Đoạn trích "Trao duyên" trong Đoạn trường tân thanh của Đại thi hào Nguyễn Du gồm 34 câu (từ câu 723 đến câu 756) đã được chọn giảng trong chương trình lớp 10 THPT từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX (tuy nhiên chúng tôi xin lấy mốc 2006). Sách định hướng cho giáo viên giảng dạy xuất bản cùng năm (2006) trang 95 có viết: "giúp học sinh hiểu được tình yêu sâu nặng và bi kịch của Kiều qua đoạn trích. Đối với Kiều, tình và hiếu thống nhất chặt chẽ... Rồi, dòng 15 từ dưới lên (trang 98) những người hướng dẫn ghi: "thân phận đau khổ, nhưng nhân cách sáng ngời...".
Trong suốt gần 30 năm giảng dạy người viết bài này cứ thấy trăn trở về nội dung đoạn trích, về cách lý giải đã được định hướng. Phải chăng Kiều tốt đẹp như thế? Có thể đúng, nhưng cũng có thể không! Hình như, có một Thúy Kiều với "tính cách lưỡng hóa" trong đoạn trích này, một Thúy Kiều tỉnh táo đến lạnh lùng trước bi kịch tình yêu tan vỡ.
Đêm trước ngày đi theo Mã Giám Sinh, Thúy Kiều than khóc vật vã cho bản thân mình, cho mối tình với chàng Kim Trọng. Cô em Thúy Vân nghe Kiều than khóc mới chợt tỉnh giấc nồng, hỏi nguồn cơn khiến cho chị mình đang phải vật vã (có thể nhận xét về cô em Thúy Vân thế này: đây là cô thiếu nữ ngây thơ, ăn chưa no lo chưa tới). Có lời của em, nàng Kiều lập tức bắt lấy cơ hội:
"Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa"
Với sự sắc sảo trong giao tiếp, Kiều lựa chọn ngôn từ thật tinh tế. Nàng chọn từ "cậy" - tin tưởng tuyệt đối vào cô em để phó thác công việc, chứ không "nhờ" - mong muốn em giúp đỡ, nhưng mang tính nước đôi. Sâu sắc hơn, nàng ta dùng từ "chịu" - lĩnh việc không tự nguyện và để cô em non nớt của mình chịu ngồi lên cho nàng "lạy" - một hành động trái với lễ giáo phong kiến và luân thường đạo lý. Bẫy giăng ra, cô em ngờ nghệch chưa tỉnh ngủ hẳn đã rơi vào, để rồi buộc phải chấp nhận lời thỉnh cầu của chị. Nào cô đã biết lý do người chị tinh quái của mình phó thác và buộc cô phải làm đâu? Khi nàng Vân nhẹ dạ nghe lời ngồi lên, cô chị đã thao thao bất tuyệt kể lể nguồn cơn của mình. Câu chuyện có đủ: sự, lý, tình. Đó là cuộc tình nồng nàn với chàng Kim Trọng, đó là tai ương đổ ập xuống gia đình (khi có lời vu oan giá họa của thằng bán tơ); đó là việc Kiều chọn lựa hy sinh chữ Tình cho chữ Hiếu. Tiếp đó, Kiều còn cậy vào tuổi trẻ, tình máu mủ ruột thịt để thỉnh cầu Thúy Vân. Cao hơn nữa, nàng còn lấy linh hồn mình khi không còn trên cõi đời này để tỏ lòng biết ơn cô em khi thay mình đến với chàng Kim. Đây có thể coi là những lời tâm tình chân thành của một Thúy Kiều hết lòng vì gia đình vì người tình Kim Trọng. Nàng cố thuyết phục Vân bằng mọi lý do, bởi Vân không hề có tình cảm với chàng nho sĩ hào hoa, phong nhã này và một cô nàng ngây thơ như Vân chắc cũng khó lọt mắt xanh anh chàng si tình Kim Trọng. Song, chúng tôi nhận ra, sự "lưỡng hóa" trong tính cách của nàng bắt đầu từ hành động trao kỷ vật tình yêu của mình và Kim Trọng cho Thúy Vân. Theo logic, kỷ vật luôn đi liền với tình yêu, khi tình yêu không còn thì kỷ vật cũng thành vô nghĩa; nhưng Kiều vẫn cố trao cho em những kỷ vật ấy: bức tờ mây - tờ giấy ghi lời thề thốt, ước hẹn của nàng và Kim Trọng; chiếc trâm cài tóc - "sứ giả" làm cầu nối cho lần gặp gỡ nói chuyện giữa hai người và cả phím đàn, mảnh hương nguyền... Rồi, nàng còn cố vớt vát trong hai chữ "của chung" đầy tiếc nuối:
"Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung"
Việc trao kỷ vật cho Thúy Vân, có lẽ không phải là sự rối trí của nàng Kiều (nên nhớ, nàng rất tỉnh táo sắc sảo trong câu 735,736: Chiếc thoa với bức tờ mây/Duyên này thì giữ vật này của chung) mà là sự tính toán bài bản. Nàng muốn chứng tỏ sự chung thủy của mình với Kim Trọng, nàng trân trọng gìn giữ kỷ vật tình yêu của hai người. Nhưng, khi có sự hiện diện của kỷ vật ấy, thì liệu chàng Kim có coi Thúy Vân là vợ nữa hay không? Hay nó chỉ làm cho anh ta luôn nghĩ đến Kiều, đến "người quốc sắc" đã từng thề thốt cùng anh? Câu hỏi này đã được chứng minh khi sau này, dù đã đỗ đạt làm quan, đã yên bề gia thất với Thúy Vân thì chàng Kim Trọng vẫn trăn trở, nặng lòng với mối tình xưa cũ:
"Rắp mong treo ấn từ quan
Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua
Dấn mình trong áng can qua
Vào sinh ra tử lọ là thấy nhau" (câu 2939- 2942)
Chao ơi, sống bên vợ mà còn mong nhớ, còn khát khao tìm lại người tình; thử hỏi Thúy Vân có hạnh phúc được chăng? Rõ ràng, hành động này của Thúy Kiều chỉ làm cho Kim Trọng và Thúy Vân đau khổ. Phải chăng, nàng muốn cho cả chàng Kim và em gái mình luôn sống trong cái bóng tình yêu của chính nàng? Và, khi nàng chịu bất hạnh thì họ cũng không thể có hạnh phúc thực sự? Đỉnh điểm của sự "lưỡng hóa" trong tính cách này còn được đẩy lên bằng lời than khóc, lời tự trách mình:
"Mai sau dù có bao giờ/ Đốt lò hương ấy so tơ phím này/ Trông ra ngọn cỏ lá cây/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về/ Hồn còn mang nặng lời thề/Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai/Dạ đài cách mặt khuất lời/Rảy xin chén nước cho người thác oan/ Bây giờ trâm gãy gương tan/Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân/Trăm nghìn gửi lạy tình quân/Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi/Phận sao phận bạc như vôi/Cũng đành nước chảy hoa trôi lỡ làng/Ôi Kim lang, hỡi Kim lang/Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây".
Dù ngờ nghệch, non nớt đến mấy thì khi nghe niềm tâm sự đắng chát xót xa của người chị; Thúy Vân cũng ghi vào tiềm thức. Nó ám ảnh nàng suốt cả cuộc đời, nó khiến cho Vân bất hạnh; để sau này khi tìm lại được Thúy Kiều qua 15 năm lưu lạc Thúy Vân đã khăng khăng đòi trả Kim Trọng lại cho chị mình và chấp nhận sống cô đơn. “Tàng tàng chén cúc dở say/Đứng lên Vân mới giãi bày một hai/Rằng trong tác hợp cơ trời/Hai bên gặp gỡ một lời kết giao/Gặp cơn bình địa ba đào/Vậy đem duyên chị buộc vào cho em/Cũng là phận cải duyên kim/Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao?/Những là rày ước mai ao/Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình!/Bây giờ gương vỡ lại lành/Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi/Còn duyên may lại còn người/Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa/Quả mai ba bảy đương vừa/Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì!” (từ câu 3061 -3076). Kiều không thể và không dám quay lại với người tình - lúc này đã là em rể; nhưng khi chuyển sang mối quan hệ bè bạn: "Khi chén rượu khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên" thì Vân cũng trắng tay!
Trở lại với đoạn cuối, khi Kiều than khóc đến mức cô em còn non nớt đang say giấc nồng cũng phải thức dậy; thử hỏi Vương ông, Vương bà liệu có thể an tĩnh chăng? Chắc là không! Và hậu quả là tất cả mọi người trong gia đình nàng đều phải day dứt khôn nguôi trước sự cố này.
“Trao duyên” nhưng không trao tình; trao duyên nhưng không để mọi người sống bình an. Dù Kiều hy sinh chữ Tình cho chữ Hiếu, song nỗi đau tinh thần nàng đã gieo vào sâu trong tim mỗi thành viên trong gia đình, khiến cho tất cả đều sống cùng bất hạnh!
tam
14:55 22/09/2023
từ khi ngồi ghế nhà trường, tớ cũng từng làm 1 bài phản luận trích đoạn trên thì ý này lại bị thầy cô bác bỏ vì đi ngược...bởi hình tượng của Kiều được xây dựng là người con gái đầy đủ phẩm hạnh, hiếu với song thân, người chị thương 2 em hết mực, thủy chung với Kim Trọng thì sẽ không gây nỗi đau cho em gái của mình. Tuy nhiên, để ý đoạn trao duyên, Kiều chỉ quan tâm đến Kim Trọng có suy nghĩ đến tương lai của đứa em thơ ngây của mình, ép em lấy người yêu mà lại bắt em gái lẫn người tình phải luôn nhớ đến sự hy sinh của mình...nên mình hok thích hình tượng nàng Kiều là vậy....