Lần này tôi có cơ hội được đọc sách " Một thời để nhớ " của tác giả Tống Hồng Quân (THQ). Bất chợt tôi có một suy nghĩ: nếu sau này tác giả vẫn duy trì niềm đam mê viết thì cuốn sách này sẽ là "kỷ vật" của THQ, bởi vì khi đọc lại nó, bạn sẽ thấy một cảm xúc rưng rưng, rồi tự mỉm cười một mình vì sự..."ngộ nghĩnh" của những ngày đầu tiên cầm bút viết. Sau đó sẽ là một chút tự hào vì đã dám nghĩ, dám viết và dám chịu trách nhiệm trước lịch sử...
Có thể nói: tác giả chọn cái Tít bài đầu tiên: " Tấm ảnh xưa kể chuyện" là rất chuyên nghiệp và độc đáo. Bởi đằng sau tấm ảnh là những dòng hoài niệm về một thời đã xa, rất dễ thương dành cho tuổi teen ngày còn đi học, về lòng cảm phục và tri ân cô giáo Hoàng Minh Trâm... Ai cũng hiểu đó là tất cả tâm tư tình cảm đặc biệt của tác giả muốn dành riêng cho họ...
Thật bất ngờ vì lần đầu tiên tôi được biết đến những thử thách, gian khổ và hy sinh của những người lính trên con tàu không số. Đó là sự đối lập với những đói ăn, thiếu mặc và những hy sinh khi giáp mặt với kẻ thù của những người lính ta thường gặp qua mỗi trang viết.
Những dòng chữ: " Bữa cơm trên tàu bày la liệt thức ăn. Thịt gà mấy đĩa đầy ú hụ. Đĩa gan lợn rán thái to dày như lưỡi lợn. Thịt chân giò sắt miếng, to như bàn tay trẻ em, vun đầy có ngọn. Giò lụa khúc to, cắt dày..." Cùng những chi tiết buồn nôn, bị nôn: " Chỉ còn dịch xanh của mật, dịch vàng của gan..." khiến người đọc cũng cảm được nguồn cơn của việc bị say sóng. Bởi vì: " Ăn được thì cứ ăn thật nhiều vào, để còn có cái mà nôn ra"...Cuộc đời lính tàu khi giáp mặt với kẻ thù và sự hy sinh cũng khác, đó là chuyện tàu địch rượt đuổi, bao vây để bắt sống tàu của ta. Quyết định của cấp trên phải bấm nút bí mật hủy tàu, đồng nghĩa với việc hy sinh để giữ bí mật con đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam...là những hình ảnh đặc trưng của sự khác biệt và đối lập ấy.
Đọc những trang viết về sự hy sinh của những người lính tàu không số, cùng những mất mát và thực tế của gia đình họ, ta không thể cầm lòng được. Đó là trường hợp của liệt sỹ Hoàng Ngọc Trạch và sự cố của chiếc xe ô tô chở tù Côn Đảo về đất liền bị chìm xuống biển...Đó chính là "tính hiện thực sâu sắc, dù có tàn nhẫn" mà tác giả phải chịu trách nhiệm trước lịch sử...
Tôi thích những hình ảnh được tác giả phác họa bằng những câu chữ: " Sáng hôm sau từ ga Hàng Cỏ đến ga Văn Điển, phủ trắng bì thư của những người lính đi B...", " Nhiều đồng đội đã không có vé khứ hồi...". Tôi cũng hiểu những hình ảnh đó, sẽ chạm đến nỗi đau và lòng thương cảm của bất cứ ai khi đọc nó...rồi chi tiết khi tác giả tả lại giây phút qua cây cầu gãy ở Ninh bình - tôi chợt nhớ lại cảm giác từ lâu lắm, khi đọc một câu chuyện nước ngoài, có câu: " Sinh mạng của người này gắn liền với sinh mạng của người kia..."
Phần lớn những bài viết của THQ đều mang nét đặc trưng riêng, đó là: vui, dí dỏm, hồn nhiên, vô tư và trong sáng...luôn đem lại tiếng cười cho độc giả. Truyện " Cô con gái thứ ba "- tôi đã không hiểu nổi, giọng văn của tác giả lại mang đậm nét " cụ non" đến thế: " Để anh trông con, em tranh thủ ngủ đi cho sữa về". Còn truyện " Gói mì tôm", " Mùa mít chín" thì mang đậm chất lính.
Những trang viết của tác giả thường phóng khoáng và cởi mở, gắn liền với tình cảm gia đình: truyện " Cái má phính của tôi", " Mắm tôm chưng bì thịt băm", " Ngủ chung, ngủ riêng". Nhưng đôi lúc lại đắm chìm trong thế giới nội tâm. Đó là sự trải lòng, là nỗi niềm day dứt khi không thể giúp đỡ gì được nhiều cho người thân và gia đình đồng đội, mặc dù đã từng góp sức cùng những Ccb, giúp đỡ cho vợ con liệt sĩ Huỳnh Ngọc Trạch...
Tôi dám đoán: tác giả này khi cầm bút viết, cảm xúc thăng hoa đến mức người nhẹ bẫng, " lơ lửng như quả bóng bay" nên ít đầu tư thời gian để kiểm và chỉnh sửa... Nhưng tính giản dị, chân thực và mạch dẫn chuyện thì vẫn lôi cuốn được độc giả...
Tôi không phải là một cô giáo để có đủ khả năng viết hoàn chỉnh một bài văn chứng minh hoặc phân tích về một tác phẩm. Chỉ là vài dòng cảm nhận thực tế từ đáy lòng.
Xin cảm ơn tác giả THQ và tác phẩm " Một thời để nhớ".