Ôi câu nói tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng không, đây là câu nói từ đáy lòng, từ trong sâu thẳm của những người lính c7- d5- e270 trước cuộc chiến cam go vô cùng khốc liệt tại làng xanh đường 24. Mạng sống của người lính chỉ tính bằng giờ, bằng phút và không ai có thể đoán trước được.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến bức thư của người lính viết gởi về gia đình trước giờ ra trận trong 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng trị “con viết lá thư này về cho gia đình phòng khi con đi khám phá bí mật dưới lòng đất để gia đình khỏi đột ngột” người chiến sỹ ấy là sinh viên năm thứ 4 trường đại học giao thông vận tải, anh đã xung phong nhập ngũ, anh cũng vừa cưới vợ. Anh còn dặn “sau này gia đình có điều kiện đi tìm con hãy đi tàu, đến sông Thạch Hãn, đến một ngôi làng... mộ con nằm ở đấy, trước mộ tấm bia khắc ghi tên con bằng nhôm...”.
Đã 43 năm rồi nay hồi tưởng lại, lật từng trang ký ức, ngược dòng thời gian, những người lính chiến chúng tôi, những người lính e270- f341 không khỏi bồi hồi xúc động, lòng nức nghẹn nhớ tới những đồng chí, đồng đội đã chiến đấu dũng cảm và đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng đội đã để lại một phần máu thịt của mình ở những “cánh đồng chết” tại làng xanh đường 24 CPC giáp biên giới Tây Ninh.
Khoảng cuối tháng 6/1978 bọn Pôn Pốt- Iêng Xa Ri vẫn hung hăng tiến đánh các địa bàn thuộc tỉnh Tây Ninh và toàn tuyến biên giới Tây Nam. Chúng cướp bóc giết hại đồng bào ta rất dã man. Lúc này với tinh thần phải đánh sâu vào hậu cứ của địch tạo điều kiện cho lực lượng phía sau xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, đồng thời ta phải đánh mạnh, đánh dằn mặt nhằm buộc chúng từ bỏ dã tâm xâm lược. Chúng tôi thuộc c8 - d5 là đại đội hỏa lực pháo cối đi cùng. Đại đội 8 gồm 3 trung đội, trung đội DKZ và trung đội 12,7ly luôn đi phối thuộc với các đại đội BB có cán bộ trung đội, đại đội đi cùng để chỉ huy và phối hợp với chỉ huy đơn vị bạn trong tác chiến, riêng trung đội cối 82 luôn có ct c8 đi cùng. Trong bố trí đội hình b cối 82 thường ở gần d bộ để vừa bắn chi viện vừa bảo vệ một hướng cho BCH d đỡ lạnh lưng hở sườn, nếu để địch đánh vào BCH d lúc đó sẽ rối loạn vì rất khó khăn trong chỉ huy.
Quay lại câu chuyện của c7 và e270 trong thời gian tiến công và phòng ngự ở làng xanh đường 24. Khoảng từ tháng 6 đến cuối tháng 8 năm 1978. Đây là mùa mưa, mưa liên miên, mưa liên tục, mưa biến những cánh đồng thẳng cánh cò bay thành một biển nước mênh mông. Đó đây thấp thoáng một ngôi làng nhỏ độ vài căn nhà được dân xây dựng trên những vùng đất cao hơn ruộng nước một chút. Làng xanh là một trong những ngôi làng đó, làng xanh nằm trên trục được 24 bởi vậy nó có ý nghĩa chiến lược vô cùng có lợi nếu bên nào chiếm được. Vì đường 24 là con đường huyết mạch vận chuyển tiếp tế lương thực thực phẩm và chuyển thương binh liệt sỹ về tuyến sau. Bởi vậy ta cố dữ, địch cố chiếm, nên làng xanh được gắn thêm một tên mới “làng xanh vang tiếng DK”.
Do mùa mưa nên bộ đội chiến đấu trong điều kiện vô cùng vất vả, người luôn ướt sũng, dưới hầm bùn nhão nhoét, nước luôn ngập 1/2 hầm. Địch đánh theo kiểu du kích: đêm nào cũng cho một tốp 3 - 5 đứa bò vào tập kích các chốt tiền tiêu của ta, đồng thời chúng cho một lực lượng nhỏ luồn sâu trinh sát, tiếng là trinh sát nhưng gặp quân ta ít là nó đánh, nó không tuân thủ theo nguyên tắc nào cả. Vì nhiệm vụ trinh sát là nắm các tin tức tình báo, tình hình phía sau của đối phương về báo cáo chỉ huy, chứ không được tùy tiện đánh lung tung như bọn pốt đâu. Còn đây chúng liều mạng đánh tất, bởi vậy khổ nhất là lính thông tin hữi tuyến đêm khua đi nối dây- dây bị đứt, nếu gặp lính trinh sát Pốt là rắc rối to. Sau khi chúng cứ tập kích nhỏ cho quân ta mất ăn mất ngủ, cứ khoảng 7 - 10 ngày chúng tập trung lực lượng có xe thiết giáp M113 tăng cường đánh mạnh, đánh dữ dội vào một điểm chốt nào đấy và chúng đánh dai như đĩa. Nếu đánh 2 - 3 ngày không được chúng mới chịu rút quân.
Trường hợp của e270 cũng vậy. Sau khi ta bố trí tuyến phòng ngự trên đường 24 xung quanh làng xanh, bên phải đường 24 tính từ làng xanh lên hướng quân Pốt gồm: c3 đến c2 và c1- d4, điểm nhô lên cao nhất - điểm giáp quân pốt nhất là c7- d5. Bên trái đường phía sau cách c7 khoảng 200m là B cối 82- c8- d5. Do c7 nhô lên cao nhất nên không kể ngày hay đêm cả tháng trời gần như ngày nào quân Pốt cũng đánh vào chốt c7, các chốt khác chúng cũng đánh nhưng tần suất không dài đặc như ở c7. C7 đi phối thuộc với d4 nhưng trong qua trình c7 chốt ở đây cối c8 được giao nhiệm vụ bắn chi viện cho c7. Bọn Pốt cũng khôn lắm chúng thường đánh vào chốt lúc trời mưa, vì trời mưa nước vào nòng cối- cối không bắn được, nếu bắn nước mưa ướt liều chính, liều phụ, khi đạn thả vào nòng đạn sẽ bị xịt.
Do tính chất cuộc chiến vô cùng ác liệt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vì mua mưa, bởi vậy mỗi lần gặp tôi về db ở làng xanh gặp anh em c7, lúc nào anh em cũng nói “trên này bọn tao lạnh lưng hở sườn lắm, khi nào Pốt tập kích mày nhớ bắn chi viện tối đa cho bọn tao với, và hàng đêm mày nhớ bắn cối cầm canh cho bọn tao, để bọn tao ngủ ngon giấc”. Trời ơi sau câu nói này không lâu đêm 8/8/1978 địch tổ chức hơn 1 trung đoàn có rất nhiều xe thiết giáp M113 yểm trợ chúng đánh liên tục toàn tuyến của d4.
Vì lực lượng địch quá đông vả lại chúng có nhiều thê đội, chúng dùng xe vận tải chở quân thay nhau đánh vào các chốt của d4, các đại đội tại các điểm chốt thương vong nhiều kiệt sức và mất chốt. Mất chốt đầu tiên là c1 tiếp đến c2 và cuối cùng là c3. Trong lúc đó chốt tiền tiêu nhô lên cao nhất của c7 vẫn kiên cường bám trụ. Chiều 09/8/1978 đại đội 7 tiểu đoàn 5 gần như bị xóa sổ sau 2 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm dưới sự chỉ huy của ct Nguyễn Hồng Hợi. Lúc đó quân pốt có 2 xe M113 yểm trợ, chúng tổ chức nhiều thê đội, được xe vận tải chở quân đến tiếp ứng, chúng thay nhau đánh - đánh liên tục vào chốt c7. Với kiểu đánh cò cưa đó, sau 2 ngày đêm chiến đấu, c7 thương vong nhiều, anh em bị kiệt sức và hết đạn, quân Pốt đã tràn lên trận địa chốt của c7.
Bức điện cuối cùng của c7 gởi về SCH: quân Pốt đã tràn lên chốt chào vĩnh biệt thủ trưởng, tắt máy. Trong trận này có 5 đồng chí bị thương nằm nấp dưới ao bèo chờ đêm tối bò ra, người đầy máu và bùn đất, quần áo tả tơi. Trong số 5 đồng chí có đồng chí Hợi ct, đồng chí Nguyễn Kim Kha, (anh Hợi sau này lên làm dt d6, anh hy sinh ở tà sanh, bát tam băng CPC). Trong trận này Nguyễn Kim Kha lính 74 quê Nghệ An bị thương nặng, anh bị một viên đạn cướp mất của anh một “hòn ngọc” ấy vậy mà sau này về lấy vợ, thật may mắn vợ Kha vẫn sinh được 4 người con. Vâng số phận đã mỉm cười với anh. Cũng xin nói thêm rằng Kha là trường hợp hi hữu anh đã 2 lần thoát chết kỳ diệu.
Trong trận đêm 31/12/1977 ở Hà Tiên, d5 được lệnh rút quân, với đội hình cuốn chiếu, đơn vị đang chuẩn bị rút theo hợp đồng. Đúng lúc này Pốt tập trung hơn 2 tiểu đoàn đánh vào d5, trước tình hình nguy cấp này BCH d5 quyết định để trung đội của Kha thuộc đại đội 7 làm trung đội cảm tử chặn quân địch lại để bảo vệ đội hình d5 rút quân an toàn, giảm mức thương vong thấp nhất cho toàn tiểu đoàn. Sau hơn 2 giờ huyết chiến trung đội cảm tử hy sinh hết, Kha bị thương, lúc quân Pốt tràn lên Kha giả chết, lợi dụng ban đêm và địch sơ hở Kha bò ra rừng tràm hướng cửa khẩu xà xía bò tới. Sau 7 ngày đêm lúc tỉnh lúc mê, dọc đường khát uống nước sình lầy và trắt hạt lúa rơi rụng sống cầm hơi, khi đến cửa khẩu kha, ngất lịm, hôn mê. Sau đó bộ đội biên phòng tìm kiếm, anh em tìm được Kha trong trình trạng Kha hôn mê sâu trên mình một số nơi đã bị hoại tử, côn trùng bò đầy người ăn dần cơ thể của Kha - Kha thoát chết 2 lần cả 2 điều thật kỳ diệu.
Trong thời gian chốt ở làng xanh trận địa cối cũng bị tập kịch một lần, nhưng nhờ anh em cối chiến đấu dũng cảm và bắn cối ứng dụng hiệu quả khi địch cách trận địa 50m. Với tốc độ bắn 20p/phút, với kiểu bắn ứng dụng rất linh hoạt, khi đã bắn đúng đội hình chúng trong điều kiện chúng đang tiền nhập trong ruộng nước thì chỉ còn cách duy nhất tháo chạy may ra còn giữ được mạng sống.
Chúng tôi những người lính đã tham gia 3 cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ Quốc, từ cuộc kháng chiến đánh Mỹ trước năm 1975, sau này lên biên giới bảo vệ biên cương của Tổ Quốc và làm nhiệm vụ quốc tế CPC. Hơn ai hết chúng tôi những người lính chiến - những người từng trải, nên luôn thấu hiểu nỗi đau thương, mất mát to lớn này. Nhiều thế hệ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình, nhiều đồng chí đã chiến đấu dũng cảm và đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc chúng ta có hòa bình như ngày hôm nay.
Theo Trái tim Người lính