bắn rơi một máy bay L19. Sau này, khi trở về bình xét thi đua ở Nông trường Quyết Thắng, đồng chí Nguyễn Đình Quế - Khẩu đội trưởng; đồng chí Ngô Xuân Lục, Khẩu đội phó, và tôi ( Nguyễn Văn Á ) xạ thủ số 1 được đơn vị đề nghị cấp trên tặng Huân chương chiến công Giải phóng hạng Ba.
50 năm đã trôi qua, đồng đội của tôi giờ đây người còn, người mất. Nhưng hàng năm, mỗi khi gặp mặt truyền thống Cựu chiến binh Đại đội 21 (nay là Đại đội 16) chúng tôi lại cùng nhau ôn lại kỷ niệm về trận đánh mở màn Chiến dịch xuân hè năm 1972 ở điểm cao 322 và điểm cao 288 ngày 30 tháng 3 năm 1972, cùng những trận đánh bên chiếc lô cốt trên cánh đồng làng Phương Ngạn, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972. Đối với tôi, kỷ niệm này càng không thể nào quên bởi đã ghi tên tôi vào tấm Bảng vàng lập công trong phòng truyền thống của đơn vị. Trở thành niềm tự hào của tôi khi lính Trung đoàn 27, Đoàn Triệu Hải anh hùng trong những tháng năm “Ăn cơm bờ Bắc, đánh giặc bờ Nam” cùng cả nước trên chiến hào đánh Mỹ.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn nuôi hy vọng đến một ngày nào đó tôi sẽ xây dựng “Bia chiến tích” ghi lại chiến công của Tiểu đoàn 3 và Đại đội 21 ( nay là Đại đội 16) trong trận đánh ngày 30 tháng 03 năm 1972 ở điểm cao 322 và điểm cao 288. Như tôi và đồng đội đã xây dựng các công trình văn hoá tâm linh tri ân đồng đội gồm: “Khu tưởng niệm 81 liệt sĩ Đại đội 16”; “Khu tưởng niệm 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27”; “Đền thờ 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27”; “Bia chiến tích Khẩu đội 5” bằng đá xanh Thanh Hoá đẹp đẽ khang trang tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị.
Viết nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị ( 1/5/1972 - 1/5/2022 ).
Trái tim người lính